26. YẾU TỐ GÂY LO NGẠI - TRƯỜNG HỌC

 

Nói chung, người hoa tiêu của gia đình có thể làm nhiều điều đáng ngại, ngay cả khi cha mẹ là mẫu gương của sự hiểu biết, kiên nhẫn và lương tri. Có một yếu tố gây rối loạn từ bên ngoài mà người ta luôn luôn phải quan tâm: đó là trường học. Nói đúng hơn, lá bùa hộ mệnh của học hành thành công. Theo Bettelheim, cái gọi là “lợi ích” chính là nguyên nhân gây bất đồng giữa cha mẹ và con cái.

Bộ ba trong chương trình sư phạm của Don Bosco bao gồm “sự vui tươi, việc học hỏi và lòng đạo đức”. Bởi vậy, nhà Salêdiêng kinh điển được làm theo cấu trúc” bộ ba” : sân chơi, trường học và nhà thờ. Đối với Don Bosco, trường học là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nhân cách cho giới trẻ. Vì vậy, ngay từ thời còn ở Trường Nội Trú Giáo Sĩ, ngài đã cảm thấy cần thiết tổ chức trường lớp “ngày chủ nhật và ngày lễ nghỉ” cho trẻ nhỏ. Về sau, vào tháng 11 năm 1845, ngài đã thuê ba phòng ngủ nhỏ cho những lớp học “buổi tối” đầu tiên tại Torino.

Trước hết, Don Bosco hiểu rằng việc “huấn luyện tâm trí” cho mọi thanh thiếu niên rất quan trọng và mọi người có thể thành công nếu ở trong một môi trường “khuyến khích” việc học hành.

Ý tưởng về trường lớp của Don Bosco đã là điều mà ngày người ta gọi là cộng đoàn giáo dục : một nơi mà người ta có thể tìm gặp các công cụ hữu ích để kiến tạo chính mình, không đơn giản chỉ là nơi để học biết “những môn học”.

Một năm học thành công xuất phát từmột hình tam giác: học sinh, giáo viên, cha mẹ. Các bậc cha mẹ thường đóng vai trò thứ yếu. Vậy chức năng đúng nghĩa của cha mẹ là gì? Cha và mẹ có thể tạo thuận lợi nào cho sự tiến bộ của con cái trong việc học hành?

Sau đây là một vài xem xét.

Ngày đầu tiên tới trường không phải là ngày “thơ mộng”. Đó là một thời điểm rất hệ trọng. “Vạn sự khởi đầu nan”. Nhà trường thật sự là kinh nghiệm sống độc lập đầu tiên của trẻ, một kinh nghiệm có tầm quan trọng cơ bản cho cuộc đời tương lai của trẻ, một cuộc tổng diễn tập ngưng tụ lại mọi vấn đề sẽ bộc lộ sau này. Con cái rời khỏi trung tâm của những mối quan hệ tình cảm và sự tận tình chăm sóc của ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, để rồi phải đối mặt với thực tế. Có vẻ như tên A tên B gì đó, với phẩm chất và khiếm khuyết của hắn và hắn phải tự mình chinh phục bằng sức lực của mình, sự quý mến, tình bằng hữu, sự lưu tâmcủa các giáo viên v...v... Công việc của trẻ được “lượng giá”. Thông qua tất cả những điều này mà lòng tự trọng được hình thành.

Cha mẹ phải quan tâm cách tích cực hơn. Rất nhiều lần con cái bị thương tổn bởi nhận thấy rằng cha mẹ coi trọng việc học hành thành công hơn chính bản thân chúng. Vì vậy, ít ra cha mẹ thấy điều đó. Đối với nhiều thanh thiếu niên, học đường là một chiến trường mà không phải lúc nào cũng thành công để là kẻ chiến thắng. Đôi khi chúng cảm thấy có “nhiều điều trái nghịch”. Để đạt được mục tiêu ta cần phải thấy rằng cha mẹ là những đồng minh quý giá. Theo một vài nghiên cứu, con cái có cha mẹ quan tâm đến hoạt động trường lớp sẽ đạt được kết quả học hành tốt hơn những trẻ mà cha mẹ chẳng màng quan tâm (đến điều thuộc về hội cha mẹ học sinh và giáo viên, việc giúp trẻ làm bài tập, đảm nhận vai cho các vở kịch ở trường hoặc có những trận thi đấu thể thao giữa cha mẹ và con cái).

Cha mẹ cần hiểu biết môi trường học đường, nhịp độ công việc mà thầy cô giáo có ý định đề xuất, tối thiểu về các môn học ở lớp, các quyển sách được giao cho đọc v... v...

Cha mẹ có bổn phận tìm ra những lý do có nhiều ở trường lớp để khen ngợi và khuyến khích con cái, tránh những chuyện sỉ nhục và nhạo báng.

Ta đừng bao giờ quên vai trò “hỗ trợ” của gia đình: “Khi đứa trẻ từ trường học về nhà mà lòng ngập tràn vui sướng vì đạt được một điểm tốt, sự thật là cha và mẹ sẽ hài lòng với nó, theo cách nó là người công minh chính trực, là niềm vui của họ. Nhưng nếu trẻ nhận được sự tán thành và hậu thuẫn khi nó từng hài lòng với chính mình, và phản đối khi lòng nó đầy bất mãn, theo cách đó chẳng lẽ đứa trẻ sẽ không có cái ấn tượng cha mẹ của nó chỉ là những người bạn khi giàu sang phú quý và bỏ mặc người ta một mình khi tình cảnh túng thiếu sao?” (Bruno Bettelheim).

Cộng tác với thầy cô giáo. Thanh thiếu niên học hỏi dễ dàng hơn với một người mà chúng kính trọng. Cha mẹ cảnh giác để không chỉ trích giáo viên trước mặt những đứa trẻ, nhưng bày tỏ vấn đề khó xử có thể xảy ra trong riêng tư. Cha mẹ cung cấp cho thầy cô giáo những thông tin hữu ích để họ hiểu thanh thiếu niên hơn và tham gia tích cực các cuộc hội họp do trường tổ chức.

Tăng cường học tập. “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Gương sáng của cha mẹ thì luôn luôn lôi cuốn con cái. Nếu cha và mẹ tỏ ra phấn khởi với những quyển sách mới hoặc với ý tưởng mới lạ, thì con cái cũng sẽ phản ứng theo cách giống như vậy. Cha mẹ có bổn phận dạy cho con cái tầm quan trọng của tính hiếu tri trong khi đọc sách, kích thích chúng bằng những câu hỏi về các đề tài khác nhau. “Dốt đến đâu học lâu cũng biết. Muốn biết phải hỏi. Muốn giỏi phải học”, vì thế cha mẹ cần nhấn mạnh tới việc học hỏi hơn là tới điểm số hoặc sức phán đoán.

Thiết lập các quy tắc rõ ràng cho việc học ở nhà. Một khung cảnh yên tĩnh và nhịp độ đều đặn là cơ sở tốt nhất để một năm học thành công. Cha mẹ có bổn phận giúp con cái với các nguyên tắc rất rõ ràng theo kiểu: “Chưa học xong bài chưa đi ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi”.

Mỗi đứa trẻ cần có một góc học tập yên tĩnh và đủ ánh sáng, nơi đó trẻ có thể học hỏi trong lặng lẽ và bình yên. Thật éo le khi bàn học gần kề cậu em đang xem phim hoạt hình trên tivi.

Thời gian học tập phải được xác định rõ ràng. Con cái phải có một thời khoá biểu cân đối hài hoà, nhưng lại ổn định và khả thi. Trẻ phải cảm nhận trách nhiệm được giao phó cho mình: trường lớp là “công việc của chúng”.

Trách nhiệm của con cái

“Con bạn đã rời nhà và đi học. Và ngay cả từ nơi xa, sự hỗ trợ và hiểu biết của cha mẹ giúp đỡ trẻ rất nhiều. Cho phép tôi nói với quý vị một lời cầu xin: quý vị hãy giao phó cho trẻ tự đảm nhận lấy mình, đích thân đảm nhiệm việc thi đua học hành trong tương quan với thầy cô giáo và bạn bè. Việc thi hỏng môn số học có thể là rất có lợi nếu nó tạo nên một kinh nghiệm cá nhân thực thụ, nếu nó gợi ý cho trẻ việc tự đánh giá và đưa ra một dấu chỉ cho điều cần thực hiện.

Việc không làm bài tập ở nhà đặt trẻ đứng trước vấn đề làm thế nào để đối phó với giáo viên. Ngay cả điều này cũng hữu ích nếu nó buộc người ta phải suy nghĩ về bản thân mình. Như người ta thường nói về “trường đời”. Nếu trẻ bị điệu đến hiệu trưởng vì mình đã cư xử không đứng đắn trong lớp, trẻ tự lo liệu lấy. Trẻ sẽ học biết điều nào là tốt hơn để làm hoặc không nên làm, điều đó khiến trẻ phải trả một cái giá nào đó. Kinh nghiệm là một thầy dạy tuyệt vời, nhưng người ta phải làm điều đó trên tính mạng của chính mình” (Marcello Bernardi).

Con cái có thể nhờ trợ giúp trong việc làm bài tập, đừng bao giờ làm thay trẻ. Nhiều trẻ không hiểu điều chúng đọc và vì vậy đâm ra chán nản: cha hoặc mẹ có thể giúp trẻ khám phá sợi chỉ đỏ xuyên suốt trang sách mà chúng phải học.

Con cái cần luôn luôn cảm thấy cha mẹ chúng nghĩ rằng, “Cha mẹ quan tâm đến điều con làm, việc con làm có tính quan trọng với cha mẹ”. Nói chung, vì lý do này, tốt nhất cha mẹ nên quan tâm cách sâu xa trong môi trường học đường, đồng hành với con cái và cũng như tham gia các sinh hoạt ngoại khóa, đôi khi làm như vậy rất quan trọng.

Khởi sự từ đâu?

Trong phạm vi một hệ thống nhất định, cả cha mẹ và xã hội đòi hỏi trường học việc đào tạo con cái thành những công dân hữu ích. Dường như hoàn toàn hợp lý khi người ta đòi hỏi việc này nơi xã hội. Người ta đòi hỏi nơi cha mẹ ít hơn. Từ trường học quý cha mẹ có thể mong đợi một cái gì khác nữa. Marcello Bernardi viết: “Xin quý vị đừng xem trường học chỉ như là một tổ chức dành riêng cho việc giảng dạy, nhưng không xem nó như là một đấu trường nơi người ta chiến đấu để giành chiến thắng, và có thể chiến thắng vẻ vang, đừng xem nó như một bãi đậu xe thuận tiện, nơi đó con cái bạn cũng có thể học một cái gì đó. Nếu nhà trường có một chức năng, thì đó là điều nhằm cung cấp cho con cái cơ hội thủ đắc một kinh nghiệm hữu ích để học sống nhân ái với tha nhân, để tôn trọng tha nhân, để hiểu tha nhân. Nhiệm vụ của nhà trường có thể là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mở rộng tình thân ái từ vương quốc nhỏ bé của gia đình ra thế giới.

Điều không giảng dạy. Đây là điều ở bên lề, là vấn đề thứ yếu. Tôi biết rằng đối với nhiều người việc xác nhận như vậy là một xúc phạm, nhưng quý vị hãy tin rằng, nếu người ta không khởi sự từ xác tín này thì họ có thể gặp nhiều điều phật ý vô ích và tai hại. Quý vị hãy suy nghĩ: con cái quý vị đang có nguy cơ rơi vào cơ cấu máy móc mà người ta đã cố gắng phân tích. Nói chung, vì không được chuẩn bị trước là bao, trẻ đang phải đối mặt với tình thế thực tế. Nhưng có thể không đúng lắm nếu trẻ bị bao vây: từ một phần tòa án của học đường, từ điều gì khác của cha mẹ. Những bản án đầu tiên, thậm chí nếu bị kết tội, chúng chỉ có một trọng lượng tương đối. Thua cuộc có thể chịu được, thất bại có thể khắc phục được, tâm trạng thất vọng cũng có thể tạo nên một động lực để làm tốt hơn. Nếu không vậy thì khi quen quá hoá nhàm, đứa trẻ có lẽ sẽ chẳng đặt nặng vấn đề về sự trừng phạt của giáo viên. Thậm chí có lẽ sẽ có niềm kiêu hãnh nho nhỏ cho những lần thi hỏng và điểm số tồi tệ. Nhưng khi nào đứng về phía lên án học đường, chỉ trích sự thất bại của “xã hội”, tham gia việc lên án của cha mẹ, mang vết thương lòng, thì rồi tình hình có thể trở nên nghiêm trọng. Nếu chính cha mẹ và con cái có quan điểm trái ngược nhau về trường học, khả năng giằng co làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rạn nứt.

Nếu quý vị thấy trường học chỉ có một nẻo đường thiết yếu cho thành công trong nghề nghiệp, và con cái thấy nó chỉ là một mối phiền hà rầy rà phải chịu để làm vui lòng cha mẹ, một điều phiền toái cản trở các sở thích, vô ích cho thể thao, cắt xén các buổi dã ngoại ngày lễ nghỉ và bữa ăn xế bị chế tài, rõ ràng sự can thiệp trừng phạt đối với bất kỳ thất bại nào sẽ được trẻ kinh nghiệm như là một bất công ghê gớm. Ở đây, con cái có thể nghĩ rằng mình từ bỏ điều này điều kia, mình làm việc vất vả nhằm làm hài lòng cha mẹ và rồi nếu có điều gì mình làm sai, nếu thầy cô than phiền và chấm cho mình một điểm thấp, mọi người sẽ phản đối mình. Sẽ khó có thể thích hợp hơn để cha mẹ và con cái nhìn thấy trường lớp trong cùng một quan điểm, nghĩa là người ta xem xét nó như một cuộc họp mặt bạn bè và bạn học cùng lớp, như một cách cùng sống và làm việc với nhau, như là nơi người ta có được cái kinh nghiệm mà không đời nào có được trong bốn bức tường của gia đình, và là một nơi mà người ta có thể đáp ứng những thị hiếu riêng hay sao? Và rồi trong trường hợp này người ta học tập. Nếu cha mẹ nhìn trường học theo cách này, màu đỏ của những bất lợi sẽ tan biến. Lo âu và sợ hãi, những mệt nhọc vô ích và khó ưa, đau khổ thể chất và tinh thần sẽ tan biến. Tan biến việc sùng bái nguy hại nhằm học tập thành công, bởi vì thành công và thất bại sẽ không có tầm quan trọng quyết định. Và rồi có lẽ nhà trường sẽ phục vụ một điều gì đó”.

 

Tôi sẽ nhắc mình nhớ rằng điều quan trọng đối với con cái không hệ tại ở những đánh giá trong sổ học bạ, mà trên hết là học hỏi để cảm thấy thoả đáng với chính mình, để xây dựng các giá trị tinh thần và lòng vị tha.