TINH THẦN THÁNH SIMON PHAN ĐẮC HÒA

PHILIPPHÊ  PHAN VĂM MINH

 

Simon Phan Đắc Hòa sinh tại Huế, tên cũ là Phan đắc Thu. Cha là Phan đắc Thục làm Lại Bộ Thượng Thư trong triều vua; Mẹ là Đóa, vợ lẽ của quan thượng thư. Sau khi cha chết, gia đình trở nên nghèo túng, nên mẹ Ngài phải dẫn hai chị em về ở với bà ngoại tại Lương Kim Quảng Trị. Sau đó lại rời chỗ về làng Nhu Lý nương nhờ một gia đình Công Giáo đạo hạnh giúp đỡ. Trong thời gian này cậu Hòa được dạy giáo lý và được rửa tội năm 12 tuổi.

Cậu Hòa khá thông minh và có tư cách nên được Cha Nhân gửi vào chủng viện An Ninh. Nhưng về sau bề trên cậu là con vợ hai, tức là có ngăn trở không làm linh mục được, nên đã cho về. Bỏ chủng viện về lúc đã 30 tuổi, Phan đắc Hòa ở trọ học thuốc tại nhà y sĩ Phương, và về sau lập gia đình với cô Yên con gái ông Phương, và cũng trở thành thày thuốc.

Ông Bà Phan Đắc Hòa có tất cả 12 người con, trong đó có ba người làm nữ tu. Ông thường dẫn con cái đi lễ và xưng tội. Ban tối Ông đọc sách đạo cho cả nhà nghe. Ông rất thương người nghèo, thường nhường cả phần ăn cho họ nữa. Với lòng đạo đức và nhiệt thành, Ông được cử làm thủ chỉ làng Nhu Lý, và làm chánh trương xứ đạo.

Khi vua Minh Mạng ra lệnh bắt tất cả các giáo sĩ ngoại quốc, Ông Hòa đã chẳng sợ nguy hiểm mà tìm cách giúp đỡ giấu ẩn. Ông xây tường có hai lớp để các cha ẩn trốn trong nhà. Cha Y (De la Motte) đã trốn ở nhà Ngài một thời gian, nhưng rồi dân chúng nghe biết đồn thổi, khiến ông phải xếp đặt đưa cha Y sang ẩn trốn tại làng An Ninh. Nhưng trên đường đi thì Ngài và cha Y bị chận bắt.

Trong khi bị giam tù con cái thường lui tới viếng thăm và được Ngài khuyên:

"Chúng con hãy về giúp đỡ mẹ, chị em giúp đỡ lẫn nhau. Còn số phận Cha chắc không tránh khỏi cái chết. Các con hãy vâng lời mẹ, săn sóc cửa nhà tử tế, vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa".

Khi làm nghề thuốc và dạy thuốc, Ngài được các học trò rất thương mến, và Ngài cũng coi họ như con vậy.

Các quan đưa đòn tâm lý nói về chuyện thương vợ con cho Ngài mủi lòng mà bỏ đạo. Nhưng Ngài quả quyết:

"Dầu tôi phải mất vợ mất con, mất hết của cải và mạng sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ".

Ngài đã bị tra tấn 3 lần, mỗi lần 40 roi, và bị kìm kẹp nữa.

Một hôm bà Hòa bế con đến thăm, Ông nói:

"Hãy can đảm, đừng buồn vì số phận tôi phải chịu. Cái chết của tôi làm vinh danh Chúa. Hãy khuyên bảo con cái biết sống theo ý Chúa".

Sau nhiều lần tra tấn mà không lay chuyển được Ngài, các quan đã làm cho Ngài phải chém đầu và bêu ba ngày cho người khác khiếp sợ, vì tội chứa chấp đạo trưởng ngoại quốc.

Ngày 12.12.1840 Ngài bị chém đầu, tên lý hình tung đầu Ngài lên cho mọi người thấy và giao cho làng Đốc Sơ ngoại đạo bêu đầu ba ngày. Xác Ngài được giáo dân đưa về an táng tại Nhu Lý Quảng Trị.

 

THÁNH PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH.

Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 tại Cái Mơn tỉnh Vĩnh Long, con Ông Đaminh Phan văn Đức và Bà Anna Tiếu. ông Bà Đức làm trùm họ và có tất cả 14 người con. Phan văn Minh là con thứ 12. Cha mẹ chết sớm nên cậu Minh phải ở với chị cả. Năm 13 tuổi cậu được Đức Cha Taberd gửi vào chủng viện Lái Thiêu. Rồi khi lên Đại Chủng Viện thì được gửi sang Penang là chủng viện của vùng Đông Nam Á thời đó. Thầy về nước và chịu chức linh mục tại Huế năm 1846 lúc 31 tuổi. Ngài là một linh mục thông minh. Tên tuổi Ngài gắn liền với cuốn tự điển Việt-Latinh cùng với Đức Cha Taberd.

Trong thời kỳ bắt đạo, Đức Cha phải trốn ẩn nên đã ủy thác cho cha Minh được quyền ban phép Thêm Sức. Ngài đã phải vất vả đi nhiều họ đạo giúp giáo dân thêm mạnh mẽ trong đức tin. Cha Minh có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, và luôn cổ võ ơn gọi đi tu tiếp nối công việc tông đồ của Chúa. Cha nuôi con thiêng liêng cho đi tu và khuyên phải siêng năng cầu nguyện cùng Đức Mẹ và ra sức luyện tập các nhân đức hầu đáng được Chúa gọi: "Hãy siêng năng cầu nguyện cùng Đức Mẹ và ra sức luyện tập các nhân đức hầu Chúa gọi nối tiếp công việc của cha."

Vào cuối năm 1852, lệnh cấm đạo trở nên gắt gao, ngài phải vâng lệnh Bề Trên, đến trú ẩn tại họ Mặc Bắc, nhưng lại được lãnh triều thiên tử đạo. Nguyên lúc ấy, có bếp Nhẫn say mê cờ bạc rượu chè, vì hy vọng tiền thưởng, nên đã đi báo quan đem quân về bắt cha Phêrô Lựu, chánh sở Mặc Bắc. Không gặp cha Phêrô Lựu nhưng quan quân lại bắt được cha Minh trong đêm 25/02/1853, cùng với chủ nhà cho trú ẩn là ông trùm Giuse Lựu, và một số giáo dân nữa. Tất cả bị điệu về Vĩnh Long.

Trong ngục, ngài luôn hãnh diện vì là linh mục và đầy lòng thương mến các bạn tù, dù chịu nhiều hình khổ và nhiều điều xỉ nhục. Vì không lay chuyển nổi đức tin sắt đá của ngài, các quan đã lên án "phát lưu ra Bắc" và đệ án vào kinh xin châu phê. Vua Tự Ðức không nghe, truyền phải xử tử.

Ngày 03/7/1853, Cha Minh bị điệu ra pháp trường, mặc áo dài và cầm tràng hạt trong tay vừa đi vừa làn chuỗi. Cha xin được nửa giờ cầu nguyện, rồi trối lại cỗ tràng hạt cho ông Phương đang theo giúp Cha. Ngài cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Mẹ, xin cầu cho con trong giờ lâm chung nguy hiểm này. Lạy Chúa xin thương đến con cùng. Xin Chúa ban cho con mạnh sức chịu cho sáng danh Chúa”.

Vị chủ chăn trước khi lìa đoàn chiên đã không trối lại kho vàng kho bạc nào, cũng không cấp bằng ân thưởng chi cả, mà trao lại chính người Mẹ đã cả đời yêu thương săn sóc. Cũng như Chúa Giêsu lúc trước khi tắt thở trên Thánh Giá đã trao cho môn đệ Gioan: “Này là Mẹ của con”, Ngài đã trối lại cho con chiên báu vật ngài quí trọng trên đời là tràng chuỗi Mân Côi, là 15 bí quyết của người Mẹ đã bước đi trên cuộc hành trình đức tin qua 15 chặng để đạt nguồn sung mãn đầy ơn phúc của Chúa. …

Đáng lẽ theo bản án thì đầu cha phải bị vất xuống sông, nhưng sau khi chém xong, ông Phương đã xin chuộc đầu Cha khâu lại với xác và rước về táng tại Cái Mơn trong nền nhà thờ cũ. Chúa đã cho vị tử đạo làm nhiều dấu lạ là những đồ vật liên quan đến Ngài bỗng dưng tỏa sáng.

Cha Thánh Minh tử đạo lúc 38 tuổi, là vị tiên khởi tử đạo xuất thân từ chủng viện Penang. Tại sân trường và trong nhà nguyện vẫn còn tượng Ngài.

 


Trờ Về Trang các Thánh