Tiếp
Kiến Chung Của Đức Thánh cha: Cần Tự Hỏi Mình Đang Sống Trong Thời Kỳ Lề Luật
Hay ý Thức Đang Sống Như Con Cái Thiên Chúa
Photo:
Vatican Media
RVA 18/08/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Lúc gần
9 giờ sáng, thứ Tư 18/8/2021, Đức Thánh cha Phanxicô Phanxicô đã tiếp kiến
chung khoảng 1.000 tín hữu hành hương, tại Đại Thính đường Phaolô VI, ở nội
thành Vatican.
Lắng
nghe Lời Chúa
Đây là
buổi tiếp kiến chung thứ 24 tính từ đầu năm nay. Và như thường lệ được mở đầu
với phần lắng nghe Lời Chúa, trích từ đoạn 3 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát
(3,23-25), do 8 linh mục lần lượt tuyên đọc bằng cách thứ tiếng khác nhau:
“Anh
em, trước khi đức tin đến, chúng ta bị giam giữ và đóng kín dưới Lề Luật, trong
khi chờ đợi đức tin được mạc khải. Vì thế, Lề Luật đối với chúng ta là một nhà
quản giáo cho đến Chúa Kitô, để chúng ta được trở nên công chính nhờ đức tin.
Khi đức tin tới, thì chúng ta không còn ở dưới người quản giáo nữa.”
Bài
huấn giáo
Tiếp
đó, Đức Thánh cha đã trình bày bài thứ 5 trong loạt bài giáo lý về thư thánh
Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: Giá trị giáo huấn của Luật Lệ.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thánh
Phaolô đã dạy chúng ta rằng: “các con cái của lời hứa” (Gl 4,28), nhờ niềm tin
nơi Chúa Giêsu Kitô, không ở dưới sự ràng buộc của Lề Luật, nhưng được kêu gọi
sống dấn thân trong tự do của Tin mừng. Nhưng mà Lề Luật có đó. Vì vậy, trong
bài giáo lý hôm nay chúng ta tự hỏi: “Vậy đâu là vai trò của Lề Luật, theo thư
gửi Tín hữu Galát ? Trong đoạn thư chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô dạy rằng Lề
Luật như một nhà quản giáo, một nhà sư phạm. Thật là một hình ảnh đẹp, đáng
được hiểu trong nghĩa chính xác của nó.
Hai giai đoạn của lịch sử cứu độ
Thánh
Tông đồ dường như gợi ý cho các Kitô hữu phân chia lịch sử cứu độ, và cả trong
lịch sử bản thân của ngài, thành hai giai đoạn: giai đoạn trước khi trở thành
tín hữu và giai đoạn sau khi lãnh nhận đức tin. Nơi trung tâm có biến cố Chúa
Giêsu chịu chết và sống lại, mà thánh Phaolô rao giảng để khơi dậy đức tin nơi
Con Thiên Chúa, là nguồn mạch ơn cứu độ. Vì vậy, đi từ niềm tin nơi Chúa Kitô,
có một điều xảy ra trước và điều xảy ra sau so với chính Lề Luật. Lịch sử trước
được định nghĩa là ở “dưới Lề Luật”; lịch sử sau phải được sống theo Thánh Linh
(Xc Gl 5,25).
Giai đoạn dưới Lề Luật
Đó là
lần đầu tiên thánh Phaolô dùng thành ngữ này: “ở dưới Lề Luật”. Ý nghĩa hàm
chứa ở đây bao gồm ý tưởng một sự làm nô lệ, tiêu cực, tiêu biểu của những
người nô lệ. Thánh Tông đồ nói rõ điều đó khi khẳng định rằng khi ta “ở dưới Lề
Luật” thì ta như bị “canh chừng” và “khép kín”, một thứ giam cầm phòng ngừa.
Thánh Phaolô nói thời kỳ ấy kéo dài lâu và diễn ra bao lâu ta sống trong tội
lỗi.
Tương
quan giữa Lề Luật và tội lỗi được thánh Tông đồ trình bày một cách hệ thống hơn
trong thư gửi tín hữu Roma, được viết ra vài năm sau thư gửi tín hữu Galát. Nói
tóm gọn, Lề Luật giúp xác định sự vi phạm và làm cho con người ý thức về tội
lội của mình. Đúng hơn, như kinh nghiệm chung cho thấy, giới luật rốt cuộc kích
thích ta vi phạm. Thánh nhân viết trong thư gửi Tín hữu Roma: “Khi chúng ta ở
trong sự yếu đuối của xác thịt, những đam mê tội lỗi, được Lề Luật kích thích,
bùng lên trong các chi thể chúng ta với mục đích mang lại hoa trái cho sự chết.
Trái lại, giờ đây, sau khi chết cho những gì cầm tù chúng ta, chúng ta được
giải thoát khỏi Lề Luật” (7,5-6). Nói một cách vắn tắt, thánh Phaolô xác định
quan niệm của ngài về Lề Luật: “Nọc độc của sự chết là tội lỗi và sức mạnh của
tội lỗi là Lề Luật” (1 Cr 15,56).
Vai trò quản giáo của Lề Luật
Trong
bối cảnh đó, sự tham chiếu vai trò quản giáo của Lề Luật đạt được ý nghĩa đầy
đủ. Trong hệ thống học đường thời cổ, nhà quản giáo không có vai trò như ngày
nay chúng ta vẫn quan niệm, nghĩa là vai trò nâng đỡ sự giáo dục một thiếu niên
nam nữ. Trái lại, thời đó, quản giáo là người đầy tớ có nhiệm vụ do thầy giáo
giao phó, là dẫn con ông chủ về nhà. Người đầy tớ có nhiệm vụ bảo vệ người con
ấy khỏi mọi nguy hiểm và canh chừng để người con ấy đừng làm điều gì không
đúng. Chức năng của người đầy tớ đó có tính cách kỷ luật. Khi thiếu niên trở
thành người trưởng thành thì nhà sư phạm ngưng nhiệm vụ.
Chức năng của Lề Luật trong lịch sử Israel
Khi nói
về Lề Luật theo nghĩa đó, thánh Phaolô làm sáng tỏ chức năng của Lề Luật trong
lịch sử Israel. Sách Torah, Lề Luật, đã là một cử chỉ quảng đại từ phía Thiên
Chúa đối với dân của Ngài. Chắc chắn Lề Luật có những chức năng hạn chế,
nhưng đồng thời nó bảo vệ dân, giáo dục, áp dụng kỷ luật và nâng đỡ trong sự
yếu đuối của dân. Chính vì thế thánh Tông đồ sau đó dừng lại để mô tả giai đoạn
tuổi niên thiếu: “Suốt trong thời kỳ người thừa kế còn là trẻ nhỏ, thì nó không
khác gì người nô lệ, tuy là chủ nhân mọi sự, nhưng nó tùy thuộc người bảo hộ và
bị quản lý cho đến thời kỳ người cha đã ấn định. Cũng vậy đối với chúng ta, khi
chúng ta còn là trẻ nhỏ, chúng ta là những người nô lệ các yếu tố của trần thế”
(Gl 4,1-3). Tóm lại, xác tín của thánh Tông đồ là Lề Luật chắc chắn có một chức
năng tích cực, nhưng bị giới hạn trong thời gian. Ta không thể kéo dài chức
năng ấy quá hạn, vì Lề Luật gắn liền với sự trưởng thành của con người và sự
chọn lựa tự do của họ. Một khi ta đạt tới đức tin, thì Lề Luật kết thúc giá trị
sư phạm và phải nhường chỗ cho một thẩm quyền khác.
Và Đức
Thánh cha kết luận: “Giáo huấn này về giá trị của Lề Luật rất quan trọng và
đáng được quan tâm cứu xét để không rơi vào những hiểu lầm và thực hiện những
bước sai. Chúng ta nên tự hỏi xem chúng ta còn sống trong thời kỳ chúng ta cần
Lề Luật hay không, hay trái lại chúng ta ý thức rõ mình đã nhận lãnh ơn được
trở thành con cái Thiên Chúa để sống trong tình thương”.
Chào
thăm và nhắn nhủ
Sau bài
giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm
lược bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.
Khi nói
với các tín hữu nói tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt chào các tín hữu đến
từ Đền thánh Đức Mẹ của giáo phận Kalisz và nói: “Xin Mẹ Thiên Chúa đồng hành
với anh chị em, gia đình và tất cả những người đến với Đức Mẹ để phó thác cho
sự bảo vệ từ mẫu và dịu dàng của Mẹ”.
Trong
lời chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tu huynh bác ái, các
tân linh mục của giáo phận Mantova và Parma bắc Ý, các bạn trẻ thuộc trung tâm
sinh hoạt Nembro và các tín hữu từ Castello di Godego.
Sau
cùng, - Đức Thánh cha nói -, “như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già,
người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em cao niên và các bệnh
nhân quí mến, trong tuổi già và đau khổ, ước gì anh chị em được sự an ủi vì sự
hiện diện từ mẫu của Mẹ Maria, dấu chỉ hy vọng chắc chắn. Và hỡi những người
trẻ quí mến, khi xây dựng tương lai của mình, các con hãy luôn đặt tiếng gọi
của Chúa Kitô lên hàng đầu. Và các đôi tân hôn quí mến, tôi cầu mong tình yêu
của anh chị em là tấm gương phản ánh sự vô tận và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Buổi
tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.