Tổ Chức Trợ Giúp Kitô
Hữu Đau Khổ Tố Giác Bách Hại Kitô Tại Nigeria
Mourners at a funeral for Christians
murdered by Islamic militants in Nigeria | AFP or licensors
Vietnamese.rvasia.org - 18/05/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Tổ chức đại kết “Kitô hữu đau khổ” (Christen in
Not), tố giác các cuộc tấn công và sát hại các tín hữu Kitô tại Nigeria, bên
Phi châu.
Trong
thông cáo, công bố tại Vienne, thủ đô Áo, hôm 13/5/2020 vừa qua, Tổ chức “Kitô
hữu đau khổ” cùng với tổ chức “Liên đới Kitô thế giới” (Christian Solidarity
Worldwide), tố giác nhiều cuộc tấn công của các nhóm chiến binh thuộc bộ lạc
Fulani, võ trang hùng hậu, chống các cộng đoàn Kitô ở miền nam bang Kaduma. Các
hành động này diễn ra mặc dù có lệnh giới nghiêm vì đại dịch Covid-19 và có sự
hiện của quân đội. Trong số những người bị sát hại có nhiều gia đình, với cha
mẹ và trẻ em, và 130 gia cư cũng như các kho thực phẩm bị phá hủy.
Ông
Elmar Kuhn, Tổng thư ký tổ chức “Kitô hữu đau khổ” mạnh mẽ lên án những hành vi
bạo lực chống các thường dân vô tội và nói rằng: “Những cuộc tấn công này do
những người Hồi giáo ở miền bắc, nay lan xuống miền nam Nigeria, đang đe dọa sự
hiệp nhất và an ninh của quốc gia đa tôn giáo và đa chủng tộc này. Nó không dẫn
đến một giải pháp hòa bình nào và từ tình trạng khủng bố này có thể biến
Nigeria thành lò lửa ở Phi châu”.
Theo
ông Kuhn, những thành phần Hồi giáo cực đoan tìm được trong đại dịch Covid-19
một cái cớ để buộc tội các nhóm thiểu số và xách động oán thù.
Những
vụ tấn công hôm 12/5 vừa qua là thành phần của một loạt những vụ tấn kích, do
những người Hồi giáo thuộc bộ tộc Fulani ở Nigeria khởi động. Từ ngày 25/3 đến
12/5, có tổng cộng 11 cuộc tấn công với khoảng 40 người bị giết, có bằng chứng
hẳn hoi.
Từ 40
năm nay, tổ chức “Kitô hữu đau khổ” vẫn tài trợ các dự án từ thiện, giúp các
Kitô hữu bị bách hại trên thế giới. Trong thông cáo, ngày 13/5 tại Vienne, tổ
chức này kêu gọi thực thi điều khoản số 18 của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền,
theo đó mỗi người phải được hưởng quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tôn giáo,
cũng như quyền tự do hành đạo. (KNA 15-5-2020)