32. “TẠI SAO CON THÌ KHÔNG ?” - CÁCH CHIẾN THẮNG CHỦ NGHĨA XU THỜI

 

“Người ta làm được, tại sao con không thể làm chứ?”. Đó là câu nói mà cha mẹ nghe thường xuyên hơn cả. Theo bản năng, đó là một câu nói con cái dùng với ác ý. Nó gây một cảm giác bất an cho cha mẹ, họ cảm thấy mình bị ném vào đấu trường. Con cái biểu lộ sự phản kháng này bằng linh cảm cụ thể; còn cha mẹ cảm thấy mối đe dọa nguy hiểm của chủ nghĩa xu thời.

Trẻ em lớn lên cần học biết đi vào tương quan với người khác, và ở mọi lứa tuổi bạn bè đồng trang lứa là tấm gương trẻ soi để coi mình. Khó có thể yêu bản thân nếu người ta không được đón nhận từ những người đồng loại của mình. Chính vì lý do này, một trong các giai đoạn chính yếu nơi sự tiến triển của trẻ em là học hành để được như những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Học tập để thuộc về một nhóm cách năng động thì rất quan trọng bởi vì đứa trẻ sẽ có được hình ảnh tích cực về chính mình. Một đứa trẻ chỉ có thể dám là mình sau khi đã nắm chắc mình là người ngang bằng với người khác.

Tuy nhiên ở đây, các khía cạnh tích cực của ước muốn là người như những người khác có thể dễ dàng biến thành một yếu tố tiêu cực, điều mà ta có thể gọi là “sự bắt chước bằng mọi giá”. Trong ý nghĩa này các kiến nghị cấp bách của Don Bosco đối với thanh thiếu niên của ngài phải được hiểu rõ, bởi vậyngười ta nên lưu ý đến “những bạn bè xấu” và đến “lòng quý trọng nhân đức”.

Nguy cơ phải tránh là sự khai mào cho một cuộc chiến tranh du kích triền miên trong gia đình: “Những đứa khác về nhà bất cứ khi nào nó muốn, tại sao con phải trở về nhà lúc mười giờ chứ?”, “Cha mẹ chẳng tin tưởng con gì cả !”, “Mẹ của con Sáng (Gloria) mua cái đó cho nó, tại sao mẹ không mua cho con?”.

Cha mẹ cần một số biện pháp phòng ngừa (lưu ý) đơn giản.

Việc “hội nhập vào xã hội” của con cái trong mọi trường hợp là một khoảnh khắc tế nhị và quan trọng. Kết quả của nó phụ thuộc vào nền móng giáo dục của gia đình và trong một ý nghĩa nào đó giáo dục tạo thành cái thước đo nhân cách của trẻ.

Đạt được sự tự chủ là một cuộc chiến cam go, cách nghịch lý nó gây ra những hiệu ứng tương tự trên những đứa trẻ đến từ một gia đình bảo vệ thái quá và từ các gia đình không tồn tại. Thanh thiếu niên được che chở và kiểm soát quá đáng, khi có nhu cầu bắt đầu phải tự lo liệu điều gì, cách tuyệt vọng nó sẽ đi tìm kiếm một ai đó thế chỗ cha mẹ, cách mù quáng kiếm tìm một ai đó để cậy dựa, theo cái cách nó từng có với cha mẹ. Nó khởi sự vào đời trong màu xám buồn tẻ, thiếu nhân cách, thiếu tự chủ, thiếu sáng kiến, và luôn luôn sẵn sàng để phục tùng ai đó đứng ra bảo vệ và đem lại sự an toàn cho nó. Lại còn khó khăn hơn nhiều khi trẻ phát xuất từ một gia đình không tồn tại, gia đình bị tan rã, hoặc gia đình khô cứng tình thương. Khi trẻ em bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, đàng sau nó có một khoảng trống. Không còn cha mẹ như kiểu mẫu để nó chấp nhận hoặc chối từ. Chẳng có ai làm nó hài lòng trong bầu khí tin tưởng và yêu thương. Có lẽ chẳng có một nền móng vững vàng để xây trên đó điều gì đáng được đánh giá cao, được trân trọng. Chỉ có thất vọng, cay đắng, hoặc thờ ơ.

Nếu cha mẹ có một nhân cách mạnh mẽ, con cái cũng sẽ có nó.

Tâm lý gia David Elkind xác nhận rằng: “Những người có một nhân cách mạnh mẽ sẽ không bị mất hút ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất”. Người ta có thể nói: “Thật không công bằng khi luôn luôn cho người khác phần hơn. Bạn có giá trị của bạn và người khác phải tôn trọng bạn. Trong bất kỳ mối quan hệ nào người ta đều nhận một chút và cho một chút và điều này cũng phải áp dụng cho bạn bè của bạn”.

Cha mẹ có bổn phận biết cho và không cho trẻ điều gì; biết giúp và không giúp điều gì; nên cẩn trọng uyển chuyển theo cách “mềm nắn rắn buông” khi phải cương quyết và cảm thông; biết khẳng định mình, nhưng cũng biết từ bỏ chính mình.

Đó là một việc phức tạp như thầy thuốc bắt mạch cho bệnh nhân. Tuy vậy nhiều bậc cha mẹ thành công rực rỡ. Con cái thật sự cần “thử đôi cánh của chúng”, để bắt đầu thực hiện quyết định của mình và học hỏi từ những sai lầm của chúng.

Nên gửi cho con cái hai thông điệp khác nhau. Thứ nhất : cha mẹ thừa nhận nhu cầu để con được như những người khác. Thứ nhì: cha mẹ muốn con có ý ngay lành để giúp con hiểu điều gì là đúng đắn, tốt đẹp và điều gì thì không. Con cái nên hiểu rằng cha mẹ hỗ trợ nỗ lực sống tự lập của chúng, nhưng với tư cách là cha mẹ họ có nhiệm vụ để bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại.

Một quy tắc quan trọng: cha và mẹ đồng thuận với nhau. Cha mẹ chỉ thi hành các quy tắc thiết lập do sự đồng thuận. Cha mẹ và con cái phải chung tay vun đắp khả năng kháng cự lại sức ép của nghĩa xu thời.

Nhận ra điều ích lợi nhất giữa các vấn đề quan trọng và những điều gần đây gây bực bội. Người ta cũng có thể linh hoạt về cách ăn mặc, sở thích âm nhạc, sở thích riêng... Nó là điều sống còn để biết dừng lại khi người ta cần phải trở về nhà, khi tới buổi tiệc trà mà không bị kèm cặp, khi uống rượu bia, v... v...

Nói về nó một cách công khai. Thanh thiếu niên phải được giúp đỡ để rút ra điều hữu ích từ những hoàn cảnh xấu. Một người cha có thể nói cách thanh thản với con trai mình: “không thành vấn đề cho ba nếu tất cả mọi người trên xe buýt hành xử cách thô tục và mất lịch sự. Con mang tên họ của ba, và ba có quyền trên danh thơm tiếng tốt của ba…”.

Trong khoảnh khắc riêng tư gần gũi và thanh thản, cha mẹ có bổn phận nhắc con cái nhớ rằng chúng là con người “duy nhất” được cha mẹ yêu thương nhiều hơn “bất cứ ai khác”.

 

Ta không thể có mọi sự. Ta sẽ đặt nó ở đâu?