Sứ điệp đầu tiên của
Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới
vi.radiovaticana.va2013-12-12
15:22:58 –
ĐHY
Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã cùng với Đức
Cha Tổng thư ký Mario Toso SDB, giới thiệu Sứ điệp của ĐTC trong cuộc họp báo
tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.
Văn
kiện này được giới báo chí chào mừng như một tổng hợp đạo lý của ĐTC Phanxicô
về xã hội, qua đó ngài kêu gọi tái khám phá tình huynh đệ trong gia đình, trong
nền kinh tế và trong tương quan của các dân tộc với nhau. Ngài khẳng định rằng “Nếu
không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội công chính và một nền
hòa bình liên đới và lâu bền”.
Trong
sứ điệp, ĐTC cũng mạnh mẽ kêu gọi những kẻ gieo rắc bạo lực và chết chóc hãy từ
bỏ con đường võ khí, đồng thời ngài cũng lên án nạn tham nhũng, nạn mafia hay
là tội phạm có tổ chức.
Sứ
điệp được phổ biến bằng 11 thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Arập và Nga, Hindi
và Tamil bên Ấn Độ, không kể các ngôn ngữ chính ở Tây Phương. Ngoài đoạn nhập
đề và kết luận, Sứ điệp còn được chia làm 8 đoạn khác với những tiểu đề: “Cain,
em ngươi ở đâu?” (St 4,9) (1), “Tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8)
(2); Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình (3); Tình huynh đệ,
tiền đề để chiến thắng nghèo đói (5); Tái khám phá tình huynh đệ trong nền kinh
tế (6); Tình huynh đệ dập tắt chiến tranh (7); Nạn tham ô và tội ác có tổ chức
cản trở Tình huynh đệ (8) và sau cùng: Tình huynh đệ giúp bảo tồn và vun trồng
thiên nhiên (9).
Trình
bày của ĐHY Turkson
ĐHY
Turkson nhận xét rằng “Trong sứ điệp này, ĐTC tự hỏi tại sao trong thế giới
ngày nay có sự thiếu thốn trầm trọng tình huynh đệ như vậy? Tại sao lòng ích kỷ
làm cho chúng ta trở nên mù quáng trước tình huynh đệ không thể thiếu được như
thế? Phải chăng sự sợ hãi và cạnh tranh đã gây nhiễm độc cho phẩm giá khôn sánh
của chúng ta là con cái Thiên Chúa, làm ô nhiễm quan hệ giữa anh chị em với
nhau?
ĐHY
Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình nêu bật một số điểm trong sứ
điệp của ĐTC Phanxicô. Ngài suy tư về người nghèo, về hòa bình, về thiên nhiên
dưới một tựa đề bao quát và đầy ý nghĩa, đó là “tình huynh đệ”. Ngài cũng mời
gọi chúng ta suy tư, cầu nguyện và hành động theo xác tín và niềm tin. Những
điều xúc phạm đến tình huynh đệ tạo thành một danh sách thật dài, danh sách đau
buồn và ô nhục. Sau mỗi tội ác sát nhân của con người, Thiên Chúa kêu lên: “Em
ngươi ở đâu?”. Con tim ích kỷ và tội lỗi đáp lại: “Tôi có phải là người canh
giữ em tôi đâu!”. Trong khi đó con tim huynh đệ trả lời với lòng biết ơn: 'Cám
ơn Cha, vì đã làm cho con trở thành người canh giữ các anh chị em con! Cám ơn
Cha vì đã làm cho họ trở thành những người canh giữ con!”.
Đoạn
thứ 5 và thứ 6 của Sứ điệp được ĐTC dành để nói về nền kinh tế, và trình bày
một số phương dược thực sự để chữa trị nghèo đói. Ngài nhận xét rằng những
chênh lệch kinh tế chính là kẻ thù của hòa bình. “Những cuộc khủng hoảng kinh
tế nối tiếp nhau phải làm cho những người hữu trách suy nghĩ lại những kiểu mẫu
phát triển kinh tế”.
Sự
cộng tác trong việc theo đuổi công ích phải thay thế sự cạnh tranh tai hại làm
cho tất cả mọi người đều lâm vào tình trạng rủi ro nguy hiểm.
Các
quan hệ huynh đệ cũng phải được biểu lộ trong các chính sách xã hội, tạo điều
kiện cho mọi người dân được hưởng an sinh và sung túc; các quan hệ ấy cũng phải
diễn tả trong một lối sống điều độ hơn, giới hạn vào những điều thiết yếu; và
trên bình diện rộng lớn hơn, cần “mau lẹ suy nghĩ lại những kiểu mẫu phát triển
kinh tế của chúng ta”.
Trong
đoạn thứ 7 và thứ 8 của Sứ điệp Hòa bình, ĐTC trình bày những ý tưởng nhắm giúp
giảm bớt và loại trừ chiến tranh đủ mọi loại, cũng như loại trừ nạn tham ô và
tội các có tổ chức. Tình huynh đệ chiến thắng thái độ dửng dưng lãnh đạm, dửng
dưng đứng trước bao nhiêu chiến tranh. Tình huynh đệ chiến thắng xu hướng coi
kẻ thù không phải là người, coi họ là ma quỉ. Tình huynh đệ thúc đẩy làm việc
cam go cần thiết để đạt tới mục tiêu không làm cho võ khí lan tràn, giải giáp,
kể cả việc giải trừ các võ khí hạt nhân, võ khí hóa học, qui ước và các võ khí
gọi là 'thông minh' và võ khí nhẹ.
ĐTC
viết: “Tôi lập lại lời kêu gọi của các vị tiền nhiệm về việc không làm lan tràn
võ khí và giải giáp từ phía tất cả mọi người, bắt đầu là võ khí hạt nhân và hóa
học.. Bao lâu vẫn còn số lượng võ khí lớn như thế được lưu hành như ngày nay,
thì người ta sẽ luôn tìm ra những cớ mới để khởi sự chiến tranh”.
ĐTC
cũng khẳng định rằng “Tôi muốn mạnh mẽ kêu gọi những người đang dùng võ khí
gieo rắc bạo lực và chết chóc: họ hãy tái khám phá người anh em nơi người mà
ngày nay họ chỉ coi là một kẻ thù phải triệt hạ, và hãy dừng tay lại.. Hãy từ
bỏ con đường võ khí, và đi gặp tha nhân trong cuộc đối thoại, tha thứ và hòa
giải, để xây dựng công lý, sự tín nhiệm và hy vọng quanh chúng ta”.
Trong
các cuộc xung đột xã hội, tình huynh đệ chống lại nạn tham nhũng, mafia, buôn
bán ma túy, nạn nô lệ, buôn người, mại dâm và những hình thức gọi là 'chiến
tranh kinh tế và tài chánh” hủy hoại sự sống, các gia đình, và các hoạt động
doanh nghiệp”.
Trong
đoạn số 9 của Sứ điệp, ĐTC nói đến một nhu cầu cấp thiết là phải bảo tồn và vun
trồng thiên nhiên như thể đó là căn nhà trần thế của chúng ta và là nguồn mạch
mọi thiện ích vật chất, bây giờ và cho các thế hệ tương lai. Trong tinh thần
huynh đệ, chúng ta phải họ cách xử lý môi trường thiên nhiên như một món quà
của Đấng Tạo Hóa, một món quà cần được hưởng chung, một cách nhưng không và
công bằng. Canh nông sản xuất trong tinh thần trách nhiệm, và các xí nghiệp
kiểm soát sự phân phối đúng đắn, và tránh phí phạm, đó là những cách biểu lộ
tình huynh đệ cần thiết trong thế giới ngày nay.
Trình
bày của Đức Cha Mario Toso, SDB
Hiện
diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo cũng có Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco,
Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngài nêu nhận xét về những
đoạn đầu của Sứ điệp, qua đó ĐTC khẳng định rằng tình huynh đệ nói lên liên hệ
tính của con người, và hướng tới sự viên mãn của con người. Xét vì tình huynh
đệ có tính chất nội tại nơi con người, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và hoạt động
của con người, nên nó là điều tối quan trọng để kiến tạo một xã hội công chính
và an bình. Nếu không có tình huynh đệ, thì thật là khó lòng chấp nhận và hòa
hợp những khác biệt hợp pháp, sống sự tha thứ và hòa giải, và chắc chắn là rất
khó bài trừ nạn tham những lan tràn, sự trốn thuế vì ích kỷ, sự loại trừ và bất
công trong các cơ cấu xã hội, cũng vậy rất khó bài trừ sự “hoàn cầu hóa thái độ
dửng dưng” và phá đổ thần tượng tiền bạc, chế độ độc tài của một nền kinh tế vô
nhân đạo và không có mục tiêu thực sự là nhân bản. Đó cũng là những tai ương và
tệ nạn mà ĐTC Phanxicô đã tố giác trong Tông Huấn “Niềm vui Phúc Âm”.
Đức
Cha Toso cũng nhận xét rằng trong sứ điệp Hòa bình, ĐTC chỉ trình bày một số
con đường có thể dẫn đến hòa bình, xuất phát từ sự đón nhận và liên kết nguyên
tắc huynh đệ. Những con đường này đi qua các lãnh vực quan trọng như nạn nghèo
đói, kinh tế, nạn tham nhũng, chiến tranh, và thiên nhiên. Trong các lãnh vực
ấy, ĐTC chỉ đường, nêu lên phương pháp cần theo, và có thể áp dụng chúng cho
một số vấn đề khác, nhờ đào sâu và nghiên cứu và thí nghiệm. ĐTC kêu gọi dấn
thân mạnh mẽ về phương diện văn hóa, sư phạm và quan điểm, cần có sự động viên
của cộng đoàn, khởi hànhtừ sự loan báo tin mừng, hoán cải và giáo dục ở mọi cấp
độ, từ tiểu học cho đến đại học.
Trong
Sứ điệp, ĐTC kêu gọi cảnh giác đối với thứ tình huynh đệ không tham chiếu siêu
việt, thứ huynh đệ này sẽ không tồn tại được. Con người và xã hội nào loại bỏ
Thiên Chúa và không nhìn nhận Ngài đang sống giữa họ, thì khó lòng nhìn nhận
nhau và sống với nhau như con của cùng một Cha. Tiếp đến, ĐGH Phanxicô nêu rõ
rằng đối với mỗi ngừơi và mỗi xã hội, việc đạt tới kinh nghiệm về tình phụ tử
của Thiên Chúa, và từ đó đạt tới tình huynh đệ, sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ đón
nhận Chúa Giêsu Kitô là Adong mới, được hòa giải với Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc
mỗi người với mọi chiều kích của họ, kể cả lý trí được tăng cường hơn. Nhờ sự
nhập thể, sự chết và sống lại, Chúa Giêsu gieo vãi trong lịch sử và nơi tâm hồn
con người, một tình người huynh đệ hơn, vì hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa
và nhờ đó có khả năng nhìn nhận và sống tình huynh đệ với những người đồng lại,
và sống với cả thiên nhiên trên một bình diện khác.
Đức
Cha Toso nêu rõ một nhận xét của ĐTC trong sứ điệp, đó là trong thế giới hoàn
cầu hóa của chúng ta, có sự gia tăng giàu có và tài nguyên, nhưng đồng thời
cũng có sự gia tăng sự chênh lệch và nghèo đói tương đối. Gia đình nhân loại bị
chia thành những dân tộc và các nhóm, trong đó một thiểu số ngày càng giàu hơn,
trong khi đa số khác ngày càng bị nguy cơ gạt ra ngoài lề. Tình trạng di cư gia
tăng mạnh mẽ, kèm theo những hiện tượng đau buồn như nạn buôn người, một số kẻ
lợi dụng tình trạng tuyệt vọng của những người khác để làm giàu không chút băn
khoăn do dự, và nhiều khi gây ra cái chết cho các nạn nhân.
Ngoài
những cuộc chiến bằng võ khí, còn có những cuộc chiến tranh khác ít tỏ tường
hơn, nhưng không kém phần tàn ác: nó diễn ra trong lãnh vực kinh tế, tài chánh,
bằng những phương thế tàn hạn không kém đối với con người, gia đình, xí nghiệp.
Chế độ thực dân xưa kia nay được thay thế bằng những chế độ mới, buộc các nước
khác phải tùng phục về kinh tế và chính trị, với những cuộc khai thác bóc lột
đất đai và khoáng sản, từ phía các quốc gia hoặc các xí nghiệp nước ngoài, mà
dân chúng địa phương không được hưởng các tài nguyên thiên nhiên của đất nước
họ; tệ hơn nữa, đất đai và môi trường sống của họ bị ô nhiễm. Tất cả sự chênh
lệch, nghèo đói và bất công đó không những cho thấy sự thiếu nền văn hóa liên
đới, nhưng còn là dấu hiệu chứng tỏ sự thiếu tình huynh đệ, tạo nên tình trạng
nghèo nàn về quan hệ. Vì thế, để có thể sống trong hòa hợp và an bình, nhân
loại chúng ta cần có thêm tình huynh đệ được cảm nghiệm, tôn trọng gia đình là
tế bào của xã hội, vốn là một nguồn mạch vô tận (1).
G.
Trần Đức Anh OP