8. “XIN LẮNG NGHE CON NÓI MỘT LÚC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ” – LẮNG NGHE CON TRẺ LÀ ĐIỀU CHẲNG DỄ DÀNG

 

Don Bosco đã nói với những cộng tác viên của ngài như sau: “Hãy tạo sự dễ chịu để các học sinh phát biểu tư tưởng mình cách tự nhiên. ” Ngài nhấn mạnh: “Hãy nghe chúng, hãy để chúng nói nhiều vào. ” Trước hết, Don Bosco là một gương sáng về “sự lắng nghe”. Một bức ảnh nổi tiếng cho thấy Don Bosco đang giải tội cho học trò (Paolino Albera): toàn thân ngài trong tư thế ân cần lắng nghe.

Trong bộ Hồi Sử [1] ghi lại: “Mặc dù công việc bộn bề và nặng nề, nơi phòng mình Don Bosco đã luôn sẵn sàng đón tiếp các bạn trẻ xin gặp riêng ngài, với trái tim của một người cha. Thậm chí ngài muốn đối xử với họ hết sức thân thiện và không bao giờ phàn nàn về sự quấy rầy thiếu tế nhị của họ. Ngài để cho mỗi người hoàn toàn tự do để đặt câu hỏi, trút bầu tâm sự, thanh minh thanh nga, xin lỗi. . .

Ngài đã tiếp đón các bạn trẻ bằng chính lòng kính trọng đã có với giới cao sang quyền quý. Mời họ ngồi ở tràng kỷ, ngài đứng lên khỏi bàn làm việc, đến ngồi nơi chiếc bàn khách và chăm chú nghe như thể mọi điều họ trình bày thì vô cùng quan trọng. . . ”

Phần lớn các bậc cha mẹ tin tưởng là mình lắng nghe con cái. Tưởng như đó làmột việc dễ dàng và coi nhẹ. Tuy nhiên, được mấy lần ông bố và bà mẹ lắng nghe cách chân thành, chăm chú nghe những gìcon cái nói hoặc tìm cách nói?

Corinna (8 tuổi) càu nhàu: “Cháu nói, nói, mà chẳng ai lắng nghe cháu”. Và Giuditta (7 tuổi) kể: “Rồi thì, vào ban đêm cháu lăn tròn trên giường cho đến khi úp mặt vào tường và cháu nói một mình, vì ít ra cháu có thể nghe cháu nói”. Nơi phòng khách tại trại cải huấn, một thanh niên nói với cha mình cách cay đắng: “Thưa bố, trong suốt hai mươi năm trời bố có nhận ra rằng đây là lần đầu tiên bố ngồi để nghe con nói không? ”.

Khi cha mẹ tìm cách buộc con cái phải nói về một vấn đề nào đó, họ đang làm chuyện vô ích, rốt cuộc họ nổi cáu với nhau và cuộc nói chuyện bị phá vỡ.

Nghệ thuật lắng nghe

Những cản trở cho việc đối thoại nơi gia đình chủ yếu thường do thiếu thời gian và lo nghĩ về các vấn đề hàng ngày, nhưng cũng bởi nhiều cha mẹ “ không muốn” lắng nghe. Đôi khi vì những lý do vô thức sâu xa, nhiều cha mẹ không muốn biết những vấn đề của con cái bởi họ mang mặc cảm tội lỗi: tự cho mình có trách nhiệm về các vấn đề hay về sự bất hạnh của con cái, họ cảm thấy khó chịu, và kết quả có khuynh hướng phủ nhận tâm trạng đang có. Những người khác sợ nghe sự thật. Họ tự vệ để khỏi mang cảm giác thất bại bằng cách phớt lờ tâm trạng đang có nơi con cái.

Về vấn đề này,đôi lúc người ta phải nói thêm rằng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên tỏ ra miễn cưỡng khi truyền đạt tư tưởng. Chẳng hạn việc thú nhận lòng ghen ghét hoặc sự giận dữ của mình với cha mẹ, xem ra không chỉ làm họ xấu hổ mà còn liều lĩnh nữa. Khi để cha mẹ thấy mặt tiêu cực, con cái sợ mất tình thương của cha mẹ, sợ không được am hiểu, sợ khơi lên cơn tức tối hoặc sự phản đối của cha mẹ.

Để điều chỉnh với con cái, nóđòi hỏi một cung cách riêng trong sự tập trung và sự can đảm. Đây là một số chiến thuật đơn giản.

Ân cần lắng nghe. Cha mẹ cần tỏ cho biết họ đang lắng nghe, thanh thiếu niêncần chắc chắn rằng lời chúng nóiđến được tai cha mẹ.

Lời gợi ý nhẹ nhàng. Khích lệ đúng lúc, chẳng hạn “Chà. . . Nó phải gây ra khó khăn cho con đấy. . . và rồi điều gì sẽ xảy ra nhỉ? ”.

Im lặng là vàng. Nói chung, chúng ta rất sợ im lặng. Người ta bận tâm lấp đầy khoảng trống bằng những lời khuyên bảo, cảnh cáo, yêu cầu, những câu vô nghĩa. Thực ra, im lặng tạo cơ hội suy ngẫm điều người ta đang nghe.

Đừng vội xét đoán. Những câu như: “Chỉ thằng ngốc mới làm điều đó. . . Nhưng mày vụng về biết bao . . . mày muốn gì . . . nhưng mày chẳng đáng là người ngay thẳng”chúng làm cản trở cuộc đối thoại, sự thân mật và sự tín nhiệm. Ngay tức thìcon cái bị đặt vào thế phòng thủ. Bỗng chốc cuộc đối thoại vuột mất. Và sau khi thực sự vuột mất, thật khó lấy lại lòng tin nơi thanh thiếu niên.

Tránh những giải pháp tức thời. Cả chúng ta, khi có một vấn đề, chúng ta cũng tưởng mình biết cả rồi và vội vàng tự nhủ mình sẽ làm gì. Tuy nhiên nó dễ dàng làm ta rơi vào những điều nhỏ nhặt. Có những người cha người mẹ mang bên mình những chiếc túi đựng đầy những “toa thuốc” cho con cái và không mảy may tìm kiếm những giải pháp. Con cái bắt đầu nghĩcha mẹ bất lực về việc giải quyết các vấn đề của chúng.

Nhận biết tâm tư tình cảm. Những cảm xúc và cảm thức của trẻ nhỏ không phải là “chuyện nhỏ”. Trái lại chúng nhạy cảm hơn và ray rứt hơn bởi vì trẻ em còn chưa biết cách kiểm soát chúng. Con cái phải cảm thấy cha mẹ nhận biết và hiểu điều chúng cảm nghiệm và chúng không cảm thấy lẻ loi trong vấn đề của mình

Giúp trẻ tìm ra giải pháp. Giúp trẻ tạo ra những giải pháp riêng là khởi sự của một nền giáo dục thực sự tích cực và có tính xây dựng. Chỉ như vậy thanh thiếu niên mới cảm thấy có trách nhiệm với bản thân, để không bỏ cuộc trên hành trình thành nhân.

NHỮNG QUY TẮC VÀNG CHO NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE

Tất nhiên, người duy nhất có thể cung cấp thông tin chính là trẻ em. Và cách duy nhất để thâu nhận những thông tin này là chú ý lắng nghe.

Khi bận rộn hoặc bị phân tâm, hầu như không thể tránh việc chúng ta để tai nghe mà không thật sự lắng nghe những gì đứa bé đang nói với ta. Một số nghiên cứu cho biết cha mẹ chỉ nắm bắt được một phần tư những gì đứa trẻ nói.

Có năm nguyên tắc vàng để trở thành một người biết lắng nghe:

Ưu tiên việc quan trọng. không bao giờ làm một lúc đôi ba việc. Bạn đang bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối và đứa con út chạy đến để nói cho biết điều gì rất khẩn cấp. Đôi lúc cha mẹ dễ dàng rơi vào cái bẫy nghe cách lơ đễnh, để tai nghe nhưng chẳng chú tâm điều mà đứa trẻ đang nói. Cách duy nhất để bạn tránh được nhược điểm này là ưu tiên cho phận sự đang làm. Nếu nấu ăn là điều quan trọng nhất, bạn hãy nói cách lịch sự nhưng cương quyết với đứa trẻ rằng bạn không có khả năng để lắng nghe nó vì không thể dừng công việc đang làm. Sau đó quyết định lúc nào bạn có thể lắng nghe kỹ lưỡng. Đừng lo! Điều này chẳng quấy rầy, cũng chẳng gây ngã lòng. Đa số con trẻ cảm thấy tự hào về việc bạn dành thời gian để lắng nghe chúng và nắm bắt những ý tưởng của chúng cách nghiêm túc.

Nếu nhận ra đứa trẻ cần nói điều gì đó quan trọng hơn cả bữa ăn tối thì bạn hãy dừng ngay việc đang làm, ngồi lại và ân cần lắng nghe với sự chăm chú.

Nghe lúc thanh thản. Đừng nghe nếu bạn không bình tĩnh. Những cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ, chán ghét, hối hận. . . tạm thời làm bộ lọc những gì đứa trẻ nói với bạn. Nếu tin chắc con bạn chậm hiểu, dù cho nó cố gắng giải thích hành vi của nó, sự giận dữ hạn chế sự lắng nghe của bạn. Dường như những cảm xúc chỉ thổi phồng những lời biện hộ cho sự tức giận của bạn. Đừng bao giờ lắng nghe những gì con cái phải nói với bạn, nếu trước đó bạn không đủ bình tĩnh để có cái nhìn khách quan.

Đừng đánh giá thấp. Jane (10 tuổi) cho rằng phòng bé phải sáng cho đến khi ngủ thiếp đi. Mẹ bé coi đó là việc ngớ ngẩn. Bà nói : “Nhưng nếu con đi học về khi trời tối thì sao? ”.

Jane nói: “Con biết, nhưng nó khác nhau. Ở bên ngoài bóng tối ít ghê rợn hơn”.

Lời giải thích ở đây tiết lộ một nỗi lo âu sâu xa nào đó đang ẩn khuất trong gia đình. Nếu mẹ của Jane biết chú ý lắng nghe nhiều hơn, bà đã có thể tranh thủ trò chuyện. Nhưng tin chắc đó là chuyện vớ vẩn, bằng một lời sắt đá bà đã loại trừ nỗ lực giải thích của bé gái: “Đừng có ngớ ngẩn!” và tắt đèn.

Chủ động lắng nghe. Nghĩa là biết lắng nghe không chỉ với đôi tai, mà cả với đôi mắt. Phải biết dành thời gian cần thiết để có được sự chú ý đầy đủ đến những gì đang được nói. Đối với trẻ thơ, thời gian lý tưởng là khi bé được đưa vào giường ngủ.

Nếu có ý xác minh sự hiện diện của mối lo âu nào đó, cách tốt nhất cha mẹ bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một thái độ trung lập: “Hôm nay con có vẻ hơi buồn, đã xảy ra điều gì vậy con? ”. Khi trẻ bắt đầu nói thì cha mẹ nên can thiệp càng ít càng tốt. Tự kiềm chế để cổ vũ lòng tin của trẻ qua các điệu bộ thân thể như: gật đầu, mỉm cười và bày tỏ sự quan tâm.

Ngay cả khi những gì trẻ nói làm cha mẹ bận tâm, hãy nén cảm xúc này lại, ít nhất tại thời điểm đó. Nét mặt cha mẹ vẫn phải khả ái, lời bình luận của cha mẹ phải là lời khuyến khích và cảm thông. Thời điểm thích hợp để tỏ ra phật ý hoặc không tán thành có thể tới sau khi đã lắng nghe và chú tâm đầy đủ để hiểu những gì là sai trái. Bất cứ sự ngắt lời nào, nhất là những lời phê bình chỉ trích, sẽ ức chế đứa trẻ và cản trở việc đạt tới thực chất vấn đề.

Đặc biệt chú ý đến giọng nói. Lắng nghe âm giọng có rầu rĩ hay không, cả khi những điều trẻ nói với cha mẹ có vẻ tích cực? Trông mặt mà bắt hình dong. Sự giằng co giữa nội dung nói và cách nói làm bộc lộ cảm xúc đau thương. Cha mẹ hãy chú ý tới những câu nói tự thương hại như: “Con thật yếu đuối khi làm điều đó”, “Con thật ngu ngốc không hiểu được”, “Ba luôn bảo rằng con là một thằng hề”.

Mặc dù sự tự thương hại giả dạng qua câu nói đùa hoặc được thể hiện qua nụ cười, đó có thể là những tâm tư tình cảm gây ra nỗi ưu sầu sâu nặng.

Chú ý đến việc ngắt giọng, sự lưỡng lự, lời lặp lại tái diễn trong câu chuyện của trẻ. Chúng có thể được tạo ra bởi một sự giằng co giữa những gì đang nói và những gì thật sự muốn nói. Nói lịu (lapsus) cũng là một hé mở. Freud cho rằng chứng nói loạn (parafasie) và nói lỡ lời là tiết lộ hùng hồn về những căng thẳng sâu kín.

Chú tâm lắng nghe là việc không dễ. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và kinh nghiệm. Thường chúng ta cảm thấy buộc phải chỉ trích các sai lầm, để trấn an khi đứa trẻ thừa nhận nỗi lo âu của nó hay để phê bình những lỗi lầm được thừa nhận. Những gián đoạn tuy không làm chi cả nhưng gây thêm khó khăn cho việc tìm ra căn nguyên vấn đề.

Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ nói cách trung thực, phần mình im lặng và chăm chú lắng nghe. Cha mẹ đừng sợ những lúc tạm ngừng và đừng vội vàng chêm lời vào đó. Cha mẹ hãy cho con bạn thời gian để nói, để ngẫm nghĩ và lấy can đảm thú nhận điều gì đó, như nó biết, có thể làm phiền bạn.

Nếu cha mẹ cảm thấy cuộc nói chuyện bị bế tắc, hãy cố gắng để tái kích hoạt nó bằng cách lặp lại câu nói cuối cùng mà đứa trẻ vừa nói. Điều này biểu lộ cha mẹ đã chú ý tới, đã hiểu và cho phép cha mẹ xem xét câu nói cách khách quan hơn.

Nhưng trước khi bắt đầu lắng nghe, luôn luôn cần làm một bước khác: kiểm tra xem mình có lo âu, sợ sệt và thiếu kiên nhẫn không? Con cái dễ bị quy gán những điều đó. Thay vì xem xét lời trẻ nói, tốt hơn cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra tai mình. Thật tình người ta không lắng nghe bằng đôi tai nhưng bằng trí tuệ và trái tim.

 

 

 

Tối nay, tôi sẽ tập trung tối đa để lắng nghe điều mà con tôi nói.



[1]Le Memorie Biografiche VI, 438-439


Mục Lục Cha Mẹ Hài Lòng Với Hệ Thống Giáo Dục Don Bosco