Trong Cuốn Tiểu Sử Mới, Đức Biển Đức XVI Than Thở Về “tín ngưỡng phản Kitô giáo” Hiện Đại

 Đức Biển Đức XVI tại buổi triều yết chung cuối cùng của mình, ngày 27 tháng 2 năm 2013. Bản tin: Mazur / www.thepapalvisit.org.uk (CC BY-NC-SA 2.0).

Ban biên tập CNA, ngày 4 tháng 5 năm 2020 / 11:45 sáng MT ( CNA ) .- Xã hội hiện đại đang hình thành một “tín ngưỡng phản Kitô giáo” và trừng phạt những người chống lại nó bằng cách tuyệt thông xã hội, Đức Biển Đức XVI đã nói trong một cuốn tiểu sử mới, xuất bản tại Đức ngày 4 tháng 5.

Trong một cuộc phỏng vấn bàn về nhiều vấn đề ở phần cuối của cuốn sách dầy 1.184 trang, được tác giả người Đức Peter Seewald viết, Đức Nguyên Giáo Hoàng nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo hội là một “sự độc đoán toàn cầu của các hệ tư tưởng mang dáng vẻ nhân văn”.

Đức Biển Đức XVI, từ chức giáo hoàng năm 2013, đã đưa ra nhận xét như thế khi trả lời câu hỏi Ngài có ý nói gì trong lễ nhậm chức năm 2005, khi Ngài thúc giục người Công giáo cầu nguyện cho Ngài “để tôi không chạy trốn vì sợ hãi những con sói”.

Đức Biển Đức nói với Seewald rằng Ngài không có ý nói đến các vấn đề nội bộ của Giáo hội, chẳng hạn như vụ bê bối "Vatileaks", dẫn đến việc kết án người quản gia cá nhân của Ngài, Paolo Gabriele, vì đã đánh cắp các tài liệu bí mật của Vatican. 

Trong một bản sao được duyệt trước “Benedikt XVI - Ein Leben”, (Đức Biển Đức XVI - Một cuộc sống), được trao cho CNA, Đức Nguyên Giáo Hoàng nói: “Tất nhiên, các vấn đề như 'Vatileaks' gây nên bực tức, và trên hết, chúng không thể hiểu được và gây lo lắng cho mọi người trên thế giới nói chung”.

“Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với Giáo hội và do đó đối với sứ vụ của Thánh Phê-rô không nằm ở những điều này, mà là sự độc đoán toàn cầu của các hệ tư tưởng mang dáng vẻ nhân văn, và ai đi ngược với chúng sẽ bị loại trừ khỏi sự đồng thuận xã hội cơ bản”.

Đức Biển Đức nói tiếp: “Một trăm năm trước, mọi người nghĩ thật là vô lý khi nói về hôn nhân đồng tính. Ngày nay, bất cứ ai phản đối hôn nhân đồng tính đều bị xã hội loại trừ. Điều đó cũng áp dụng cho phá thai và sản xuất con người trong phòng thí nghiệm”.

Xã hội hiện đại đang trong tiến trình hình thành một “tín ngưỡng phản Kitô giáo” và trừng phạt những người chống lại nó bằng cách tuyệt thông xã hội. Do đó, dĩ nhiên là người ta sợ hãi quyền lực tâm linh này của tên Phản Ki-tô, và chúng ta thực sự cần đến những lời cầu nguyện của cả một giáo phận và của Giáo hội hoàn vũ để chống lại quyền lực tâm linh này”.

Cuốn tiểu sử, được nhà xuất bản Droemer Knaur có trụ sở tại Munich phát hành, chỉ có sẵn bản tiếng Đức. Bản dịch tiếng Anh, “Benedict XVI, The Biography: Volume One,” sẽ được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 17 tháng 11.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Nguyên Giáo Hoàng 93 tuổi xác nhận rằng Ngài đã viết một bản di chúc thiêng liêng, có thể được công bố sau khi Ngài qua đời, cũng như Thánh Giáo hoàng Gioan- Phao-lô II.

Đức Biển Đức nói rằng Ngài đã nhanh chóng tiến hành hồ sơ phong thánh cho Đức Giáo hoàng Gioan- Phao-lô II vì “mong muốn rõ ràng của các tín hữu” cũng như tấm gương của vị giáo hoàng Ba Lan, người mà Ngài đã làm việc chặt chẽ trong hơn hai thập kỷ ở Roma.

Đức Biển Đức nhấn mạnh rằng việc từ chức của Ngài “hoàn toàn không liên quan” gì đến Paolo Gabriele, và Ngài giải thích rằng chuyến viếng thăm năm 2010 của Ngài tới mộ Đức Giáo Hoàng Celestinô V, vị giáo hoàng cuối cùng từ chức trước Đức Biển Đức XVI, là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ngài cũng bảo vệ tước hiệu “emeritus” cho một giáo hoàng đã về hưu.

Đức Biển Đức XVI than thở về phản ứng trước những bình luận công khai khác nhau của Ngài kể từ khi Ngài từ chức, Ngài trích dẫn lời chỉ trích về bài điếu văn của Ngài được đọc tại tang lễ của Hồng y Gioankim Meisner vào năm 2017, trong đó Ngài nói rằng Chúa sẽ ngăn con tàu của Giáo hội bị lật. Ngài giải thích rằng những lời của Ngài đã được “trích hầu như nguyên văn từ các bài giảng của Thánh Grêgôriô Cả”.

Seewald xin Đức Nguyên Giáo Hoàng bình luận về bản dubia[1] do bốn vị hồng y đệ trình, bao gồm Hồng y Meisner, gửi cho Đức Giáo hoàng Phanxicô năm 2016 về việc giải thích Tông huấn Amoris laetitia.[2]

Đức Biển Đức nói rằng Ngài không muốn bình luận trực tiếp, nhưng nên đọc bài huấn từ trong buổi triều yết chung cuối cùng của Ngài, vào ngày 27 tháng 2 năm 2013.

Tóm tắt thông điệp của mình ngày hôm đó, Ngài nói: “Trong Giáo hội, giữa tất cả những trói buộc của nhân loại và quyền lực gây rối loạn của thần dữ, người ta vẫn luôn có thể nhận ra quyền năng khôn ngoan tốt lành của Thiên Chúa”.

“Tuy nhiên, bóng tối của các giai đoạn lịch sử liên tiếp sẽ không bao giờ cho phép chúng ta có được niềm vui thuần khiết được là Kitô hữu ... Luôn có những khoảnh khắc trong Giáo hội và trong cuộc sống của cá nhân Kitô hữu, người ta cảm nhận sâu sắc rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và tình yêu này là niềm vui, là "hạnh phúc".

Đức Biển Đức nói rằng Ngài trân quý những kỷ niệm về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Đức Giáo Hoàng mới đắc cử Phan-xi-cô tại Castel Gandolfo và tình bạn cá nhân với người kế vị của Ngài tiếp tục phát triển.

Tác giả Peter Seewald đã thực hiện bốn cuộc phỏng vấn dài bằng cuốn sách với Đức Biển Đức XVI. Cuốn đầu tiên, “Muối Đất”, đã được xuất bản vào năm 1997, khi vị giáo hoàng tương lai còn là bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý và Đức tin của Vatican. Tiếp theo là “Thiên Chúa và Thế gian” năm 2002, và “Ánh sáng của Thế giới” năm 2010.

Năm 2016, Seewald đã xuất bản “Di huấn cuối cùng”, trong đó Đức Biển Đức XVI suy tư về quyết định từ chức giáo hoàng của mình.

Nhà xuất bản Droemer Knaur nói rằng Seewald đã dành nhiều giờ để nói chuyện với Đức Biển Đức về cuốn sách mới, cũng như nói chuyện với anh trai của Ngài, Đức Ông Georg Ratzinger và thư ký riêng của Ngài, Đức Tổng Giám mục Georg Gänswein.

Trong một cuộc phỏng vấn với Die Tagesposts ngày 30 tháng Tư, Seewald nói rằng ông đã đưa Đức Nguyên Giáo Hoàng xem một vài chương của cuốn sách trước khi xuất bản. Ông nói thêm, Đức Biển Đức XVI đã ca ngợi chương nói về Thông Điệp Mit brennender Sorge[3] năm 1937 của Giáo hoàng Pi-ô XI .

Nguồn: https://www.catholicnewsagency.com/news/in-new-biography-benedict-xvi-laments-modern-anti-christian-creed-83240

Phê-rô Phạm Văn Trungdịch.

 



[1] ND: những nghi ngại.

[2] Niềm Vui của Tình Yêu.

[3] ND: Với mối quan tâm cháy bỏng.


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020