Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Hãy Mở Đôi Mắt Và Con Tim Trước Sự Hiện Diện Khiêm Tốn Của Thiên Chúa

 Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin | Vatican Media

RVA 05/07/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Trưa Chúa nhật 04/7/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 5.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô, giữa trời nóng bức. Nhiều người đứng dưới các hàng cột xa xa để tránh nắng. Nhưng cũng có nhiều tín hữu đứng giữa quảng trường gần hơn, họ mang theo cờ Slovak, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marco, trong Chúa nhật XIV thường niên năm B, kể lại: Chúa Giêsu trở về Nazareth giảng dạy trong hội đường. Nhiều người kinh ngạc tự hỏi: từ đâu “con bác thợ mộc và bà Maria được những sự khôn ngoan như vậy”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sự ngạc nhiên của những người đồng hương

Tin mừng Chúa nhật này (Mc 6,1-6) kể lại cho chúng ta thái độ không tin của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Sau khi rao giảng tại các làng khác ở miền Galilea, Chúa trở về Nazareth, nơi Ngài lớn lên với Mẹ Maria và thánh Giuse; và vào một ngày sabat, Chúa bắt đầu giảng dạy tại Hội đường. Nhiều người khi nghe Ngài nói, tự hỏi: “Từ đâu ông ấy được tất cả những sự khôn ngoan như thế? Ông chẳng phải là con bác thợ mộc và bà Maria sao, nghĩa là những người láng giềng gần nhà mà chúng ta biết rõ?” (Xc vv. 1-3). Đứng trước phản ứng đó, Chúa Giêsu khẳng định một sự thật đã đi vào kho tàng khôn ngoan của dân gian: “Một ngôn sứ chỉ bị coi rẻ tại quê hương của mình, nơi những người họ hàng và trong gia đình của mình” (v.4).

Thái độ những người đồng hương với Chúa

“Chúng ta hãy dừng lại nơi thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng họ “biết” Chúa Giêsu, nhưng không nhận biết Ngài. Thực vậy, có một sự khác biệt giữa biết và nhận biết: chúng ta có thể biết nhiều điều về một người, có một ý niệm về họ, tin tưởng nơi những gì người khác nói về người ấy, thậm chí thỉnh thoảng gặp người ấy trong khu xóm, nhưng tất cả những điều đó không đủ. Đó là một kiến thức hời hợt, không nhìn nhận đặc tính của người ấy. Đó là một nguy cơ mà tất cả chúng ta đều gặp phải: chúng ta nghĩ mình biết rất nhiều về một người, gán cho họ một danh hiệu, và khép kín họ trong những thiên kiến của chúng ta. Cũng vậy, những người đồng hương của Chúa Giêsu biết Ngài từ 30 năm và họ nghĩ là đã biết hết về Ngài; trong thực tế, họ không bao giờ nhận thấy thực sự Ngài là ai. Họ dừng lại ở bề ngoài và từ khước sự mới mẻ của Chúa Giêsu.

Tập quán và thiên kiến cản trở

Đức Thánh cha cảnh giác rằng: “Khi chúng ta để cho sự thoải mái của tập quán và sự độc tài của những thành kiến trổi vượt, thì thật là khó cởi mở đối với sự mới mẻ và để cho mình ngạc nhiên. Rốt cuộc nhiều khi từ cuộc sống, từ những kinh nghiệm và thậm chí từ những người khác, chúng ta chỉ tìm kiếm những gì khẳng định ý tưởng và những cái khuôn của chúng ta, để rồi không bao giờ phải vất vả thay đổi. Điều đó cũng có thể xảy ra về Thiên Chúa, dù chúng ta là tín hữu, chúng ta tưởng mình biết Chúa Giêsu, biết rất nhiều về Ngài và chúng ta chỉ cần lập lại những điều cố hữu. Nhưng nếu không cởi mở đối với sự mới mẻ và những ngạc nhiên về Thiên Chúa, không ngỡ ngàng, thì đức tin trở thành một sự lập đi lập lại mệt mỏi và dần dần tắt lịm.

Lý do những người đồng hương không tin Chúa

Sau cùng, tại sao những người đồng hương với Chúa Giêsu không nhìn nhận và không tin nơi Ngài? Đâu là lý do? Chúng ta có thể nói vắn tắt rằng họ không chấp nhận cớ vấp phạm về sự nhập thể. Thật là một cớ vấp phạm khi sự vô biên của Thiên Chúa lại biểu lộ trong sự bé nhỏ của thân xác chúng ta. Con Thiên Chúa mà lại là con người thợ mộc, thiên tính ẩn náu trong nhân tính, Thiên Chúa ở trong một khuôn mặt, trong những lời nói, cử chỉ của một người thường. Đó là cớ vấp phạm: sự nhập thể của Thiên Chúa, sự cụ thể, thường nhật của Ngài. Trong thực tế, một thần minh trừu tượng và xa cách, không xen mình vào những hoàn cảnh sống, chấp nhận một đức tin xa cách cuộc sống, các vấn về và xã hội, đó là điều dễ dàng chấp nhận hơn. Hoặc là chúng ta thích tin tưởng nơi một vị thần “có những công hiệu đặc biệt”, chỉ làm những điều ngoại thường và luôn mang lại những cảm xúc mạnh. Trái lại, Thiên Chúa đã nhập thể làm người: khiêm hạ, dịu dàng, ẩn dật, trở nên gần gũi với chúng ta, ở trong cuộc sống thường nhật bình thường của chúng ta. Và lúc ấy, như những người đồng hương của Chúa, chúng ta có nguy cơ không nhìn nhận Ngài khi Ngài đi qua, hay đúng hơn, chúng ta lấy làm gương mù về Ngài.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Giờ đây, khi đọc kinh, chúng ta hãy xin Đức Mẹ, Đấng đã đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật ở Nazareth, ban cho chúng ta những đôi mắt và con tim được giải tỏa khỏi những thiên kiến và cởi mở đối với sự kinh ngạc, những ngạc nhiên về Thiên Chúa, về sự hiện diện khiêm tốn và âm thầm của Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.”

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha nhắc đến những tin tức về căng thẳng và bạo lực tại nước E-Swatini ở miền Nam Phi châu và nói: “Tôi mời gọi những người có trách nhiệm và những người bày tỏ khát vọng một tương lai đất nước, hãy cố gắng đối thoại với nhau, hòa giải và dung hòa các lập trường đối nghịch nhau.

Và tôi vui mừng thông báo cuộc viếng thăm của tôi tại Budapest, thủ đô Hungari, sáng Chúa nhật 12/9 năm nay để chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52 tại đây. Sau đó, tôi sẽ sang Cộng hòa Slovak để viếng thăm tại thủ đô Bratislava, rồi thành phố Presov, Kosice và Sastin trong 3 ngày, từ 12 đến 15/9. Tôi chân thành cám ơn những người đang chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này.

Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các tín hữu Slovak hiện diện tại Quảng trường. Sau cùng, ngài nói, “Tôi thân ái chào thăm tất cả những người đến từ Roma, Italia và các nước khác”.

Đức Thánh cha chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2021