Diễn
Văn Của ĐTC Trong Buổi Gặp Gỡ Giới Học Thuật Và Văn Hoá Hungary
Lúc 3:45 chiều Chúa Nhật 30/4, Đức Thánh
Cha đã di chuyển đến Khoa Khoa học Máy tính và Sinh học của Đại học Công giáo
Péter Pázmány, để gặp gỡ giới học thuật và văn hoá. Đây là buổi gặp gỡ cuối
cùng của ngài trong chuyến tông du 3 ngày đến Hungary.
DIỄN
VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Gặp gỡ với giới Học thuật và Văn hóa
Đại học Công giáo “Péter Pázmány”, ngày 30 tháng 4
năm 2023
Anh chị
em thân mến, chào anh chị em!
Tôi
chào từng người trong anh chị em và cảm ơn vì những lời diễn tả tốt đẹp và dựa
theo đó tôi sẽ dừng lại trong chốc lát nữa. Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của
tôi trong chuyến viếng thăm Hungary và với tấm lòng biết ơn, tôi muốn nghĩ về
dòng sông Danube nối đất nước này với nhiều nước khác, hợp nhất không chỉ về
địa lý mà còn về lịch sử. Theo một nghĩa nào đó, văn hóa giống như một dòng
sông lớn: nó nối và chảy qua nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và lịch sử
khi tạo nên mối liên hệ, cho phép con người lướt đi trong thế giới và ôm lấy
những quốc gia và vùng đất xa xôi, làm thoả trí tuệ, tưới mát tâm hồn, làm phát
triển xã hội. Bản thân từ văn hóa (cultura) bắt
nguồn từ động từ vun trồng (coltivare): tri thức liên quan đến việc
gieo hạt hàng ngày, vốn dìm mình trong những luống cày của thực tế, mang lại
hoa trái.
Một
trăm năm trước, Romano Guardini, một trí thức vĩ đại và một người có đức tin,
khi dìm mình trong phong cảnh được tạo nên cách độc đáo bởi vẻ đẹp của nước, đã
có một trực giác phong phú về văn hóa. Ông viết: “Trong những ngày này, hơn bao
giờ hết, tôi hiểu rằng có hai dạng biết [...], một dạng dẫn đến chìm mình trong
đối tượng và trong bối cảnh của nó, theo đó người muốn biết phải cố gắng sống
trong nó; ngược lại, dạng biết kia thì thu gom mọi thứ, phân tích chúng, đặt
chúng ngăn nắp vào hộp, giành quyền làm chủ và sở hữu chúng, thống trị chúng” (Lettere
dal Lago di Como. La tecnica e l'uomo, Brescia 2022, 55). Ông phân
biệt giữa cái biết khiêm tốn và tương giao, giống như “sự trị vì có được nhờ
phục vụ; một sự sáng tạo theo tự nhiên, không vượt ra ngoài những giới hạn đã
được thiết lập” (xem tr. 57), và một cái biết khác, “không quan sát mà phân
tích [...] không dìm mình trong đối tượng mà nắm giữ nó” (tr. 56).
Và ở
đây, theo cái biết thứ hai này, “các năng lượng và chất thể được hội tụ về một
đích đến duy nhất: máy móc” (trang 58), và “do đó phát triển một kỹ thuật chế
ngự sự sống” (trang 59-60 ). Guardini không coi thường công nghệ, thứ giúp
chúng ta sống tốt hơn, để giao tiếp và có nhiều lợi ích, nhưng cảnh báo về nguy
cơ nó trở thành kẻ chi phối, nếu không muốn nói là thống trị, cuộc sống. Theo
nghĩa này, ông nhìn thấy một mối nguy hiểm lớn: “Con người mất đi tất cả những
kết nối bên trong mà lẽ ra họ có được từ ý thức về sự cân đối và về sự
hài hòa với tự nhiên” và, “trong khi nơi con người bên trong, họ ngày càng
không có ranh giới, không thước đo, không định hướng, họ lại tùy tiện thiết lập
các mục tiêu của riêng mình và bắt các sức mạnh tự nhiên, do họ thống trị, phải
hiện thực chúng” (tr. 60). Và Guardini đã đặt ra cho hậu thế một câu hỏi đáng
lo ngại: “Cuộc sống sẽ ra sao nếu nó kết thúc dưới cái ách này? [...] Điều gì
sẽ xảy ra [...] khi chúng ta thấy mình phải đối mặt với sự phổ biến của các
mệnh lệnh của công nghệ? Cuối cùng, cuộc sống bị đóng khung trong một hệ thống
máy móc. [...] Trong một hệ thống như vậy, liệu cuộc sống có còn là sống nữa
không?” (tr. 61).
Cuộc
sống có còn là sống nữa không? Đó là một câu hỏi mà, đặc biệt ở nơi này, nơi
công nghệ thông tin và khoa học sinh học được nghiên cứu chuyên sâu, cần được
đặt ra. Thật vậy, những gì Guardini đã thoáng thấy thì bây giờ xuất hiện rõ
ràng trong thời đại của chúng ta: hãy nghĩ về cuộc khủng hoảng sinh thái, với
thiên nhiên đang phản ứng lại sự bóc lột bởi chúng ta. Chúng ta nghĩ về sự
thiếu đi các giới hạn, về lý luận cho rằng “nếu điều đó có thể làm được thì nó
được phép”. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến mong muốn đặt trung tâm của mọi sự không
phải nơi con người và các mối tương quan con người, nhưng mỗi người đặt trung
tâm vào nhu cầu của chính mình, ham thu vén và nắm giữ thực tại. Và hệ quả là
sự xói mòn của những ràng buộc cộng đồng, nơi đó sự cô đơn và sợ hãi, do bởi
điều kiện hiện sinh, dường như trở thành những điều kiện xã hội. Bao nhiêu
người bị cô lập, rất nhiều “mạng xã hội” và rất ít tính xã hội,
như đang ở trong một vòng luẩn quẩn, tìm đến sự an ủi của công nghệ để lấp đầy
khoảng trống mà họ cảm thấy, bằng cách chạy theo một cách thậm chí còn cuồng
nhiệt hơn, trong khi bị chế ngự bởi chủ nghĩa tư bản man rợ, càng cảm thấy đau
đớn hơn về sự yếu đuối của mình, trong một xã hội mà tốc độ bên ngoài song hành
với sự mỏng giòn bên trong. Đây là bi kịch. Khi nói điều này, tôi không muốn
tạo ra chủ nghĩa bi quan – là điều trái ngược với niềm tin mà tôi vui mừng
tuyên xưng – nhưng để suy ngẫm về “sự kiêu ngạo này của hiện hữu và sở hữu”,
điều mà từ buổi bình minh của văn hóa châu Âu, Homer đã coi là mối đe dọa và mô
hình kỹ trị làm cho thêm trầm trọng, qua việc sử dụng một số thuật toán có thể
gây ra nguy cơ mất ổn định hơn nữa cho con người.
Trong
một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã nhiều lần trích dẫn, Ông chủ của thế
giới, của Robert Benson, ông nhận xét “rằng sự phức tạp của máy móc
không đồng nghĩa với sự vĩ đại thực sự và rằng trong vẻ bề ngoài xa hoa nhất ẩn
chứa mối nguy hiểm tinh vi nhất” (Verona 2014 , 24 -25). Cuốn sách này, theo
một nghĩa nào đó, mang tính “tiên tri”, được viết cách đây hơn một thế kỷ, mô
tả một tương lai bị công nghệ thống trị và trong đó mọi thứ, nhân danh sự tiến
bộ, đều bị đồng nhất hóa: khắp nơi người ta rao giảng một “chủ nghĩa nhân đạo”
nhằm xóa bỏ sự khác biệt, huỷ bỏ đời sống của các dân tộc và xoá bỏ các tôn
giáo. Xoá bỏ tất cả các khác biệt. Các hệ tư tưởng đối lập hội tụ vào một sự
đồng nhất hóa, kiểu đô hộ ý thức hệ; đây là thảm kịch, đô hộ ý thức
hệ; con người với việc tiếp xúc với máy móc ngày càng trở nên phẳng, trong khi
cuộc sống chung trở nên buồn tẻ và yếu ớt. Trong thế giới tiến bộ nhưng u ám
được Benson mô tả, nơi tất cả mọi người dường như mất cảm giác và bị gây mê,
thì việc loại bỏ người bệnh và áp dụng trợ tử, cũng như xóa bỏ ngôn ngữ và văn
hóa các dân tộc để đạt đến một hòa bình phổ quát, dường như là điều hiển nhiên,
điều này trên thực tế biến thành một cuộc bách hại dựa trên việc áp đặt sự đồng
thuận, đến mức một nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông khẳng định rằng
“thế giới dường như chịu sự chi phối của một sức sống kỳ quặc, vốn làm hư hỏng
và pha tạp mọi thứ” (tr. 145).
Tôi đã
trình bày suy tư với tông màu ảm đạm, nhưng chính trong bối cảnh này, vai trò
của văn hóa và đại học được thể hiện rõ nhất. Thật vậy, trường đại học, như
chính tên gọi, là nơi tư tưởng phát sinh, lớn lên và trưởng thành một
cách cởi mở và cộng hưởng; đừng đơn điệu và
đón kín nhưng mở ra và cộng hưởng. Đó là “ngôi đền” nơi tri thức được mời gọi
giải phóng mình khỏi những giới hạn hẹp hòi của tích góp và sở hữu để trở thành
văn hóa, nghĩa là “vun trồng” con người và những mối quan hệ nền tảng của con
người: với sự siêu việt, với xã hội, với lịch sử, với thụ tạo. Về vấn đề này,
Công đồng Vatican II khẳng định: “Văn hóa phải nhắm đến sự hoàn thiện toàn diện
của con người, vì lợi ích của cộng đồng và của toàn xã hội loài người. Do đó,
cần phải vun đắp tâm hồn để phát triển khả năng ngưỡng mộ, suy
ngắm và chiêm niệm, để có được khả năng phán đoán cá nhân và để vun
trồng ý thức tôn giáo, luân lý và xã hội” (Hiến chế mục vụ Gaudium et
spes, 59). Từ xa xưa, người ta đã nói rằng khởi đầu của triết học là sự ngưỡng
mộ, khả năng ngưỡng mộ. Từ quan điểm này, tôi đánh giá rất cao những lời của
ngài, thưa Đức ông Hiệu trưởng, khi ngài nói rằng “trong mỗi nhà khoa học chân
chính đều có một chút gì đó của nhà ký lục, tư tế, tiên tri và thần bí”; và
thêm nữa rằng “với sự trợ giúp của khoa học, chúng ta không chỉ muốn hiểu, mà
còn muốn làm điều đúng đắn, đó là xây dựng một nền văn minh nhân đạo và liên
đới, một nền văn hóa và môi trường bền vững. Chính với tấm lòng khiêm tốn mà
chúng ta không những có thể lên núi của Chúa mà còn leo lên đỉnh cao của khoa
học”.
Sự thật
là, như chúng ta biết, những tri thức vĩ đại đều khiêm tốn. Mặt khác, mầu nhiệm
của sự sống được mạc khải cho những người biết cách đi vào những điều nho nhỏ.
Về điều này, Dorottya đã nói với chúng ta những lời tuyệt vời: “Càng khám phá
ra nhiều chi tiết nhỏ, chúng ta càng đắm chìm vào sự phức tạp trong công trình
của Thiên Chúa”. Hiểu theo cách này, văn hóa thực sự bảo tồn và bảo vệ nhân
loại của chúng ta. Nó khiến chúng ta đắm chìm trong chiêm niệm và khuôn đúc nên
những con người không lệ thuộc vào thời trang nhất thời nhưng bén rễ từ thực tế
của sự vật. Và những người môn đệ khiêm tốn của tri thức cảm thấy họ phải cởi
mở và thông giao, không bao giờ cứng nhắc và hiếu chiến. Những người yêu văn
hóa, thực ra, không bao giờ cảm thấy đã đến nơi và tự mãn, mà mang trong mình
một sự khắc khoải lành mạnh. Họ nghiên cứu, đặt câu hỏi, mạo hiểm và khám phá;
họ biết cách thoát ra khỏi sự chắc chắn của chính mình để khiêm tốn dấn thân
vào mầu nhiệm sự sống, vốn tỏ lộ trong sự thao thức chứ không phải thói quen;
họ mở ra với các nền văn hóa khác và cảm thấy cần phải chia sẻ kiến thức. Đây là tinh thần của
trường đại học, và tôi cảm ơn quý vị đã sống theo cách này, như Giáo sư Major
đã nói với chúng ta, khi kể về vẻ đẹp của việc hợp tác với các thực thể giáo
dục khác, thông qua các chương trình nghiên cứu chung và cũng bằng cách chào
đón sinh viên từ các khu vực khác của thế giới, chẳng hạn như Trung Đông, đặc
biệt là từ đất nước Syria tử đạo. Chính bằng cách mở ra với người khác mà chúng
ta hiểu rõ hơn về bản thân mình. Sự cởi mở, mở ra với người khác giống như một
tấm gương: nó làm cho tôi hiểu rõ bản thân mình hơn.
Văn hóa
đồng hành với chúng ta trong hành trình biết mình. Tư tưởng cổ điển, vốn không
bao giờ suy tàn, nhắc nhở chúng ta điều đó. Câu châm ngôn nổi tiếng từ đền thờ
Delphi xuất hiện trong tâm trí tôi: “Hãy biết mình”. Đó là một trong hai suy
nghĩ mà tôi muốn để lại cho quý vị khi chúng ta kết thúc. Nhưng biết
mình có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là biết cách nhận ra những giới hạn
của mình và do đó, hạn chế tính tự quy chiếu của mình. Điều này tốt cho chúng
ta, bởi vì trên hết, bằng cách nhận ra mình là thụ tạo mà chúng ta trở nên sáng
tạo, hòa mình vào thế giới hơn là thống trị nó. Và trong khi tư tưởng kỹ trị
theo đuổi một tiến bộ không thừa nhận giới hạn, thì con người thật lại được
dựng nên từ sự mong manh, và chính ở đó, con người nhận ra sự phụ thuộc của
mình vào Thiên Chúa và mối liên hệ với người khác và với toàn thể tạo thành. Do
đó, dòng chữ tại đền thờ Delphi mời gọi chúng ta đến với một loại kiến thức, bắt đầu từ sự khiêm tốn,
từ giới hạn, từ sự khiêm tốn của giới hạn, khám phá ra tiềm năng kỳ diệu của
chính nó, vượt xa tiềm năng của công nghệ. Nói cách khác, biết mình nối
kết chúng ta lại với nhau, theo một biện chứng đạo đức, sự mong manh và vĩ đại
của chúng ta với tư cách là con người. Sự ngạc nhiên trước nghịch lý này làm
nảy sinh văn hóa: không bao giờ hài lòng, không ngừng tìm kiếm, thao thức và
cộng đồng, kỷ luật trong sự hữu hạn của mình nhưng mở ra với vô hạn. Tôi cầu
chúc quý vị luôn trau dồi hành trình thú vị hướng tới chân lý này!
Suy
nghĩ thứ hai liên hệ đến sự thật. Nó là một câu của Chúa Giêsu Kitô: “Sự thật
sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32). Hungary đã chứng kiến sự nối tiếp của các hệ tư tưởng
tự áp đặt chúng như những chân lý, nhưng không mang lại tự do. Và thậm chí ngày
nay rủi ro vẫn chưa hết: Tôi đang nghĩ đến sự chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản
sang chủ nghĩa tiêu thụ. Điểm chung của cả hai “chủ nghĩa” là một ý tưởng sai
lầm về tự do; của chủ nghĩa cộng sản là một thứ “tự do” bị siết chặt, bị giới
hạn bởi bên ngoài, do người khác quyết định; chủ nghĩa tiêu thụ là một “sự tự
do” phóng khoáng, theo chủ nghĩa khoái lạc, bị san phẳng, khiến chúng ta trở
thành nô lệ cho tiêu dùng và các đối tượng vật chất. Thật dễ chuyển từ những
giới hạn áp đặt tư duy, như trong chủ nghĩa cộng sản, sang tư duy không giới
hạn, như trong chủ nghĩa tiêu thụ! Từ một sự tự do bị kiềm hãm sang một sự tự
do không phanh. Ngược lại, Chúa Giê-su đưa ra một con đường khi nói rằng sự
thật là điều giải thoát con người khỏi những lệ thuộc và khép kín. Chìa khóa để
tiếp cận sự thật này là một kiến thức không bao giờ tách rời khỏi tình yêu, một kiến thức có
tương quan, khiêm tốn và cởi mở, cụ thể và mang tính cộng đồng, can đảm và xây
dựng. Đây là những gì các trường đại học được kêu gọi để trau dồi và đức tin để
nuôi dưỡng. Do đó, tôi mong muốn trường đại học này và mọi trường đại học trở
thành một trung tâm của tính phổ quát và tự do, một công trường hiệu quả xây
dựng chủ nghĩa nhân văn, một phòng thực nghiệm của hy vọng. Với cả tấm lòng,
tôi chúc lành cho anh chị em và cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì đang làm.
Cảm ơn rất nhiều!