40. Ở LỒNG CHIM SẺ SẼ CHẾT – GIÁO DỤC VỚI THIÊN NHIÊN

 

Dự thảo đầu tiên cho kịch bản phim về cuộc đời Don Bosco mang tựa đềNgười nông dân của Thiên Chúa”. Với vị thánh, có lẽ không phiền hà chi khi quy chiếu về thiên nhiên: tình cảm và kinh nghiệm của ngài luôn luôn ghi dấu ấn của một nông dân: tình cảm mãnh liệt và kinh nghiệm thực tế. Vả lại chính Chúa Giêsu thường nói như vậy về những người gieo giống, vườn nho, sứ giả, cây vả không sinh trái, mục tử nhân lành và đóa hoa ngoài đồng.

()

Don Bosco cảm nhận thiên nhiên trong cách thức mới mẻ đáng ngạc nhiên: nguồn cảm hứng thiết yếu và tuyệt diệu của tài nguyên tinh thần, nguồn chủ yếu tạo thế quân bình cho con người. Vì vậy, một phương tiện quan trọng để giáo dục.

Nền văn minh đương thời có nguy cơ làm mất đi thú vui giác quan được chiêm ngắm phong cảnh, thưởng nếm màu sắc ruộng vườn và hương vị của không khí tinh sạch, nghe tiếng róc rách của suối rừng, sự nỗ lực bước tới trên những con đường mòn ngập nắng.

Don Bosco đã cố gắng để phát triển nơi thanh thiếu niên của mình cảm thức về cái đẹp, về thiên nhiên, về thẩm mỹ và ngài đã làm điều đó qua những bài thi ca diễn tả thiên nhiên. Ngài kể cho thanh thiếu niên của mình rằng, sau một ngày dài lao nhọc, khi ngài vào căn phòng lúc đêm khuya: “Tới ban công cha dừng lại để chiêm ngưỡng khoảng không gian vô tận của bầu trời, cha định hướng chòm sao Gấu Lớn, dán ánh nhìn lên mặt trăng, hết những hành tinh rồi đến những ngôi sao lung linh; cha ngẫm nghĩ, cha chiêm ngắm vẻ đẹp, sự hùng vĩ, muôn vàn tinh tú, khoảng không gian mênh mông giữa chúng, khoảng cách với ta; và cả việc đem lại cho cha tư tưởng này, cha đã thả hồn vươn tới những tinh vân và còn vươn ra xa hơn nữa... xa đến nỗi nó khiến cha choáng váng. Vũ trụ cho cha thấy một tác phẩm tuyệt vời biết bao, huyền nhiệm biết bao...” (Bộ Hồi Sử, IV, 202).

Don Bosco đã không bằng lòng khi chỉ nói về thiên nhiên. Ngài muốn thanh thiếu niên của ngài duy trì sự “tiếp xúc” với thiên nhiên. Ngài đã tạo ra kiểu “du lịch sinh thái”, “du lịch bộ hành”, những trường học lộ thiên. Chúng đã là những “cuộc đi dạo” có tiếng. Cuộc du lịch trẻ trung và cuốc bộ đường dài, qua các hình thức rộng rãi và không thể tiên đoán, trong bầu khí tùy cơ ứng biến và vui tươi: xuyên qua những ngọn đồi miền Monferrato và Langhe xinh đẹp, nhóm du khách trẻ trung và các giáo viên của ngài đã có thể tạo ấn tượng về sự lang thang lêu lổng, cuộc du khảo, gánh hát rong, cuộc hành hương trong Đạo.

Những kỳ nghỉ là cơ hội tuyệt vời đồng hành với con cái mình trong trường học thiên nhiên. Ở đó có nhiều điều để làm và học hỏi.

Thức tỉnh đời sống giác quan. Đó là chìa khóa của trí thông minh mà nhiều bậc cha mẹ quên cung cấp cho con cái. Một trong những cách thú vị và hào hứng nhất để kích thích tính hiếu tri là tham gia vào những “cuộc dã ngoại khám phá” dài. Cha mẹ phải bước đi thong thả với con cái, giải thích sự vật; điều thú vị nhất thường là những cái bé xíu và ẩn khuất. Hòa nhập vào thiên nhiên mở ra lại những cánh cửa tâm hồn: hình thái, sắc màu, vật chất, âm thanh, hương vị.

Từ môi trường thiên nhiên người ta có thể chuyển sang môi trường xã hội cách dễ dàng: cha mẹ có thể dạy lắng nghe, quan sát, chú ý đến nhữngthông điệp không lời.

Tìm lại sự ngạc nhiên mới mẻ. Thanh thiếu niên thời nay là những khán giả chỉ biết hoan hô cách thụ động. Trẻ đón nhận thật nhiều kích thích thị giác nhưng chẳng còn nghi vấn gì nữa, và chúng dễ dàng chán nản. Thiên nhiên đánh thức sự ngạc nhiên, một sự ngạc nhiên mở rộng con người cách tiệm tiến để họ học cách “tham gia”. Một sự ngạc nhiên hoàn toàn lôi cuốn vì được đan kết bởi cuộc phiêu lưu và khám phá.

Học biết kiên nhẫn và khiêm tốn. Người ta phải “ra ngoài” để tái khám phá thiên nhiên: ta không ở trung tâm của thế giới. Và để khám phá thiên nhiên người ta cần biết im lặng, học biết thinh lặng, trở nên bé nhỏ, chờ đợi, đôi khi ẩn nấp, để không gây phiền nhiễu và làm khiếp sợ. Tất cả điều này thì khó khăn cho một đứa trẻ đến từ một thế giới ồn ào, nơi cần chen lấn đẩy xô để có chỗ tốt hơn, nơi cần hò hét, tốc độ và cạnh tranh. Thiên nhiên là trường học lớn của sự khiêm nhường.

Một bài học khó khăn khác cho những người đến từ thành phố: hòa mình vào nhịp điệu của thiên nhiên đất trời. Thiên nhiên không phải là một bộ phim có sẵn: sự sống không thể tăng tốc theo kiểu “ào ào đổ lộc rung cây”, ngược lại nó cần thời gian để đâm chồi nảy lộc, tô điểm sắc xuân, tăng trưởng dần dà theo đà năm tháng, mùa màng, có khi cả hàng thế kỷ. Thiên nhiên vừa là sản phẩm vừa được kết thành từ sự mong chờ và kiên nhẫn.

Chỉ từ tiếp xúc với thiên nhiên có hướng dẫn mà trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay mới có thể học biết yêu mến sự sống, chuyển từ sinh thái học đến lương tâm, từ tạo thành tới Đấng Tạo Hóa. Trong thời đại “trẻ em trong căn hộ”, khía cạnh giáo dục với thiên nhiên trong khoa sư phạm Salêdiêng thì xuất chúng và thiết yếu. Cha Luigi Cocco, một nhà truyền giáo đại và đáng nhớ của Dòng Salêdiêng, đã diễn tả cách gọn gàng như sau: “Thanh thiếu niên giống như những con chim sẻ: trong lồng chúng sẽ chết”.

 

Tôi sẽ đem con mình đi chiêm ngưỡng hoàng hôn, khi trời nghiêng nghiêng nhạt nắng hồng.