Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đoàn ngoại giao
cạnh Tòa Thánh
vi.radiovaticana.va2013-03-22
15:16:59 – VATICAN. Sáng ngày 22-3-2013, ĐTC
Phanxicô đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng ngài. Ngài
mời gọi các dân nước tham gia cuộc chiến đấu chống nghèo đói vật chất cũng như
tinh thần; xây dựng hòa bình và bắc những nhịp cầu giữa con người và các dân
tộc.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có
các đại diện của 179 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ ngoại giao với Tòa
Thánh. Tân niên trưởng ngoại giao đoàn là Đại sứ Jean Claude Michel của tiểu
vương quốc Monaco,
đã đại diện mọi người chúc mừng ĐTC. Lên tiếng trong dịp này, ngài nói:
Quí vị Đại Sứ, quí bà và quí ông!
Tôi chân thành cám ơn vị niên
trưởng của quí vị, Đại Sứ Jean Claude Michel vì những lời tốt đẹp ông đã bày tỏ
với tôi nhân danh tất cả mọi người và tôi vui mừng đón tiếp quí vị trong buổi
trao đổi lời chào này, đơn sơ nhưng đồng thời cũng nồng nhiệt, muốn là một vòng
tay tinh thần của Giáo Hoàng đón nhận toàn thế giới. Thực vậy, qua quí vị, tôi
được gặp các dân tộc của quí vị, và như thế, có thể nói, tôi đi đến với mỗi
người đồng hương của quí vị, với những vui mừng, thảm trạng, những mong đợi và
ước muốn của họ”.
“Sự hiện diện đông đảo của quí vị
cũng là một dấu chỉ cho thấy quan hệ của đất nước quí vị với Tòa Thánh thật là
phong phú, và thực là một cơ hội phúc lợi cho nhân loại. Thực vậy, điều mà Tòa
Thánh vẫn đặc biệt quan tâm đó là thiện ích của mỗi người trên trái đất này! Và
chính với ý thức đó mà Giám Mục Roma bắt đầu sứ vụ của mình, biết rõ ràng mình
có thể cậy dựa vào tình bạn và lòng quí mến của các quốc gia mà quí vị đại
diện, và với xác tín rằng quí vị cũng chia sẻ chủ ý đó. Đồng thời tôi hy vọng
đây cũng là cơ hội để bắt đầu một hành trình với những nước chưa có quan hệ
ngoại giao với Tòa Thánh, một vài nước đã hiện diện tại thánh lễ khai mạc sứ vụ
của tôi hoặc đã gửi sứ điệp như một cử chỉ gần gũi. Tôi chân thành cám ơn các
nước ấy”.
“Như quí vị biết, có những lý do
khác nhau khiến tôi chọn tên của tôi khi nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi, một
nhân vật được biết đến nhiều, vượt ra ngoài ranh giới của Italia và Âu Châu và
cả nơi những người không tuyên xưng đức tin Công Giáo. Một trong những lý do
đầu tiên là lòng yêu mến của thánh Phanxicô đối với người nghèo. Vẫn còn bao
nhiêu người nghèo trên thế giới này! Và bao nhiêu đau khổ mà những người ấy gặp
phải! Theo gương thánh Phanxicô Assisi, Giáo Hội vẫn luôn tìm cách chăm sóc,
gìn giữ những người đang khổ vì nghèo túng ở mọi góc trên trái đất, và tôi nghĩ
rằng tại nhiều quốc gia của quí vị, quí vị có thể nhận thấy hoạt động quảng đại
của các tín hữu Kitô đang xả thân để giúp đỡ các bệnh nhân, cô nhi, những người
vô gia cư và tất cả những người bị gạt ra ngoài lề, và qua đó họ đang làm việc
để xây dựng một xã hội nhân bản và công bằng hơn”.
“Nhưng cũng có một thứ nghèo đói
khác! Đó là sự nghèo đói tinh thần của thời đại ngày nay, liên quan trầm trọng
tới cả những nước được coi là giầu có. Đó là điều mà vị Tiền Nhiệm của tôi, Đức
Biển Đức 16 quí mến và đáng kính, vẫn gọi là “chế độ độc tài của chủ thuyết duy
tương đối”, khiến cho mỗi người trở thành tiêu chuẩn của chính mình và gây nguy
hiểm cho sự sống chung giữa con người với nhau. Và thế là tôi tiến đến lý do
thứ hai của việc chọn tên tôi. Thánh Phanxicô Assisi nói với chúng ta: “Các bạn
hãy làm việc để xây dựng hòa bình! Nhưng không có hòa bình đích thực nếu không
có chân lý! Không thể có hòa bình thực sự nếu mỗi người là tiêu chuẩn cho chính
mình, nếu mỗi người có thể luôn luôn chỉ đòi hỏi quyền của mình, mà không đồng
thời quan tâm đến thiện ích của người khác, của tất cả mọi người, bắt đầu từ
bản tính mà mỗi người trên trái đất này đều có chung.
Một trong những tước hiệu của
Giám Mục Roma là Pontefice, nghĩa là người bắc cầu, với Thiên Chúa và giữa con
người với nhau. Tôi mong ước rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta giúp bắc những
nhịp cầu giữa mọi người, nhờ đó mỗi người có thể tìm thấy nơi tha nhân không
phải một kẻ thù, không phải như người cạnh tranh, nhưng như một người anh em
cần được đón tiếp và ôm chào! Và rồi chính lai lịch của tôi cũng thúc đẩy tôi
làm việc để bắc cầu. Thực vậy, như quí vị đã biết, gia đình tôi gốc Italia, và
như thế trong tôi luôn có một cuộc đối thoại sinh động ấy giữa các nơi chốn và
các nền văn hóa ở xa nhau, giữa một nơi xa xăm trên thế giới với nơi khác,
nhưng ngày càng gần gũi nhau, lệ thuộc nhau, cần được gặp nhau và kiến tạo
những không gian thực sự cho tình huynh đệ chân chính.
Trong hoạt động này, vai trò của
tôn giáo cũng có đặc tính cơ bản. Thực vậy ta không thể kiến tạo những nhịp cầu
giữa con người mới nhau mà lại quên lãng Thiên Chúa. Nhưng điều trái ngược lại
cũng có giá trị: ta không thể sống những liên hệ đích thực với Thiên Chúa mà
lại cố tình không biết đến tha nhân. Vì thế, điều quan trọng là tăng cường đối
thoại giữa các tôn giáo khác nhau, tôi nghĩ đến trước tiên là Hồi giáo và tôi
rất đánh giá cao sự hiện diện của bao nhiêu vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo
trong thế giới Hồi giáo tại thánh lễ khai mạc sứ vụ của tôi. Và một điều cũng
quan trọng đó là tăng cường cuộc trao đổi với những người không tín ngưỡng, để
không bao giờ có sự trổi vượt của những dị biệt gây chia rẽ và tổn thương,
nhưng chính trong sự khác biệt, có sự chiến thắng của ước muốn thiết lập những
mối liên hệ thân hữu đích thực giữa mọi dân tộc.
Chiến đấu chống nghèo đói vật
chất cũng như tinh thần; xây dựng hòa bình và bắc những nhịp cầu. Đó là những
điểm tham chiếu của một hành trình mà tôi muốn mời gọi mỗi quốc gia mà quí vị
đại diện tham gia vào. Đó là một hành trình khó khăn nếu chúng ta không học
cách ngày càng yêu mến trái đất chúng ta. Cả trong trường hợp này, tôi cũng cảm
thấy được trợ lực khi nghĩ đến tên thánh Phanxicô, Đấng đã dạy phải tôn trọng
sâu xa đối với toàn thể công trình tạo dựng, bảo tồn môi sinh của chúng ta, mà
đáng tiếc là quá nhiều khi chúng ta không sử dụng cho thiện ích, và chỉ khai
thác một cách ham hố gây hại cho nhau.
Quí vị đại sứ, quí bà quí ông
thân mến,
Một lần nữa xin cám ơn vì công
việc mà quí vị đang thực hiện, cùng với Phủ Quốc vụ khanh, để xây dựng hòa bình
và bắc những nhịp cầu thân hữu và huynh đệ. Qua quí vị, tôi muốn lập lại lời
cám ơn các chính phủ của quí vị vì đã tham dự các buổi lễ nhân dịp tôi được
bầu, với mong ước có một hoạt động chung nhiều thành quả. Xin Chúa Toàn Năng đổ
tràn hồng ân trên mỗi người trong quí vị, gia đình quí vị và các dân tộc mà quí
vị đại diện. Xin cám ơn!
Sau bài diễn văn ngắn trên đây,
ĐTC đã dành cả tiếng đồng hồ đứng bắt tay các vị đại sứ và phu nhân hoặc phu
quân của họ.
G. Trần Đức Anh OP
Về Trang Mục Lục