Đức
Thánh Cha Chủ Sự Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Đức
Thánh cha Phanxicô chủ sự Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống | Vatican Media
Vietnamese.rvasia.org - 31/05/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Sáng Chúa nhật 31/5/2020, Lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ, tại bàn thờ Ngai
tòa trong Đền thờ thánh Phêrô.
Tham dự
thánh lễ Đức Thánh cha cử hành tại bàn thờ Ngai tòa, phía đầu Đền thờ thánh
Phêrô từ dưới nhìn lên, chỉ có bảy Đức Ông trong ban nghi lễ phụng vụ của Đức
Giáo hoàng, một số người giúp lễ, và khoảng 50 tín hữu, cùng với Đức Hồng y
Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô và vị đại biểu, là Đức cha
Lanzani. Ngoài ra cũng có ca đoàn Sistina của Tòa Thánh.
Thánh
lễ được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông của Vatican và các
đài truyền hình khác.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong
bài giảng, Đức Thánh cha nhấn mạnh sức mạnh hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, các
tông đồ hiểu điều đó khi thấy tận mắt: tuy họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau
trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhưng họ họp thành một dân tộc duy nhất,
dân Thiên Chúa, được Thánh Thần hình thành, với những khác biệt của họ. Thánh
Thần ban sự hòa hợp vì chính Ngài là sự hòa hợp.
Đức
Thánh cha cũng nhận xét rằng, được tràn đầy ơn Thánh Thần, các tông đồ loan báo
không chút sợ hãi, không có chiến thuật được tính toán trước, nhưng Thánh Thần
bảo đảm sự hiệp nhất cho người loan báo. Các tông đồ không được chuẩn bị, nhưng
chỉ có một ước muốn linh hoạt họ, đó là cho đi điều họ đã lãnh nhận. Bí quyết
sự hiệp nhất của các tông đồ, của dân Chúa, chính là bí quyết của Thánh Thần,
Ngài là hồng ân, sống bằng cách hiến thân mình và qua cách thức đó, Chúa liên
kết chúng ta với nhau, làm cho chúng ta được tham phần cùng một hồng ân.
Ba chướng ngại cản trở hiệp nhất
Đức
Thánh cha đặc biệt cảnh giác chống ba thái độ cản trở sự hiệp nhất, ba kẻ thù
của hồng ân luôn rình rập ở cửa tâm hồn, đó là thái độ tự yêu mình
(narcisismo), thái độ coi mình là nạn nhân (vittimismo) và sau cùng là thái độ
bi quan (pessimismo):
Thái độ
tự yêu mình làm cho ta tôn thờ chính mình, chỉ hài lòng về những thành đạt và
lợi lộc của mình. Người có thái độ này nghĩ rằng “cuộc sống chỉ đẹp nếu tôi
được lợi trong đó”, và họ nói: “Tại sao tôi phải hiến thân cho người khác?”
Trong đại dịch hiện nay, thái độ tự yêu mình gây thiệt hại, nó làm cho người ta
co cụm vào những nhu cầu mình, dửng dưng đối với những nhu cầu của tha nhân,
không nhìn nhận sự mong manh, sai lỗi của mình.
Kẻ
thù thứ hai là thái độ duy nạn nhân, hằng ngày than trách người khác: “Chẳng ai
hiểu tôi, không ai giúp đỡ tôi, chẳng ai thương tôi, tất cả đều giận dữ, chống
lại tôi! Tâm hồn họ khép kín và tự hỏi: “Tại sao những người khác không hiến
thân cho tôi?” Trong thảm trạng hiện nay, thái độ như thế thật là xấu! Than
trách rằng không ai hiểu chúng ta và cảm thấy điều chúng ta cảm nhận.
Sau
cùng là thái độ bi quan: họ than thở mỗi ngày, chẳng có gì là ổn, xã hội, chính
trị, Giáo hội. Người bi quan bất mãn với thế giới, nhưng tiếp tục bất động, không
làm gì, và nghĩ rằng: “Hiến thân có ích gì đâu”.
Đức
Thánh cha cảnh giác rằng: “Giờ đây, trong nỗ lực lớn bắt đầu lại, thái độ bi
quan thật là tai hại, nhìn mọi sự đều đen tối, lập đi lập lại chẳng có gì sẽ
trở lại như trước đây. Nghĩ như thế thì chắc chắn niềm hy vọng sẽ không trở
lại... Vì thế, chúng ta cần Chúa Thánh Linh, hồng ân của Thiên Chúa, Đấng chữa
lành chúng ta khỏi thái độ yêu mình, thái độ chỉ coi mình là nạn nhân và thái
độ bi quan”.
Và Đức
Thánh cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, là ký ức của
Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta ký ức về hồng ân đã nhận lãnh. Xin Chúa
giải thoát chúng ta khỏi sự tê liệt vì ích kỷ và khơi lên trong chúng ta ước
muốn phục vụ, làm điều thiện. Vì tệ hại hơn cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có
thảm trạng làm uổng phí nó, khép kín trong chính mình. Lạy Chúa Thánh Linh, xin
hãy đến: Chúa là sự hòa hợp, xin biến chúng con thành những người xây dựng hiệp
nhất; Chúa luôn ban hồng ân, xin ban cho chúng con can đảm ra khỏi chính mình,
yêu thương nhau và giúp đỡ nhau, để trở thành một gia đình duy nhất. Amen”.