Bất đồng giữa Giáo hội và chính quyền Trung
Quốc kết thúc
Giáo dân dựng Thánh giá
trên mộ của Đức cha Liu Jinghe
Phóng viên UCANews từ
Đường Sơn, Trung Quốc
Đức Giám mục Paul Liu
Jinghe được mai táng tại Giáo phận Đường Sơn vào ngày trước Giáng Sinh, phá vỡ
thế bế tắc căng thẳng giữa chính quyền và Giáo hội địa phương.
Bất đồng về nơi an nghỉ
cuối cùng của ngài leo thang kể từ khi đức cha qua đời ở tuổi 92 vào ngày
11-12. Trước khi qua đời ngài yêu cầu chôn ngài tại Nghĩa trang Lulong, nơi
chôn cất đức giám mục tiên khởi của giáo phận là Đức cha Ernst Geurts vào năm
1940.
Khu đất này trở thành
đất thánh sau khi một số linh mục và nữ tu được chôn cất tại đó nhưng nơi này
đã bị phá huỷ trong cuộc bất ổn chính trị vào thập niên 1950, ngay sau khi Cộng
sản lên nắm quyền.
Kể từ đó, nơi này được
dùng làm đất canh tác, và vào năm 1993 được sự cho phép của chính quyền Đức cha
Liu đã hốt cốt Đức cha Geurts và các giáo sĩ khác rồi đem chôn trên lô đất rộng
2,6 hécta này.
Đức cha Liu đã nhiều
lần yêu cầu chính quyền trả lại khu đất này khi còn sống.
Đức Giám mục Peter Fang
Jingping nói rằng chính quyền đã giải quyết hiệu quả vụ tranh chấp này bằng
cách mua một lô đất rộng 0,33 hécta tại làng Beigang thuộc hạt Qianxi để thay
thế nghĩa trang này. Sau khi được khuyên giải, giáo dân đã đồng ý chôn cất Đức
cha Liu ở đó.
Đức cha Fang phủ nhận
tin đồn chính quyền còn bồi thường 1,5 triệu tệ (247.000 Mỹ kim) cho giáo phận.
Hôm 17-12, giáo phận
thuộc tỉnh Hà Bắc tuyên bố sẽ không chôn Đức cha Liu trừ khi chính quyền trả
lại khu đất tranh chấp.
Vào ngày hôm sau chính
quyền đã đến nhà thờ chính toà bắt các giáo sĩ đưa đến văn phòng Ban Tôn giáo
Nhà nước. Điện thoại di động của tất cả linh mục và nữ tu ở Đường Sơn cũng bị
theo dõi.
Sau nhiều ngày thương
lượng, chính quyền cảnh báo giáo phận sẽ chấm dứt đàm phán nếu giáo phận không
chấp nhận khu đất mới ở Beigang, theo một nguồn tin Giáo hội yêu cầu giấu tên.
“Chính quyền tỉnh không
muốn dính líu đến vụ bất đồng này”, nguồn tin cho biết. “Chính quyền Đường Sơn
cũng nhận thấy họ có ít lý do để can thiệp vì hạt Lulong thuộc thành phố lân
cận Quinhuangdao không thuộc quyền quản lý của họ.”
“Đã đến Giáng Sinh và thế
bế tắc đã kéo dài trong nhiều ngày, vì thế điều quan trọng nhất là mai táng đức
cha trước.”
Giáo sĩ địa phương đã
đồng ý thoả thuận này nhưng một nhóm ít giáo dân đã chỉ trích việc này. Một
người đi lễ phát biểu với điều kiện giấu tên rằng ông có thể hiểu đó là một
quyết định khó khăn đối với các giáo sĩ và là “chiến thắng một phần” đối với
Giáo hội vì chính quyền đã nhượng bộ nhiều.
“Tuy nhiên, giáo dân
chúng tôi cũng giúp đấu tranh đòi khu đất này. Đáng lẽ giáo sĩ nên cho chúng
tôi biết trước khi kết thúc thương lượng với chính quyền. Chúng tôi nghĩ họ quá
dễ dãi trong việc chấp nhận lời đề nghị của chính quyền”, ông nói.
Nguồn: UCANews
(emty.org cập nhật: 28/12/2013 10:27:14 CH)