4. MÃI LUÔN ĐONG ĐẦY YÊU ĐƯƠNG– CHA MẸ CŨNG LÀ CẶP UYÊN ƯƠNG

 

Giả thiết “mười điều răn” cho cha mẹ nên bắt đầu như thế này: “Chính cha mẹ phải năng chăm sóc nhau nếu họ muốn chăm sóc con cái mình. Bổn phận đầu tiên của một người cha với con cái mình là yêu thương mẹ của chúng. Và ngược lại”.

Cha và mẹ nên luôn nhớ họ cũng là vợ chồng và bởi đó phải gia tăng tình yêu cho nhau và cho con cái đồng một lúc. Thông thường trong gia đình, nếu mối dây liên kết vợ chồng vẫn sống động và mạnh mẽ, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và có thể giải quyết các vấn đề.

Chúng ta có một vài nhận xét đơn giản về đề tài này, thỉnh thoảng bị lãng quên khi nói về việc giáo dục con cái.

Khác cực hút nhau. Luôn luôn có một kiểu nữ tính và một kiểu nam tính khi xem xét và đương đầu với thực tế cũng như với các vấn đề. Sự khác biệt này phải thấy được rõ ràng, đừng để nó bị bóp chết. Phải làm sao để vai trò người mẹ và vai trò người cha không bị đảo ngược một cách nông nổi. Một trong hai người có thể buông xuôi bởi cảm thấy bị loại trừ. Lúc xem xét sự việc, chính sự khác biệt sẽ bổ túc, làm hài hòa và hình thành một phong cách “gia đình”.

Canh tân và thay đổi. Quan trọng là đừng để rơi vào các thói quen đơn điệu, cũng đừng chỉ giữ ở một mức độ chấp nhận được. Lớn lên nghĩa là đổi mới, phá vỡ lề thói sáo mòn, tự lắng nghe, nhận biết những chuyển biến đang diễn tiến. Đừng nói chuyện cách máy móc với người khác như kẻ đã bị lên khuôn hoặc bị yên trí, nhưng với con người lúc này đây.

Phụ nữ gánh vác trọng trách việc nội trợ và do đó đàn ông cũng phải nhớ rằng họ hiếm có thời gian dành cho chính mình. Một người mẹ đã viết: “Tốt đẹp biết bao nếu đôi lúc người ta nhận biết tôi là một con người, có những lúc nhục nhã, chán nản, yếu đuối. Tóm lại tôi cũng là một con người như họ và tôi cũng có đầy tiềm năng yêu thương, nhờ đó người ta có thể hưởng dụng với điều kiện hãy coi tôi như một người đồng hành hướng tới mọi giá trị, chứ không phải như một con bò sữa”.

Những ngày kỷ niệm, lễ hội, quà tặng, đi chơi, ăn ngoài trời và những thiệp chúc mừng có thể phá tan tầng mây xám vô vị của những thói quen.

Phá đổ bức tường ngăn cách. [1] Một câu chuyện cổ kể về hai vị ẩn tu chốn sa mạc, họ sống trong các hang động gần nhau. Một trong hai vị tin rằng giờ đây mình gần đạt tới sự thiện hảo và không chấp nhận những cái thường ngày, ngay cả điều nhỏ nhặt, chẳng cần cả người kia. Để cụ thể hóa việc người kia còn xa sự thánh thiện là bao nhiêu, việc đầu tiên ông quyết định là đặt thêm một tảng đá ở cửa hang mỗi khi người kia phạm điều gì đó. Sau một vài tháng trước cửa hang của ông là một bức tường đá xám ngắt và ngột ngạt.

Đôi khi chúng ta xây những bức tường như thế xung quanh trái tim mình, với những hòn đá nho nhỏ hàng ngày của sự thù oán, cố chấp, lặng thinh, dỗi hờn, những vấn đề chưa được giải tỏa.

Biểu lộ tình cảm là điều quan trọng, luôn nhạy cảm với nỗi đau của người khác. Chấp nhận người khác với những bất toàn không thể tránh khỏi. Người nữ có nhu cầu truyền đạt tình cảm của mình, cảm thấy được lắng nghe và được che chở; người nam có nhu cầu cảm thấy được đánh giá cao cho cái tôi.

Giữ cánh cửa tâm hồn luôn luôn rộng mở. Cánh cửa của sự hòa hợp bất thình lình bị đóng lại vì không còn tin tưởng, quý mến, nhẫn nhục, thông cảm, hiểu biết và kính trọng. Ngòi nổ bắt đầu từ sự khiêu khích, người ta làm tổn thương nhau bởi chuyện vặt vãnh, cái tưởng chừng “dễ thương” bổng dưng trở thành dễ ghét.

Tình cảnh trở nên nặng nề khi vợ và chồng luôn luôn ở thế phòng thủ và họ có cảm giác bị tấn công cả khi người kia chỉ nói về điều họ cảm thấy chẳng dính dáng gì đến mình.

Tình yêu, sự lãng mạn, lòng chung thủy. Gia đình vận hành khi nó là một tổ ấm yêu thương ổn định. Nó cần thở bằng một tình yêu bền bỉ và cụ thể, vì tình yêu này là nguồn tiếp viện hàng ngày cho niềm hy vọng mà con cái cần có để sống còn trong thế gian này.

Chồng và vợ có cần phải hâm nóng tình yêu cách đều đặn, làm mới lại cách đều đặn các nghĩa cử lãng mạn, từ những bông hoa đến việc nhìn vào mắt nhau khi nói chuyện.

Kẻ thù nham hiểm thật sự của gia đình là sự lơ đễnh. Những vấn đề lớn thường không phải là nguyên nhân gây đổ vỡ và chia rẽ, nhưng hiểm họa nằm trong sự lơ đễnh. Có lẽ trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc, nhận biết và can đảm để làm những điều nhỏ nhặt lại có thể cứu vãn nguy cơ đổ vỡ, nhưng rồi vì sự lơ đễnh người này không thể nhặt nổi một chiếc vớ bẩn từ sàn nhà để làm vui lòng người kia.

Trong một xã hội tạm bợ và “tương đối” như thời nay, sống và tái khẳng định lời cam kết chung thủy cần cho gia đình như nước cần cho hoa vậy.

Tìm thế quân bình giữa phụ thuộc và tự lập. Một gia đình không thể là một loại doanh trại với vị chỉ huy và thuộc cấp, cũng không phải là một công ty với ông chủ và các nhân viên. Điều cần thiết là đạt được sự hòa hợp thật sự. Truyền đạt nhiều, và trên hết lắng nghe nhiều.

Yêu đương và kết hôn có thể làm trên đôi cánh thần tiên... Nhưng sống với nhau thì không tự động có được: cần quá trình học biết, lao tâm khổ tứ và sự hy sinh. Nó giống như học khiêu vũ, khi người này bước tới, thì người kia phải bước lùi. Lần lượt kẻ trước người sau. Nhưng người ta chỉ có thể làm điều đó nếu tay trong tay xiết bao ân tình.

Cùng chung một sứ mệnh. Có lẽ đây là bí quyết lớn lao: hôn nhân là một giao ước nhằm một mục đích cao đẹp hơn. Không có đẳng cấp. Cùng nhau đưa ra những quyết định. Với phận sự khác nhau, trách nhiệm khác nhau. Nhưng cần hướng đôi mắt chỉ gắn chặt vào một mục tiêu nhìn xa hơn những chân trời hạn hẹp của việc chung sống dưới một mái nhà để giúp đỡ nhau “ra khỏi khó khăn”.

 

Vợ chồng sẽ bày tỏ sự âu yếm nhau.

 


 



[1]Ep 2, 14.