Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô Nói Rằng Các Sứ Vụ Nên Tạo Điều Kiện Cho Cuộc Gặp Gỡ Với Chúa Kitô, Không Làm Phức Tạp Nó

Hannah Brockhaus

Thành phố Vatican, ngày 21 tháng 5 năm 2020 / 09:45 sáng MT ( CNA ) .- Công việc truyền giáo là sự hợp tác với Chúa Thánh Thần để đưa mọi người đến với Chúa Kitô; Công việc đó không được hưởng lợi từ các chương trình quá phức tạp hoặc các chiến dịch quảng cáo nhất thời, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cho biết hôm thứ Năm.

Trong một thông điệp gửi đến các Hội Truyền giáo Giáo hoàng ngày 21 tháng 5, Đức Thánh Cha nói rằng, “Việc công bố ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu phải đến được với mọi người ngay tại nơi họ đang ở và ngay lúc họ đang tiến triển giữa cuộc đời của họ, đó luôn là vấn đề”. 

Đức Thánh Cha lưu ý, “Đặc biệt là trong thời gian chúng ta đang sống, vấn đề này không liên quan gì đến việc thiết kế các chương trình đào tạo 'chuyên biệt', tạo ra các thế giới song song hoặc xây dựng những 'khẩu hiệu' chỉ đơn thuần vọng lại những suy nghĩ và mối quan tâm của chúng ta”.

Đức Thánh Cha kêu gọi các Hội Truyền giáo Giáo hoàng, một nhóm các hội truyền giáo Công giáo trên toàn thế giới thuộc quyền quản lý của Đức Giáo hoàng, “tạo điều kiện dễ dàng, không làm phức tạp” công việc truyền giáo của họ.

Đức Thánh Cha khuyên, “Người ta phải cung cấp câu trả lời cho các vấn nạn thực tế chứ không chỉ đưa ra các đề xuất và nhân rộng các đề xuất đó. Có lẽ việc tiếp xúc cụ thể với các tình huống đời thực, chứ không chỉ các cuộc thảo luận trong phòng họp hoặc những phân tích lý thuyết về động lực bên trong của chính chúng ta, sẽ tạo ra những hiểu biết hữu ích để thay đổi và cải thiện quy trình vận hành...”.

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng, “Giáo hội không phải là một cơ quan hải quan”.

Đức Thánh Cha nói, “Bất cứ ai tham gia vào sứ vụ của Giáo hội được kêu gọi không áp đặt những gánh nặng không cần thiết đối với những người đã mệt mỏi hoặc yêu cầu các chương trình đào tạo đòi hỏi để tận hưởng những gì Chúa trao ban một cách dễ dàng, hoặc dựng lên những trở ngại cho ý muốn của Chúa Giêsu, là Đấng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta và muốn chữa lành và cứu rỗi tất cả mọi người”.

Đức Phanxicô nói rằng trong đại dịch coronavirus, “có một mong muốn lớn lao là gặp gỡ và gần gũi với trái tim cuộc sống của Giáo hội. Vì vậy, hãy tìm kiếm những con đường mới, những hình thức phục vụ mới, nhưng cố gắng đừng phức tạp hóa những gì mà trong thực tế lại khá đơn giản”.

Các Hội Truyền giáo Giáo hoàng giúp hỗ trợ hơn 1.000 giáo phận, chủ yếu ở Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương và vùng Amazon.

Trong thông điệp dài chín trang gửi cho nhóm, Đức Phanxicô đã đưa ra một số khuyến nghị và cảnh báo về những cạm bẫy cần tránh trong sứ vụ truyền giáo của nhóm, đặc biệt là sự cám dỗ tự thu mình.

Đức Phanxicô nói, “Bất chấp những ý định tốt của các cá nhân, đôi khi các tổ chức của Giáo hội rốt cuộc dành phần lớn thời gian và sức lực của mình để cổ võ bản thân và các sáng kiến ​​của riêng mình. Điều đó trở thành một nỗi ám ảnh khi “liên tục xác định lại tầm quan trọng của chính mình và phạm vi hoạt động của chính mình trong Giáo hội, dưới vỏ bọc là khởi động lại nhiệm vụ cụ thể của mình”.

Tham khảo bài phát biểu của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tại Hội nghị Rimini lần thứ chín năm 1990, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng điều này “có thể thúc đẩy ý tưởng sai lầm rằng một người nào đó sẽ là Kitô hữu nhiều hơn nếu họ chứa đầy những cấu trúc trong nội bộ giáo hội, trong khi trong thực tế hầu như tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều đang sống mỗi ngày cuộc sống của đức tin, của hy vọng và bác ái, mà không bao giờ tham gia vào các ủy ban của Giáo hội hoặc quan tâm đến những tin tức mới nhất về chính trị giáo hội”.

Đức Giáo hoàng kêu gọi, “Thế thì, đừng lãng phí thời gian và nguồn lực để ngắm nhìn mình trong gương ... hãy phá vỡ mọi tấm gương trong nhà!”.

Ngài cũng khuyên họ nên tiếp tục cầu nguyện với Chúa Thánh Thần đang khi thực hiện sứ vụ của họ, để lời cầu nguyện “không bị giảm trừ thành một nghi thức đơn thuần trong các cuộc họp hành và các bài giảng của chúng ta”.

Ngài nói, “Chẳng có ích gì khi cứ nói lý thuyết về siêu chiến lược hoặc sứ vụ 'hướng dẫn cốt lõi' như một phương tiện để hồi sinh tinh thần truyền giáo hoặc trao bằng sáng chế truyền giáo cho người khác. Nếu, trong một số trường hợp, lòng nhiệt thành truyền giáo đang mờ dần, thì đó là dấu hiệu cho thấy chính đức tin đang mờ dần”.

Ngài nói tiếp, trong những trường hợp như vậy, “các chiến lược và các bài diễn văn” sẽ không hiệu quả gì.

“Xin Chúa mở lòng chúng ta với Tin Mừng và xin mọi người hỗ trợ một cách cụ thể cho công việc truyền giáo: đây là những điều đơn giản và thiết thực mà mọi người đều có thể dễ dàng thực hiện...”

Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc người nghèo. Không có cớ gì không thực hiện việc này. Ngài nói: “Đối với Giáo hội, ưu tiên cho người nghèo không phải là tùy chọn”.

Về chủ đề quyên góp, Đức Phanxicô nói với các hội truyền giáo đừng đặt niềm tin của họ vào các hệ thống gây quỹ lớn hơn và tốt hơn. Nếu họ bị mất tinh thần bởi vì các giỏ quyên tiền giảm dần, họ nên đặt nỗi đau đó vào tay Chúa.

Các hội truyền giáo nên tránh trở thành giống như các tổ chức phi chính phủ, tập trung vào tài trợ, Ngài nói. Họ nên nhờ đến tất cả những người đã được rửa tội để có tiền dâng cúng, và nhận ra sự an ủi của Chúa Giê-su ngay cả trong “đồng tiền nhỏ bé của bà góa”.

Đức Phanxicô lập luận rằng các khoản tiền họ nhận được nên được sử dụng để thúc đẩy sứ vụ của Giáo hội và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và khách quan của cộng đoàn, “không phung phí nguồn lực vào các sáng kiến ​​chủ yếu là những khái niệm trừu tượng, tự coi mình là trung tâm vũ trụ hoặc được tạo ra bởi sự quá chú ý đến mình đầy tính giáo sĩ”.

Ngài khuyên, “Đừng buông mình cho những mặc cảm tự ti hay cho những cám dỗ bắt chước những tổ chức siêu chức năng thu gom tiền quỹ vì những lý do tốt lành nhưng sau đó lại sử dụng một tỷ lệ lớn trong số tiền quỹ đó để tài trợ cho bộ máy quan liêu của chính họ và quảng cáo thương hiệu của họ”.

Đức Giáo hoàng khuyến khích, “Một tâm hồn truyền giáo sẽ nhận ra hoàn cảnh thật của những người thật, với những giới hạn, tội lỗi và sự yếu đuối của chính họ để trở nên “yếu đuối giữa những kẻ yếu đuối”.

“Đôi khi điều này có nghĩa là bước đi của chúng ta sẽ phải chậm lại, nhưng là để dìu dắt một người vẫn còn ở bên lề đường. Đôi khi điều này có nghĩa là bắt chước người cha trong câu chuyện ngụ ngôn về đứa con hoang đàng, ông mở cửa và nhìn ra ngoài mỗi ngày chờ đợi con trai mình trở về”.

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

https://www.catholicnewsagency.com/

 

 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020