Bài
Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trước cơ quan phụ trách tôn giáo Diyanet, Ankara,
Thổ-nhĩ-kì: Bạo
lực xứng đáng bị kết án
Kính thưa Ngài chủ tịch,
Kính thưa quý vị mang trách nhiệm về đời sống tôn giáo và
dân sự,
Kính thưa quý ông và quý bà:
Đối với tôi, việc được gặp gỡ quý vị trong quá trình diễn
ra chuyến viếng thăm của mình tại đất nước của quý vị, là một lý do để vui
mừng. Tôi xin cám ơn ngài chủ tịch của cơ quan có tầm quan trọng này về lời mời
đầy thân thiện mà nó đã tạo cho tôi cơ hội để được nói chuyện với những
vị mang trách nhiệm về chính trị và tôn gióa, trước các tín hữu Hồi giáo lẫn
các tín hữu Ki-tô.
Đã thành truyền thống rằng, các Đức Giáo Hoàng, khi các
Ngài công du tới những quốc gia khác nhau, với tư cách là một phần trong sứ vụ
của mình, các Ngài cũng thường gặp gỡ với những vị có trách nhiệm và với những
cộng đồng thuộc các tôn giáo khác. Không có sự cởi mở này trước sự gặp gỡ và
đối thoại, một chuyến viếng thăm của một vị Giáo Hoàng sẽ không thích ứng trọn
vẹn với những mục tiêu của nó, cũng như tôi hiểu về chúng trong việc đi theo
các vị tiền nhiệm rất đáng kính của tôi. Trong viễn tượng này, tôi thích gợi
lại với một cách thức đặc biệt về cuộc gặp gỡ mà Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã có
được tại địa điểm này, tức ở đây, vào tháng 11 năm 2006.
Trong thực tế, những mối tương quan tốt đẹp và cuộc đối
thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo có một tầm quan trọng to lớn. Chúng thể
hiện một sứ điệp rõ ràng với các cộng đồng tương ứng, hầu diễn tả rằng, sự tôn
trọng lẫn nhau cũng như tình bằng hữu, là điều có thể diễn ra, bất chấp sự khác
biệt. Tình bằng hữu này là một giá trị đã có sẵn trong chính mình, nhưng ngoài
ra, nó còn có được một tầm quan trọng đặc biệt và càng trở nên quan trọng hơn
trong thời kỳ khủng hoảng cũng như trong thời đại chúng ta – những cuộc khủng
hoảng, trong một số vùng trên thế giới, đang trở thành một thảm cảnh thực sự
đối với toàn thể các dân tộc.
Thực tế vẫn đang có nhiều cuộc chiến tranh. Chúng cướp đi
nhiều mạng sống con người và phát tán sự hủy hoại, những căng thẳng và những
cuộc xung đột giữa các nhóm dân tộc và tôn giáo; nạn đói kém và nghèo túng, mà
chúng đang hành hạ và gây đau đớn cho hàng trăm triệu người; những cuộc hủy
hoại môi trường thiên nhiên, hủy hoại bầu khí quyển, nguồn nước và trái đất.
Tình trạng tại vùng Trung Cận Đông đang thực sự bi ai,
đặc biệt là tại Irak và tại Syria. Tất cả đều đang phải gánh chịu những hậu quả
của những cuộc xung đột, và tình trạng nhân đạo đang rất kinh hoàng. Tôi nghĩ
tới rất nhiều những trẻ em, nghĩ tới những nỗi khổ đau của nhiều người mẹ, nghĩ
tới những cụ già, nghĩ tới những những người bị sơ tán, và những người tị nạn,
nghĩ tới bạo lực dưới mọi dạng thức. Mối quan tâm đặc biệt khơi lên sự thật
rằng, trước hết, vì một nhóm quá khích và cực đoan, toàn bộ các cộng đồng, đặc
biệt – nhưng không phải một mình – các Ki-tô hữu và các tín đồ Jesiden, đã phải
gánh chịu những bạo lực bất nhân chỉ vì căn tính sắc tộc hay tôn giáo của mình,
và họ vẫn đang còn phải gánh chịu điều ấy. Họ đang bị trục xuất khỏi các ngôi
nhà của mình một cách đầy bạo lực, họ đã phải bỏ lại tất cả để cứu lấy sự sống
của họ cũng như để không phản bội lại với Đức Tin của mình. Bạo lực cũng gây
thiệt hại cho cả các công trình tôn giáo, các công trình nghệ thuật, các biểu
tượng tôn giáo và cả đến những di sản văn hóa nữa, khi người ta muốn xóa sạch
bất cứ mọi dấu vết, bất cứ một ký ức nào về người khác.
Với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có
bổn phận phải công khai tố cáo tất cả những sự xúc phạm tới nhân phẩm, và xúc
phạm tới nhân quyền ấy. Sự sống con người, một quà tặng của Thiên Chúa sáng
tạo, sở hữu một đặc tính tôn giáo. Vì thế, bạo lực mà nó kiếm tìm một sự biện
minh từ tôn giáo, rất xứng đáng để bị kết án một cách mạnh mẽ, vì Đấng Toàn
Năng là Thiên Chúa của sự sống và của hòa bình. Thế giới đang mong chờ từ nơi
tất cả những ai đang khẳng định về sự tôn thờ của mình đối với Đấng Toàn Năng,
rằng họ phải là những người nam và những người nữ của hòa bình, thường xuyên
sống với nhau với tư cách là những người anh em và những người chị em, bất chấp
những khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa hay lý tưởng.
Với lời tố cáo công khai, người ta phải để cho công việc
chung đi theo sau, hầu tìm cho được những giải pháp thích hợp. Điều đó thúc đẩy
sự cộng tác của tất cả mọi thành phần: các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa,
những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân sự và tất cả những người nam và
những người nữ thiện chí. Một cách đặc biệt, những người có trách nhiệm nơi các
cộng đồng tôn giáo có thể thực hiện một sự đóng góp quý giá với những giá trị
mà chúng vẫn tồn tại sẵn trong các truyền thống tương ứng của họ. Chúng ta,
những người Hồi giáo và các Ki-tô hữu, chính là những người mang trong mình sự
phong phú tinh thần vô cùng quý giá, trong đó, chúng ta nhận ra những thành tố
mà tất cả chúng ta cùng có, ngay cả khi chúng được sống một cách tương ứng với
bất cứ truyền thống nào: sự tôn thờ Thiên Chúa khoan hậu, sự liên quan tới tổ
phụ Áp-ra-ham, việc cầu nguyện, công việc từ thiện, sự ăn chay v.v. Đó là những
thành tố mà chúng biến đổi cuộc sống và có thể đặt nền tảng chắc chắn cho phẩm
giá và tình huynh đệ của con người, khi chúng được sống cách chân thành. Việc
nhận ra các đặc điểm chung về tinh thần thông qua cuộc đối thoại liên tôn, cũng
như tiếp tục phát triển chúng, cũng sẽ giúp chúng ta thúc đẩy các giá trị luân
lý, sự hòa bình và tự do trong xã hội (xc. Đức Gio-an Phao-lô II, Diễn Văn
trước cộng đồng Công Giáo tại Ankara, ngày 29 tháng 11 năm 1971). Việc nhìn
nhận chung trước sự thánh thiện của cá nhân con người cũng sẽ tăng cường lòng
trắc ẩn chung, tình liên đới và sự giúp đỡ hữu hiệu đối với những người đau khổ
nhất. Trong mối liên hệ này, tôi muốn biểu lộ sự nhìn nhận của tôi đối với tất
cả những gì mà toàn dân tộc Thổ-nhĩ-kì – bao gồm các tín hữu Hồi giáo và các
Ki-tô hữu – đã và đang thực hiện cho hàng trăm ngàn người đang phải trốn chạy
khỏi những quốc gia của mình chỉ vì những cuộc xung đột. Đó là một mẫu gương cụ
thể đối với việc người ta có thể cùng cộng tác với nhau như thế nào trong sự
phục vụ những người khác – đó là một mẫu gương cần được khích lệ và hỗ trợ.
Tôi đã có được kinh nghiệm về những mối tương quan tốt
đẹp cũng như về sự cộng tác giữa cơ quan Diyanet (Ban Tôn Giáo của chính phủ
Thổ-nhĩ-kì) và Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn, với sự hài lòng. Tôi
ước mong rằng, những mối tương qua và sự cộng tác tốt đẹp ấy sẽ tiếp tục phát
triển và mang đến niềm hạnh phúc cho tất cả, vì bất cứ sáng kiến nào nhằm đưa
đến một cuộc đối thoại thực sự cũng đều là một chỉ dấu cho niềm hy vọng của thế
giới, một thế giới đang rất cần hòa bình, an bình và phồn thịnh.
Kính thưa ngài chủ tịch, một lần nữa tôi muốn nói lên lời
cám ơn của tôi đối với ngài cũng như cối với các cộng sự viên của ngài về cuộc
gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ đã lấp đầy niềm vui trong tâm hồn tôi. Ngoài ra,
tôi cũng xin cám ơn tất cả quý vị về sự hiện diện cũng như về lời cầu nguyện
của quý vị, mà quý vị sẽ đem đến cho sứ vụ của tôi. Về phần tôi, tôi xin cam
đoan với quý vị rằng, tôi cũng sẽ cầu nguyện cho quý vị như thế. Xin Thiên Chúa
chúc lành cho quý vị.
Ankara ngày 28 tháng 11 năm
2014
ĐTC Phan-xi-cô
Lm.
Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ