(dongten.net)
Sáng ngày 22 tháng 03, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến đoàn ngoại giao
cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng ngài. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các đại diện
của 179 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Qua
bài phát biểu của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến này, chúng ta phần nào
thấy được những ưu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng trong việc đối thoại với thế
giới, đó là: đối thoại với người Hồi giáo, thiết lập quan hệ với các quốc gia
chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh và cuối cùng là đối thoại với những
người không tín ngưỡng. Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha.
“Tôi chân thành cám ơn vị niên trưởng của quí vị, Đại Sứ Jean Claude
Michel vì những lời tốt đẹp ông đã dành cho tôi nhân danh tất cả mọi người hiện
diện. Tôi vui mừng đón tiếp quí vị trong buổi trao đổi lời chào này, đơn sơ
nhưng đồng thời cũng nồng nhiệt, muốn là một vòng tay tinh thần của Giáo Hoàng
đón nhận toàn thế giới. Thực vậy, qua quí vị, tôi được gặp các dân tộc của quí
vị, và như thế, có thể nói, tôi đi đến với mỗi người đồng hương của quí vị, với
những vui mừng, đau khổ, với những mong đợi và ước muốn của họ.
Sự hiện diện đông đảo của quí vị ở đây là một dấu chỉ cho thấy mối
tương quan giữa các quốc gia quí vị và Tòa thánh thật phong phú, và cũng mang
lại lợi ích cho con người. Thực vậy, điều mà Tòa Thánh đặc biệt quan tâm là
thiện ích của mỗi người trên trái đất này! Chính vì ý nghĩ đó mà Giám mục Roma
đã ủy thác cho quí vị sứ mạng này, biết rõ rằng mình có thể cậy dựa vào tình
bạn và lòng quí mến của các quốc gia mà quí vị đại diện, và với xác tín rằng
quí vị cũng chia sẻ mục đích đó. Đồng thời đây cũng là cơ hội để bắt đầu hành
trình với một vài quốc gia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh; tôi
hết lòng biết ơn vì một số vị đã hiện diện trong thánh lễ khai mạc sứ mạng của
tôi, hay gửi những thông điệp như là dấu chỉ của sự gần gũi của họ.
Như anh chị em biết, có nhiều lý do khiến tôi chọn danh hiệu
Phanxicô Assisi, một hình ảnh thân quen vượt ra ngoài biên giới Ý và Châu Âu,
thậm chí là giữa những người không tuyên xưng niềm tin Công Giáo. Một trong
những lý do đó là tình yêu của Thánh Phanxicô dành cho người nghèo. Vẫn còn rất
nhiều người nghèo trên thế giới! Và những đau khổ lớn lao mà họ phải gánh chịu!
Qua mẫu gương của thánh Phanxicô Assisi, Giáo hội tại mọi ngõ ngách trên thế
giới đã nỗ lực để quan tâm và chăm sóc những người đau khổ, và tôi nghĩ rằng
tại nhiều quốc gia mà anh em đang hiện diện, anh chị em có thể chứng kiến những
hoạt động đầy quảng đại của các Kitô hữu dấn thân trong việc giúp đỡ người bệnh
tật, cô nhi, người vô gia cư và tất cả những ai bị gạt ra bên lề xã hội. Họ
đang thực sự nỗ lực để kiến tạo một xã hội nhân bản hơn và công bình hơn.
Nhưng cũng còn có một hình thức nghèo đói khác. Đó chính là sự
nghèo đói về tinh thần trong thời đại chúng ta, vốn ảnh hưởng rất trầm trọng
đến những quốc gia được xem là giàu có hơn. Đó là điều mà vị tiền nhiệm yêu quí
của tôi, Đức Thánh Cha Biển Đức 16, đã gọi là “chế độ độc tài của chủ thuyết
tương đối”, khiến cho người ta trở thành tiêu chuẩn của chính mình và phương
hại đến đời sống chung. Và đây cũng là một lý do khiến tôi chọn danh hiệu này.
Thánh Phanxicô nói cho chúng ta rằng chúng ta nên lao tác để xây dựng hòa bình.
Nhưng sẽ không có hòa bình đích thực nếu không có chân lý! Không thể có hòa
bình nếu mỗi người là tiêu chuẩn cho riêng mình, nếu mỗi người luôn tuyên bố là
chỉ có mình đúng, và đồng thời không cần quan tâm đến lợi ích của người khác,
của mọi người, vốn là một khởi điểm tự nhiên nối kết mọi người trên trái đất
này.
Một trong những tước hiệu của Giám mục Roma là Đức Giáo Hoàng
(Pontefice), nghĩa là, ngài là một người xây nhịp cầu với Thiên Chúa và giữa
con người. Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp
xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra
nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một
người anh, người chị được chào đón và yêu thương. Nguồn gốc của tôi thúc đẩy
tôi làm việc để bắc những nhịp cầu. Như anh chị em biết, gia đình tôi gốc
Italia, và như thế trong tôi luôn có một cuộc đối thoại sinh động giữa các nơi
chốn và các nền văn hóa xa nhau, giữa một nơi xa xăm trên thế giới với nơi
khác, nhưng ngày càng gần gũi nhau, lệ thuộc nhau, cần gặp gỡ nhau và kiến tạo
những không gian đích thực cho tình huynh đệ chân chính.
Trong sứ mạng này, tôn giáo đóng vai trò nền tảng. Chúng ta không
thể xây bắc nhịp cầu giữa người với người nếu chúng ta lãng quên Thiên Chúa.
Nhưng điều ngược lại thì cũng đúng: chúng ta không thể thiết lập mối tương quan
đúng đắn với Thiên Chúa trong khi chúng ta lãng quên con người. Vì thế, điều
quan trọng là chúng ta cần phải tăng cường cuộc đối thoại giữa các tôn giáo
khác nhau, và cụ thể, tôi nghĩ về cuộc đối thoại với Hồi giáo. Trong thánh lễ
khai mạc sứ mạng của mình, tôi đánh giá rất cao sự hiện diện của nhiều vị lãnh
đạo tôn giáo và dân sự đến từ thế giới Hồi giáo. Và điều khác cũng rất quan trọng
là cần phải tăng cường đối thoại với những người không tín ngưỡng, để những
khác biệt gây chia rẽ và làm tổn thương chúng ta chưa bao giờ trở nên thắng
thế, nhưng chính trong sự khác biệt, có sự chiến thắng của ước muốn thiết lập
những mối liên hệ thân hữu đích thực giữa mọi dân tộc.
Cuộc chiến chống đói nghèo, cả vật chất lẫn tinh thần, xây dựng hòa
bình và bắc nhịp cầu. Đó là những điểm tham chiếu của một hành trình mà tôi
muốn mời gọi mỗi quốc gia mà quí vị đại diện tham gia vào. Nhưng nó sẽ là một
hành trình đầy khó khăn nếu chúng ta không học để lớn lên trong tình yêu cho
thế giới của chúng ta. Điều này cũng giúp tôi nghĩ về Thánh Phanxicô, ngài đã
dạy cho tôi biết cần phải dành một sự tôn trọng sâu xa đối với toàn thể tạo vật
và bảo vệ môi trường, mà quá nhiều khi, thay vì sử dụng cho thiện ích, chúng ta
đã khai thác một cách tham lam và đã làm phương hại đến nhau.
Quí vị đại sứ, quí bà quí ông thân mến,
Một lần nữa xin cám ơn vì công việc mà quí vị đang thực hiện, cùng
với Phủ Quốc vụ khanh, để xây dựng hòa bình và bắc những nhịp cầu thân hữu và
huynh đệ. Qua quí vị, tôi muốn lập lại lời cám ơn các chính phủ của quí vị vì
đã tham dự các buổi lễ nhân dịp tôi được bầu, với mong ước có một hoạt động
chung nhiều thành quả. Xin Thiên Chúa Toàn Năng đổ tràn hồng ân trên mỗi người
trong quí vị, gia đình quí vị và các dân tộc mà quí vị đại diện. Xin cám ơn!”
Nguyễn Minh Triệu sj, chuyển ngữ và giới thiệu