Hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn
của đức tin
Radiovaticana
2012-10-31 17:50:05 – Đức Tin có tính cách cá nhân vì là một hành động
riêng tư trong tận cùng thẳm con người, nhưng cũng có chiều kích cộng đoàn vì
là hành động của Giáo Hội, nơi phát xuất, thông truyền và vun trồng đức tin.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định
như trên với tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến
chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 31-10-2012.
Tuy trời Roma mưa rả rích, cũng đã có có
khoảng 30.000 tín hữu hiện diện tại quảng trường. Họ đến từ các nước Âu châu và
Bắc Mỹ cũng như từ các nước xa xôi như Malaysia, Brasil, Argentina, Mêhicô, Sao
Tome và Principe..
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải
thích hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn của đức tin. Ngài nói:
Hành động đức tin là một hành động tuyệt
đối cá nhân, xảy ra trong nơi sâu thẳm nhất và ghi dấu một sự đổi hướng, một sự
hoán cải cá nhân: chính cuộc sống của tôi nhận được sự thay đổi. Nhưng hành
động tin của tôi không phải là kết qủa suy tư cô độc của tôi, nó không phải là
sản phẩm tư tưởng của tôi, nhưng là hoa trái của một tương quan, của một cuộc
đối thoại, trong đó có việc lắng nghe, tiếp nhận và trả lời. Đó là việc thông
truyền với Đức Giêsu, là Đấng làm cho tôi ra khỏi cái “tôi” đóng kín trong mình
để rộng mở cho tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nó giống như một sự tái sinh trong
đó tôi khám phá ra mình không chỉ kết hiệp với Chúa Giêsu, mà với tất cả những
người đã và đang đi trên cùng con đường ấy. Và sự tái sinh bắt đầu với bí tích
Rửa Tội tiếp tục trong suốt cuộc đời. Trong phụng vụ Rửa Tội vị cử hành đưa ra
ba câu hỏi tín hữu ở số nhiều có tin vào Thiên Chúa Cha, toàn năng, vào Đức
Giêsu Kitô con duy nhất của Người và vào Chúa Thánh Thần không. Và cả ngày nay
nữa câu trả lời ở số ít là “Tôi tin”. Tôi không thể xây dựng đức tin cá nhân
của tôi trong một cuộc đối thoại với Đức Giêsu, bởi vì đức tin được Thiên Chúa
ban cho tôi qua một cộng đoàn tin là Giáo Hội, và tôi được tháp nhập vào đám
đông tín hữu, trong một sự hiệp thông không chỉ có tính cách xã hội học, mà đâm
rễ sâu trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, và trong Chính Người là sự hiệp
thông của Chúa Cha, Con và Thánh Thần là Tình Yêu ba ngôi.
Tiếp tục hài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Trong thánh lễ Chúa Nhật, khi đọc kinh “Tôi tin kính” chúng ta diễn tả trong
ngôi thứ nhất, nhưng tuyên xưng chung đức tin duy nhất của Giáo Hội. Cái “tôi
tin” ấy hiệp nhất với cái tôi tin của một ca đoàn mênh mông trong thời gian và
trong không gian, trong đó từng người cộng tác vào một bản hòa âm nhiều bè của
đức tin.
Sách Giáo Lý Công Giáo nói rõ: “Tin” là
một cử chỉ giáo hội. Đức tin của Giáo Hội đi trước, sinh ra, nâng
đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Giáo Hội là Mẹ của tất cả mọi tín hữu. “Không
ai có thể nói có Thiên Chúa là Cha, nếu không có Giáo Hội là Mẹ” (Thánh
Cipriano) (s. 181). Đức tin nảy sinh từ Giáo Hội, dẫn tới Giáo Hội và sống
trong Giáo Hội. Đây là điều quan trọng cần phải nhớ.
Vào lúc khởi đầu khi Chúa Thánh Thiện
hiện xuống trên các môn đệ với quyền năng, như kể trong sách Công Vụ các Tông
Đồ (Cv 2,1-13), Giáo Hội khai sinh nhận đựơc sức mạnh để thực thi sứ mệnh Chúa
phục sinh trao phó: đó là phổ biến khắp nơi trên trái đất Tin Mừng Nước Thiên
Chúa, và như thế dẫn đưa mọi người tới gặp gỡ Chúa, tới đức tin cứu độ. Các Tông
Đồ vượt thắng mọi sợ hãi trong việc rao giảng những gì các vị đã nghe, đã thấy,
đã kinh nghiệm với Chúa Giêsu. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, các vị bắt
đầu nói các thứ tiếng mới, công khai loan báo mầu nhiệm mà các vị đã là chứng
nhân. Sách Công Vụ kể lại diễn văn thánh Phêrô nói trong chính ngày Lễ Ngũ
Tuần, trong đó thánh nhân công bố nòng cốt đức tin kitô: Đấng đã làm ơn cho tất
cả mọi người, đã được Thiên Chúa chứng thực bởi các điềm thiêng dấu lạ lớn lao,
đã bị đóng đanh trên thập giá và giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống
lại từ cõi chết đặt Người làm Chúa. Với Người chúng tôi đã được bước vào ơn cứu
độ vĩnh viễn do các ngôn sứ loan báo, và ai kêu cầu danh Người thì sẽ được cứu
rỗi (x. Cv 2,17-24).
Khi nghe các lời của thánh Phêrô nhiều
người cảm thấy được mời gọi, sám hối tội lỗi mình, được rửa tội và nhận lấy
Thánh Thần (x. Cv 2,37-41). Con đường của Giáo Hội khởi đầu như thế, và Giáo
Hội là cộng đoàn loan báo điều đó trong thời gian, là
Dân của Thiên Chúa, được xây dựng trên giao ước mới nhờ máu Chúa Kitô. Và các
thành phần của Giáo Hội không tùy thuộc một nhóm xã hội hay chủng tộc đặc biệt
nào, mà là những người nam nữ đến từ mọi quốc gia và nền văn hóa.
Đó là một dân “công giáo”, nói các thứ
tiếng mới, rộng mở một cách đại đồng và tiếp nhận tất cả mọi người, vượt ngoài
mọi biên giới, đạp đổ mọi ngăn cách. “Ở đây không còn Hy lạp hay Do thái, cắt
bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Chúa Kitô là
tất cả trong mọi người” (Cl 3,11). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như
sau:
Như thế, ngay từ đầu Giáo Hội là nơi của
đức tin, nơi của việc thông truyền đức tin, nơi trong đó, qua bí tích Rửa Tội
ta được dìm mình vào trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của cái Chết và sự Phục Sinh của
Chúa Kitô, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tù ngục của tội lỗi, trao ban cho
chúng ta sự tự do là con cái, và dẫn đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông của
Thiên Chúa Ba Ngôi, vào trong Sự Sống của Người là Tình Yêu. Đồng thời chúng ta
được chìm ngập trong sự hiệp thông với các anh chị em khác, với toàn Thân Mình
Chúa Kitô, và được kéo ra khỏi sự cô lập của chúng ta. Công Đồng Chung Vaticăng
II nhắc cho chúng ta biết điều này khi viết: “Thiên Chúa muốn cứu rỗi và thánh
hóa con người, không phải một cách cá nhân và không có liên hệ gì giữa họ, nhưng
muốn thành lập giữa họ một dân, nhận biết Người trong sự thật và trung thành
phục vụ Người” (LG, 9).
Trong lễ nghi Rửa Tội, sau khi từ bỏ sự
dữ chúng ta lập lại lời “Tôi tin” vào các sự thật nòng cốt của đức tin, và vị
chủ sự tuyên bố: “Đây là đức tin của chúng ta, đây là đức tin của Giáo Hôi và
chúng ta vinh hạnh tuyên xưng đức tin đó nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”.
Đức tin là nhân đức đối thần, được Thiên
Chúa ban cho, nhưng được Giáo Hội thông truyền dọc dài lịch sử... Có một dây
xích cuộc sống không gián đoạn của Giáo Hội, của việc loan báo Lời Chúa, của
việc cử hành các Bí Tích, tới với chúng ta, gọi là Truyền Thống. Nó trao ban
cho chúng ta sự chắc chắn rằng những gì chúng ta tin là sứ điệp bắt nguồn từ
Chúa Kitô, đã được các Tông Đồ giảng dậy. Nhân tố nòng cốt của lời loan báo
nguyên thủy là biến cố cái Chết và sự Phục sinh của Chúa, từ đó nảy sinh ra
toàn gia tài đức tin, được Giáo Hội truyền lại tinh tuyền, từ thế hệ này sang
thế hệ kia... Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa, Truyền Thống Giáo Hội giữ gìn và
thông truyền Lời ấy một cách trung thành, để cho con người thuộc mọi thời đại
có thể đạt đến các tài nguyên vô tận của nó, và được phong phú nhờ các kho tàng
ơn thánh của nó.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn
dụ: Trong cộng đoàn giáo hội đức tin lớn lên và trưởng thành. Tân Ước dùng từ “các
thánh” để ám chỉ các kitô hữu. Điều này có nghĩa là những người đã lãnh nhận và
sống đức tin nơi Chúa Kitô được mời gọi trở thành một điểm tham chiếu cho tất
cả những người khác, bằng cách đặt để họ trong sự tiếp cận với Con Người và Sứ
Điệp của Chúa Giêsu, Đấng mạc khải gương mặt của Thiên Chúa hằng sống. Điều này
cũng có giá trị đối với chúng ta: khi một kitô hữu để cho đức tin của Giáo Hôi
hướng dẫn và uốn nắn, thì dù có các yếu đuối, các hạn hẹp và khó khăn, họ trở
thành như một cánh cửa mở ra cho ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống, tiếp nhận
ánh sáng đó và thông truyền cho thế giới. Trong Thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu
Thế” Đức Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định rằng: “Việc truyền giáo canh tân
Giáo Hội, làm cho đức tin và căn tính kitô được mạnh mẽ, trao ban niềm hăng say
và các lý do mới. Đức tin được vững mạnh khi được cho đi” (s. 2).
Việc truyền giáo mới, được thảo luận
trong Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, dựa trên sự tín thác nơi sáng kiến của
Thiên Chúa, trên xắc tín rằng Người vô cùng nhân lành và quan phòng, Người đồng
hành, hướng dẫn và nâng đỡ từng người trong chúng ta và toàn cộng đoàn giáo hội
trên con đường của mình, Người không bao giờ bỏ rơi dân Người, trái lại như Mục
Tử Nhân Lành Người dẫn đưa nó tới quê hương thiên quốc với hoạt động quyền năng
của Chúa Thánh Thần. Nhưng mỗi kitô hữu phải dấn thân để là người thông truyền
đức tin, không phải bằng việc nói và hành động nhân danh mình, nhưng nhờ sức
mạnh của đức tin duy nhất của gia đình Thiên Chúa là Giáo hội. Chính trong
nghĩa đó thánh Phaolô khuyên tín hữu Ephêxô luôn luôn duy trì sự hiệp nhất. Mọi
chia rẽ trong việc tuyên xưng đức tin là một cú đánh gây thương tích cho chính
Thân Mình của Chúa Kitô là Giáo Hội Người. Khuynh hướng phổ biến ngày nay liệt
đức tin vào lãnh vực riêng tư đi ngược lại bản chất của đức tin. Chúng ta cần
Giáo Hội để xác nhận đức tin của chúng ta và để sống kinh nghiệm các ơn của
Chúa: Lời Người, các Bí Tích, sự nâng đỡ của ơn thánh và chứng tá tình yêu... Trong
một thế giới trong đó chủ nghĩa cá nhân xem ra điều khiển các tương quan giữa
con người với nhau, bằng cách khiến cho chúng ngày càng giòn mỏng hơn, đức tin
mời gọi chúng ta là Giáo Hôi, là những người đem tình yêu và sự hiệp thông của
Thiên Chúa đến cho toàn nhân loại.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều
thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới
cưới, ngài nhắc cho mọi người biết rằng mùng một tháng 11 là lễ Các Thánh, ngày
lễ mời gọi tất cả mọi người nên thánh. Đức Thánh Cha cầu chúc các bạn trẻ thực
hiện các khát vọng của họ trong Các Mối Phúc Thật của Tin Mừng. Ngài khích lệ
các người đau yếu vác thánh gia với Chúa Kitô để nên thánh, và nhắn nhủ các cặp
vợ chồng mới cưới biết dành chỗ cho lời cầu nguyện để cuộc sống gia đình của họ
trở thành con đường nên thánh.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy
Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải