Giáo Hội Công Giáo Châu Âu Đang Chờ Đợi Cuộc Sống Mới Sau Phong Tỏa Coronavirus

Các quốc gia khác nhau có những ngày, những hướng dẫn khác nhau để mở lại Thánh lễ

Ngày 19 tháng 5 năm 2020

Jonathan Luxmoore

ß Một người phụ nữ ở Cologne, Đức, cầu nguyện bên trong nhà thờ bị giới hạn của thành phố ngày 15 tháng 3 (CNS / Reuters / Thilo Schmuelgen)

 

WARSAW, BA LAN - Khi Đức Hồng y Rainer Maria Woelki cử hành Thánh lễ sau phong tỏa đầu tiên của mình tại nhà thờ lịch sử của thành phố Cologne vào ngày 3 tháng 5, điều đó đã đánh dấu một bước biểu tượng hướng tới khôi phục các sinh hoạt tôn giáo công khai sau COVID-19.

Việc rước lễ được thực hiện từ phía sau tấm kính hữu cơ acrylic, cấm hát, trong khi các chi tiết về 122 người Công giáo đeo khẩu trang được ghi lại để theo dõi nhiễm bệnh trong tương lai.

Kể từ đó, các điều kiện đã giảm bớt, và những nỗ lực ở Đức và trên khắp châu Âu được tiếp tục nhằm để xây dựng lại một số mối quan hệ của sinh hoạt giáo hội bình thường.

"Tôi nghĩ rằng chính phủ của chúng tôi đã hiểu và đáp ứng nhu cầu tôn giáo", Matthias Kopp, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Đức, nói với NCR.

"Điều quan trọng là Giáo hội Công giáo và những chuyên viên tôn giáo khác ở Đức đã tham gia các cuộc họp của Bộ Nội vụ và có cơ hội tốt để trình bày ý tưởng và đề xuất các quy định cần thiết. Các khái niệm an toàn đã được mỗi giáo phận phát triển và thực hiện."

Những người Công giáo Đức đã được may mắn. Việc mở lại các nhà thờ vào giữa tháng Năm đã được chính quyền 15 bang của đất nước tiến hành cẩn thận, với các biện pháp an toàn đến từng chi tiết cho 27 giáo phận của Giáo hội.

Và khi Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, lưu hành một bản kiến ​​nghị ngày 8 tháng 5 với Đức Tổng Giám mục gây tranh cãi Carlo Maria Viganò và các Giám mục bảo thủ khác, buộc tội "các lực lượng nào đó" sử dụng đại dịch để kiềm chế các quyền tôn giáo, thì Đức Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, lưu ý một cách mỉa mai rằng giáo hội của Ngài có một đánh giá "khác biệt cơ bản".

Ủy ban có trụ sở tại Brussels đại diện cho các Giám mục thuộc Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu Châu, gọi tắt là COMECE, đã kêu gọi việc mở lại các nơi thờ phượng phải được "hỏi ý kiến ​​và phối hợp" giữa các giáo hội và chính phủ; và ở hầu hết các quốc gia, điều đó dường như đã xảy ra.

 

ß Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki ở Poznan, Ba Lan, trong ảnh năm 2015 (CNS / Paul Haring)

 

Tại Áo, các Thánh lễ được tái tục trên toàn quốc vào ngày 15 tháng 5, mỗi một người đi nhà thờ phải đeo mặt nạ và ngồi cách xa nhau trong 10 mét vuông mỗi người, mặc dù Hội đồng Giám mục đã cảnh báo trong một lá thư mục vụ rằng các dịch vụ trực tuyến cũng "vẫn là một phần quan trọng trong đời sống tôn giáo."

Trong khi đó, tại Cộng hòa Séc láng giềng, các nhà thờ cũng đã mở cửa trở lại, với 30 người ban đầu được phép tham dự Thánh lễ và mọi hạn chế sẽ kết thúc trước ngày 8 tháng Sáu.

Ở Ba Lan, nơi các nhà thờ vẫn mở trong suốt đại dịch cho các nhóm tín hữu ít người, mang tính tượng trưng, cuộc bầu cử tổng thống ngày 10 tháng 5 đã phải hoãn lại, cùng với các lễ kỷ niệm đẹp mắt được lên kế hoạch cho sinh nhật lần thứ 100 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II vào ngày 18 tháng 5.

Tuy nhiên, những hạn chế ban đầu được nới lỏng để cho phép mỗi một người đi nhà thờ ngồi cách xa nhau trong 15 mét vuông mỗi người, và được thủ tướng Mateusz Morawiecki nới lỏng thêm sau khi các nhà lãnh đạo Công giáo, Chính thống, Tin lành và Hồi giáo có lời kêu gọi chung.

Ở Ba Lan và các nơi khác ở Đông Âu, nơi các thực hành rước lễ truyền thống chiếm ưu thế, các nhà lãnh đạo giáo hội đã phải trấn an người Công giáo rằng họ sẽ không báng bổ bí tích khi đón nhận Mình Thánh bằng tay.

Trong một thông điệp ngày 14 tháng 5, chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki, kêu gọi người Công giáo tham dự đầy đủ các sinh hoạt mục vụ được phục hồi bằng cách tham dự thánh lễ vào các ngày trong tuần cũng như Chủ nhật.

Trong bài giảng trước đó tại khu bảo tồn quốc gia Jasna Gora, trong một Thánh lễ dâng hiến đất nước cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Tổng Giám mục cảnh báo "những thay đổi sâu sắc" cũng là điều cần thiết để "xây dựng lại quê hương trên một thứ gì đó hơn là chỉ ham muốn phát triển, tiêu thụ vô tận và theo đuổi tiền bạc."

 

Một số xung đột nhà nước

Quan hệ giáo hội-chính quyền không hợp tác lắm ở mọi nơi; và một số giám mục đã trích dẫn các công ước dễ gây phản ứng, có từ lâu đời và đặt câu hỏi về quyền của các nhà cầm quyền dân sự trong việc hạn chế các sự kiện tôn giáo.

Trong một vài trường hợp, người ta đã chụp được ảnh cảnh sát vũ trang tiếp cận các bàn thờ buộc tạm dừng Thánh lễ, điều này gợi lại những ký ức cay đắng về các cuộc đàn áp.

Sau một sự cố như vậy tại nhà thờ St-André-de-l'Europe ở Paris ngày 18 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit tức giận nhớ lại lệnh từ lâu cấm cảnh sát "vào nhà thờ mang theo vũ khí" và kêu gọi cần có "những cái đầu lạnh".

Mặc dù chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cho phép các trường học và cửa hàng mở cửa trở lại vào đầu tháng 5, các nhà thờ Pháp vẫn được lệnh đóng cửa cho đến ngày 2 tháng Sáu là sớm nhất.

Điều này đã thúc đẩy các phản ứng giận dữ hơn, với việc Đức Tổng Giám mục Aupetit cáo buộc các quan chức thể hiện "hiểu biết số không về dân chúng", và chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort của giáo phận Reims, nhắc lại tầm quan trọng của tự do thờ phượng là "yếu tố cấu thành của đời sống dân chủ."

Sau một bản kiến ​​nghị của quần chúng, được hàng chục nghị sĩ Pháp ký tên, chính phủ đã co thấy rằng một số Thánh lễ có thể được nối lại vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 31 tháng 5, mặc dù các hạn chế nghiêm ngặt hơn có thể tiếp tục ở Paris và các "vùng đỏ" khác.

 

ß Các nhà lãnh đạo Công giáo Paris tham dự một nghi thức suy niệm trước Mạo gai Chúa để ghi dấu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong một khu vực an toàn của Nhà thờ Đức Bà ngày 10 tháng Tư. Trong số những người tham dự có Cha Patrick Chauvet, cha sở nhà thờ; Đức Giám mục phụ tá Denis Jachiet và Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit. (CNS / Reuters / Ludovic Marin)

 

Ở Tây Ban Nha gần đó, các Thánh lễ cộng đoàn đã được cho phép trên toàn quốc kể từ ngày 11 tháng 5, mặc dù những Thánh lễ phải được rút ngắn và lấp đầy không quá một phần ba ghế nhà thờ, không có ca đoàn, thánh ca hay nước phép.

Chính phủ Pedro Sánchez do phe xã hội chủ nghĩa lãnh đạo, nắm quyền từ tháng 1, đã mâu thuẫn với Giáo hội Công giáo về những cải cách thế tục của nó, vì vậy một số giám mục cảnh giác.

Vào ngày 10 tháng 5, Đức Hồng Y Antonio Cañizares của Valencia đã bác bỏ "những tuyên bố sai lầm" rằng Ngài đã vi phạm các hướng dẫn an toàn khi cử hành Thánh lễ Đức Trinh nữ phù hộ những kẻ bị từ bỏ, và Ngài cáo buộc các chính trị gia địa phương sử dụng "thủ thuật và xuyên tạc" chống lại người Công giáo.

Cảnh sát có kế hoạch đưa ra cáo buộc chống lại Đức Hồng Y, cáo buộc này được thống đốc miền Valencia theo xã hội chủ nghĩa, Ximo Puig, chống lưng nhưng bị thị trưởng thành phố bác bỏ, ông khẳng định không có quy tắc nào bị phá vỡ.

Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson rốt cuộc phải vào phòng chăm sóc đặc biệt vì virus sau khi tuyên bố phong tỏa toàn quốc vào ngày 23 tháng 3, các quan chức chính phủ nói rằng các nhà thờ vẫn có thể mở cửa để cầu nguyện riêng và tang lễ riêng, cũng như cho các giáo sĩ truyền thông qua internet.

Nhiều Kitô hữu đã rất ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo giáo hội tại nước Anh cho rằng các biện pháp của chính phủ là quá tự do và quyết định áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn của chính họ.

Trong khi Giáo hội Công giáo cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ sau cánh cửa đóng kín, lại từ chối không cho phép các cá nhân giáo dân vào nhà thờ cầu nguyện riêng, vì cho rằng điều này sẽ gửi đi một "thông điệp hoàn toàn không nhất quán".

Những người đứng đầu Giáo Hội Anh giáo của nước Anh thậm chí còn đi xa hơn, ra chỉ thị rằng nhà thờ cần được khóa cửa ngay cả đối với các linh mục, và những người chết được chôn cất không có nhiều hơn một lời cầu nguyện đơn giản tại nghĩa trang.

Bị chỉ trích gay gắt, các nhà lãnh đạo giáo hội đã thất vọng khi các kế hoạch mới của chính phủ, ban hành ngày 11 tháng 5, ra lệnh rằng các nhà thờ phải đóng cửa cho đến tháng 7, cùng với các rạp chiếu phim, quán rượu và các "cơ sở khách sạn và giải trí" khác.

Trong tuyên bố đầu tháng 5, COMECE đã cảnh báo chống lại việc tiếp tục bắt buộc đóng cửa các nơi thờ phụng và kêu gọi các chính phủ phải đảm bảo bất cứ hạn chế nào cũng phải tương xứng và "tuân thủ các bảo đảm hiến pháp liên quan."

"Cách giải quyết hung hăng của một số nhân tố thế tục nào đó chống lại tôn giáo ở nơi công cộng có thể đã góp phần gạt bỏ tôn giáo sang bên lề trong cuộc khủng hoảng hiện nay," tuyên bố, được ký bởi tổng thư ký ủy ban Tây Ban Nha, Fr. Manuel Enrique Barrios Prieto.

Một số nhà quan sát nghĩ rằng thái độ đối với việc mở lại các nhà thờ phản ánh tính khí và đặc trưng quốc gia, vì các xã hội ít theo tôn giáo hơn với các truyền thống chống giáo sĩ thì đương nhiên các xã hội ấy ít quan tâm tới vấn đề hơn.

Nhưng sự nhầm lẫn đơn giản cũng có thể gây tác động, chẳng hạn như ở Hà Lan, thủ tướng Mark Rutte tuyên bố nới lỏng phong tỏa coronavirus theo từng giai đoạn vào ngày 6 tháng 5, nhưng không đưa ra hướng dẫn nào về nơi thờ phụng.

"Khắp nơi, mọi người hiểu ra sự cho phép khó hiểu những người đi nhà thờ được đi đến các siêu thị, đại lộ dân cư, trung tâm công viên và chợ búa, nhưng lại không được phép đến nhà thờ", Đức cha Rob Mutsaerts, Giám mục phụ tá Hertogenbosch, nói với tờ tuần báo Katholiek Nieuwsblad.

 

Dấu hiệu hồi sinh tôn giáo

Với vai trò gương mẫu, các giáo xứ và các dòng tu trên khắp châu Âu đã đem đến viện trợ và hỗ trợ cho chiến dịch chống vi-rút, mặc dù thu nhập và quyên góp giảm mạnh, một số người cho rằng giáo hội xứng đáng được thừa nhận đầy đủ.

Đã có những dấu hiệu hồi sinh tôn giáo, khi các công dân bị thế tục hóa trước đây suy nghĩ lại về các giá trị và ưu tiên của họ. Ngay cả ở nước Anh vốn hoài nghi, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 44% người trưởng thành hiện cầu nguyện thường xuyên, với 56% đồng ý rằng cầu nguyện "có thể thay đổi thế giới".

Điều này làm cho việc khôi phục sinh hoạt giáo hội bình thường càng sớm càng tốt trở nên quan trọng, người Công giáo nói, để đem đến sự hướng dẫn tâm linh cho các cộng đồng đang phải lo lắng, đầy bức bối.

Mặc dù việc này dường như đang xảy ra, trong hầu hết các trường hợp, trong sự hợp tác với chính phủ, và với các nhà cầm quyền dân sự, các nhà lãnh đạo giáo hội cũng đang lên tiếng cảnh báo nghiêm trọng về ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19.

 

ß Đức Tổng Giám mục Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, ảnh năm 2018 (CNS / Paul Haring)

 

Vào tháng Tư, chủ tịch COMECE, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg lên án sự thiếu phối hợp của 27 thành viên quốc gia của EU đóng cửa biên giới của họ trong cuộc khủng hoảng, cảnh báo toàn bộ khối thương mại có thể bị "tổn thương chí mạng", thúc đẩy "sự tỉnh mộng với dự án châu Âu."

Trong một lời kêu gọi nhân Ngày châu Âu mùng 9 tháng 5, Caritas-Europa, có chi nhánh ở 46 quốc gia, đã cảnh báo về một làn sóng nghèo đói mới. 20 tỉnh dòng của Dòng Tên tại châu Âu yêu cầu "thay đổi căn bản", “bao gồm việc phân định lại chi tiêu dành cho quân sự bây giờ dành cho y tế, chăm sóc xã hội và hỗ trợ cho người tị nạn và người tìm nơi ăn chốn ở”.

"Nghịch lý thay, chính vào thời điểm các nhà thờ trống rỗng này, mọi người đang khám phá lại lời kêu mời của Kitô giáo," bản tuyên bố của Dòng Tên lưu ý. "Nhận thức này sẽ cung cấp một động cơ cho sự thay đổi, vì giúp mọi người phát triển tính đạo đức của sự đoàn kết, là một phần của sứ mệnh của Giáo hội."

 

Đối với sinh hoạt tôn giáo có tổ chức, có những dấu hiệu hy vọng.

Ở Đức cũng vậy, các nhà lãnh đạo giáo hội đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển dịch êm thắm ra khỏi sự phong tỏa còn lại, và tiếp tục bác bỏ các cáo buộc của Đức Hồng Y Müller, Đức Tổng Giám mục Viganò và các Giám mục khác về một âm mưu chống lại nhân quyền và nền văn minh Kitô giáo.

Tại Pháp, đền thờ Lộ Đức ở miền nam đã mở cửa trở lại cho những người hành hương địa phương vào ngày 16 tháng 5, sau khi đóng cửa lần đầu tiên trong lịch sử 164 năm của đền thờ, trong khi các đền thánh khác kính Đức Mẹ sẽ sớm đón tiếp du khách.

Trong khi đó, các chính phủ trên khắp lục địa, lo ngại về các cáo buộc vi phạm quyền tôn giáo, đã cam kết tham khảo ý kiến ​​của các nhà lãnh đạo Giáo hội chặt chẽ hơn, với việc Anh tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung về các vấn đề an toàn sau một thỉnh nguyện của giới Công giáo.

Trong Tổng giáo phận Cologne của Đức Hồng y Woelki, các Thánh lễ cộng đồng, lễ rửa tội, đám cưới và thêm sức đã có thể cử hành ở tất cả các giáo xứ kể từ đầu tháng Năm, và các phó tế mới sẽ được tấn phong sau lễ kính Mình Máu Chúa Ki-tô vào ngày 11 tháng Sáu.

 

ß Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki ở Cologne, Đức, trong năm 2016 (CNS / KNA / Harald Oppitz)

 

Trong khi Thủ tướng Angela Merkel đã đe dọa "thắng phanh khẩn cấp" nếu tỷ lệ tử vong, tương đối thấp ở Đức, bắt đầu tăng trở lại, có nhiều hy vọng chắc chắn điều này sẽ không xảy ra.

"Hầu hết người Công giáo đã chấp nhận sự cần thiết của các hạn chế trên 10.000 giáo xứ của giáo hội chúng tôi - và mặc dù tất cả chúng ta đều phải chịu đựng, đặc biệt là trong lễ Phục sinh, đã có rất ít lời chỉ trích", Matthias Kopp, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Đức, nói với NCR.     

"Chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời với nhà nước và tôi nghĩ những điều này sẽ tiếp tục sau đại dịch. Các hạn chế đã được nới lỏng, cho phép các Thánh lễ và các buổi cầu nguyện diễn ra trong nhà thờ của chúng tôi - và tôi không thấy bất kỳ mối nguy hiểm nào do người ta tạo ra các vụ xâm phạm để buộc các Thánh lễ và các buổi cầu nguyện ở lại tình trạng y như cũ."

 

[Jonathan Luxmoore theo dõi tin tức giáo hội từ Oxford, Anh và Warsaw, Ba Lan. God of the Gulag là nghiên cứu gồm hai tập của ông về các vị tử đạo thời cộng sản, được Gracewing xuất bản vào năm 2016.]

 

https://www.ncronline.org/

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020