Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Tin Nơi Chúa Kitô Và Sống Trong Thánh Linh Là Đưa Lề Luật Đến Chỗ Viên Mãn

 Photo: Vatican Media

RVA 11/08/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư 11/8/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 1.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Khác với qui luật tại Bảo tàng viện Vatican hoặc nhiều nơi khác ở Ý, để tham dự buổi tiếp kiến, các tín hữu không cần phải có giấy chứng nhận đã chích vắcxin ngừa Covid-19, nhưng mọi người đều mang khẩu trang.

Lắng nghe Lời Chúa

Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 23 tính từ đầu năm nay, và như thường lệ được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua bài đọc ngắn có 3 câu, trích từ chương 3 thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát (3,19.21-22). Thánh Phaolô viết: “Anh em, vậy Lề Luật để làm gì? Lề Luật đã được thêm vì những vi phạm, cho tới khi Đấng là dòng dõi Abraham đến, Đấng đã được hưởng lời hứa... Vậy thì Lề Luật đi ngược lại với những lời hứa của Thiên Chúa sao? Không phải thế. Thật vậy, giả như có một Luật nào đã được ban cho con người mà lại có khả năng làm cho sống, thì quả là người ta được nên công chính nhờ Lề Luật. Nhưng Kinh thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để lời hứa được ban cho các tín hữu nhờ lòng tin vào Đức Kitô.”

Bài huấn giáo

Tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ tư trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: “Lề Luật của Môisê”. Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mục đích Lề Luật Môisê

“Lề Luật để làm gì?” (Gl 3,19). Đó là câu hỏi, theo thánh Phaolô, mà chúng ta muốn đào sâu hôm nay, để nhận ra sự mới mẻ của đời sống Kitô được Chúa Thánh Linh linh hoạt. Thánh Tông đồ viết: “Nếu anh em để cho Thánh Linh hướng dẫn, thì anh em không còn ở dưới Lề Luật nữa” (Gl 5,18). Trái lại, những kẻ vu khống thánh Phaolô thì chủ trương rằng những người Galát lẽ ra phải tuân theo Lề Luật để được cứu độ. Thánh Tông đồ không hề đồng ý như vậy. Đó không phải là điều mà ngài thỏa thuận với các tông đồ khác ở Jerusalem. Ngài nhớ rõ lời thánh Phêrô nói rằng: “Tại sao anh em thử thách Thiên Chúa, khi áp đặt trên cổ các môn đệ một chiếc gông mà cả cha ông lẫn chúng ta không thể vác nổi?” (Cv 15,10). Các quyết định được đề ra trong “công đồng” đầu tiên ấy ở Jerusalem rất rõ ràng, nói rằng: “Thánh Linh và chúng tôi thấy rõ không nên áp đặt một bó buộc nào khác ngoài những điều cần thiết này: đó là kiêng thịt đã cúng các thần, kiêng máu, súc vật bị chết ngạt và những kết hợp bất hợp pháp” (Cv 15,28-29).

Tương quan giữa Lề Luật Môisê và Giao ước

Khi thánh Phaolô nói về Lề Luật, ngài thường chỉ Lề Luật Môisê. Lề Luật này ở trong tương quan với Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Chúa. Theo các văn bản khác nhau của Cựu ước, Torah - từ Do thái chỉ Lề Luật - là tập hợp tất cả những giới luật và qui tắc mà người Israel phải tuân giữ, do Giao ước với Thiên Chúa. Một tóm lược chính xác thế nào là Torah, ta có thể tìm thấy trong đoạn này của sách Đệ nhị luật: “Chúa sẽ tái vui mừng cho ngươi khi làm cho ngươi hạnh phúc, như Ngài đã làm cha ông ngươi vui mừng, khi cha ông ngươi tuân nghe tiếng Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, bằng cách tuân giữ các giới răn và sắc chỉ của Chúa, được ghi trong sách Luật này, và khi ngươi trở về cùng Chúa là Thiên Chúa ngươi, với trọn con tim và linh hồn ngươi” (30,9-10). Sự tuân giữ Lề Luật bảo đảm cho dân những lợi ích của Giao ước và mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Khi ký kết Giao ước với Israel, Thiên Chúa đã tặng cho họ Torah, để họ có thể hiểu thánh ý Ngài và sống trong công chính. Nhiều lần, nhất là trong các sách Ngôn sứ, ta thấy rằng sự không tuân giữ các qui định của Lề Luật, chính là một sự phản bội Giao ước, tạo nên phản ứng phẫn nộ của Thiên Chúa. Tương quan giữa Giao ước và Lề Luật chặt chẽ đến nỗi hai thực tại ấy không thể tách rời nhau.

Lập trường các đối thủ của thánh Phaolô

Dưới ánh sáng tất cả những điều ấy, ta dễ hiểu những kẻ truyền đạo lẻn vào nơi các tín hữu thành Galat hành động dễ dàng, khi chủ trương rằng sự gắn bó với Giao ước cũng bao gồm việc tuân giữ Lề Luật Môisê. Nhưng, chính về điểm đó chúng ta có thể khám phá sự thông minh tinh thần của thánh Phaolô và những trực giác lớn mà thánh nhân trình bày, được sự nâng đỡ của ân thánh đã nhận lãnh để thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng.

Giải thích của thánh Phaolô

Thánh Tông đồ giải thích cho các tín hữu Galát rằng, trong thực tế, Giao ước và Lề Luật không liên kết một cách không thể tách rời. Ở đây yếu tố đầu tiên mà thánh Phaolô dựa trên, chính là Giao ước được Thiên Chúa ký kết với Abraham, dựa vào niềm tin nơi sự viên mãn lời hứa chứ không dựa trên sự tuân giữ Lề Luật, lúc ấy chưa có Lề Luật. Thánh Tông đồ viết: “Giờ đây tôi nói: một giao ước được thiết lập trước đó do chính Thiên Chúa (với Abraham), không thể bị một Lề Luật đến 400 năm sau đó (Môisê) tuyên bố là vô hiệu, làm như thế là hủy bỏ lời hứa. Thực vậy nếu gia sản đạt được dựa trên Lề Luật, thì sẽ không còn dựa trên lời hứa nữa; trái lại, Thiên Chúa đã ban ơn cho Abraham nhờ lời hứa” (Gl 3,17-18). Với lý luận ấy, thánh Phaolô đạt tới đối tượng đầu tiên đó là Lề Luật không ở nơi căn cội của Giao ước vì nó đến sau.

Hệ quả lập trường của thánh Phaolô

Một lý luận như thế đặt ra ngoài những người chủ trương rằng Lề Luật Môisê là thành phần cốt yếu của Giao ước. Thực vậy, Torah không được bao gồm trong lời hứa với Abraham. Nhưng nói như vậy không được làm cho ta nghĩ rằng thánh Phaolô chống đối Lề Luật Môisê. Nhiều lần trong các thư, thánh nhân bênh vực nguồn gốc thần linh của Lề Luật và chủ trương rằng Lề Luật có một vai trò rất rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Nhưng Lề Luật không mang lại sự sống, không mang lại sự viên mãn lời hứa, vì không có khả năng thực hiện điều ấy. Ai tìm kiếm sự sống thì cần nhìn đến lời hứa và sự thể hiện lời hứa trong Chúa Kitô.

Và Đức Thánh cha kết luận: “Anh chị em thân mến, trình bày đầu tiên này của thánh Tông đồ với các tín hữu Galát cho thấy một điều mới mẻ hoàn toàn của đời sống Kitô: tất cả những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô được kêu gọi sống trong Thánh Linh, Đấng giải thoát khỏi Lề Luật và đồng thời mang Lề Luật đến chỗ viên mãn theo giới răn yêu thương.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Trong lời chào thăm các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn vì vụ giết hại cha Olivier Maire, 61 tuổi, Giám tỉnh dòng thánh Montfort ở Pháp, do một người di dân Ruanda bị tâm bệnh, hôm 09/8 vừa qua. Ngài chia buồn với cộng đoàn dòng thánh Montfort ở miền Vendée, thân nhân và toàn thể các tín hữu Công giáo Pháp. Đức Thánh cha cũng bày tỏ sự gần gũi tinh thần với mọi người.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi đặc biệt bày tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi với các tín hữu hành hương, trong những ngày này, từ nhiều nơi ở Ba Lan, đang đi bộ tiến về Đền thánh Jasna Góra, để tôn kính và phó thác cho Mẹ Thiên Chúa. Xin Đấng mà anh chị em tôn kính, như Nữ Vương Ba Lan, đón nhận những cơ cực và kinh nguyện của anh chị em, và với lòng hiền mẫu, xin Mẹ bảo vệ anh chị em, cùng với gia đình, Giáo hội và toàn thể đất nước. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu hành hương, đặc biệt tôi chào các tham dự viên Lễ hội các ca đoàn ở Latina, gọi là “Latium Festival”. Tôi cầu xin Chúa ban dồi dào các hồng ân Thánh Linh trên mọi người để tái sốt sắng về tinh thần và lòng tông đồ.

Sau cùng, - Đức Thánh cha nói -, “như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh Clara thành Assisi, mẫu gương sáng ngời của những người biết sống can đảm và quảng đại gắn bó với Chúa Kitô. Anh chị em hãy noi gương thánh nữ Clara để có thể trung thành đáp lại tiếng gọi của Chúa, như thánh nhân.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2021