HIẾU ĐẠO

 

Trước khi là con Thiên Chúa, chúng ta đã là con người, một người có quê hương dân tộc, có văn hoá và truyền thống. Trước khi là Kitô hữu, chúng ta đã là một người Việt Nam, một người mang trong mình dòng máu Lạc Việt. Chúng ta đã được cưu mang trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc, và được sinh ra trên mảnh đất quê hương nặng chữ tình và chữ hiếu, chữ trung và chữ tín. Tất cả những truyền thống tốt đẹp ấy đã trở thành Đạo, và Đạo ấy lấy chữ Hiếu làm đầu. Và cứ như thế, không biết từ lúc nào, Hiếu đã trở thành Đạo. Hiếu đạo được mọi người Việt, từ quan chí dân, hiểu và đón nhận như một con đường để thành nhân và thành thánh.

 

Nếu hiểu như vậy, rõ ràng Đạo Hiếu không gây phương hại cho niềm tin của Kitô hữu Việt Nam, bởi lẽ Hiếu đạo là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt từ bao đời truyền lại để con cháu, cứ con đường ấy mà bước đi thì gia đình sẽ êm ấm, làng xóm sẽ hoà thuận và đất nước sẽ thái bình thịnh trị.

 

Bước vào tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn ông bà tổ tiên, tạm gọi là tháng Vu Lan, chúng ta thử tìm hiểu một vài nét về Hiếu Đạo.

 

1 * Phải chăng Hiếu Đạo là một tôn giáo ?

 

Các nhà nghiên cứu về văn hoá Việt Nam như Toan Ánh, Phạm Côn Sơn, Léopold Cardière... đều khẳng định mạnh mẽ việc thờ cúng ông bà tổ tiên không phải là một tôn giáo, song là một tâm tình hiếu kính được biểu lộ bằng những nghi thức cụ thể và thiết thân đối với những người đã khuất, dĩ nhiên nó cũng phải bao hàm một niềm tin nào đó nhưng không loại trừ các tôn giáo. Dân Việt Nam thờ kính tổ tiên nhưng trong gia đình vẫn có người theo đạo này, có người theo đạo kia. Việc thờ cúng tổ tiên không thể kể là một tôn giáo như bao tôn giáo thịnh hành khác, vì không có giáo chủ, cũng không có giáo điều, và cũng không có cơ sở hành đạo. Tất cả là do lòng tự phát của con người. Người bình dân thường không thấy rõ ý nghĩa nên hay mặc cho nó những màu sắc dị đoan, còn người có học thức không xem đây là niềm tin của một tôn giáo riêng biệt nào. Ông bà hữu hình chứ không phải là đấng thiêng liêng như trong các tôn giáo, nên không thể xem là vô tín, vì đó là những vị có thật trước mắt con cháu và mọi người đương thời. Ông bà tổ tiên là những người bằng xương bằng thịt, đã sống và đã lưu truyền lại huyết mạch cho hậu thế.

 

Là Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa nhưng vẫn phải đặt niềm tin vào sự hiện hữu của ông bà tổ tiên, phải kính ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời, ‘sự tử như sự sanh’. Thực vậy, ông bà tổ tiên cũng là con người có gốc có ngọn, cho dù đã về với Chúa thì vẫn không thể quên con cháu vì đó là mối quan tâm hàng đầu của một người ông người bà, người cha người mẹ, không chỉ ở đời này mà cả ở đời sau vẫn lo cho con cháu. Con cháu phải yêu mến, biết ơn và tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên mà không bao giờ có thể đền trả cho cân xứng, vì thế phải tin rằng ông bà cha mẹ vẫn hiện diện cách nào đó với con cháu, vẫn cầu phúc cho con cháu. Đó là lộc của ông bà cha mẹ.

 

Người ngoại quốc gọi nhầm là đạo ông bà, nhưng thực chất là một đạo lý làm người. Người ta vẫn có thể là một Phật tử sùng đạo, một Kitô hữu xứng danh mà vẫn là một con người chí hiếu, lấy nhân nghĩa lễ trí tín làm đầu, lấy công dung ngôn hạnh làm trang sức mà vẫn kính mến Chúa trên hết mọi sự thì mới thực sự là giác ngộ. Một con người trung với vua, hiếu với cha mẹ luôn là một con người tốt đạo đẹp đời. Không một tôn giáo nào được phép lấy quyền tạo hoá mà bác bỏ những đạo lý làm người ấy, vì đó là những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản nhất của bất cứ ai được sinh ra làm người.

 

Đã là một người Việt Nam thì không ai có thể lơ là với chữ Hiếu, bởi đó là cách ăn nết ở của một con người sơ đẳng nhất và cũng cao sang nhất. Chúng ta có nên người thì mới nên con Chúa, có trở thành người tốt thì mới trở thành con ngoan thảo của Cha trên trời. Con Thiên Chúa đã trở thành con người để học bài học làm người nơi những con người hữu hình và hữu hạn ở trần gian này để dạy cho chúng ta bài học làm con Thiên Chúa. Tin Mừng của Ngài cũng vẫn chú trọng đến cách thức sống ở đời, mà ở đời là ở với ai nếu không phải là ông bà cha mẹ là những người gần gũi nhất rồi đến mọi người xung quanh. Tóm lại, không thành nhân thì cũng không thể thành Thiên.

 

2 * Hiếu Đạo là một gia đạo

 

Đạo Hiếu là đạo của cả một dân tộc nhưng lại hạn hẹp trong một gia đình, một gia tộc. Một khi Hiếu đạo trở thành gia đạo thì vai trò của người gia trưởng thật là quan trọng. Đã là đạo của gia đình thì đạo ấy không miễn trừ cho bất cứ một thành viên nào trong nhà. Muốn gia đình được êm ấm hoà thuận thì việc thờ cúng tổ tiên là một khuôn phép giáo dục không thể thiếu giữa các thế hệ tiền bối với hậu duệ.

 

Không có một xã hội nào mà không có kỷ cương phép tắc, kể cả loài vật. Cứ nhìn vào loài kiến loài ong thì cũng thấy được sự tôn ti trật tự : mỗi con một việc, mỗi con một chức năng và ai nấy cứ thế mà sống, cứ thế mà bảo vệ lẫn nhau. Một đất nước không luật pháp là một bạo loạn, một cộng đồng không nề nếp truyền thống là một tan rã, và một gia đình không lễ nghĩa gia phong là một bất hạnh.

 

Một trong những cái chướng tai gai mắt mà người ngoại quốc lấy làm khó chịu khi người Kitô hữu Việt Nam bái thờ Thiên Chúa rồi lại quỳ lạy ông bà tổ tiên, không chỉ một lạy mà tới ba lạy bốn lạy, và hoá ra ông bà còn cao hơn Thiên Chúa ? Thực ra, việc bái lạy ngoài nghĩa tôn thờ còn có nghĩa là hạ mình đón nhận sự chỉ bảo của người trên đối với người dưới. Nếu tinh ý một chút, chúng ta cũng sẽ nhận ra sự tinh tế này trong cung cách thờ cúng của người Việt.

 

Dù có lập bàn thờ, có bài vị, có nhang khói đèn nến, nhưng tuyệt nhiên không một người trên nào mà lại đi lạy người dưới. Vợ chết sớm thì chồng lập bàn thờ cho các con bái lạy, còn bản thân chồng chỉ vái nhang. Con chết sớm thì cha mẹ cũng lập bàn thờ với bát cơm quả trứng cùng hương khói nghi ngút, nhưng không bao giờ cha mẹ lại đi lạy con cái. Chỉ có con cháu mới buộc phải bái lạy ông bà cha mẹ, vì đây là chuyện thứ bậc trong gia đạo.

 

Chúng ta cũng nên biết việc bái lạy ngày xưa không đơn giản như ngày nay là chỉ cúi mình mấy cái là xong nghi thức. Lạy đúng cách là phải quỳ mọp xuống đất theo kiểu “ngũ thể đầu địa”, nghĩa là năm chi thể của con người: trán, hai tay và hai chân phải chạm đất. Cứ mỗi lần như thế là xong một lạy rồi lại đứng lên tiếp tục cho xong ba lạy hay bốn lạy. Không những thế còn phải xá trước và sau khi lạy như thể xin lỗi nếu như có gì vụng về thì ông bà bỏ qua cho. Ngày xưa khi còn sống, cha mẹ ngồi ghế ngồi phản để dạy dỗ con cái, còn phận con cái là phải ngồi dưới đất để nghe răn dạy, và nếu có gì lầm lỗi phải nằm bò ra để van xin, để cha mẹ đánh phạt. Nếu không như vậy thì gia đình sẽ loạn và đất nước sẽ tan hoang.

 

Để chứng minh điều đó, xin trích dẫn lời của vua Gia Long lúc còn là chúa Nguyễn Ánh ở  đàng Ngoài nói với giám mục Bá Đa Lộc như sau :

 

“Tôi rất mong việc thờ cúng tổ tiên có thể hoà hợp với đạo Công Giáo, vì theo cách nhìn của tôi, không có chướng ngại nào khác ngăn trở cả nước của tôi theo đạo. Tôi đã cấm việc phù phép và bói toán, tôi cũng xem việc tôn thờ các thần tượng là sai lầm và dị đoan; và nếu tôi còn để cho các sư sãi còn hoạt động là để khỏi làm mất lòng dân. Việc độc thê cũng không phải là điều không thể chấp nhận. Nhưng tôi quyết duy trì việc thờ cúng tổ tiên, và như tôi đã trình bày với đức cha là không có gì kỳ quặc trong đó hết, vì nó là nền tảng giáo dục của chúng tôi. Nó dạy con cái từ lúc còn thơ lòng hiếu kính, và ban cho cha mẹ cái quyền cần thiết để ngăn chặn những rối loạn trong gia đình. Lòng thờ kính tổ tiên ăn sâu vào lòng mọi người dân; tuy nhiên, như đức cha, tôi cũng muốn nó được xây dựng trên sự chân thật và tránh xa những gì sai lạc... Tôi cũng sẵn sàng sửa đổi những nghi lễ nào mà đức cha xét thấy là mê tín, nhưng nếu tôi dẹp bỏ tất cả, tôi càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của dân chúng đối với cách suy nghĩ của tôi, và có thể rằng, nếu họ nghĩ rằng tôi đã thay đổi tôn giáo, họ không còn trung thành quý mến tôi nữa. Tôi xin đức cha quan tâm điều đó và để cho người có đạo sống gần gũi hơn với những đồng bào khác của họ” (GUY MARIE OURY, Giáo Hội Việt Nam thời các thánh tử đạo, 114).

 

Đây cũng là điều mà chúng ta phải suy nghĩ : mình phải hành xử như thế nào cho phải phép trong tư cách là gia trưởng đối với mọi người trong gia đạo. “Con có cha như nhà có nóc”, nóc nhà phải tựa trên kèo cột tường xà, nhưng để làm gì ? Không phải để hành hạ vợ con nhưng làụ để che chở cho cả nhà.

 

3 * Hiếu Đạo không loại trừ các tôn giáo.

 

Phong tục thờ cúng tổ tiên đã có từ ngàn xưa, không ai biết nguồn gốc, cứ từ đời này truyền sang đời kia, từ nơi này lan sang nơi khác. Cho dẫu tập tục ấy có được du nhập từ nước ngoài chăng nữa thì nó cũng đã sớm trở thành lẽ sống tự nhiên ở đời, trong gia đình và ngoài xã hội đối với tâm thức của người dân Việt. Bản sắc văn hoá ấy đã trải qua nhiều giòng lịch sử với nhiều biến động thăng trầm, tiếp cận với nhiều nền văn hoá tôn giáo khác nhau. Thử hỏi làm sao không tránh khỏi những lai tạp ? Chuyện ‘gạn đục khơi trong’ là việc phải làm của mỗi người mỗi thế hệ tiếp nối truyền thống của cha ông.

Trước khi đạo Công Giáo vào đất Việt thì mảnh đất này đã có sẵn những tôn giáo du nhập vào trước. Người ta thường gọi đó là tam giáo : Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo, và không ai nói là tứ giáo để thêm vào đó đạo ông bà hay đạo hiếu. Chắc chắn các tôn giáo này phải có gì phù hợp với Hiếu Đạo, cho nên mới được tổ tiên chúng ta đón nhận.

 

Người Việt chúng ta vẫn canh cánh bên lòng về ơn cha nghĩa mẹ:

"Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

 

Tam Giáo đến đất Việt, đi sâu vào cõi tâm linh người Việt cũng là nhờ đường lối của Hiếu đạo có sẵn của người Việt:

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.

hay :

 Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời

Cầu   cho   cha   mẹ    sống   đời  với con.

 

Khổng Giáo hay Lão Giáo bắt đầu từ đường lối làm người và chỉ ra những bổn phận sống ở nhà và ở đời. Đức Phật cũng đi từ những cái thực tế của cuộc sống để giáo huấn chúng sinh về lòng hiếu thảo :

"Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha”.  Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này" (Tăng Chi I, 75).

 

Đạo Công Giáo cũng xây dựng những người con thảo của Thiên Chúa dựa trên những đức tính căn bản của những người con ngoan hiền trong gia đình. Thực vậy, sách Huấn Ca đã răn dạy chúng ta những điều tương tự:

“Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?” (Hc 7,27-28).

 

Vì thế, sách thánh đã dạy chúng ta đạo làm con:

“Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. ... Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 7,6.14-15).

 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao cuộc biến thiên sao đổi đất dời, một số nền văn hoá của nhân loại bị chôn vùi theo năm tháng vì nó không còn hợp thời hay không được canh cải để thích nghi với thời mới. Tuy nhiên, phong tục thờ kính tổ tiên của người Việt có thể được coi là một nền văn minh của tình thương mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang cổ vũ, vì nó đã biểu lộ cái cốt lõi của đời sống con người đối với nhau là cái tâm qua những hình thức cụ thể là lễ cúng.

 

Việc đặt để các lễ vật trên bàn thờ tổ tiên là những cái thường ngày nhất mà chúng ta vẫn phải làm khi ông bà cha mẹ còn sống. Con cháu dù ở riêng nhưng khi trong nhà giết gà giết vịt, nấu canh nấu xôi, chúng ta vẫn sai con cái bứng sang đĩa xôi bát canh cho bà, cái tỏi gà cho ông nhắm rượu. Bây giờ ông bà không còn nữa nhưng con cháu vẫn làm những cử chỉ thiết thân ấy để tưởng nhớ, biết ơn và biểu lộ lòng yêu mến của mình, đồng thời cũng nhắc nhở mình phải sống sao cho đẹp lòng người đã khuất.

 

Thật là hợp lý khi Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu người bên cạnh như chính chính nình” (Mt 19,19b). Người bên cạnh đầu tiên trong đời chúng ta là ai nếu không phải là cha mẹ ông bà. Bởi thế trong 10 giới răn của Chúa đã dành để một giới răn riêng cho cha mẹ: “Thứ bốn: thảo kính cha mẹ”. Hội Thánh dành cả tháng 11 này để cầu nguyện cho những người đã khuất mà thiết thân nhất là tổ tiên ông bà cha mẹ mình. Nhớ đến những người đã khuất thì chúng ta không thể bỏ qua bổn phận đối với những người thân yêu còn sống. Đừng để thiên hạ trách mắng :

“Còn sống thì chẳng cho ăn,

đến khi nằm xuống, làm văn tế ruồi !”.

 

4 * Từ bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa.

 

Khi đón nhận Tin Mừng Chúa Kitô, người Thượng vùng cao nguyên gọi đây là một sự chuyển đổi từ Cây Nêu đến Cây Thập Giá; còn người Kinh chúng ta xem đó là sự chuyển đổi từ bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa.

Tác giả Phan Kế Bính trong cuốn Phong tục Việt Nam (nxb Khai Trí, Sài Gòn 1973, trang 24-25) có viết:

 

“Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn lui tới với gia đình. Sự tin tưởng vong hồn của ông bà cha mẹ ngự trên bàn thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống ... Người ta sợ mang tội bất hiếu nếu làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình”.

 

Điều này rất gần gũi với tín điều các thánh cùng thông công của đạo Công Giáo. Chết không phải là hết nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới, và giữa người sống với người chết vẫn có sự hiệp thông nào đó, vẫn chia sẻ cho nhau những phúc lộc thiện hảo, nhu lời kinh tiền tụng trong thánh lễ an táng đã nói rõ :

“Đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”.

 

Vì thế giữa bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Chúa trong gia đình Công Giáo không có gì là trái nghịch mà còn liên kết với nhau, như nhiều nhà thường làm là đặt bàn thờ tổ tiên ngay ở dưới bàn thờ Chúa. Nhớ đến ông bà cha mẹ thì phải hướng lòng về Chúa, vì chỉ có Chúa mới có thể trả công bội hậu thay cho chúng ta. Chúng ta mong mỏi cho ông bà cha mẹ sống lâu ở đời để ở nhà với con cháu, nhưng sự sống trần gian này có hạn, nó cần được biến đổi để trở thành sự sống vĩnh cửu trong Nhà Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thoả mãn được những ước nguyện lớn nhất của con người: chết là trở về với tổ tiên; song chỉ có thể gặp lại tổ tiên trong Thiên Chúa, vì ngoài Thiên Chúa không có gì tồn tại đời đời. Chúng ta kính trọng vâng lời ông bà cha mẹ nhưng các ngài cũng không phải là những bậc thần thánh, vẫn có những khuyết điểm mà chỉ có Thiên Chúa mới tảy rửa nên trong trắng để tháp nhập cõi Nước Trời. Bởi đó theo cách nhìn của người Công Giáo Việt Nam : Nhà Tổ trở thành Nhà Chúa, vì Nhà Chúa chính là Nhà Tổ của tất cả mọi người.

 

Tác giả Toan Ánh đã nhận xét thật chí lí :

“Những người theo Thiên Chúa giáo tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người đã khuất, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, như vậy nghĩa là vẫn có sự thờ phụng tổ tiên qua bàn thờ Chúa” (Nếp cũ, quyển I, HCM 1992 trang 24).

Rất tiếc đã có sự hiểu lầm của một số các nhà truyền giáo ngoại quốc không đồng tình với cách thờ cúng tổ tiên của người Việt nên đã có chuyện bàn thờ tổ tiên một thời gian dài biến mất khỏi các gia đình Công Giáo. Dù vậy, người Kitô hữu Việt Nam vẫn không thể đánh mất ngọn nguồn của mình mà chỉ khơi cho nó một dòng chảy mới. Đó là quy hướng tất cả về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình phụ tử trên trời cũng như ở trần gian.

 

Đối với người Á Đông, mất gì thì mất nhưng không thể mất mồ mả tổ tiên. Vì thế những giáo thuyết chủ trương luân hồi, không phù hợp với việc gìn giữ mồ mả tổ tiên. Nếu cuộc sống con người luân chuyển hết kiếp này sang kiếp khác thì rõ ràng một người có thể có nhiều thân xác và thân xác hiện có chỉ là tạm bợ, mất hay còn không quan trọng. Hồn có được giác ngộ thì cũng chẳng mang theo những thân xác đầy khuyết điểm ấy vào cõi Niết Bàn làm gì. Đang khi đó người Công Giáo tin rằng mỗi người chỉ có một thân xác và một linh hồn. Chết là thân xác trở về với tro bụi nhưng sẽ đợi ngày sống lại sau hết để kết hợp với hồn trong hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Dù có mất hài cốt thì chúng ta cũng sẽ chỉ sống lại trong thân xác của chính mình, chứ chẳng vay mượn của ai. Tuy nhiên, việc gìn giữ tro cốt của những người đã khuất thật là phù hợp với tín điều: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”; và nhắc nhớ chúng ta sống niềm hy vọng đó cho mình và cho mọi người.

 

“Lá rụng về cội”. Cây mọc lên từ đất, trổ lá đâm bông rồi hoa tàn lá úa và rụng xuống gốc cây trở thành màu mỡ cho cây trổ sinh những bông lá mới. “Sinh bệnh lão tử”. Đời người là như thế ! Phải chấp nhận cái chết để có thể trổ sinh ra những sự sống mới là con cháu dòng tộc. Tuy nhiên, người Kitô hữu không chỉ tìm thấy sự sống của mình qua con đàn cháu đống mà còn tìm thấy sự sống đích thực của mình khi cùng chết với Đức Kitô và cùng sống lại với Người. Đó là ý nghĩa việc chúng ta dâng lễ cầu hồn để những người đã khuất được tháp nhập vào lễ dâng của Chúa Kitô để ở mãi trong Nhà Chúa.

 

5 *  Từ Nhà Tổ đến Nhà Chúa

 

Một trong những hạnh phúc của con người là được sống trong nhà của mình và chết trong căn nhà của mình, chung quanh có những người thân thương. Khi một bệnh nhân đã hết đường cứu chữa, người ta thường tìm cách đưa người bệnh trở về nhà của họ trước khi trút hơi thở cuối cùng, và đó cũng là ý nguyện của người hấp hối. Nhưng đâu là nhà đích thực của con người, nhất là một Kitô hữu thì nhà của họ ở nơi đâu?

Thông thường ai cũng có nhiều nhà, song ở đời này, người tín hữu Kitô chúng ta có ba nhà, nhà nào cũng đáng thương đáng mến :

 

- Nhà thứ nhất là ngôi nhà riêng của chúng ta hay nhà cha mẹ chúng ta, ngôi nhà chúng ta được sinh ra và lớn lên. Biết bao kỷ niệm thân thương đã hình thành và còn in dấu trong tâm trí khó phai mờ của tuổi thơ. Chính trong ngôi nhà này chúng ta được thương yêu và dìu dắt bởi ông bà cha mẹ và anh chị em cùng họ hàng thân quen. Chúng ta có đi đâu, làm gì, có vui thú cách mấy rồi cũng muốn mau chóng để trở về nhà của mình, và chỉ thực sự an tâm khi ở trong nhà của mình, có những người thân yêu bên cạnh. Tuy nhiên, còn có một ngôi nhà nữa mà chúng ta thường lui tới là nhà thờ.

 

- Ngôi nhà thứ hai của mỗi người chúng ta chính là nhà thờ. Chính trong ngôi nhà thờ mà chúng ta được sinh ra làm con Chúa và Hội Thánh. Cũng trong ngôi nhà thờ Giáo Xứ là nơi chúng ta, những Kitô hữu, được trưởng thành nhờ bí tích Thêm Sức, được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, và hoạt động trong cộng đồng tín hữu. Vào cái tuổi gần đất xa trời, người ta bắt đầu tìm về cội nguồn, thì nhà thờ là nơi được lui tới thường xuyên hơn, vì khát vọng lớn nhất của con người là được gặp Chúa. Đó cũng là lý do các bậc cha ông thường khuyên con cháu chọn mua nhà nào gần nhà thờ, vì gần những người thân yêu chưa đủ, còn phải gần Chúa nữa. Tuy nhiên, chẳng ai ở mãi trong nhà tổ hay nhà thờ, cũng đến rồi đi, cũng đến lúc phải nhường lại cho con cháu để chuyển đến nghĩa trang để xây dựng nhà mới.

 

- Vì thế, ngôi nhà thứ ba chính là nhà mồ, đó là ngôi nhà mà chúng ta không tự mình đến, song được bạn bè thân hữu đưa đến. Chúng ta có thể sắm sửa vật liệu nhưng không thể tự mình đứng ra xây cất mà phải nhờ đến con cháu. Tại các nghĩa trang, nhất lại tại Việt Nam, ai nấy cũng phải công nhận đây cũng là một khu dân cư đông đúc sầm uất. Ở đây không có những nhà cao cửa rộng như những người còn sống, nhưng cũng chẳng kém gì, cũng đủ mọi hình dáng kích cỡ và màu sắc, cũng in đậm những nét văn hoá và văn minh của mọi thời. Người ta đem theo đủ mọi thứ xuống phần mộ của người chết nhưng rất tiếc người chết lại chẳng thể hưởng dùng vì thân xác họ đang tiêu tan thành cát bụi trong ngôi nhà mồ.

 

Chúng ta vẫn thường hát: “Cái nhà là nhà của ta, ông cố ông cha lập ra, chúng ta hãy gìn giữ lấy...”, nhưng rồi lại có bài hát khác: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi trở về làm cát bụi ?”. Thật vậy, nhà tổ, nhà thờ hay nhà mồ cũng chỉ là gỗ đá, có quý giá, có sang trọng cách mấy rồi cũng trở thành cát bụi. Tuy nhiên, đây lại là ‘cát bụi tuyệt vời’, vì chưa phải là hết, vẫn ‘còn một chút gì để nhớ để thương’, để hy vọng và đợi chờ. Chúa Kitô đã rọi sáng cho cõi trăm năm của đời người khi Ngài từ cõi chết sống lại như “hoa quả đầu mùa của những kẻ đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20).

 

Như vậy đã rõ: “khi nơi nương náu trần gian này bị huỷ diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”. Chỗ ẩn náu cuối cùng ấy là Nhà Chúa, “nơi mối mọt không thể đục khoét và trộm cắp không thể bén mảng”. Tin vào lời Chúa Giêsu: “Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”, không có chỗ sang chỗ hèn, chỗ tốt chỗ xấu, song chỗ nào cũng có Chúa. Chúa ở đâu thì ở chỗ đó có hạnh phúc, và ‘ở đâu có bác ái và thương mến thì ở đó có Chúa hiện diện’. Như thế, trong ngôi nhà riêng của mỗi người chúng ta cũng đã có Chúa, trong nhà thờ cũng có Chúa, và ngay cả trong nhà mồ cũng có Chúa nếu như chỗ nào cũng lát nền bằng lòng hiếu thảo của con người. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại từ chối xây Nhà Chúa trên những thửa đất tình yêu ấy là chính bản chất của Chúa hay sao ?

*   *   *

“Sinh ký tử quy”, “sống gửi thác về”. Đời người mãi mãi là cuộc hành hương, cứ đi và đi mãi : “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà... Vừa tàn mùa Xuân rồi tàn mùa Hạ, một ngày đầu Thu nghe chân ngựa về chốn xa” (Một cõi đi về, Trịnh Công Sơn).

 

May thay, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô đã thổi vào một luồng sinh khí mới khiến cõi trăm năm này thành cõi vô biên để “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” trở thành Tin Vui khi cát bụi trở thành thân xác phục sinh trong ngày sau hết. Tin Mừng ấy như hạt men hoà lẫn trong cơm cha sữa mẹ, như hạt giống mọc lên quê cha đất tổ, và như ngọn đèn thắp sáng hành trình về Nhà Cha để rồi một ngày kia trong Bàn Tiệc Nước Trời sẽ có hoa thơm quả ngọt từ mảnh đất hương hoả của tổ tiên, có rượu ngon chở đến theo con đường chữ Hiếu, để chúc mừng cuộc hội ngộ vô biên của tất cả ông bà tổ tiên và con cháu loài người.

 

LM Phaolô Phạm Công Phương

 

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà