30

KHAO KHÁT THIÊN CHÚA

 

 

Cùng với việc thờ phượng, phải duy trì một tình cảm khác trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa hằng sống, đó là khao khát. Tôi biết rất rõ là đức tin, đức cậy và đức mến là ba phương thức thiết yếu diễn tả mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, qua đó một loại "tiếp xúc thiêng liêng" được thiết lập với Ngài. Tầm quan trọng và vẻ đẹp của khao khát chính xác ở chỗ nó là kết quả và tổng hợp của ba nhân đức tin, cậy, mến. Nó giống như ngọn lửa duy nhất chiếu sáng trên một chiếc kiềng ba chân. Nó giống như mặt trái hiện sinh của ba thần đức, giống như một người tiết lộ về sự hiện diện và hoạt động của chúng.

Để biết khao khát Thiên Chúa là gì, trước hết chúng ta phải biết khao khát là gì. Nó gồm hai yếu tố, một tiêu cực, một tích cực. Từ Latinh, gốc gác của thuật ngữ tiếng Pháp, nhấn mạnh hơn khía cạnh tiêu cực; từ Hy lạp, dùng trong Tân Ước, nhấn mạnh hơn giá trị tích cực. Đối với người Latinh, trong ngôn ngữ của nghệ thuật bói toán, desiderare áp dụng vào việc thiếu các ngôi sao (sidera) cần thiết để thiết lập "điềm báo" hoặc điềm. Do đó, trong cách sử dụng phổ thông, "khao khát" có nghĩa là "cảm thấy hoặc trải nghiệm sự thiếu thốn hoặc vắng mặt của một cái gì đó".

Thuật ngữ Hy lạp tương ứng, potheo, nguyên thủy cho thấy chuyển động vươn vai, nằm dài, căng ra, hít vào hoặc đeo đuổi một cái gì đó. Điểm nhấn mạnh chính là khía cạnh tích cực và năng động của khao khát. Đối với những người phái Khắc Kỷ, khao khát là một khát vọng tinh thần khởi đi từ một quyết định có ý thức về ý chí do lý trí hướng dẫn. Qua khao khát, linh hồn, có thể nói, vươn mình lên, kéo dài ra trong khoảng thời gian chờ đợi, nóng lòng muốn đạt đến chỗ cuối cùng mà nó khao khát. Người ta có thể hiểu theo nghĩa này đoạn Kinh Thánh trình bày con người sống trong cuộc đời này như những kẻ lưu đày “khao khát” (epipotheo) tới quê hương vĩnh cửu (x. 2Cr 52). Sự phân biệt giữa hai khía cạnh tiêu cực và tích cực của khao khát phần nào tương ứng với sự phân biệt trong tiếng Anh giữa hai động từ to missto long for (nhớ và mong mỏi), hoặc trong tiếng Pháp là "thiếu, không có" và "mòn mỏi, nóng lòng chờ đợi".

Trong Kinh Thánh, người ta bắt gặp hai ý nghĩa này khi Kinh Thánh nói về lòng khao khát Thiên Chúa; và đôi khi chúng được sử dụng song song với nhau: "Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trong mong tìm đến Ngài, lạy Chúa." Ở đây sự khao khát được diễn tả theo nghĩa tích cực, bằng hình ảnh một con nai khát nước: thấy một dòng suối, nó lao đến, băng qua những chỗ dốc đứng đến chỗ nước chảy. (Người nào đi từ Giêrusalem đến Giêricô, men theo con suối Wadi Kelt qua sa mạc Giuđa, có thể dễ dàng hình dung cụ thể điều tác giả Thánh vịnh gợi ra). Ngay sau câu trên là những lời: "Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống." Nói cách tiêu cực, đó là lối diễn tả cùng một sự khao khát: một sự khát khao, một sự thiếu thốn, thiếu thốn và khát khao Thiên Chúa.

Với một vài ý niệm này về khao khát nói chung, chúng ta đi tới chỗ xem xét cụ thể lòng khao khát Thiên Chúa. Trong tất cả các khao khát của nhân loại, khao khát Thiên Chúa là sâu xa nhất, cho dù rất thường bị bỏ qua. Một bài thơ hay của Tagore ca ngợi niềm khao khát sâu xa này hướng tới Thiên Chúa:

“Khi màn đêm che giấu trong bóng tối của nó đòi hỏi của ánh sáng... Như cơn bão còn khao khát được kết thúc trong hòa bình khi nó dùng hết sức để chống lại hòa bình, cũng như vậy trong sâu thẳm vô thức của tôi vang lên tiếng kêu: "Chính Ngài là Đấng con muốn, chỉ mình Ngài thôi[1]!"

Ở hai cấp độ, theo hai cách khác nhau, chúng ta nói về sự khao khát Thiên Chúa. Trước hết và quan trọng nhất là sự "khao khát tự nhiên hướng tới Thiên Chúa", như một khái niệm triết học và thần học. Thánh Augustinô và thánh Tôma biến nó thành khởi điểm của một trong những bằng chứng nổi tiếng về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tiếp đến, sự khao khát Thiên Chúa mà những tâm hồn yêu mến biết đến và không nhằm chứng minh Thiên Chúa hiện hữu nhưng nhằm chiếm hữu Ngài: đó không phải là một khái niệm nhưng là một tình cảm. Sự khác biệt giữa hai điều này có thể so sánh với mô tả vật lý về hiện tượng khát và với thực tế về cơn khát của một người đã đi bộ hàng giờ dưới cái nắng chang chang trong sa mạc. Người quan tâm đến sự khao khát tự nhiên hướng tới Thiên Chúa rất có thể chưa từng tự mình trải nghiệm khao khát này trong tâm hồn họ. Ngược lại, ai đã có kinh nghiệm sống động về sự khao khát này rất có thể chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, để từ đó kết luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai sự khao khát này hướng về Thiên Chúa, tức khao khát tự nhiên và khao khát siêu nhiên, không đối lập nhau; ngược lại, khao khát sau giả thiết khao khát trước và được xây dựng trên nó, như ân sủng giả thiết bản tính.

Có nhiều điều để nói ngay cả về sự khao khát tự nhiên hướng tới Thiên Chúa. Nó là "cái sâu sắc nhất, cốt yếu nhất và cao cả nhất trong hữu thể con người"; Theo H. de Lubac, "nó là nền tảng của nhân học Kitô giáo". Nhưng câu hỏi được đặt ra: sự khao khát tự nhiên này hướng tới Thiên Chúa có còn nơi con người hiện đại bị tục hóa hay không? Luận chứng của Augustinô về “tâm hồn không an nghỉ” có còn đứng vững hay không? Đối với tôi, dường như trong số những người ủng hộ văn hóa hiện đại, yếu tố tích cực của khao khát đã biến mất: chỉ còn lại yếu tố tiêu cực. Khát vọng, hướng tới Chúa, bằng đức tin và lời cầu nguyện, đều biến mất; chỉ còn lại trống rỗng do những hành vi trên đã biến mất. Chỉ còn lại cảm giác về một sự thiếu thốn, nỗi nhớ về Thiên Chúa, mà một tác giả đã gọi là "Nỗi nhớ về Đấng Hoàn Toàn Khác[2]".

Điều khiến chúng ta quan tâm hơn hết, là hình thức khác của sự khao khát hướng tới Thiên Chúa, khao khát siêu nhiên, một biểu hiện chung của đức tin, đức cậy và đức mến. Nó là động cơ hoặc yếu tố thúc đẩy của đời sống thiêng liêng. Nó mang lại đà tiến cần thiết để vượt qua khó khăn. Không gì lớn lao được thực hiện mà không khao khát. Người ta không đạt tới sự thánh thiện nếu không khao khát mạnh mẽ đạt tới đó. Người ta không đến gần Thiên Chúa bằng cách bước từng bước bằng đôi chân của mình, nhưng bằng những khao khát của tâm hồn.

Thánh Augustinô đôi khi đã nhận được danh hiệu tiến sĩ của lòng khao khát Thiên Chúa, vì tầm quan trọng ngài gán cho đề tài này và vì những lần nhấn mạnh khi nói về nó. Ngài viết: “Khao khát là đáy lòng. Chúng ta sẽ nhận được nếu chúng ta mở rộng lòng khao khát ngần nào có thể. Khao khát càng mở rộng con tim, chúng ta càng cho nó khả năng có thể đón nhận Thiên Chúa." "Tất cả cuộc đời của một Kitô hữu chân chính là một khao khát thánh... Khao khát giúp bạn có thể được lấp đầy, khi xẩy đến những gì bạn phải thấy...; bằng cách mở rộng nó, bạn làm tăng khả năng của nó...; bằng cách bắt người ta chờ đợi, Thiên Chúa mở rộng khao khát; bằng cách làm cho người ta khao khát, Ngài mở rộng tâm hồn; bằng cách mở rộng tâm hồn, Ngài làm cho nó có khả năng đón nhận. Khao khát càng sống động thì chính việc cầu nguyện cũng càng sống động: "Khao khát của bạn, chính đó là lời cầu nguyện của bạn. Nếu khao khát của bạn liên tục, lời cầu nguyện của bạn cũng liên tục... Nếu bạn không muốn ngừng cầu nguyện, đừng ngừng khao khát." "Cầu nguyện nhiều chính là đánh động lâu dài bằng một chuyển động hiếu thảo của con tim nơi Đấng mà chúng ta cầu nguyện[3]." Có một kinh nguyện của phụng vụ dạy chúng ta cầu xin Chúa "cho tâm trí chúng con rạng rỡ nơi mắt Chúa bằng sự khao khát tìm thấy Chúa[4]". Như thể khi từ trời cao nhìn xuống, Thiên Chúa thấy các điểm trên trái đất ít nhiều phát sáng tùy theo cường độ của khao khát trong lòng mỗi người.

Văn chương thần bí đầy dẫy chủ đề khao khát Thiên Chúa, thường liên kết với câu trong sách Diễm ca: "Được ngồi dưới bóng chàng, tôi thỏa lòng mơ ước, và hoa trái của chàng ngọt lịm trong miệng tôi" (Dc 2,3). “Khao khát yêu thương", đó là cái tên mà tác giả vô danh thời Trung cổ trích dẫn ở trên đưa ra: "Hãy chú ý nhiều đến công việc này và đến cách thức lạ lùng mà công việc này được thực hiện trong tâm hồn bạn. Để hiểu cho đúng thì công việc này không là gì khác ngoài một xung lực đột ngột và tự phát mạnh mẽ vọt lên tới Thiên Chúa, giống như một tia lửa tóe ra từ than hồng đang cháy... Hãy dùng mũi lao của khao khát yêu thương nồng cháy đập vào đám mây dày đặc của sự vô minh này và đừng quay sang phía khác để nhìn điều gì đó sắp xảy ra[5]."

Như biển ngày đêm không ngừng xô đẩy vào bờ những ngọn sóng lúc to lúc nhỏ, cũng vậy chúng ta sẽ không bao giờ ngừng đưa những xung lực âm thầm của tâm hồn chúng ta lên tới Thiên Chúa. Nếu trong nỗ lực này, tâm trí hỗn loạn của bạn muốn đặt ra cho mình những câu hỏi như: "Thiên Chúa, Ngài là ai? Và làm thế nào để nghĩ về Ngài?, thì hãy trả lời: "Tôi không biết gì cả và trong lúc này, tôi không muốn biết gì về Ngài. Người ta phải yêu Thiên Chúa nhiều hơn là nghĩ về Ngài."

Khao khát Thiên Chúa cũng là một tâm thái quan trọng không chỉ đối với đời sống khổ hạnh và thiêng liêng, mà còn đối với việc loan báo Nước Trời. Tôi  phải thừa nhận rằng đôi khi tôi hơi than thở trước nhan Thiên Chúa. Tôi thưa với Ngài: "Lạy Chúa, nếu Chúa muốn rằng khi rao giảng, con thường nói cho người khác về sự khiêm nhường, bác ái, cầu nguyện, thì tại sao Chúa không ban cho con một chút về tất cả những gì con đang quá thiếu thốn như thế?" Và tôi nghe thấy câu trả lời trong thâm tâm: "Chúng ta nói về điều gì cách hăng hái nhất: về những gì đã có hay về những gì đang khao khát?" – Tôi trả lời ngay: "về những gì đang khao khát". Khi đó tôi hiểu rằng suốt cuộc đời này, tôi sẽ phải tiếp tục nói về những gì tôi không có, nhưng tôi khao khát. Ít nhất tôi cũng cố gắng biến thành của tôi lời khuyên mà một Giáo Phụ xưa dành cho người buộc phải nói và viết về những giá trị thiêng liêng mà, trong suốt cuộc đời, người đó đã chưa thể đạt được: "Hãy nói về chúng như một người thuộc hạng môn đệ, và không dùng uy quyền mà nói, sau khi đã hạ mình xuống và làm cho mình nhỏ bé hơn người nghe mình[6]."

Chúng ta hãy lấy lại "Bài ca của Ađam bị đuổi ra khỏi Địa đàng" mà cầu nguyện, một bài được nhiều nhà khổ hạnh Chính thống giáo đánh giá cao:

"Lạy Chúa, linh hồn con mong mỏi Chúa, và con khóc lóc tìm kiếm Chúa. Lạy Chúa, Chúa thấy nỗi đau khổ và nước mắt của con.. Hãy thắp sáng bóng tối của con : chớ gì tâm hồn con mừng rỡ hân hoan. Làm sao Chúa có thể quên con được? Ánh mắt bình yên và dịu dàng của Chúa đã lôi kéo linh hồn con, và tâm trí con hân hoan trên Thiên đường, nơi con được nhìn thấy ánh mắt của Chúa[7]."

 



[1]  R. Tagore, Gitanjàli (L’Offrande lyrique), XXXVIII, Paris, Gallimard, 1982, p.50.

[2]  x. M. Horkheimer, Die Sebnsucht nach dem ganz Anderen, Hamburg, 1970.

[3]  Saint Augustin, Sur l’évangile de Jean, XL, 10; cf. BA t. 73B, p. 191; Sur la 1re lettre de Jean, IV, 6; cf. SC, 75, p.231; Sur le ps. 37, cf. Humeau, p. 46; Lettre 130, X, 20.

[4]  Sách Lễ Rôma, Thứ Ba tuần I Mùa Chay

[5]  Anonyme anglais, Le nuage de l’inconnaissance (cité note 15), ch. IV, p. 80; ch. VI, p. 87.

[6]  Isaac de Ninive, Discours ascétique, 4, Roma, Citta Nuova, 1984, p. 89.

[7]  Starets Silouane, moine du Mont-Athos (cité note 2), p. 254.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều