Đức Thánh cha: Tiếng nói của Chúa mang lại bình an đích thực

Đức Thánh cha Phanxicô | Vatican Media

Vietnamese.rvasia.org - 03/05/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 03/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trực tuyến, tại thư viện dinh Tông Tòa. Nhân dịp này ngài nhắn nhủ các tín hữu hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa trong lương tâm, và đừng nghe theo tiếng nói xúi giục của ma quỉ.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật IV Phục sinh chúng ta cử hành hôm nay nói về Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Tin Mừng nói: “Các chiên nghe tiếng Ngài: Ngài gọi đích danh các con chiên” (Ga 10,3). Chúa gọi chúng ta đích danh, Chúa gọi vì Chúa yêu thương chúng ta. Vì thế, Tin mừng cũng nói, có những tiếng nói khác không nên theo: tiếng nói của những kẻ xa lạ, những kẻ trộm cướp muốn gây hại cho các con chiên.

Phân biệt hai tiếng nói

“Những tiếng nói khác ấy âm vang trong chúng ta. Có tiếng nói của Thiên Chúa, nói với lương tâm chúng ta một cách tế nhị, và có tiếng nói cám dỗ dẫn đến sự ác. Làm thế nào để nhận ra tiếng nói của Mục Tử Nhân Lành khác với tiếng nói của kẻ trộm, làm thế nào phân biệt linh hứng của Thiên Chúa với sự xúi giục của ma quỉ? Ta có thể học phân biệt hai tiếng nói ấy. Thực vậy, các tiếng ấy nói hai ngôn ngữ khác nhau, nghĩa là có những cách thức đối nghịch để gõ cửa tâm hồn chúng ta. Tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ ép buộc: Thiên Chúa đề nghị, chứ không áp đặt. Trái lại, tiếng nói xấu xa quyến rũ, tấn công, ép buộc: nó gợi lên những ảo tưởng chóa mắt, những cảm xúc quyến rũ, nhưng chóng qua. Ban đầu tiếng nói ấy nịnh nọt, làm cho chúng ta tưởng mình là toàn năng, nhưng rồi nó để cho chúng ta bị trống rỗng trong tâm hồn và cáo buộc chúng ta: “Mày chẳng có giá trị gì cả”. Trái lại, tiếng nói của Thiên Chúa sửa sai chúng ta, với tất cả sự kiên nhẫn, nhưng luôn luôn khích lệ, an ủi chúng ta: luôn luôn nuôi dưỡng hy vọng.

“Có một sự khác biệt khác nữa. Tiếng nói của kẻ thù đưa ta ra khỏi hiện tại và muốn chúng ta tập trung vào những sợ hãi tương lai hoặc về những buồn sầu quá khứ: nó làm cho những cay đắng tái bùng lên, nhớ lại những thiệt hại đã chịu, nhớ đến kẻ đã gây hại cho chúng ta. Trái lại, tiếng Chúa nói về hiện tại: “Giờ đây con có thể làm điều thiện, giờ đây con có thể thực hiện sự sáng tạo của tình yêu, giờ đây con có thể từ bỏ những tiếc nuối và ray rứt cầm hãm tâm hồn con”.

Tác động của hai tiếng nói

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Ngoài ra, hai tiếng nói khơi lên trong chúng ta những câu hỏi khác nhau. Câu hỏi đến từ Thiên Chúa sẽ là: “Điều gì mang lại điều tốt cho tôi?”. Trái lại, tiếng nói của kẻ cám dỗ nhấn mạnh đến một câu hỏi khác: “Điều gì có lợi tôi nên làm?”. Điều gì có lợi cho tôi: tiếng nói xấu xa luôn xoay quanh cái tôi, những thúc đẩy của bản năng, những nhu cầu của nó, tất cả và ngay bây giờ. Trái lại, tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ hứa hẹn niềm vui rẻ tiền, nhưng mời gọi chúng ta đi xa hơn cái tôi của mình để tìm lại được thiện ích chân thực, tìm được an bình. Chúng ta hãy nhớ rằng: sự ác không bao giờ mang lại hòa bình, nó đặt sự cuồng nhiệt lên trước và để lại cay đắng sau đó.

Môi trường khác nhau của hai tiếng nói

“Sau cùng, tiếng nói của Thiên Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ nói trong những “môi trường” khác nhau: kẻ thù ưa bóng tối, giả dối, những chuyện tầm phào, “ngồi lê đôi mách”; Chúa thì thích ánh sáng mặt trời, sự thật, minh bạch chân thành. Kẻ thù sẽ nói với chúng ta: “Hãy khép kín vào mình, bạn có làm gì đi nữa thì chẳng ai hiểu được và lắng nghe bạn, đừng tin tưởng!”. Trái lại, sự thiện mời gọi hãy cởi mở, trong sáng và tín thác nơi Thiên Chúa và nơi tha nhân.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, trong thời kỳ này, bao nhiêu tư tưởng và bận tâm đưa chúng ta trở về với chính mình. Chúng ta hãy tự hỏi xem những tư tưởng ấy từ đâu tới. Chúng ta hãy xin ơn nhận ra và đi theo tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành. Ngài đưa chúng ta ra khỏi cái vòng ích kẻ và dẫn đưa chúng ta đến đồng cỏ của tự do chân chính. Xin Đức Mẹ là Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trong sự phân định.”

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói thêm rằng:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi. Cuộc sống Kitô vẫn luôn là sự đáp lại tiếng Chúa gọi trong bất kỳ bậc sống nào. Ngày cầu nguyện này nhắc nhở rằng ta điều mà Chúa Giêsu một hôm đã nói, cánh đồng Nước Thiên Chúa đòi nhiều công việc và cần cầu xin Chúa Cha sai nhiều thợ đến làm việc trong cánh đồng của Chúa (Xc. Mt 9,37-38). Chức linh mục và đời sống thánh hiến đòi can đảm và kiên trì; và nếu không có kinh nguyện, thì không thể tiến bước trên con đường ấy. Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy cầu xin Chúa ơn có nhiều thợ tốt lành cho Nước Chúa, với tâm hồn và đôi tay sẵn sàng đối với tình thương của Chúa.

Liên đới với các nạn nhân Covid-19

Đức Thánh cha nói tiếp: “Một lần nữa, tôi muốn biểu lộ sự gần gũi của tôi với các nạn nhân Covid-19, với tất cả những người đang tận tụy chăm sóc tất cả những ai đang chịu đau khổ vì đại dịch bằng bất cứ cách nào. Đồng thời, tôi cũng muốn hỗ trợ và khuyến khích sự cộng tác quốc tế, qua nhiều sáng kiến, đang nỗ lực đáp lại một cách thích hợp cuộc khủng hoảng trầm trọng chúng ta đang sống. Thực vậy, điều quan trọng là cùng đặt những khả năng khoa học, một cách minh bạch và vô vị lợi, để tìm ra các thuốc chích ngừa và chữa trị, cũng như bảo đảm cho mọi người có được những kỹ thuật cốt yếu giúp mọi người bị lây nhiễm, tại mọi nơi trên thế giới, để họ nhận được sự chữa trị y tế cần thiết.

Khích lệ hội Meter chuyên bài trừ nạn lạm dụng trẻ em

Lời kêu gọi thứ ba của Đức Thánh cha được dành đặc biệt cho Hội “Meter”, là cơ quan thăng tiến Ngày Toàn quốc Italia về các nạn nhân bị bạo hành, bóc lột và dửng dưng. Ngài nói: “Tôi khuyến khích các vị hữu trách và các thành viên hãy tiếp tục hoạt động phòng ngừa và gây ý thức nơi mọi người, cạnh các cơ quan giáo dục. Tôi cám ơn các trẻ em của hội đã gửi cho tôi một bức tranh dán với hàng trăm hoa cúc được các em tô màu”.

Tháng kính Đức Mẹ

Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng: “Chúng ta mới bắt đầu tháng Năm, tháng trổi vượt để kính Đức Mẹ. Trong tháng này, các tín hữu thường viếng thăm các Đền thánh Đức Mẹ. Năm nay vì tình trạng y tế, chúng ta hãy hành hương trong tinh thần đến các nơi đức tin và sùng mộ ấy, để dâng lên trái tim Đức Mẹ những mối lo âu, mong đợi và dự phóng tương lai của chúng ta”.

Ủng hộ ngày cầu nguyện chung

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Vì kinh nguyện là một giá trị phổ quát, tôi đã đón nhận đề nghị của Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ nhân loại: theo đó ngày 14/5 tới đây, các tín hữu thuộc mọi tôn giáo sẽ hiệp ý với nhau trong ngày ăn chay cầu nguyện, khẩn cầu Thiên Chúa giúp nhân loại vượt thắng đại dịch coronavirus.”

Ủy ban cấp cao này được thành lập sau Tuyên ngôn chung ký kết tại Abu Dhabi, giữa Đức Thánh cha và Đại Iman của Đền thờ Hồi giáo Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập về tình huynh đệ của nhân loại. Đứng đầu Ủy ban là Đức Hồng Miguel Ayuso, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Tôi cầu chúc tất cả mọi người một Chúa nhật tốt đẹp, và xin anh chị em đừng quên: Xin cầu nguyện cho tôi.”

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020