Khi có Chúa Kitô là trung tâm, cả những lúc tối tăm nhất trong cuộc đời cũng được soi sáng

vi.radiovaticana.va2013-11-25 16:31:50 – Khi có Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống, chúng ta có thể quy chiếu về Người các niềm vui và niềm hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng trong cuộc đời chúng ta. Cả những lúc đen tối nhất cuộc sống cũng được soi sáng và Người ban cho chúng ta niềm hy vọng, như xảy ra đối với người trộm lành trong Phúc âm hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách tham dự thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin tại quảng trường Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua 24-11-2013.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi sáng. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 80 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và 1.200 linh mục. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, ca đoàn của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc và ca đoàn Mater Ecclesiae cũng như Dàn nhạc hòa tấu của tỉnh Bari nam Italia.

Trong khi chờ đơi Dàn nhạc đã trình tấu và các ca đoàn đã hát thánh ca chuẩn bị tinh thần cho tín hữu. Hàng trăm người thiện nguyện đã đi quyên tiền trợ giúp các nạn nhân bão lụt Hayan bên Philippinnes. Từ 15 năm qua đây là lần đầu tiên có việc quyên tiền trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Số tiền này sẽ được Đức Thánh Cha chuyển tới các nạn nhân trong những ngày tới.

Lúc 9 giờ 45 hòm đựng xương Thánh Phêrô đã được rước ra và để trên đế cao phía bên trái bàn thờ. Hòm xương thánh bằng đồng dài 30 cm rộng 10 cm có 8 mảnh xương, mỗi mảnh dài 2-3 cm. Trên hòm thánh tích có viết hàng chữ: “Từ các xương tìm thấy trong lòng đất của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được coi là của Tông Đồ Phêrộ Diễm Phúc”. Thánh tích này đã được trao tặng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1971, và từ đó được giữ trong Nhà nguyện riêng của Đức Giáo Hoàng trong Dinh Tông Tòa. Trong các năm qua Thánh tích được trưng bầy trong nhà nguyện này mỗi ngày 29 tháng 6.

Hôm Chúa Nhật 24-11-2013 là lần đầu tiên Thánh tích được trưng bầy tại quảng trường Thánh Phêrô cho tín hữu tôn kính. Theo hai bút tích “Sự lên trời của Isaia” và “Sách Khải huyền của Phêrô” Tông Đồ Phêrô đã chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 64, và được chôn cất trong nghĩa trang bên cạnh hý trường Neron và Caligula. Bút tích đầu tiên nhắc tới mộ của Thánh Phêrô thuộc hai thế kỷ thứ II-III là của Giám Mục Eusebio, sử gia của Giáo Hội. Đức Cha Eusebio kể lai lời của một linh mục Roma tên là Gaio nói về phần mộ, mà cha định nghĩa là “chiến tích” của Phêrô tại Vaticăng.

Vào đầu thế kỷ thứ IV hoàng đế Costantino đã cho lấp nghĩa trang này để xây đền thờ thánh Phêrô, nhưng trên dấu tích mộ của thánh nhân. Chỉ vào năm 1939 dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XII mới có các cuộc đào bới khảo cổ. Tuy nhiên, việc điều hành thiếu sót đã không đưa tới các kết qủa mong muốn, mà chỉ cung cấp một số dữ kiện, mà sau này nhà nữ khảo cổ Margherita Guarducci đã dùng để dựng lại khung cảnh lịch sử của các biến cố.

Thật ra, bên dưới bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin trong Đền Thờ Thánh Phêrô hiện nay có một loạt các bàn thờ có lẽ được dựng để kính thánh Phêrô giữa các năm 321-326. Đền thờ do hoàng đế Costantino cho xây cất bao trùm một bức tường thuộc hậu bán thế kỷ thứ III, một phần mộ gọi là “chiến tích của Gaio” tựa vào một bức tường trát vữa mầu đỏ và một mộ nhỏ trên mặt đất gọi là “terragna” ở bên trong phần mộ nói trên.

Năm 1952 bà Guarducci đọc ra tên của thánh Phêrô bằng tiếng Hy lạp mà tín hữu vạch trên tường. Thế rồi tháng 9 năm 1953 bà Guarducci tìm ra một chiếc hộp bị bỏ quên trong một nơi ẩm thấp. Bà giao cho các khoa học gia khảo xét trong đó có ông Venerando Correnti chuyên viên nhân chủng học. Kết luận đó là xương của một người đàn ông khoảng 60-70 tuổi bọc trong một mảnh vải điều có thêu chỉ vàng. Và các vết đất thuộc loại đất của mộ chôn sát đất “terragna”. Đó là bằng chứng trong mộ có xương của thánh Phêrô trước khi được hoàng đế Costantino chuyển rời. Trong các chữ vạch trên tường có các chữ Hy lạp “Phêrô ở trong này”. Ngày 26 tháng 6 năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chính thức loan báo tin này trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, khi nói: “Các điều tra rất kiên nhẫn và cẩn thận đã được thực thi với kết qủa mà chúng tôi, được củng cố bởi phán quyết của các chuyên viên có giá trị và thận trọng, chúng tôi tin là tích cực: cả các thánh tích của Thánh Phêrô cũng đã được nhận diện một cách, mà chúng ta có thể coi là thuyết phục”.

Trong thánh lễ, các bài Sách Thánh đã được đọc trong các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Ý. Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng biết ơn Đức Biển Đức XVI đã tuyên bố Năm Đức Tin cống hiến cho toàn Giáo Hội cơ may tái khám phá ra vẻ đẹp của lộ trình đức tin, bắt đầu với bí tích Rửa Tội biến chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và anh em với nhau trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha cũng chào mừng các Thượng Phụ, Tổng Giám Mục Trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, và qua các vị tín hữu các cộng đoàn của các vị hằng nêu gương trung thành với giá trả đắt đỏ cho lòng trung kiên ấy. Qua các vị Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào thân ái tới tất cả mọi kitô hữu bên Thánh Địa, Siria và toàn vùng Đông Phương và cầu mong tất cả được ơn hòa bình và hòa hợp.

Tiếp đến ngài đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc nói về Chúa Kitô trung tâm của thụ tạo, của dân Chúa và của lịch sử. Thánh Phaolô trình bày Chúa Kitô như là Trưởng tử của mọi thụ tạo: trong Người, nhờ Người và cho Người mà mọi sự được tạo dựng. Ngài là Chúa của sự tạo dựng, Chúa của sự hòa giải. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu là trung tâm của việc tạo dựng, và vì thế thái độ đòi hỏi nơi tín hữu, nếu họ muốn là tín hữu, là thái độ nhận biết và tiếp đón tính cách trung tâm ấy của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống, trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Khi đó các tư tư tưởng các việc làm các lời nói của chúng ta sẽ là các tư tưởng kitô, các tư tưởng, việc làm và lời nói của Chúa Kitô. Trái lại, khi đánh mất đi trung tâm ấy vì thay thế nó với cái gì khác, thì chỉ phát sinh ra các thiệt hại cho môi trường chung quanh và cho chính con người.

Ngoài việc là trung tâm của thụ tạo, và của sự hòa giải, Chúa Kitô là trung tâm của dân Thiên Chúa. Chính hôm nay Người ở đây, giữa chúng ta. Bây giờ và ở đây trong Lời Người và sẽ ở đây trên bàn thờ, sống động, hiện diện giữa chúng ta là dân của Người. Đó là điều được chỉ cho chúng ta thấy trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Samuel II, kể lại ngày dân Israel đến tìm Đavít và xức dầu tấn phong ông là vua trên Israel (x.2 Sm 5,1-3). Qua việc tìm kiếm gương mặt lý tưởng của nhà vua, các người ấy đã kiếm tìm chính Thiên Chúa: một vì Thiên Chúa đến gần con người, chấp nhận đồng hành với con người và trở thành anh của họ.

Chúa Kitô dòng dõi vua Đavít chính là “người anh”, chung quanh Người dân được thành lập, là Đấng săn sóc dân Người, săn sóc tất cả chúng ta với giá cuộc sống Người. Nơi Người chúng ta là một, một dân duy nhất: hiệp nhất với Người chúng ta chia sẻ một con đường, một số phận duy nhất. Nơi Người chúng ta có căn tính như là dân Thiên Chúa.

Và sau cùng Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử nhân loại và cũng là trung tâm lịch sử của mỗi một người. Chúng ta có thể quy chiếu về Người các niềm vui và niềm hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng trong cuộc đời chúng ta. Khi Chúa Giêsu ở trung tâm, cả những lúc đen tối nhất cuộc sống cũng được soi sáng và Người ban cho chúng ta niềm hy vọng, như xảy ra đối với người trộm lành trong Phúc âm hôm nay.

Trong khi tất cả các người khác hướng tới Chúa Giêsu với sự khinh rẻ, họ nói: “Nều ông là Đức Kitô, Vua Cứu Thế, thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi”, thì ông này, là người đã sai lạc trong cuộc sống, hối hận bám chặt lấy Đức Giêsu chịu đóng định và nài xin: “Xin nhớ đến tôi, khi Ngài vào Nước của Ngài” (Lc 23,42). Và Chúa Giêsu hứa với ông: “Hôm nay con sẽ ở trên thiên đàng cùng Ta” (c.43). Chúa Giêsu chỉ nói lên lới tha thứ chứ không kết án; và khi con người tìm ra can đảm xin ơn tha thứ ấy, Chúa không bao giờ bỏ rơi một lời xin như vậy.

Hôm nay, tất cả chúng ta có thể nghĩ tới lịch sử của mình, con đường của mình. Mỗi người trong chúng ta có lịch sử của mình: mỗi người trong chúng ta, cả khi có các sai lầm, tội lỗi, các lúc sung sướng và tối tăm. Trong ngày này, thật là ích lợi, khi nghĩ tới lịch sử của chúng ta và nhìn lên Chúa Giêsu, và từ tận đáy lòng, mỗi người trong chúng ta hãy lập lại với Người biết bao lần, nhưng với con tim thinh lặng, rằng: “Lậy Chúa, xin nhớ tới con, bây giờ Chúa đang ở trong Nước Chúa. Lậy Chúa Giêsu, xin nhớ tới con vì con muốn sống tốt lành, con muốn trở thành người tốt lành, nhưng con không có sức mạnh, con không thể, con là kẻ tội lỗi. Nhưng lậy Chúa Giêsu, xin nhớ tới con. Chúa có thể nhớ tới con, bởi vì Chúa ở trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa”. Thật đẹp biết bao! Hôm nay tất cả chúng ta hãy làm điều đó, mỗi người trong con tim mình, lập lại thật nhiều lần: “Lậy Chúa, xin nhớ tới con, Chúa là trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa!”

Lời Chúa Giêsu hứa với ông trộm lành trao ban cho chúng ta môt niềm hy vọng rất lớn: nó nói với chúng ta rằng ơn thánh Chúa luôn luôn phong phú hơn lời cầu xin. Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta xin Người: bạn xin Chúa nhớ tới bạn, và Ngài đem bạn vào trong Nước Ngài! Chúa Giêsu chính là trung tâm các ước mong, niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta.

Lời nguyện giáo dân đã đựơc đọc trong các thứ tiếng: A rập, Pháp, Tầu, Bồ Đào Nha và Philippines, xin Chúa Kitô Vua giữ gìn tín hữu trong đức tin đức cậy và đức mến; xin Ngài chúc lành, nâng đỡ và khiến cho công việc của Đức Thánh Cha, các Giám Mục, linh mục, phó tế và các người loan báo Tin Mừng được hữu hiệu; xin Ngài chiến thắng thù hận giữa các dân tộc, rộng mở con tim cho sự tha thứ và ban tràn đầy an bình cho tất cả mọi người; xin Ngài giải thoát các người tội lỗi, các người không tin và các người nghi ngờ khỏi quyền lực của tối tăm, soi sáng tâm trí họ, hoán cải và thanh tẩy con tim họ với lòng xót thương của Ngài; xin Chúa an ủi, làm vơi nhẹ khổ đau và ban niềm vui cho các gia đình, những người nghèo túng và sống trong cô đơn không có tình thương.

Hàng trăm Linh Mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa. Sau lời nguyện cuối lễ Đức Thánh Cha đã trao biểu tượng CD Tông huấn “Evangelii Gaudium Niềm vui Phúc Âm” cho 36 người thuộc 18 nước, đại diện cho mọi thành phần dân Chúa trên năm châu. Trong số đó có một tân Giám Mục người Lettonia, một tân linh mục Tanzania, và một tân phó tế Australia. Ngoài ra cũng có các tu sĩ nam nữ, các người mới lãnh bí tich Thêm Sức, một chủng sinh, một nữ tập sinh, một gia đình, các giáo lý viên và một người mù.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã cám ơn tín hữu và du khách hành hương, các gia đình, các nhóm giáo xứ, hiệp hội và phong trào, đến từ nhiều nước, các tham dự viên đại hội toàn quốc Italia lòng Thương Xót Chúa, cộng đoàn tín hữu Ucraine nhân kỷ niệm 80 năm diệt chủng vì nạn đói do chế độ liên xô gây ra khiến cho hàng triệu người chết. Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ lòng biết ơn các thừa sai đã loan báo Tin Mừng đó đây trên thế giới, trong đó có chân phước Junipéro Serra, thừa sai dòng Phanxicô, người Tây Ban Nha nhân kỷ niệm 300 năm ngày chân phước sinh ra. Ngài đặc biệt nồng nhiệt cám ơn Đức Tổng Giám Mục Fisichella và các cộng sự viên của Ủy ban Năm Đức Tin đã hoạt động tích cực trong năm qua.

Thánh lễ đã kết thúc với kinh Truyền Tin và phèp lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người. Ngài xin mọi người cầu nguyện đặc biệt cho biết bao nhiêu kitô hữu đang bị bách hại vì đức tin trên thế giới.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục