42. NGÔI NHÀ ẤM CÚNG - TẦM QUAN TRỌNG NƠI GIA ĐÌNH CƯ NGỤ

 

Vào thời Don Bosco, sau một chuyến viếng thăm nguyện xá Valdocco, ông hiệu trưởng một trường học lớn đã sửng sốt thốt lên lời nhận xét đáng yêu: “Các bạn có một may mắn lớn trong ngôi nhà này, điều mà không người nào ở Tôrinô cũng như những cộng đoàn tu sĩ khác có được. Các bạn có một căn phòng mà bất cứ người nào khi bước vào lòng trào sầu vương, khi bước ra hớn hở vui sướng”. Don Lemoyne, người chủ chốt viết tiểu sử về Don Bosco cho biết thêm: “Và hàng nghìn người trong chúng tôi đã cảm nghiệm điều đó”.

Cho tới nay, những căn phòng của Don Bosco vẫn lưu đọng hương thơm độc đáo của tình thân êm ái, ấm cúng và an bình. Đặc tính đó phải có trong mọi “nhà” của ngài. Don Bosco hầu như chẳng bao giờ nói về “học viện”. Ước mơ của ngài là một “ngôi nhà của tuổi trẻ”, ngôi nhà của cầu nguyện và văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí (trong nghĩa tròn đầy của cụm từ này), nơi gặp gỡ trong bầu khí thoải mái và thân ái, với các nhà giáo dục đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ. Từ “nhà” hội tụ hình ảnh duy nhất một thanh âm rộng rãi của những cảm xúc và tình cảm: là khung trời mơ ước, là bến nước bình yên, là khiên che thuẫn đỡ, là tổ ấm yêu thương, là thiên đường an nghỉ, nơi phỉ chí toại lòng, là lò sưởi cho tâm hồn... Có lẽ không có từ ngữ nào để tổng hợp tình trạng khốn khổ trong thời đại ta hay hơn từ ngữ “vô gia cư”. Nó cho thấy một trong những thực trạng cùng quẫn và bi đát nhất, những con người bị tước mất cảm thức thuộc về gia đình hay cộng đoàn nào đó, không có lấy một nơi để họ có cảm giác an toàn, được chăm nom, được che chở và được yêu thương. Sinh quý tử quy – sống gửi thác về, đức tin Kitô giáo cũng mời gọi ta cảm nghiệm cuộc sống như là một “hành trình hướng về nhà” và sau cùng cái chết như là được “về đến nhà”.

Ngôi nhà có một ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống gia đình, nhất là cho con cái lớn khôn.

Ngôi nhà là tổ ấm thân thương, nơi không có chỗ cho sự sợ hãi, nơi đó mỗi người thật sự cảm thấy thoải mái: thoát khỏi mọi bận tâm lo lắng, mọi căng thẳng, mọi áp lực. Nơi mà mỗi người có thể cởi bỏ hết thảy mọi mặt nạ, mọi hóa trang, mọi gượng ép. Khi sự thể không được như thế, khi sống ở nhà mà người ta cũng vẫn kinh hãi hay căng thẳng, người ta trải qua sự bất ổn tột độ, bởi vì họ mang cảm giác như một sự phản bội không thể tưởng, một sự bất công trắng trợn trong đời người.

Ngôi nhà là lớp vỏ bảo vệ, là làn da thứ hai. Trẻ thơ đồng hóa nhà ở với sự an toàn. Sau cha mẹ, ngôi nhà đúng là chiếc neo đầu tiên trong đời sống của trẻ.

Ngôi nhà là ốc đảo của sự an bình, sự nghỉ ngơi cho thể lý và tinh thần. Nơi mà luôn luôn có ai đó chờ mong. Một thiếu niên (17 tuổi) tâm sự : “Khi trở về vào đêm hôm khuya khoắt, điều làm tôi vui sướng là cha mẹ tôi vẫn để đèn chiếu sáng ở lối vào nhà cho tôi”. Những trẻ nhỏ nhất, và không chỉ có chúng, phải học cách tôn trọng giấc ngủ của người lớn. Trong mỗi gia đình nên có một “thời khắc” để cha mẹ được quyền thanh thản ngồi bên nhau.

Ngôi nhà là bến cảng, nơi người ta chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với đại dương “bên ngoài”. Ở đây người ta học cách tạo tương quan với mọi người, học cách giải quyết những vấn đề, đâu là ngưỡng giới hạn của tự do cá nhân, học cách trở thành người có trách nhiệm, học cách đón tiếp khách khứa và bạn.

Ngôi nhà là bệnh viện của con tim. Nơi mà người ta biết rằng mình luôn luôn tìm được lòng khoan dung và nguồn động viên. Nơi người ta có thể khóc khi họ muốn, nơi luôn luôn có ai đó lắng nghe mà không phê bình quá khích.

Ngôi nhà là nhà tập thể dục, nơi người ta tập dượt. Đây là chốn duy nhất mà thanh thiếu niên và người trẻ có thể thử nghiệm tài trí, ý tưởng và sức lực của mình, kể cả những điều quái lạ, dù sao cũng biết mình được yêu thương. Một người tuổi trạc ngũ tuần ghi lại cảm nghĩ của mình: “Cuộc sống đã dạy cho tôi biết rằng, nếu tình yêu không học được trong gia đình, thật khó có thể để học nó ở nơi nào khác”. Trong gia đình, người ta có thể học biết qua lầm lẫn mà không vì đó phải đối phó với những rủi ro to lớn.

Ngôi nhà là kho báu những kỷ niệm buồn vui. Nó là nơi chốn trao đổi tình cảm giữa mọi thế hệ, như chiếc lò sưởi tỏa hơi ấm để người lớn chuyển giao kinh nghiệm từng trải và khôn ngoan cho người bé nhất.

Ngôi nhà là mảnh đất định vị căn tính. Bức tường của ngôi nhà khiến cho có sự phân biệt giữa “bên trong” và “bên ngoài”. Bên trong ngôi nhà nảy sinh ra cái “chúng tôi”, gia đình chúng tôi.

Ngôi nhà là cung thánh sống động, nơi đó người ta học biết những tương quan mang nghĩa “thánh thiêng”. Thật tốt đẹp khi có những nghi thức nho nhỏ trước và sau bữa ăn, khi đi ngủ và thức dậy, trong giờ kinh nguyện và ngày Chúa Nhật.

Ngôi nhà là nơi đẹp nhất để sống và lớn lên. Ở nhà, ta có bổn phận trao ban điều tốt đẹp nhất của chính mình. Đúng vậy, nó trái ngược với điều nhiều người nghĩ. Một phụ nữ vừa vầy vò chiếc ví cầm tay vừa thú nhận: “Ông xã nhà tôi biết thế nào là ngọt ngào, dịu dàng và trìu mến cho con chó; chớ gì ông ta cũng biết cư xử như vậy…”. Nhiều người dịu dàng và dễ thương “ở ngoài nhà” nhưng lại đối đãi với nhà mình như thể một thùng rác để trút tất cả thất vọng, bất mãn và chán nản vào đó. Điều quan trọng là dạy cho con cái biết yêu thích ngôi nhà của gia đình và cảm thấy có trách nhiệm với nó. Để cho thông điệp mà mọi người gửi cho nhau luôn luôn là : “Tôi thật hạnh phúc khi được ở đây với bạn”.

 

Việc nhà sẽ được phân chia chu đáo cho mỗi người để cho ai cũng có việc gì đó quan trọng để làm.