Tiếp
Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Sự Giả Hình Gây Nguy Hiểm Cho Sự Hiệp Nhất Của
Giáo hội
Photo: Vatican Media
RVA 25/08/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Lúc 9
giờ sáng, thứ Tư 25/8/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng
1.500 tín hữu hành hương, tại Đại Thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Các tín hữu mang khẩu trang và ngồi giãn cách nhau.
Lắng nghe Lời Chúa
Đây là
buổi tiếp kiến chung thứ 25, tính từ đầu năm nay. Sau khi Đức Thánh cha làm dấu
thánh giá mở đầu, 8 linh mục lần lượt đọc bằng 8 ngôn ngữ khác nhau đoạn thư
của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát, trích từ chương 2 (2,11.14):
“Anh
em, khi Kêpha đến Antiokia, tôi đã công khai phản đối ông vì ông đã sai lầm
(...). Tôi nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: “Nếu anh là người Do thái,
mà sống như dân ngoại và không theo cách của người Do thái, thì làm sao anh có
thể ép buộc dân ngoại sống theo cách thức của người Do thái?”
Bài huấn giáo
Tiếp
đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ 6 trong loạt bài giáo lý về thư thánh
Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: “Những nguy hiểm của Lề Luật”.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thư gửi
tín hữu Galát kể lại một sự kiện khá ngạc nhiên. Như chúng ta đã nghe, thánh
Phaolô nói là đã khiển trách Kêpha, nghĩa là Phêrô, trước cộng đoàn Antiokia,
vì lối cư xử của Phêrô không tốt. Điều gì trầm trọng đã xảy ra khiến thánh
Phaolô dùng những từ nghiêm khắc đối với thánh Phêrô như vậy? Phải chăng thánh
Phaolô đã quá lời, quá chiều theo tính tình không biết cầm giữ của ngài? Chúng
ta sẽ thấy không phải như vậy, nhưng một lần nữa ở đây có liên hệ tới tương
quan giữa Lề Luật và tự do.
Lý do
tại sao Phaolô nghiêm khắc với Phêrô
Khi
viết cho các tín hữu Galát, thánh Phaolô cố ý nói đến giai thoại này đã xảy ra
tại Antiokia những năm trước đó. Ngài muốn nhắc nhở các tín hữu Kitô thuộc các
cộng đoàn ấy rằng họ tuyệt đối không được nghe theo những người rao giảng sự
cần thiết phải cắt bì và vì thế rơi vào tình trạng “ở dưới Lề Luật” với tất cả
những qui định của nó. Đối tượng sự phê bình thánh Phêrô là cách cư xử của
thánh nhân trong khi tham dự bữa ăn. Đối với một người Do thái, Lề Luật cấm
không được dùng bữa với những người không phải là Do thái. Nhưng cũng thánh
Phêrô, trong một hoàn cảnh khác, đã đi tới Cesarea trong nhà của quan bách quân
Cornelio, tuy biết rằng đó là điều trái với Lề Luật. Khi ấy thánh nhân quả
quyết: “Thiên Chúa đã chứng tỏ cho tôi rằng không được gọi ai là người phàm tục
hoặc ô uế” (Cv 10,28). Một lần kia, khi trở về Jerusalem, các tín hữu Kitô đã
chịu cắt bì trung thành với Lề Luật Môisê đã khiển trách thánh Phêrô vì thái độ
của ngài, nhưng thánh nhân tự biện minh và nói rằng: “Tôi nhớ lời Chúa dạy
rằng: “Gioan làm phép rửa trong nước, trái lại anh chị em sẽ được rửa trong
Thánh Linh”. Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một hồng ân như đã ban cho
chúng ta, vì đã tin nơi Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà cản trở Thiên Chúa?”
(Cv 11,16-17).
Cách
hành động của Phêrô gây chia rẽ trong cộng đoàn
Một sự
kiện tương tự cũng đã xảy ra tại Antiokia, trước sự hiện diện của thánh Phaolô.
Trước đó, thánh Phêrô ngồi vào bàn không có khó khăn gì với các tín hữu Kitô
gốc dân ngoại; nhưng khi có một vài Kitô hữu đã chịu phép cắt bì từ Jerusalem
đến thành ấy, thì thánh Phêrô không làm như vậy nữa, để tránh bị họ phê bình.
Điều này là trầm trọng trước mắt thánh Phaolô, cũng vì Phêrô được các môn đệ
khác noi theo, người đầu tiên là Barnaba, người đã cùng với thánh Phaolô loan báo
Tin mừng cho người thành Galát (Xc Gl 2,13). Tuy không muốn, nhưng cách hành
động của thánh Phêrô, trong thực tế, đã tạo nên một chia rẽ bất công trong cộng
đoàn.
Chống
thái độ giả hình
Thánh
Phaolô, khi khiển trách, đã dùng một từ giúp đi sâu vào phản ứng của ngài: đó
là “giả hình” (Xc Gl 2,13). Sự tuân giữ Lề Luật từ phía các tín hữu Kitô đưa
tới cách cư xử giả hình mà thánh Phaolô tông đồ muốn mạnh mẽ bài trừ một cách
xác tín. Giả hình là gì? Ta có thể nói rằng đó là “sợ hãi sự thật”. Người ta
giả bộ thay vì cư xử chân thực với chính mình. Sự giả bộ cản ngăn không để ta
nói sự thật một cách công khai, và như thế, ta dễ dàng tránh né nghĩa vụ phải
luôn luôn nói sự thật ở mọi nơi, dù điều gì đi nữa. Trong một môi trường trong
đó những tương quan giữa con người với nhau được sống vụ hình thức, thì virus
giả hình dễ dàng lan lây.
Gương
chống giả hình trong Kinh thánh
Trong
Kinh thánh có nhiều ví dụ về sự bài trừ giả hình. Một chứng tá thật đẹp là
chứng tá của cụ già Eleazaro: người ta đòi cụ phải làm bộ ăn thịt đã cúng cho
thần minh ngoại giao để cứu mạng bản thân. Nhưng cụ là người kính sợ Chúa nên
đã trả lời rằng: “Giả bộ như thế không phải là điều xứng đáng với tuổi của
chúng ta, với nguy cơ là nhiều người trẻ nghĩ rằng cụ già Eleazaro 90 tuổi đã
đi theo thói tục dân ngoại, và đến lượt họ, vì tội làm bộ của tôi để được sống
thêm một chút, họ bị hư mất vì tôi và như thế tôi làm ô danh cho tuổi già của
tôi” (2 Mcb 6,24-25). Trang sách ấy thật là đẹp dường nào để suy tư hầu xa
tránh sự giả hình! Cả các sách Tin mừng cũng kể lại nhiều trường hợp, trong đó
Chúa Giêsu mạnh mẽ khiển trách những người chỉ có vẻ công chính bề ngoài, nhưng
bên trong đầy sự giả dối và gian ác (Xc Mt 23,13-29).
Bản
chất sự giả hình
Kẻ giả
hình là một người giả vờ, dua nịnh và đánh lừa vì họ sống với một mặt nạ, và
không có can đảm đương đầu với sự thật. Vì thế, họ không có khả năng yêu thương
thực sự: họ chỉ sống ích kỷ và không có can đảm chứng tỏ tâm hồn mình một cách
minh bạch. Có nhiều hoàn cảnh trong đó ta có thể kiểm chứng sự giả hình. Thường
nó ẩn nấp trong nơi làm việc, nơi mà người ta tìm cách tỏ ra là thân hữu với
các đồng nghiệp, trong khi sự cạnh tranh khiến người ta đánh sau lưng đồng
nghiệp. Trong chính trị, không phải là điều họa hiếm khi thấy có những người
giả hình sống hai mặt giữa lãnh vực công và tư. Sự giả hình trong Giáo hội thật
là điều đáng ghét. Chúng ta không bao giờ được quên những lời của Chúa: “Lời
nói của các con phải là: có thì nói có, không thì nói không, đi quá chính là
điều từ ma quỉ” (Mt 5,37). Hành động khác đi có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự
hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa đã cầu nguyện.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài
giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm
lược bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của
ngài.
Bằng
tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các em giúp lễ thuộc ba giáo phận
Tulle, Limoges và Angoulême, đồng thời nhắn nhủ mọi người rằng: “Trong thời kỳ
nghỉ hè và gặp gỡ này, chúng ta đừng để mình bị ảnh hưởng vì sợ những thành
kiến làm suy yếu lòng yêu mến Chúa nơi chúng ta và làm cho chúng ta loại trừ,
gạt ra ngoài lề người khác. Trái lại, chúng ta hãy vun trồng giữa chúng ta
những tương quan chân thành, có khả năng mang lại sự sống và hy vọng cho những người
quanh chúng ta.”
Khi
chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha cầu chúc các tín hữu rằng kỳ nghỉ hè này là
một thời điểm bồi dưỡng và canh tân tinh thần cho bản thân và gia đình.
Với các
tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa
giúp chúng ta hành động nhất quán, từ bỏ xung đột nhau và can đảm bài trừ tất
cả những gì làm cho chúng ta xa lìa sự thật và đức tin mà chúng ta tuyên xưng.
Chỉ như thế, chúng ta mới có thể thực sự là những người xây dựng sự hiệp nhất
và tình huynh đệ”.
Trong
lời chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Ngày mai 26/8, tại
Ba Lan là lễ trọng kính Mẹ Thiên Chúa, tại Đền thánh quốc gia Jasna Góra. Cách
đây 5 năm, cùng với các bạn trẻ, tôi đã được đứng trước khuôn mặt đen của Mẹ và
phó thác cho Mẹ Giáo hội tại Ba Lan và trên thế giới. Ước gì sự bảo vệ hiền mẫu
của Mẹ là nguồn mạch an bình và mọi điều thiện hảo cho anh chị em và gia đình,
cũng như cho mọi người dân Ba Lan.
Khi
chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các nữ tu dòng Tận Hiến Chúa
Hài Đồng Giêsu, đang tham dự Tổng tu nghị của dòng và ngài nói: “Tôi khích lệ
các chị em và toàn dòng hãy biết đương đầu với các vấn đề giáo dục, trong niềm
tín thác mạnh mẽ, hân hoan gieo vãi Lời Chúa trong tâm người trẻ”.
Đức
Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi cũng chào thăm các tín hữu ở Montegallo, ngày
24/8 cách đây 5 năm đã bị động đất. Anh chị em thân mến, sự hiện diện của anh
chị em ở đây là dịp để tôi nghĩ đến các nạn nhân và các cộng đoàn ở miền Trung
Ý, trong đó có làng Accumoli và Amatrice đã chịu những hậu quả nặng nề của trận
động đất ấy. Với sự trợ giúp cụ thể của chính quyền, cần phải chứng tỏ sự hồi
sinh mà không để cho mình bị thái độ thiếu tin tưởng đè bẹp. Tôi nhắn nhủ tất
cả mọi người hãy tiến bước trong niềm vọng. Hãy can đảm lên!”
Sau
cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nói: “tôi nghĩ đến những người già, người
trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ước gì trong tâm hồn của tất cả mọi
người trong anh chị em gia tăng ước muốn ngày càng tiến sâu vào trong tình bạn
với Chúa Kitô và tìm thấy nơi Chúa sự thanh thản và niềm hy vọng Kitô”.
Buổi
tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.