Tiếp
Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Chỉ Có Một Tin Mừng
RVA 04/08/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Đúng
một tháng sau khi chịu giải phẫu ruột già ở bệnh viện đa khoa Gemelli ở Roma,
sáng thứ Tư, 04/8/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã mở lại các buổi tiếp kiến
chung các tín hữu hành hương. Lần này tại Đại thính đường Phaolô VI, ở nội
thành Vatican, một phần vì số người tham dự đông đảo hơn, và đàng khác vì thính
đường có máy điều hòa không khí, tránh tình trạng thời tiết nóng nực giữa mùa
hè này.
https://www.youtube.com/watch?v=BD97c-xicSs
(11phut)
Đây là
buổi tiếp kiến chung thứ 22, tính từ đầu năm nay. Và nếu tính từ đầu triều đại
Giáo hoàng, từ ngày 13/3 năm 2013 đến nay, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện
365 buổi tiếp kiến chung, kể như trọn một năm trời dành cho các cuộc tiếp kiến
chung các tín hữu.
Hiện
diện trong buổi tiếp kiến lúc 9 giờ 15 sáng, hôm 04/8 có gần 1.000 tín hữu, đặc
biệt những người khuyết tật ngồi trên xe lăn được ngồi hàng đầu trong đại thính
đường.
Lắng nghe Lời Chúa
Buổi
buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua bài đọc ngắn trích thư
thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát (1,6-8). Thánh nhân viết:
“Anh em,
tôi ngạc nhiên, sao anh em chóng tráo trở như thế đối với Đấng đã kêu gọi anh
em vào trong ân sủng của Đức Kitô để xoay ra một tin mừng khác! Nhưng không có
tin mừng nào khác! Chẳng qua chỉ có ít kẻ phá rối anh em và muốn làm điên đảo
Tin mừng của Đức Kitô. Nhưng cho dù là chính chúng tôi, hay một thiên thần nào
bởi trời đến giảng tin mừng khác điều chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì
hãy loại nó ra ngoài!”
Bài huấn giáo
Tiếp
đó, Đức Thánh cha đã trình bày bài thứ ba trong loạt bài giáo lý về thư thánh
Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: “Chỉ có một Tin mừng duy nhất”.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Quan tâm hàng đầu của thánh Phaolô
Khi bàn
về Tin mừng và sứ mạng loan báo Tin mừng, thánh Phaolô rất hăng say phấn khởi.
Dường như ngài không thấy gì khác ngoài sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho thánh
nhân. Tất cả mọi nơi được dành cho việc loan báo, và thánh nhân không có quan
tâm nào khác ngoài Tin mừng. Thậm chí ngài đi tới độ nói rằng: “Chúa Kitô không
sai tôi đi làm phép rửa nhưng là loan báo Tin mừng” (1 Cr 1,17). Thánh Phaolô
giải thích trọn cuộc sống của ngài như một tiếng gọi rao giảng Tin mừng. Ngài
nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng” (1 Cr 9,16). Khi viết cho
các tín hữu Kitô ở Roma, ngài chỉ tự giới thiệu thế này: “Phaolo, tôi tớ của
Chúa Giêsu Kitô, tông đồ được kêu gọi, được chọn để loan báo Tin mừng của Thiên
Chúa” (Rm 1,1). Tóm lại, thánh Phaolô ý thức mình “đã được đặt riêng” để mang
Tin mừng cho mọi người, và không thể làm gì khác hơn là hết sức tận tụy với sứ
mạng ấy.
Nòng cốt Tin mừng thánh Phaolô rao giảng
Vì thế,
chúng ta hiểu sự buồn sầu, thất vọng và thậm chí sự mỉa mai cay đắng của thánh
Tông đồ đối với những người ở Galát, những người mà dưới mắt ngài đang đi vào
con đường lầm lạc, đưa họ đến chỗ không hồi lại được. Cột trụ tất cả đều xoay
quanh đó, chính là Tin mừng. Thánh Phaolô không nghĩ đến “bốn sách Tin mừng”
như chúng ta tự nhiên nghĩ tới. Thực vậy, trong khi thánh nhân gửi thư này,
chưa có cuốn nào trong bốn sách Phúc âm được viết ra. Đối với ngài, Tin mừng là
điều ngài đang rao giảng, là Kerygma, việc loan báo cái chết và sự sống lại của
Chúa Giêsu, như nguồn mạch ơn cứu độ. Một Tin mừng được diễn tả qua bốn động
từ: “Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như Kinh thánh, được an táng,
đã sống lại vào ngày thứ ba theo Kinh thánh và đã hiện ra với Kêpha” (1 Cr
15,3-5). Tin mừng này là sự viên mãn những lời hứa và là ơn cứu độ được cống
hiến cho tất cả mọi người. Ai đón nhận Tin mừng ấy thì được hòa giải với Thiên
Chúa, được đón nhận như một người con đích thực và được hưởng gia nghiệp là sự
sống vĩnh cửu.
Phản ứng của thánh Phaolô đối với dân Galát
Trước
một hồng ân cao cả như thế, được ban cho người Galát, thánh Tông đồ không giải
thích nổi tại sao lại có những người đang nghĩ đến việc đón nhận “một thứ tin
mừng khác”. Dầu vậy, cũng cần ghi nhận rằng những Kitô hữu ấy vẫn chưa bỏ Tin
mừng được thánh Phaolô loan báo. Thánh Tông đồ biết rằng vẫn còn kịp để khỏi đi
một bước sai, nhưng ngài mạnh mẽ cảnh giác họ. Lý luận đầu tiên của thánh nhân
nhắm trực tiếp vào sự kiện việc rao giảng do các thừa sai mới không thể là Tin
mừng. Trái lại, đó là một sự loan báo đảo lộn Tin mừng chân chính, vì nó ngăn
cản đi tới tự do đã đạt được, khi ta đón nhận đức tin. Những người Galát vẫn
còn những người “mới bắt đầu” và sự ngỡ ngàng lạc hướng của họ là điều dễ hiểu.
Họ chưa biết sự phức tạp của Lề Luật Môisê và sự hăng say đón nhận đức tin nơi
Chúa Kitô thúc đẩy họ nghe những nhà giảng thuyết mới, lầm tưởng sứ điệp của họ
bổ túc cho sứ điệp của Phaolô.
Không thể thỏa hiệp với thứ tin mừng khác
Nhưng
thánh Tông đồ không thể chấp nhận nguy cơ để xảy ra những thỏa hiệp trong lãnh
vực quan trọng như vậy. Tin mừng là duy nhất và là Tin mừng mà thánh nhân loan
báo; không thể có một tin mừng khác. Nhưng cần lưu ý: Thánh Phaolô không nói
rằng Tin mừng chân thực là của ngài, vì chính ngài đã loan báo, không phải vậy!
Nghĩ như thế là tự phụ, háo danh. Đúng hơn, thánh nhân khẳng định Tin mừng “của
ngài” cũng giống như Tin mừng mà các Tông đồ khác đang đi rao giảng ở các nơi
khác, đó là Tin mừng chân thực duy nhất, vì là của Chúa Giêsu Kitô. Ngài viết:
“Hỡi anh em, tôi tuyên bố với anh em rằng Tin mừng mà tôi rao giảng không theo
một kiểu mẫu phàm nhân; thực vậy tôi không nhận Tin mừng ấy và cũng chẳng học
từ con người, nhưng là do mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (Gl 1,11). Vì thế, ta
hiểu tại sao thánh Phaolô dùng những kiểu nói rất nghiêm khắc. Hai lần thánh
nhân dùng từ “anatema”, chỉ sự cần thiết phải trục xuất ra khỏi cộng đoàn những
gì đe dọa nền tảng của cộng đoàn ấy. Tóm lại, về điểm này thánh Tông đồ không
chấp nhận có sự thương lượng. Khi nói về Tin mừng và nguy cơ đảo lộn Tin mừng,
thì không thể chấp nhận thỏa hiệp: niềm tin nơi Chúa Giêsu không phải là món
hàng có thể mặc cả.
Lý do khiến thánh Phaolô tỏ ra nghiêm khắc
Tình
trạng này được mô tả ở đầu thư có vẻ là nghịch lý, vì tất cả các chủ thể liên
hệ ở đây dường như đều được linh hoạt bằng những tâm tình tốt lành. Những người
Galát lắng nghe các thừa sai mới nghĩ rằng với sự cắt bì, họ càng có thể tùng phục
thánh ý Chúa và vì thế họ càng làm hài lòng thánh Phaolô. Những kẻ thù của
thánh nhân dường như được hướng dẫn, nhờ lòng trung thành với truyền thống đã
lãnh nhận từ cha ông và họ nghĩ rằng niềm tin chân chính hệ tại sự tuân giữ Lề
Luật. Đứng trước sự trung thành tột đỉnh ấy, thậm chí họ biện minh cho cả những
ngụ ý và nghi ngờ về thánh Phaolô, bị coi là ít chân chính đối với truyền
thống. Chính thánh Tông đồ ý thức rõ sứ mạng của ngài có bản chất thần linh và
vì thế được sự nhiệt thành đối với sự mới mẻ của Tin mừng thúc đẩy. Mối ưu tư
mục vụ của thánh nhân khiến ngài nghiêm khắc, vì thấy nguy cơ lớn đang đổ trên
những Kitô hữu mới. Tóm lại, trong cái cung mê của những thiện ý ấy, cần tự
giải thoát mình, để đón nhận chân lý tột đỉnh được trình bày như phù hợp nhất
với Con Người và lời giảng của Chúa Giêsu và sự mạc khải của Chúa về tình yêu
của Chúa Cha. Vì thế, lời rõ ràng và quyết liệt của thánh Phaolô thật là có lợi
ích cho người Galat và bổ ích cho cả chúng ta nữa.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài
giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm
tắt bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.
Khi
chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói với họ rằng: “Chúng ta vẫn còn nhớ
rõ thời điểm ân phúc cách đây 5 năm chúng ta đã trải qua tại Cracovia, trong
Ngày Quốc tế Giới trẻ tại đây. Tôi khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là
những người trẻ, trong sức mạnh của Chúa Thánh Linh, hãy can đảm và hăng say
mang Tin mừng của Chúa Kitô cho các thế hệ tương lai!
Bằng
tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu hành hương, đặc biệt là những trẻ
em trường mẫu giáo ở Montalo Uffugo, các thiếu niên ở Bovisio Masciago, các học
sinh trường trung học Volpago del Montello, hiệp hội “Những nụ cười của những
người rốt cùng” và các tín hữu đi hành hương bằng xe đạp, từ thành phố Brno,
thuộc Cộng hòa Tiệp.
“Sau
cùng, Đức Thánh cha nói, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người
trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi phó thác anh chị em cho sự phù hộ
của Đức Mẹ Maria: ngày mai 5/8 là lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả, lễ này mời
gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ nơi bức ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma.”
Buổi
tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.