Một số thông tin thú vị về Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐGH Phanxicô

(dongten.net) 19/03/2013

SJVN – Trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 18.03.2013, cha Federico Lombardi, SJ, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến hai chủ đề: những cuộc tiếp kiến đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và những chi tiết liên quan đến Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Rôma.

Trước hết, cha Lombardi cho biết rằng Đức Thánh Cha lúc này đang cùng ăn trưa với nữ tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner của Argentina, sau khi tiếp kiến bà và phái đoàn tại nhà thánh Mátta khoảng 20 phút. Sáng nay, vào lúc 10 giờ, ĐTC đã tiếp kiến ĐHY Tarcisio Bertone, SDB, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Ngài cũng đã có 2 cuộc gặp thân mật với một vị giám mục của giáo phận Albano, Ý và một vị khác là cha Adolfo Nicolas, SJ, bề trên Tổng quyền Dòng Tên vào chiều hôm qua.

Phần chính của cuộc họp báo bàn về công tác tổ chức Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC. Trước hết, cha Lombardi minh định rằng thuật ngữ chính xác gọi tên buổi lễ này là Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô chứ không phải là lễ đăng quang Giáo hoàng. Trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng là giám mục Rôma và là đấng cai quản Giáo Hội trong tình yêu. Đây cũng là một buổi lễ giàu tính biểu tượng khi gợi nhắc về tình hiệp thông mật thiết giữa ĐGH với thánh Phêrô, khi buổi lễ được cử hành tại chính nơi mà theo truyền thống thánh Phêrô đã chịu tử đạo.

Vị giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cũng giải thích về cách bố trí chỗ ngồi cho những người tham dự Thánh Lễ. Phía cánh trái của đền thờ thánh Phêrô là chỗ ngồi của các giám mục và tổng giám mục (dự kiến khoảng 250 vị), các vị chức sắc và phái đoàn của các cộng đoàn và các giáo hội Kitô anh em. Phía cánh phải sẽ dành cho phái đoàn đến từ các nước với các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng… Khu vực phía tượng thánh Phêrô sẽ dành cho quý chức sắc của các tôn giáo bạn: Do thái giáo, Hồi giáo…, sau đó là khoảng 1200 linh mục và chủng sinh. Phía tượng thánh Phaolô sẽ là chỗ ngồi của ngoại giao đoàn và các quan chức dân sự khác. Phần lớn quảng trường sẽ dành cho những người tham dự không có có vé. Theo dự báo sẽ có một lượng người khổng lồ tham dự sự kiện này.

Khởi đầu nghi lễ, ĐTC sẽ tiến vào đền thánh Phêrô và tuyên xưng đức tin nơi vị trí mộ thánh Phêrô bên dưới bàn thờ giữa tiếng tung hô “Tu es Petrus – Này con là đá”. ĐGH sẽ kính viếng mộ thánh Phêrô cùng với 10 vị thượng phụ và tổng giám mục chính tòa của các giáo hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương (trong số này có 4 hồng y). Sau đó, dây Pallium, nhẫn Ngư phủ và sách Phúc Âm vốn được đặt trên mộ thánh Phêrô từ tối hôm trước sẽ được dâng lên ĐGH.

ĐTC sẽ trở lại gian chính của đền thờ và tiếp tục đoàn rước. Kinh “Laudes Regiae – Chúa Kitô là Vua” sẽ được xướng lên cùng với một số lời kinh nguyện trích từ văn kiện Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) của công đồng Vatican II. Cha Lombardi cũng cho biết thêm rằng trong kinh cầu các Thánh, sau tên của các Tông Đồ, tên của vị giáo hoàng được phong thánh gần đây nhất là thánh giáo hoàng Piô X sẽ được xướng lên và không xướng tên những vị được phong Chân phước. Đoàn rước sẽ tiếp tục tiến ra quảng trường thánh Phêrô.

Cha Lombardi cũng đã liệt kê danh sách đoàn đồng tế với ĐTC Phanxicô gồm: tất cả các vị hồng y hiện diện tại Rôma, cùng với 6 vị thượng phụ và tổng giám mục chính tòa của nghi lễ Đông Phương; vị thư kí của hồng y đoàn và 2 bề trên tổng quyền của Dòng Phanxicô và Dòng Tên, vốn là chủ tịch và phó chủ tịch của Liên hiệp Bề trên Thượng cấp. Dự kiến có khoảng 180 vị đồng tế và họ sẽ ngồi phía bên trái nghĩa là trước các chức sắc các giáo hội chứ không phải các phái đoàn quốc gia.

Trước khi Thánh Lễ bắt đầu sẽ có các nghi thức đặc biệt liên quan đến việc khai mạc sứ vụ Phêrô của vị giám mục Rôma. Các nghi thức bao gồm:

Trao dây Pallium:

Dây này được làm từ lông chiên và cừu. Dây này được đặt trên vai của ĐGH nhằm gợi nhắc đến chân dung vị Mục tử Nhân lành vác con chiên lạc trên vai đưa về nhà. Dây Pallium của ĐGH có thêu 5 thánh giá màu đỏ trong khi dây Pallium của các vị giám mục có 5 thánh giá màu đen. Dây Pallium ĐGH Phanxicô sử dụng sẽ giống với dây của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. ĐHY Tauran, hồng y trưởng đẳng phó tế sẽ choàng dây Pallium cho ĐTC. Sau đó, ĐHY Daneels hồng y trưởng đẳng linh mục sẽ dâng một lời nguyện.

Nghi thức trao dây Pallium cho ĐTC Bê-nê-đic-tô năm 2005

Nhẫn Ngư phủ:

Thánh Phêrô là một vị tông đồ xuất thân làm nghề chài lưới đã được Chúa Giêsu kêu gọi để trở nên “ngư phủ lưới người”. Nhẫn Ngư phủ sẽ được ĐHY Sodano, niên trưởng hồng y đoàn dâng lên ĐTC. Trên chiếc nhẫn này có khắc chân dung thánh Phêrô cầm chìa khóa. Chiếc nhẫn này do Enrico Manfrini thiết kế, vốn trước đây là nhẫn của TGM Macchi, thư kí riêng của ĐGH Phaolô VI, đã được đức ông Malnati dâng lên ĐGH ngang qua ĐHY Re. Nhẫn này được chế tác lại bằng bạc mạ vàng.

Nhẫn Ngư phủ của ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI (chiếc nhẫn này đã bị hủy sau khi ĐTC từ nhiệm)

Nghi thức bày tỏ “vâng phục”

6 vị hồng y (2 đại diện mỗi đẳng giám mục, linh mục và phó tế) sẽ tiến lên bày tỏ lòng vâng phục đối với Đức Tân Giáo Hoàng. Cũng nên lưu ý rằng tất cả các hồng y cử tri đã bày tỏ vâng phục ĐGH tại nhà nguyện Sistine lúc bế mạc Mật Viện và tất cả các hồng y đã gặp ĐGH trong buổi tiếp kiến ngày sau đó tại điện Clemente. Cũng vậy, theo dự kiến sẽ có đại diện của các thành phần dân Chúa bày tỏ vâng phục với ĐTC trong nghi thức nhận ngai tòa tại nhà thờ thánh Gioan Laterano, nhà thờ chính tòa của giáo phận Rôma.

 

Thánh Lễ sẽ được sử hành theo lễ trọng kính thánh Giuse với các bài đọc riêng (vì thế các bài đọc sẽ không trực tiếp liên quan đến lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐGH). Bài Tin Mừng sẽ được công bố bằng tiếng Hy Lạp để cho thấy rằng Giáo Hội hoàn vũ được xây dựng trên các truyền thống của cả Đông phương lẫn Tây phương. “Tiếng Latinh đã được đọc trong hầu hết các phần của Thánh Lễ này rồi”, cha Lombardi nói.

Đức Tân Giáo Hoàng sẽ giảng bằng tiếng Ý và như ngài vẫn thường làm, có thể sẽ không chỉ theo sát một bài giảng soạn sẵn nhưng có thể có những lúc ứng khẩu.

Cha Lombardi nói rằng vị chưởng nghi mong đợi rằng nghi thức sẽ không kéo dài quá 2 giờ và luôn được lưu ý để đơn giản hóa và tránh nghi thức quá dài. Sẽ không có phần dâng lễ vật vì các lễ vật sẽ được các thừa tác viên chuẩn bị bàn thờ mang đến. ĐGH cũng sẽ không trao Mình Thánh Chúa mà để cho các phó tế và các linh mục.

Sau khi kết thúc buổi lễ và thay lễ phục, ĐGH sẽ đến bàn thờ của đền thờ và sẽ chào từ biệt phái đoàn các nước vốn sẽ di chuyển qua lối này. Sau đó ngài sẽ đến nhà thánh Mátta để dùng bữa trưa.

Các phái đoàn khác còn lưu lại Rôma sẽ gặp ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức TGM Dominique Mamberti, Thư ký Phủ Quốc vụ khanh đặc trách quan hệ với các quốc gia trong ngày thứ tư (chẳng hạn như tổng thống Brazil sẽ gặp để bàn về ngày Quốc tế Giới trẻ sắp đến). Tưởng cũng nên nhắc lại, ĐGH sẽ tiếp kiến các phái đoàn của các giáo hội Kitô anh em và các tôn giáo khác trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư.

Hiện tại, các phái đoàn dự kiến sẽ dự lễ gồm có:

- 33 phái đoàn đại diện cho các giáo hội Kitô anh em và các cộng đồng tôn giáo Kitô (14 từ Đông phương, 10 từ Tây phương, 3 từ các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức khác). Trong số đó, sẽ có Đức thượng phụ giáo chủ Bartholonew I, giáo hội Chính thống giáo Hy lạp, giáo chủ danh dự của toàn Chính thống giáo; Đức thượng phụ giáo chủ tối cao của giáo hội Chính thống Armenia; Đức TGM chính tòa Hilarion của tòa thượng phụ Matxcơva; nhiều vị TGM; Đức TGM Anh giáo Fykse Tveit,  Thư ký Hội đồng Thế giới các Giáo hội.

- 16 phái đoàn của Do thái giáo gồm: cộng đồng Do thái tại Rôma; Ủy ban Do thái quốc tế; giáo trưởng Israel; Hội nghị Do thái thế giới…

- Và các phái đoàn của Hồi giáo, Phật giáo, đạo Sikh và đạo Jainist…

Đến nay, đã có đại diện của 132 nước xác nhận sẽ tham dự Thánh Lễ.

Cha Lombardi nói rằng “các phái đoàn đến Rôma dựa theo thông tin được công bố bởi Phủ Quốc vụ khanh. Không hề có thư mời nào được gửi đi. Tất cả những ai muốn đến đều được nồng nhiệt chào đón. Không hề có bất cứ đặc ân dành cho phái đoàn nào. Thứ tự sắp xếp cho các phái đoàn sẽ phụ thuộc vào cấp độ ngoại giao khác nhau.

Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là các phái đoàn đến từ Argentina do tổng thống nước này dẫn đầu và từ Ý do tổng thống Napolitano và thủ tướng Monti cùng chủ tích thượng viện, hạ viện và tòa án hiến pháp nước này dẫn đầu.

Theo dự kiến sẽ có 6 vị quốc vương (Bỉ, Monacô…); 31 lãnh đạo nhà nước (Áo, Brazil, Chile, Mexico, Canada, Balan, Bồ Đào Nha, Liên minh Châu Âu…); 3 thái tử (Tây Ban Nha, Hà Lan, Bahrain); 11 vị đứng đầu chính phủ (Đức, Pháp, phó tổng thống Mỹ…) và các phái đoàn do các đệ nhất phu nhân, phó tổng thống, phó thủ tướng, chủ tịch quốc hội, bộ trưởng, đại sứ và các chức sắc khác dẫn đầu.

Chỉnh Trần, SJ

Biên tập & chuyển ngữ từ Vatican News

 


Về Trang Mục Lục