Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Quốc Tế Về Gia Đình tại Philadelphia, B. Franklin Parkway, 27.09.2015

 

Anh Chị em thân mến,

 

Lời Chúa hôm nay đã gây ngạc nhiên và sửng sốt cho chúng ta với một thứ ngôn ngữ mạnh mẽ và đầy bóng bảy, nó kích thích chúng ta phải suy tư. Thứ ngôn ngữ này thách đố chúng ta, nhưng cũng khích lệ niềm hăng hái của chúng ta.

Trong bài Đọc I, Giô-su-ê đã báo cáo với Mô-sê rằng, có hai người đàn ông trong dân đã công bố Lời Thiên Chúa trong trạng thái phấn khích có tính Ngôn Sứ, nhưng không hề được phân công. Còn trong Tin Mừng thì Thánh Gio-an đã khoe với Chúa Giê-su rằng, các môn đệ đã cấm một người nhân danh Chúa Giê-su để trừ quỷ ô uế. Và ở đây xuất hiện điều gây ngạc nhiên: cả Mô-sê và Chúa Giê-su đều khiển trách các nhân viên của mình vì họ quá thiển cận. Tất cả đều là các Ngôn Sứ của Lời Chúa! Bất cứ người nào cũng có thể nhân danh Chúa để thực hiện các phép lạ! Vì thế, Chúa Giê-su đã bổ mạnh vào thái độ thù địch nơi những con người không biết chấp nhận những gì Ngài đã nói và đã làm. Đối với họ, có vẻ như không thể chịu đựng nổi trước sự mạc khải của Chúa Giê-su về Đức Tin chân thật và thành khẩn của rất nhiều người mà họ không thuộc về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa. Về phía mình, các môn đệ cũng đã hành động trong một Đức Tin chân thành, nhưng cơn cám dỗ muốn coi sự tự do của Thiên Chúa, Đấng làm cho mưa xuống trên „cả người công chính lẫn kẻ tội đồ“ (Mt 5,45), Đấng vượt qua thái độ quan liêu, vượt qua bộ máy hành chánh cũng như vượt qua thói làm việc chỉ ưu tiên cho những người của mình, như là một sự bực dọc, đang đe dọa tính xác thực của Đức Tin, và vì thế phải bị khước từ một cách dứt khoát.

Nếu chúng ta lưu ý tới điều đó, chúng ta sẽ có thể hiểu được tại sao những Lời của Chúa Giê-su về „sự bực dọc“ trên (xc. Mt 18,6tt) lại quá nghiêm khắc như vậy. Đối với Chúa Giê-su, sự bực dọc không thể chấp nhận được hàm chứa trong tất cả những gì mà chúng hủy diệt và làm băng hoại niềm tín thác của chúng ta vào cách hành động của Chúa Thánh Thần.

Cha Trên Trời của chúng ta không thể hơn được nữa trong sự rộng lượng cũng như trong việc rắc gieo của Ngài. Ngài rắc gieo sự hiện của mình trong thế giới chúng ta, vì „Tình Yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta“ (1Ga 4,10). Tình Yêu này mang đến cho chúng ta một sự xác tín thẳm sâu: Ngài kiếm tìm chúng ta, chúng ta được chờ đợi bởi Ngài. Niềm tín thác này chính là điều mang đến cho các môn đệ sự khích lệ, sự đồng hành và sự phát triển tất cả những sáng kiến tốt lành đang có xung quanh các Ngài. Thiên Chúa muốn rằng, tất cả mọi người con của Ngài đều tham dự vào Đại Lễ Tin Mừng. Đừng ngăn cản điều thiện – Chúa Giê-su nói -, nhưng trái lại, phải giúp cho điều thiện đó được phát triển và lớn lên. Ngờ vực công việc của Chúa Thánh Thần và khơi lên niềm cảm tưởng rằng, không có bất cứ điều chi chung với những người „mà họ không thuộc về nhóm chúng ta“, và với những người không „giống như chúng ta“, chính là một cơn cám dỗ đầy nguy hiểm. Nó sẽ không chỉ là sự phong tỏa đối với việc chăm sóc Đức Tin, nhưng còn là một sự làm biến dạng Đức Tin.

Đức Tin mở „cánh cửa sổ“ ra cho sự hiện diện đầy công hiệu của Chúa Thánh Thần, và bày tỏ cho chúng ta biết rằng, niềm hạnh phúc, sự thánh thiện luôn được liên kết với những cử chỉ nho nhỏ. „Ngay cả ai đó trao cho anh một chén nước để uống vì anh em thuộc về Chúa Ki-tô“ – Chúa Giê-su nói – „thì người ấy cũng sẽ không mất phần thưởng đâu!“ (Mc 9,41). Đó là những cử chỉ hoàn toàn nhỏ bé mà người ta học được từ gia đình; những cử chỉ của gia đình thường ẩn mình trong sự khuyết danh của cuộc sống hằng ngày, nhưng sẽ ban tặng cho mỗi ngày sống điều đặc biệt của nó. Đó là những cử chỉ của một người mẹ, của một cụ bà, của một người cha, của một cụ ông và của một em bé. Đó là những cử chỉ mang đầy sự trìu mến, là cử chỉ của Tình Yêu thương, của sự cảm thông. Những cử chỉ ấy giống như một bữa ăn nóng đối với người đang chờ đợi nơi bàn ăn; chúng giống như bữa điểm tâm sớm của người hiểu được việc dậy sớm để chu toàn công việc xã hội. Đó là những cử chỉ diễn ra trong gia đình. Đó là phép lành trước khi đi ngủ và là cái ôm trong khi trở về nhà từ một ngày lao động kéo dài. Tình Yêu bày tỏ trong những điều nho nhỏ, trong những cử chỉ bé nhỏ nhất của sự quan tâm đối với cuộc sống thường ngày, mà sự quan tâm đó luôn lo lắng cho cuộc sống có được một bầu khí gia đình. Đức Tin phát triển với sự vận dụng thực tế của nó và sẽ được tạo hình thông qua Tình Yêu. Vì thế, các gia đình của chúng ta, tổ ấm của chúng ta sẽ là những Giáo hội tại gia thực sự. Gia đình chính là nơi thích hợp để Đức Tin trở thành cuộc sống, và cuộc sống trở thành Đức Tin.

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đừng ngăn cản những cử chỉ nho nhỏ nhưng rất tuyệt vời đó; trái lại, Ngài muốn chúng ta khơi lên những cử chỉ đó, Ngài muốn chúng ta làm cho những cử chỉ đó phát triển; Ngài muốn chúng ta đồng hành với cuộc sống, như nó xảy đến với chúng ta, và ở đây, giúp khơi lên tất cả những cử chỉ nho nhỏ của Tình Yêu mà thực ra chúng là dấu chỉ về sự hiện diện sống động và đầy công hiệu của Ngài giữa thế giới chúng ta.

Thái độ mà chúng ta được kêu gọi thực hành ấy, sẽ tăng thêm giá trị trong chúng ta với câu hỏi: Chúng ta làm gì để sống lô-gich này trong các ngôi nhà cũng như trong các cộng đồng xã hội của chúng ta? Chúng ta muốn để lại cho con cháu chúng ta một thế giới thuộc loại nào? (xc. Laudato si’, 160). Đó là một câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời một mình. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta và thách thức chúng ta cùng trả lời cho câu hỏi đó với đại gia đình nhân loại. Ngôi nhà chung của chúng ta sẽ không phải gánh chịu những bất hòa có tính vô sinh nữa. „Sự thách đố cấp bách trước việc đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ ngôi nhà của mình, cũng bao hàm mối quan tâm và mối lo lắng để làm sao hiệp nhất toàn bộ gia đình nhân loại trong việc kiếm tìm một sự phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết rằng, nhiều điều có thể tự thay đổi“ (Laudato si’, 13). Ước chi con cháu chúng ta sẽ tìm thấy được từ nơi chúng ta những gương lành đối với một sự cộng tác mang tính xã hội! Ước gì con cháu chúng ta sẽ tìm thấy được nơi chúng ta những người nam và những người nữ có khả năng cùng cộng tác với người khác để làm cho tất cả mọi điều thiện hảo mà Cha Trên trời đã rắc gieo, được nhú mầm!

Hoàn toàn rõ ràng, nhưng với Tình Yêu, Chúa Giê-su nói: „Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha Trên Trời, chẳng lẽ Người lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?“ (Lc 11,13). Biết bao nhiêu là sự khôn ngoan nằm trong câu nói đó! Quả thực là con người chúng ta, trong mối liên hệ đến những điều tốt lành và sự trong sáng của tâm hồn, không sở hữu nhiều những điều mà chúng ta có thể tự khoe. Nhưng Chúa Giê-su biết rằng, chúng ta có khả năng rộng lượng một cách vô hạn khi vấn đề thuộc về con cái chúng ta. Vì thế, Ngài động viên chúng ta: Nếu chúng ta tín thác vào Thiên Chúa Cha thì Ngài sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta.

Các Ki-tô hữu chúng ta, những người môn đệ của Chúa, hãy xin với các gia đình trên khắp thế giới để họ giúp chúng ta. Nhiều những gia đình ấy đang là chính chúng ta, tức những người đang tham dự Thánh Lễ này, và đó là một cái gì đó có tính Ngôn Sứ rồi, và là một loại phép lạ trong thế giới hôm nay. Ước chi tất cả chúng ta sẽ trở thành những Ngôn Sứ! Ước gì từng người một trong chúng ta sẽ thực hiện được các phép lạ của Tình Yêu nhằm đưa đến niềm hạnh phúc cho tất cả mọi gia đình trên khắp thế giới, để vượt thắng tất cả mọi nỗi bực dọc của một Tình Yêu nhỏ nhoi và đa nghi mà nó tự nhốt kín mình lại trong chính mình và không có sự kiên nhẫn đối với người khác!

Thật là tuyệt vời biết chừng nào nếu như chúng ta có thể thúc đẩy tính Ngôn Sứ và những phép lạ ấy khắp nơi, ngay cả trên những giới hạn của chúng ta, và có thể biến chúng thành hiện thực! Hãy can tân Đức Tin của chúng ta bên lời Chúa, Đấng mời gọi các gia đình chúng ta hãy mở ra; Đấng mời gọi tất cả hãy tham dự vào tính Ngôn Sứ trong khế ước giữa một người chồng và một người vợ; Đấng biểu lộ sự sống và mạc khải về Thiên Chúa!

Bất cứ người nào muốn đưa một gia đình vào trong thế giới, mà gia đình ấy sẽ giáo dục con cái mình biết vui mừng về bất cứ hành vi nào mà mục đích của nó chính là việc vượt thắng sự ác – và gia đình ấy chứng tỏ rằng, Chúa Thánh Thần đang sống và đang hoạt động trong gia đình mình -, cũng đều xứng đáng nhận từ nơi chúng ta một niềm biết ơn và một niềm kính trọng nào đó, bất kể người ấy thuộc về dân tộc nào, khu vực nào hay tôn giáo nào.

Ước gì Thiên Chúa sẽ ban ân sủng của Ngài cho tất cả chúng ta với tư cách là những người môn đệ của Chúa, để trở nên xứng đáng với sự chính trực của một tâm hồn không cảm thấy Tin Mừng là một điều bực bội!

 

Philadelphia, B. Franklin Parkway, ngày 27 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội