12. BỘ KHUNG VỮNG CHẮC CHO XÃ HỘI – GIÁO DỤC CÁC GIÁ TRỊ

 

Chúng ta thật tình muốn cho con cái mình điều gì? Đây là câu hỏi buộc mọi cha mẹ trả lời. Thật chẳng dễ dàng, trước hết khi nghĩ tới những gì mà con cái “muốn” nơi thế giới chung quanh, bị bó buộc như ở trong một cuộc chạy đua ám ảnh hướng về ích kỷ và cô đơn. Trong chiều hướng này trẻ em hầu như dễ bị tổn thương nhất. Dường như bị ở một mình cả ngày, bị thôi miên bởi tính chất tầm thường của vô tuyến truyền hình suốt nhiều giờ; phải đứng nuốt vội cho đầy bụng bằng bất cứ thứ ăn liền nào, bởi chẳng có thì giờ để gia đình đoàn tụ bên mâm cơm ấm cúng. Đoàn tụ với ai nếu sau đó ly hôn lan tràn và gia đình càng ngày càng rách nát? Hình ảnh gây đau buồn. Cha mẹ có thể vồn vã nói rằng: “Chúng tôi muốn một thế giới tốt đẹp hơn cho con cái chúng tôi”. làm thế nào? Bắt đầu từ đâu?

“Tái tạo những giá trị của gia đình” là toa thuốc mà các chuyên gia cũng như không phải chuyên gia đề nghị. Gia đình và các giá trị chính là khí cụ chủ chốt có thể có để đương đầu với thế giới suy đồi. Các giá trị là cội rễ vững chắc để cuộc sống gia đình bám vào, là đôi cánh để nâng sức mạnh tinh thần gia đình lên cao.

Tuy nhiên, chẳng đi đến đâu khi chỉ hô hào: “Giá trị, giá trị!”. Theo đường lối của Don Bosco, giáo dục là tiên liệu, hành động, sáng tạo, cụ thể và trên hết là phòng ngừa. Ta đang sống trong thế giới mà người ta nghiên cứu địa chất vào buổi sáng khi trận động đất đã xảy ra và đo đạc thủy văn sau trận lũ lụt. Những cha mẹ quá bận rộn nay bắt đầu tát nước khi con thuyền hầu như chìm.

Cần có một vài phương sách để hành động.

Các giá trị phải được gia đình tái gieo trồng và sản xuất, đừng dễ dãi dung nạp những cái mà thế gian mời mọc. Đương nhiên điều này đòi hỏi sự cự tuyệt quyết liệt và sáng suốt.

Xã hội theo hướng tiêu thụ và hưởng lạc đang áp đặt các “giá trị” của nó với một chiến thuật tinh xảo, thô bạo, ngột ngạt và khít khao. Để chống cự một hệ thống mạnh mẽ, cần một hệ thống mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải có một hệ thống các giá trị lớp lang, chặt chẽ và mạch lạc. Chỉ như vậy họ mới có thể cung cấp cho con cái một bộ áo giáp chắc chắn, bộ áo phòng thủ và tấn công. Các giá trị phải giống như những trái anh đào (cherry) : trái này kéo theo trái khác. Chắc chắn giá trị nền tảng mà một gia đình lựa chọn “kéo theo” nó một loạt các giá trị khác, đến mức hình thành một thứ chùm cụm hay cấu trúc. Chẳng hạn, nếu người ta chọn phẩm giá con người như là giá trị nền tảng, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa Sáng Tạo, giá trị đó đồng thời “sẽ dẫn đến” hòa bình, sự sống và cả sinh thái học, đến lượt nó sẽ kéo theo các giá trị phụ thuộc khác như là sự tự do, trách nhiệm, liên đới, công lý, sáng tạo, nội tâm mà chúng sẽ có như là kết quả rất tự nhiên của những thái độ sống cụ thể hàng ngày như : tình bạn, lòng tốt, thông cảm, nhân ái, can đảm, trung thành, tin tưởng, quảng đại, cần mẫn, chung thủy, vâng phục, trật tự, lạc quan, kiên nhẫn, bền chí, cầu nguyện, thận trọng, khiêm tốn, biết ơn, đạo đức, tôn trọng, đơn giản, chân thành, hy vọng, tiết độ, tiết kiệm, chan hòa, hy sinh, thể thao, nghiên cứu, v…v…

Các giá trị phải danh chính ngôn thuận, nghĩa là chúng phải ở góc độ nào đó có thể đo lường được. Tùy theo hoàn cảnh, cha mẹ có phận sự bày tỏ những gì họ mong đợi nơi con cách rõ ràng.

Các giá trị này phải được “dạy dỗ”. Thế gian dạy rất rõ ràng cái triết lý của kẻ mạnh, triết lý “mì ăn liền”, việc tôn thờ thân xác, khoái lạc như thước đo mọi sự, bạo lực, cạnh tranh, sức mạnh của sắc đẹp và sự giàu có v... v...

Các giá trị nảy sinh từ sự giao tiếp. Trước cửa nhà trẻ, một bé trai ôm chặt cổ của mẹ, khóc lóc, gào to: “Mẹ ơi, đừng đưa con vào, đừng đưa con vào. Con muốn được ở với mẹ”. Đứa trẻ đã có lý. Tiếc thay cho lối sống làm xa cách giữa cha mẹ và con cái của chúng ta, ngay trong những năm tháng quan trọng nhất cho việc học biết các giá trị gia đình cách tự nhiên. Điều quan trọng là tận dụng mọi cơ hội có thể để dạy dỗ lại.

Cùng làm việc và xây dựng: từ việc bếp núc đến cách trồng trọt hay những mô hình thu nhỏ. Năng ăn chung nhiều bao nhiêu có thể. Tìm thì giờ chia sẻ và gần gũi. Đó là dịp tốt để hiểu nhau hơn. Cùng xem và thảo luận chung về một số chương trình truyền hình. Tìm những giờ phút thanh bình, khi mà truyền hình, âm nhạc, trò chơi ồn ào được tạm ngừng, để tạo không gian cho việc đọc sách và suy tư.

Cha mẹ có bổn phận cho con cái những gương mẫu. Hẳn Don Bosco hiểu rõ ràng rằng“lời nói bay nhanh, gương lành lôi cuốn” [1], các giá trị là những khái niệm trừu tượng, trong khi các gương sáng cụ thể, thấy được thì quyến rũ và có sức thuyết phục. Đương nhiên chính cha mẹ là gương mẫu đầu tiên. Không chỉ có cha mẹ, nhưng những ai mà cha mẹ bày tỏ sự cảm phục và quý mến thường trở thành những gương sáng cho con cái.

 

Tôi sẽ bận tâm ít hơn về điều tôi làm và quan tâm nhiều hơn về việc tôi là cha mẹ.

 


 



[1]Verba volant, exempla trahunt.


Mục Lục Cha Mẹ Hài Lòng Với Hệ Thống Giáo Dục Don Bosco