Diễn văn của ĐGH Phanxicô trong buổi tiếp kiến Hồng y đoàn lần đầu tiên

(Hội trường Clêmentê, Vatican, 15-03-2013)

Anh em thân mến,

Thời gian Mật tuyển viện đầy ý nghĩa không những đối với Hồng y đoàn mà còn đối với tất cả các tín hữu. Trong những ngày này, chúng ta cảm nghiệm cách rõ ràng mối thân tình và tình liên đới của Giáo Hội hoàn vũ, cũng như sự quan tâm của nhiều người, dù không cùng tôn giáo với chúng ta nhưng vẫn hướng về Giáo Hội và Toà Thánh với niềm kính trọng và ngưỡng mộ.

Khắp nơi trên địa cầu, một bản hợp ca của lời cầu nguyện tha thiết được các dân Kitô giáo cất lên dành cho vị Giáo hoàng mới, và lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với cộng đoàn chật kín cả Quảng trường Thánh Phêrô là một bản hợp ca đầy cảm xúc. Với hình ảnh ấn tượng của một đám đông cầu nguyện và vui mừng như thế vẫn còn in dấu trong tâm trí tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các giám mục, linh mục, những người tận hiến, các gia đình, người trẻ và người cao tuổi về sự gần gũi thiêng liêng của họ, là điều rất chân thành và đầy cảm kích.

Tôi cảm thấy cần phải nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với tất cả anh em, những hồng y khả kính và thân thiết, vì anh em đã cộng tác để điều hành Giáo Hội trong thời gian trống toà. Trước hết, tôi xin chào Đức Hồng y Angelo, Niên trưởng Hồng y đoàn, và xin cám ơn ngài về lời chào mừng mà ngài đã dành cho tôi nhân danh anh em. Cùng với ngài, tôi xin cám ơn Đức Hồng y Tarcisio Bertone, vị Nhiếp chính của Toà Thánh, về công việc tốt đẹp của ngài trong giai đoạn chuyển giao khó khăn này, và Đức Hồng y Giovanni Battista Re, người điều hành Mật tuyển viện. Với lòng biết ơn, tôi đặc biệt nghĩ đến các vị hồng y khả kính, vì tuổi tác và bệnh tật, vẫn đồng hành với chúng ta và yêu mến Giáo Hội bằng những hy sinh và lời cầu nguyện. Và tôi muốn báo tin cho các ngài rằng, ngày hôm kia, Đức Hồng y Mejia đã trải qua một cơn đau tim và đang ở trong bệnh viện. Tôi tin rằng ngài đã ổn định và ngài gửi đến chúng ta lời chào mừng.

Tôi không quên cám ơn tất cả những ai, bằng nhiều cách, đã chuẩn bị cho Mật tuyển viện, bảo đảm an toàn và yên tĩnh cho các hồng y trong thời gian rất quan trọng này của đời sống Giáo Hội.

Với tất cả lòng biết ơn, tôi đặc biệt nghĩ đến vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Bênêđictô XVI, người mà trong những năm qua đã làm phong phú và tiếp thêm sinh lực cho Giáo Hội bằng giáo huấn, lòng nhân từ, sự hướng dẫn, đức tin, sự khiêm hạ và ôn hòa của ngài; những điều này sẽ tồn tại như di sản thiêng liêng. Ngài đã cống hiến hết mình cho sứ vụ Thánh Phêrô bằng cách diễn tả khôn ngoan và khiêm hạ, với cái nhìn luôn hướng về Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, hiện diện và sống động trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta luôn nhớ đến ngài bằng lời cầu nguyện nhiệt tâm và lòng biết ơn chân thành. Tôi cảm thấy rằng Đức Bênêđictô XVI đã thắp lên một ngọn lửa trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta; ngọn lửa sẽ tiếp tục bừng cháy vì nó được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện mà ngài vẫn dành cho Giáo Hội trong cuộc lữ hành thiêng liêng và sứ mạng của mình.

Anh em thân mến, buổi gặp gỡ của chúng ta nhằm tiếp nối tình hiệp thông Giáo Hội sâu sắc mà chúng ta đã cảm nghiệm trong thời gian qua. Được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm sâu xa và được nâng đỡ bởi tình yêu lớn lao đối với Đức Kitô và Giáo Hội, chúng ta cùng cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những cảm nhận, kinh nghiệm và suy tư của mình trong tình huynh đệ. Trong chính bầu khí thân mật này, sự hiểu biết lẫn nhau và cởi mở cho nhau được lớn lên. Và đó là điều tốt bởi vì chúng ta là anh em. Như có một vị đã nói với tôi: các hồng y là những linh mục của Đức Thánh Cha. Chúng ta là cộng đoàn thân mật và gần gũi như thế, điều đó sẽ giúp ích cho mỗi người trong chúng ta. Sự cởi mở và hiểu biết lẫn nhau giúp chúng ta mở ra cho tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng Phù Trợ, là tác nhân tối cao của mọi sáng kiến và biểu lộ của đức tin. Điều này rất thú vị và mời gọi tôi suy nghĩ. Đấng Phù Trợ tạo nên mọi khác biệt trong Giáo Hội và giống như vị tông đồ của tháp Babel. Mặt khác, Đấng Phù Trợ lại kết hợp tất cả những khác biệt này - không phải làm cho chúng như nhau - mà là hài hoà với nhau. Tôi nhớ đến một giáo phụ đã mô tả điều đó chính là sự hài hoà: “Ipse harmonia est”. Đấng Phù Trợ ban cho mỗi người chúng ta đặc sủng khác nhau, và liên kết chúng ta nên một trong cộng đoàn Giáo Hội, để thờ phượng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bắt đầu từ chính tình liên kết đích thực của Hồng y đoàn, tôi muốn bày tỏ ước mong phục vụ Tin Mừng với tình yêu mới mẻ, giúp cho Giáo Hội ngày càng sống trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Được thôi thúc bởi Năm Đức Tin, tất cả chúng ta, mục tử và giáo dân, chúng ta sẽ cố gắng trung thành thực thi sứ mạng thường hằng: sứ mạng mang Chúa Giêsu Kitô cho con người, và dẫn đưa con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Đấng hiện diện thật sự trong Giáo Hội và đồng thời hiện diện trong mỗi tâm hồn. Cuộc gặp gỡ này làm cho chúng ta nên con người mới trong huyền nhiệm Ân sủng, khơi lên trong lòng chúng ta niềm vui của người Kitô hữu, đó là cái lợi “gấp trăm” mà Đức Kitô ban tặng cho những ai đón nhận Ngài.

Như Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta nhiều lần trong giáo huấn của ngài, và cuối cùng với cử chỉ khiêm tốn và can đảm, rằng chính Đức Kitô dẫn dắt Giáo Hội qua Thánh Thần của Người. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, với ân ban sự sống và sức mạnh hiệp nhất. Người làm cho tất cả nên một trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúng ta đừng bao giờ chiều theo tinh thần bi quan và chua chát mà ma quỉ bày ra trước mặt chúng ta mỗi ngày; đừng bi quan và thất vọng. Chúng ta tin chắc rằng Chúa Thánh Thần, với hơi thở quyền năng, ban cho Giáo Hội lòng can đảm để kiên trì tìm kiếm những phương cách mới để loan báo Tin Mừng, nhằm mang Tin Mừng đến tận cùng cõi đất. Chân lý Kitô giáo có sức thu hút và thuyết phục vì nó đáp ứng nhu cầu sâu xa của con người, loan báo một cách thuyết phục rằng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất trọn vẹn của con người và tất cả nhân loại. Việc loan báo này ngày nay vẫn còn giá trị như thời sơ khai của Kitô giáo, khi Giáo Hội thực thi sứ vụ truyền bá Tin Mừng.

Anh em thân mến, hãy can đảm lên! Một nửa trong chúng ta đã già: Tôi thích nghĩ về tuổi già như ngai toà của sự khôn ngoan. Người già thường khôn ngoan vì họ đã bước đi trên đời, như ông Simeon và bà Anna trong Đền thờ. Chính sự khôn ngoan đã giúp họ nhận ra Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trao ban sự khôn ngoan này cho người trẻ: như rượu ngon được tăng triển theo thời gian, chúng ta hãy ban tặng sự khôn ngoan này của cuộc sống cho người trẻ. Tôi nhớ đến một thi sĩ người Đức viết về tuổi già rằng: “Es ist ruhig, das Alter, und fromm” - tuổi già là thời của bình an và cầu nguyện. Chúng ta cần trao ban cho người trẻ sự khôn ngoan này.

Anh em sẽ trở về giáo phận để tiếp tục sứ vụ của mình, được tiếp thêm sinh lực qua những ngày tràn đầy tình hiệp thông và lòng tin này. Kinh nghiệm độc đáo không gì sánh bằng này cho phép chúng ta hiểu được tất cả vẻ đẹp của Giáo Hội, là điều phản ánh sự sáng của Đức Kitô Phục Sinh: sẽ có ngày chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt đẹp đẽ của Đấng Phục Sinh.

Tôi xin phó thác sứ vụ của tôi và của anh em cho sự chuyển cầu đầy quyền thế của Đức Maria, Mẹ chúng ta, Mẹ Giáo Hội. Dưới cái nhìn từ mẫu của Người, ước gì mỗi người chúng ta bước đi và lắng nghe tiếng của Con chí thánh của Mẹ, gia tăng sự hiệp nhất, kiên trì cầu nguyện và làm chứng cho đức tin chân thực trong sự hiện diện của Chúa. Tôi chân thành ban phép lành Toà Thánh cho anh em, cho cộng sự viên của anh em và cho những người anh em phục vụ.  

Lm. Quang Long chuyển ngữ

Nguồn: WHĐ


Về Trang Mục Lục