Các Hồng Y bắt đầu bầu Giáo Hoàng
vi.radiovaticana.va2013-03-12
17:52:35 –
Nghi
thức mật nghị mở đầu bằng cuộc rước trọng thể của các HY cử tri cùng với các
chức sắc khác lúc 4 giờ rưỡi, từ nhà nguyện Paolina ở lầu I trong dinh Tông Tòa
tiến về nhà nguyện Sistina ở cùng lầu. Một đoàn vệ binh Thụy Sĩ trong lễ phục
đã dàn chào các Hồng Y. Trong cuộc rước các vị và mọi người đã hát kinh cầu các
thánh.
Trong
số 30 người tháp tùng đoàn rước, có ĐHY Prospero Grech 88 tuổi người Malta, Đức
TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Hồng y đoàn, Đức TGM Phó nhiếp chính Piero
Luigi Celata.
Hiện
diện tại Nhà nguyện Sistina khi đoàn rước tiến vào cũng có Đức TGM Angelo
Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ
Giáo Hoàng, cũng là bí thư riêng của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, tư lệnh đoàn
vệ binh Thụy Sĩ, nhiều chức sắc khác cùng với ca đoàn Sistina.
Tại nhà nguyện Sistina, dưới quyền chủ tọa của
ĐHY Giovanni Battista Re là vị kỳ cựu nhất trong số các HY cử tri thuộc đẳng
Giám Mục, các HY cử tri và mọi người đã hát kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần,
rồi các HY cử hành nghi thức tuyên thệ: trước tiên là phần chung, tất cả các
Hồng y cùng đọc, cam kết trung thành tuân giữ mọi qui định trong Tông Hiến “Mục
tử của toàn thể đoàn chiên Chúa” do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành ngày 22-2-1996,
đồng thời giữ bí mật với tất cả mọi người về cuộc bầu cử Giáo Hoàng này, về
những gì xảy ra tại nơi bầu, về việc bầu, không vi phạm bí mật này trong và sau
cuộc bầu, trừ khi được ĐGH mới cho phép rõ ràng. Các vị cũng cam kết không bao
giờ ủng hộ hoặc hỗ trợ bất kỳ sự can thiệp, chống đối hoặc sự can thiệp nào của
chính quyền đời thuộc bất cứ cấp nào, hoặc bất kỳ phe nhóm hoặc cá nhân nào
muốn xen mình vào việc bầu Giáo Hoàng”.
Tiếp
đến mỗi Hồng y, theo thứ tự, tiến đến trước sách Phúc Âm đặt ở giữa nhà nguyện
và đọc câu: “Tôi, Hồng Y.. tuyên hứa, cam kết và thề”. Rồi đặt tay trên sách
Phúc Âm và nói: “Xin Thiên Chúa giúp tôi như thế và Sách Thánh Phúc Âm mà tay
tôi chạm đến đây”.
ĐHY
Phạm Minh Mẫn là vị thứ 44 tuyên thệ theo thứ tự.
Toàn
bộ nghi thức khai mạc mật nghị kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Đúng 17.35, hai cánh
cửa lớn của nhà nguyện được kép lại.
Sau
nghi thức tuyên thệ của các HY cử tri, Đức Ông Guido Marini, Trưởng ban nghi lễ
phụng vụ của ĐGH long trọng tuyên bố: “Extra omnes!” tất cả những người không
phải HY cử tri hãy ra ngoài!”
Kế
đến, ĐHY Prospero Grech đã trình bày bài suy niệm. Ngài thuộc dòng thánh
Augustino, giảng dạy môn chú giải trong hơn 30 năm trời tại Giáo Hoàng Học viện
Kinh Thánh ở Roma, và là vị đồng sáng lập viên Giáo Hoàng Học viện
Augustinianum ở Roma, chuyên về Giáo phụ học. Cha Grech được ĐTC Biển Đức 16 bổ
nhiệm làm Hồng y ngày 18-2 năm 2012.
Sau
bài suy niệm của ĐHY Grech, ĐHY chủ tịch mật nghị Giovanni Battista Re hỏi các
HY xem có gì cản trở việc bỏ phiếu không. Nếu không ai nói gì thì các HY bắt
đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng.
Nghi
thức bắt đầu mật nghị được nhiều đài truyền hình trên thế giới trực tiếp trình
chiếu. Tại Quảng trường thánh Phêrô, mặc dù trời rất u ám, và có lúc mưa, nhưng
cũng có hàng trăm tín hữu theo dõi lễ nghi qua 4 màn hình khổng lồ bố trí tại
quảng trường. Sau khi cánh cửa nhà nguyện Sistina được khép lại. Vẫn còn đông
đảo tín hữu can đảm đứng dưới trời mưa ở quảng trường trước màn hình có chiếu
ống khói trên nhà nguyện Sistina chờ khói báo kết quả cuộc bỏ phiếu.
Cha
Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, lần bỏ phiếu đầu tiên
thường kéo dài lâu hơn, vì quá nửa các HY hiện nay chưa tham dự mật nghị bao
giờ.
Đây là
mật nghị thứ 75 kể từ 739 năm nay, tức là từ năm 1274 khi ĐGH Gregorio 10 ấn
định hình thức mật nghị như hiện thời.
Thời
gian mật nghị bầu Giáo Hoàng tương đối ngắn, từ 2 cho đến 4 ngày. Chẳng hạn mật
nghị năm 1958 bầu Đức Gioan 23 kéo dài 4 ngày với 11 lần bỏ phiếu; mật nghị năm
1963 bầu Đức Phaolô 6 kéo dài 6 ngày với 6 lần bỏ phiếu; mật nghị năm 1978 bầu
Đức Gioan Phaolô I dài 2 ngày với 4 lần bỏ phiếu; cùng năm đó mật nghị bầu Đức
Gioan Phaolô 2 dài 3 ngày với 8 lần bỏ phiếu; sau cùng mật nghị năm 2005 bầu
ĐGH Biển Đức 16 dài 1 ngày rưỡi với 4 lần bỏ phiếu.
G.
Trần Đức Anh O.P