CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

THEO THÁNH GIOAN

Ga 18 – 19

A. HƯỚNG THẦN HỌC CỦA GIOAN TRONG TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

I. Giờ của Chúa Giêsu

1. Giờ Chúa Giêsu mạc khải hoàn toàn Người là Đấng Mêsia ban ơn cứu độ.

2. Giờ khổ nạn – chết – sống lại – lên trời của Chúa Giêsu.

II. Con Người được tôn vinh

1. Được giương cao trên khổ giá, Chúa Giêsu kéo mọi người đến cùng Ngài để ban ơn cứu độ (Mêsia).

2. Được giương cao trên khổ giá, Chúa Giêsu thực hiện vương quyền của Ngài (= Vua).

III. Báo trước việc hoàn tất chương tình cứu độ

1. Xét xử thế gian : trước khổ giá của Chúa Giêsu, thế gian tách làm hai nhóm : chọn Ngài hoặc khước từ Ngài.

2. Quy tụ Dân Thiên Chúa trong sự duy nhất.

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

I. Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ và đón nhận cuộc khổ nạn (trong vườn)

1. Giới thiệu nhân vật :

- Chúa Giêsu và các môn đệ

- Giuđa cùng cơ binh, nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái.

2. Chúa Giêsu tỏ mình ra :

a) “Chính là Ta” – Họ giật lùi đàng sau và nhào xuống đất

b) “Chính là Ta” – Hãy để các kẻ này đi !

c) Simon-Phêrô can thiệp – “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao ?”.

II. Chúa Giêsu đối diện với Hanna – Phêrô chối Thầy (18,12-27)

1. Họ điệu Chúa Giêsu đến cùng Hanna. Phêrô đi theo Chúa Giêsu.

2. Phêrô chối Thầy trước mặt những người giúp việc.

3. Chúa Giêsu công khai tuyên bố về giáo huấn của Ngài trước mặt Thượng tế.

4. Phêrô chối Thầy lần thứ hai và thứ ba.

III. Chúa Giêsu đối diện với Philatô.

- Chúa Giêsu bị điệu đến phủ đường (18,28)

1. Philatô và người Do Thái. Họ đòi án khổ giá cho Chúa Giêsu (18,29-32)

2. Philatô và Chúa Giêsu – “Tôi là Vua” (18,33-38a)

3. Philatô và người Do Thái. “Giêsu hay Baraba ?” (18,38b-40)

4. Chúa Giêsu nhận vương quyền : triều thiên bằng gai – áo cẩm điều – “Kính chào Vua Do Thái” (19,1-3)

5. Philatô và người Do Thái. “Này, Người đó !” (Ecce Homo – 19,4-7).

6. Philatô và Chúa Giêsu. “Ông bởi đâu mà đến ?” (19,8-12).

7. Philatô và người Do Thái. “Này là Vua các người” (Ecce Rex vester -19,13-15).

- Chúa Giêsu bị điệu đi đóng đinh (19,16a)

IV. Chúa Giêsu bị đóng đinh khổ giá (19,16b-30).

- Tường thuật việc Chúa Giêsu bị đóng đinh (19,16b-18).

1. Tấm biển đặt trên khổ giá : “Giêsu Nadareth, Vua Do Thái” (19,19-22).

2. Cảnh chia áo Chúa Giêsu (19,23-24).

3. “Này là Mẹ con…” (19,25-27).

4. “Đã hoàn tất” (19,28-30).

5. Cạnh sườn khai mở : Nước và Máu chảy ra (19,31-37).

V. Chúa Giêsu được mai táng trong vườn (19,38-42 ; 20,31).

- Hai người vị vọng Do Thái : Giuse người Arimathia và Nicôđêmô mai táng Chúa Giêsu theo cung cách dành cho bậc Vương đế.

- Gioan ghi lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu “ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin”.

 

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU-KITÔ

THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42)

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

 

A.        HƯỚNG THẦN HỌC CỦA GIOAN

TRONG TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

Trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là nét nổi bật trong bốn sách Tin Mừng. Tại đây, chúng ta ghi nhận những điểm tương đồng quan trọng giữa Gioan và Tin Mừng nhất lãm. Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật lại như nhau về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu : việc Người bị bắt, bị điệu đến tòa án Do Thái, việc Phêrô chối Thầy, cuộc thẩm vấn quan trọng trước tòa án Rôma, Philatô ra án tử hình đóng đinh Người, việc Người vác thập giá lên Núi Sọ và bi đóng đinh tại đó, rồi Người đã chết và được các môn đệ mai táng trong mồ.

Tất cả những yếu tố căn bản này đều trùng hợp với nhau. Đi tìm hiểu lý do của sự trùng hợp này, có chúng ta phải nói là do 4 Thánh Sử khi ghi lại bài tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa, các ngài đều suy niệm từ Lời Rao Giảng tiên khởi của Hội Thánh : Đức Giêsu đã chịu khổ nạn, đã chết và đã sống lại.

Tuy nhiên, chính trong phần này, Thánh Gioan cũng đã lộ ra những nét cá biệt của người, nếu ta so sánh với Tin Mừng nhất lãm :

a) Gioan bỏ qua nhiều yếu tố, ví dụ :

- cảnh hấp hối ở vườn Ghetsêmani,

- cái hôn của Giuđa,

- môn đệ chạy trốn,

- phiên tòa Do Thái,

- cảnh sỉ nhục Chúa, đòi Chúa nói tiên tri,

- việc Simon người Kyrênê vác đỡ thập giá,

- cảnh nhạo báng Chúa trên thập giá,

- tối tăm bao trùm khi Chúa chết,

- việc Chúa thốt ra một tiếng lớn trước khi tắt thở,

- màn Đền thờ bị xé làm hai,

- lời tuyên xưng đức tin của viên bách quản.

b) Gioan thêm vào những dữ kiện mà Tin Mừng nhất lãm không nói tới, ví dụ :

- “Chính là Ta” (êgô eimi),

- cuộc thẩm vấn của Hanna,

- Philatô hỏi riêng Chúa trong phủ đường,

- “Ecce Homo” (Này, Người đó !),

- “Ecce Rex vester” (Này là Vua các người),

- lời đề nghị thay đổi tước hiệu ghi trên khổ giá,

- sự hiện diện của Mẹ Maria bên khổ giá,

- “Ta khát” – “Mọi sự đã hoàn tất”,

- cạnh sườn khai mở,

- Nicôđêmô hạ xác Chúa.

c) Và ngay cả trong lúc ghi lại những yếu tố tương đồng với Tin Mừng nhất lãm, Gioan cũng lộ ra nét cá biệt độc đáo của mình :

- Ga 18,1 : Đức Giêsu ra đi với môn đồ

Lc 22,39 : Đi ra, … có cả các môn đồ đi theo Ngài

Mc 14,26 : Họ đi ra … (núi Cây Dầu)

Mt 26,30 :  Họ đi ra … (núi Cây Dầu

- Ga 18,1 : qua bên kia khe Kêđron

Lc 22,39 :  Ngài đến núi Cây Dầu

Mc 14,26 : núi Cây Dầu

Mt 26,30 :  núi Cây Dầu)

- Ga 18,2 : Giuđa, kẻ nộp Ngài

Lc 22,47 :  Giuđa, một trong nhóm Mười Hai

Mc 14,43 : Giuđa, một trong nhóm Mười Hai

Mt 26,47 : Giuđa, một trong nhóm Mười Hai

- Ga 18,3.12 : cơ binh, nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái; cơ binh và viên quản cơ cùng với bộ hạ của người Do Thái

Lc 22,47 :  một đoàn lũ

Mc 14,43 : đoàn lũ

Mt 26,47 : lũ đông

- Ga 18,30 : Simon-Phêrô rút gươm ra và đánh nhằm người đầy tớ của Thượng tế và cắt đứt tai phải nó. Tên đầy tớ ấy là Malkhô.

Lc 22,50 :  Và một người trong nhóm họ đã đánh nhằm tên đầy tớ của Thượng tế và chặt đứt tai phải nó.

Mc 14,47 : Nhưng một người trong những kẻ có mặt tuốt guiơm và đánh nhằm tên đầy tớ của Thượng tế và chặt đứt tai nó.

Mt 26,51 :  Và này : một trong những người ở bên Đức Giêsu giơ tay, tuốt gươm và chém nhằm tên đầy tớ của Thượng tế và chặt đứt tai nó.

Nhìn chung, ta có thể nói :

Tin Mừng nhất lãm tường thuật cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu theo trình tự diễn tiến các sự việc và cao điểm là cái chết của Người trên khổ giá ;

– Tin Mừng Gioan lại chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu dưới ánh sáng Phục Sinh. Đối với Gioan, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu được ghi lại như dấu chỉ của sự vinh thăng của Người : chính trong thập giá, Gioan nhìn thấy công cuộc cứu chuộc đã hoàn thành.

Như vậy, đối với Gioan, khổ giá không còn là một khí cụ để hành hình, nhưng là Ngai của Vua Giêsu. Chính trong điểm này, chúng ta bắt gặp hướng thần học thật cụ thể của Gioan trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

Xuyên qua những điều mô tả, Gioan cho ta nhận ra tầm vóc biểu trưng (portée symbolique) của các biến cố và ý nghĩa thần học sâu xa của những sự kiện này.

I.

GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU

Chủ đề “Giờ của Chúa Giêsu” là suy niệm độc đáo của Gioan trong toàn bộ Tân Ước.

Tìm hiểu ý nghĩa của chủ đề này, chúng ta nhận thấy : “GIỜ” đối với truyền thống văn chương khải huyền Do Thái mang ý nghĩa cánh chung (sens eschatologique), đó là giờ cứu độ, giờ Thiên Chúa chiến thắng vĩnh viễn, giờ “mọi sự đã hoàn tất” (x. Đn 8,17.19 ; 11,35).

Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha (Mc 13,22 // Mt 24,36).

Hỡi anh em, các con bé nhỏ, Giờ cánh chung đây ! Và như anh em đã nghe nói là phản-kitô sẽ đến, thì nay đã có nhiều phản kitô xuất hiện, do đó mà ta biết : Giờ cánh chung đây ! (1Ga 2,18).

Ngoài ra, chủ đề “GIỜ” còn mang một ý nghĩa nữa trong Tin Mừng nhất lãm, đó là ý nghĩa Kitô-luận (sens messianique, Christologique). Một cách cụ thể, đối với Tin Mừng nhất lãm, đó là Giờ Khổ Nạn của Đức Kitô.

Trong vườn Ghetsêmani, Chúa Giêsu đã cầu nguyện, xin Chúa Cha : “Nếu có thể được thì cho Giờ đó qua đi khỏi Ngài” (Mc 14,35) và lúc bị bắt, Người đã nói với các môn đệ : “Giờ đã đến ! Này, Con Người sắp bị nộp vào tay những người tội lỗi” (Mc 14,41 // Mt 26,45). Trong Tin Mừng Luca thì Đức Giêsu đã nói trực tiếp với các kẻ đến bắt Người : “Này là giờ của các ông và là thời của quyền lực tối tăm” (22,53).

Như vậy, chủ đề “GIỜ” được Thánh Kinh sử dụng với hai ý nghĩa : ‒ cánh chung : giờ cứu độ ; ‒ kitô luận : giờ khổ nạn của Đức Kitô. Trong Tin Mừng thứ tư, Thánh Gioan đã lưu ý đến tầm quan trọng của chủ đề này và đào sâu ý nghĩa thần học của nó.

Thật vậy, ngay từ đầu Tin Mừng, Thánh Gioan cho ta thấy Đức Giêsu hướng cả cuộc đời của Người đén “giờ mầu nhiệm đó”, và Thánh Gioan – chỉ một mình Gioan – đã xem giờ đó là Giờ của Chúa Giêsu, vì đó là Giờ Người hoàn tất công trình cứu độ của Người.

Ngay từ tiệc cưới ở Cana, Đức Giêsu đã hướng cái nhìn của các môn đệ đến mầu nhiệm thập giá, khi Người tuyên bố : “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Rồi trong dịp lễ Nhà Tạm tại Giêrusalem, khi có những người Do Thái định bắt Đức Giêsu, nhưng họ không làm gì được Ngài, “vì Giờ của Ngài chưa đến” (Ga 7,30 ; 8,20).

Thế nhưng khi thấy viễn tượng cái chết đã gần kề :

“Bây giờ hồn Ta những rúng động ! Ta phải nói gì ?

Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này,

nhưng chính vì thế mà Con đạt thấu giờ này” (Ga 12,27)

thì Đức Giêsu long trọng tuyên bố:

“Giờ đã đến ! cho Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).

Với lời tuyên bố này, Đức Giêsu cho biết : giờ chết của Ngài là giờ Ngài được tôn vinh ; giờ khổ nạn của Ngài là giờ hoàn tất công trình cứu độ. Như vậy, hai ý nghĩa về chủ đề “GIỜ” trong Kinh Thánh đã được Gioan kết hợp lại một cách tài tình trong chủ đề mà ta gọi là “Giờ của Chúa Giêsu” : Giờ Ngài mạc khải hoàn toàn Ngài là Đấng Mêsia (= Đấng Kitô) ban ơn cứu độ cho nhân loại.

Tiến trình mạc khải đó, Gioan đưa ta đi từng bước qua cuộc Khổ Nạn – cái chết – sự sống lại và lên trời của Đức Giêsu.

Một cách đặc biệt, từ chương 12 đến chương 17, Gioan mời gọi ta nhìn vào Đức Giêsu, nghe lại các Lời của Ngài để bắt gặp được “Giờ của Ngài”, giờ hoàn tất việc cứu độ : “Giờ đã đến ! cho Con Người được tôn vinh” (12,23).

Cái chết của Đức Giêsu sẽ giống như “hạt lúa gieo xuống đất, chết đi để sai hoa lắm quả” (x. Ga 12,24).

Cái chết của Đức Giêsu sẽ tạo điều kiện cho mọi người đến cùng Ngài : “Một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (12,32).

Gioan còn cho ta biết : “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến Giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha – đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn ở trong thế gian – thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (13,1).

Dấu chứng của tình yêu đến cùng này đó là việc Ngài trao ban mạng sống mình (15,13). Và Đức Giêsu đã làm cử chỉ biểu trưng trong hành động rửa chân cho các môn đệ : “Ngài đã chỗi dậy, bỏ áo xống đi” (13,4) ; “… Vậy khi Ngài đã rửa chân họ xong, và lấy áo mặc …” (13,12).

“bỏ áo xống đi” (tithêmi, τίθημι)

“lấy áo mặc (lại) (lambanô, λαμβανώ)

liên hệ với Ga 10,17 nói về người Mục tử tốt :

“Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta : ấy là vì Ta thí mạng sống Ta, để rồi lấy lại” (x. Ga 10,11.15.18 ; 1Ga 3,16).

Và chính trong giờ Đức Giêsu được tôn vinh, Ngài thực thi quyền năng trên mọi xác phàm :

“Lạy Cha, giờ đã đến !

xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha !

Như Cha đã ban cho Ngài quyền năng trên moi xác phàm,

ngõ hầu toàn thể những gì Cha đã ban cho Ngài,

thì được Ngài ban cho sự sống đời đời” (Ga 17,1-2).

Như vậy, đối với Gioan :

1o “Giờ của Chúa Giêsu” không phải là một lúc nào trong đời sống của Ngài, nhưng là giờ cánh chung, giờ ban ơn cứu độ, giờ Ngài mạc khải hoàn toàn Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Kitô ;

2o “Giờ của Chúa Giêsu” được tỏ hiện công khai và cụ thể qua các biến cố : khổ nạn – chết – sống lại và lên trời của Ngài :

Ga 2,4                 đề cập đến Giờ của Đức Giêsu

Ga 7,30 ; 8,20     giờ Đức Giêsu chết

Ga 12,23    hướng về giờ Đức Giêsu được tôn vinh

Ga 13,1 ; 17,1     giờ Đức Giêsu được tôn vinh

Đó là cao điểm của mọi hoạt động và sứ mạng của Đức Giêsu : “Chính vì thế mà Con đã đạt thấu giờ này” (Ga 12,27).

II.

CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH

Có lẽ đây là nét đặc sắc nhất của Gioan trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Gioan đã nhìn thấy, đã hiểu và truyền đạt lại cho chúng ta cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đức Giêsu dưới ánh sáng của chủ đề “CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH”.

Trong Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu đã loan báo trước về cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Người ba lần (Mt 16,21 ; 17,22tt ; 20,18tt cũng như những đoạn song song trong Mc và Lc). Gioan cũng ghi lại ba lời loan báo này của Đức Giêsu, nhưng bằng những ngôn từ cá biệt :

“Như Môsê giương cao con rắn trong sa mac,

Con Người cũng phải bị giương cao như vậy” (Ga 3,14)

“Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao,

Bấy giờ các ngươi sẽ biết : chính là Ta” (Ga 8,28)

“Và Ta, một khi được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.

Ngài nói vậy để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cái chết nào.

Dân chúng thưa lại : ‘Do Lề Luật, chúng tôi nghe biết rằng Đức Kitô còn mãi đời đời, vậy làm sao ông nói : Con Người phải được giương cao ! Con Người đó là ai vậy ?’” (Ga 12,32-34).

Tìm hiểu nguồn gốc chủ đề này, chúng ta gặp thấy trong bài ca thứ tư của Người Tôi Tớ mà Isaia đã loan báo :

“Này, tôi tớ của Ta sẽ thành đạt,

Người sẽ được bạt cử, nhắc cao và tuyệt vời tôn dương” (Is 52,13).

Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai đã nhận ra lời tiên tri này được thực hiện trong biến cố lên trời của Chúa Giêsu :

“Vậy, được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa,

Ngài đã lĩnh lấy nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống”

(Cv 2,33).

“Người ấy, như Vị Khơi Nguồn, như Đấng Cứu Tinh,

Thiên Chúa đã nhắc lên bên hữu Ngài,

để ban cho Isral ơn hối cải và tha tội” (Cv 5,31).

Thánh Phaolô cũng viết trong bài thánh thi bất hủ :

“Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài !

và ban cho Ngài Danh hiệu

vượt quá mọi danh hiệu,

hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu,

mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy,

chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất” (Pl 2,9-10).

Đối với Gioan, việc Đức Giêsu được siêu tôn, được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa đã được thể hiện ngay trong mầu nhiệm thập giá :

“Ngài nói vậy để ám chỉ sẽ phải chết cái chết nào” (Ga 12,33).

Và như trong ba đoạn văn ghi lại lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết của Ngài, chúng ta đã thấy rõ chủ ý của Gioan khi sử dụng từ ngữ “bị giương cao” (hypsô – ύψωσε – élever, 3,14), “nhắc lên cao” (8,28), “được giương cao khỏi đất” (12,32).

“Được giương cao” gắn liền với cái chết trên thập giá của Đức Giesu mở ra cho ta thấy hướng thần học thật sâu xa của Gioan.

Thật vậy, từ bản văn của Is 52,13 đến Cv 2,33.5,31 và Pl 2,9-10 đề cập đến việc vinh thăng của Đức Giêsu khi Người được Thiên Chúa cho ngự bên hữu Ngài, đặt Người làm Chúa, làm Vua trên mọi loài, chúng ta thấy sự kiện này được thể hiện trong biến cố lên trời của Đức Giêsu. Gioan xác tín điều đó. Nhưng Gioan đã nhận ra biến cố trọng đại đó ngay tại Núi Sọ : việc Đức Giêsu được giương cao trên khổ giá thể hiện trước điều mà các bản văn Thánh Kinh khác ghi nhận và tuyên xưng trong mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu. Đó là :

1o Được giương cao trên khổ giá, Chúa Giêsu lôi kéo mọi người đến cùng Ngài để ban ơn tha tội, chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia.

“Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng phải bị giương cao như vậy,

ngõ hầu kẻ nào tin,

thì nhờ Ngài mà được sự sống đời đời” (Ga 12,33).

Con Người bị giương cao trở nên dấu chỉ ơn cứu độ cho mọi người : những ai tin mà nhìn lên Đức Kitô trên thập giá (Ga 19,37) sẽ lãnh nhận sự sống đời đời.

“Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao,

bấy giờ các ngươi sẽ biết : Chính là Ta (êgô eimi)” (Ga 8,28).

Nhờ vậy các ngươi sẽ nhận ra :

“Các ngươi thuộc bên dưới ;

Ta thuộc bên trên !

Các ngươi thuộc về thế gian này ;

Ta không thuộc về thế gian này” (Ga 8,23).

Đó chính là lời mạc khải về nguồn gốc siêu việt của Đức Giesu. Ngài là Đấng Mêsia do Chúa Cha sai đến. và trước thập giá của Ngài, không ai còn có thể mơ hồ về nguồn gốc của Ngài nữa, vì Ngài chính là Đấng “êgô eimi”. Từ đó, con người được mời gọi phải hoán cải và tin vào Đấng Mêsia.

2o Được giương cao trên khổ giá, Chúa Giêsu thực hiện Vương quyền của Ngài :

“Chính bây giờ cuộc phán xét thế gian này :

chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài !

Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,31-32).

Thập giá của Đức Giêsu đánh dấu giai đoạn mới trong Lịch sử Cứu độ : đầu mục thế gian này bị đuổi ra ngoài ; Satan không còn đóng vai trò thống trị nữa, nhưng phải nhường chỗ cho vương quyền của Đức Giêsu. Từ này, từ trên thập giá được xem như Ngai của Vua Giêsu, Ngài sẽ lôi kéo mọi người đến cùng Ngài.

Gioan khám phá ra tầm quan trọng của chủ đề này và đã triển khai một cách sâu xa và phong phú trong bài tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Ngày trong cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Gioan đã nhận ra cách thức Chúa Giêsu nhận quyền Vua và thi hành vương quyền của Ngài ; vì với cái nhìn đức tin, Gioan đã thấy được những kết quả về ơn cứu độ mà cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu đã đem đến cho thế gian.


III.

BÁO TRƯỚC VIỆC HOÀN TẤT CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ

Một điểm nổi bật nữa trong hướng thần học của Gioan khi đề cập đến cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, đó là việc Giaon nhận ra chương trình cứu độ của Chúa Giêsu đã hoàn tất ngay trong mầu nhiệm thập giá.

Thật vậy, những dữ kiện quan trọng của Lịch sử Cứu độ mà khoa Cánh-chung-luận cho rằng sẽ được thực hiện trong ngày sau hết, thì Gioan tin rằng đã thể hiện nơi thập giá của Đức Giêsu. Đó là : cuộc chung thẩm và việc quy tụ Dân Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối duy nhất.

1. Xét xử thế gian. Trước khổ giá của Chúa Giêsu, thế gian tách làm hai nhóm : chọn Ngài hoặc khước từ Ngài.

Trong khi Tin Mừng nhất lãm và Thánh Phaolô đặt việc xét xử thế gian trong ngày chung thẩm, thì ngay trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Gioan đã cho ta thấy diễn ra công việc này. Đó là quyết định và sự lựa chọn của con người rước sự sángsự thật của Chúa Giêsu.

Đứng trước Chúa Giêsu là Sự Sáng, con người tự tách ra làm hai nhóm :

“Chính là để phán xét (eis krima, είς κριμα)

mà Ta đã đến trong thế gian,

ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy,

và kẻ thấy được lại hóa đui mù !” (Ga 9,39).

Cuộc phán xét hệ tại sự lựa chọn của con người : nhận hay khước từ

- sự sáng

“Án xử là thế này :

Sự sáng đã đến trong thế gian,

mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng,

vì việc họ làm là điều xấu” (Ga 3,19)

- Lời của Đức Giêsu

“Kẻ nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta,

thì có sự sống đời đời, và khỏi phải đến Tòa phán xét,

nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống” (Ga 5,24).

Gioan cũng có đoạn đề cập đến ngày chung thẩm, nhưng điều quan trọng xét xử con người, chính là sự chọn lựa của họ đối với Đức Kitô và đối với Lời của Người :

“Kẻ thảy bò Ta đi và không lĩnh chịu các lời của Ta,

thì có người xét xử nó rồi : ấy là Lời Ta đã nói,

chính Lời ấy sẽ xét xử nó trong ngày sau hết” (Ga 12,48).

Phàm ai tin Đức Giêsu, thì không bị xử án ; còn ai không tin Ngài, thì đã lình lấy án xử rồi :

“Kẻ tin vào Ngài, thì không bị án xử,

kẻ không tin thì đã bị án xử rồi,

bởi vì không tin vào Danh Con Một của Thiên Chúa” (Ga 3,18).

Con người liên tục phải đối diện với Đức Giêsu để có một quyết định và lựa chọn. và điều này kéop dài cho đến ngày sau hết.

Tuy nhiên, đối với Gioan, việc xét xử thế gian đã xảy ra vào một thời điểm nhất định của Lịch sử Cứu độ ; và thời điểm đó chính là “Giờ của Chúa Giêsu” :

“Chính bây giờ cuộc phán xét thế gian này :

chính bậy giờ đầu mục thế gian sẽ bị đuổi ra ngoài” (Ga 12,31).

“Về án xử : vì đầu mục thế gian này đã bị lên án rồi” (Ga 16,11).

Đứng trước một Đức Giêsu được giương cao trên khổ giá, thế gian tách làm hai nhóm. Chủ đề này sẽ được triển khai cụ thể trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu : chính trong cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn, chúng ta sẽ thấy một đàng là hình ảnh của Đức Vua – Mêsia được giương cao lên (được tôn vinh), đàng khác chúng ta lại thấy việc kết án thế gian tội lỗi.

2. Quy tụ Dân Thiên Chúa trong sự duy nhất. Đây cũng là một chủ đề liên hệ đến thời cánh chung : Thiên Chúa đã hứa sẽ quy tụ Dân Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối duy nhất.

Chính trong lời loan báo về Giao Ước Mới và sự phục hưng Dân Chúa vào thời Đấng Mêsia, ngôn sứ Giêrêmia đã viết :

“Đấng phân tán Israel sẽ thâu họp nó …

Người sẽ canh giữ nó như mục tử canh giữ đàn chiên” (Gr 31,10).

Như vậy, sáng kiến quy tụ Dân Chúa, đem lại sự duy nhất cho Dân Chúa phải phát xuất từ Thiên Chúa. Và Dân Chúa sẽ quy tụ quanh Người. Ngay từ thời Giao Ước Sinai, Giavê Thiên Chúa đã phán :

“Ta đã nhắc các ngươi lên … mà đem đến cùng Ta” (Xh 19,4).

Rồi xuyên qua dòng lịch sử, Lời hứa đó luôn vang vọng trong tâm khảm của Dân Chúa :

“Ta đã yêu ngươi, một tình yêu muôn đời,

bởi thế với ngươi, Ta đã giữ bền lòng ân nghĩa” (Ga 31,3).

Niềm khát vọng được quy tụ thành một mối duy nhất đã làm triển nở trong tâm hồn Dân Chúa một cách đặc biệt qua các đại lễ hành hương tiến về Giêrusalem :

“Hết thảy mọi nước sẽ tuôn đến,

và đông đảo các dân đổ về. Chúng nói :

Nào ! Ta hãy lên núi Giavê,

đến nhà của Thiên Chúa Giacob (thờ) …” (Is 2,2-3).

Và đây cũng chính là lời đáp trả của Dân Chúa đang tản mác khắp nơi đối với Lời hứa và lời kêu gọi của Thiên Chúa.

Nhìn vào Tân Ước, chúng ta nhận thấy việc thực hiện Lời hứa trọng đại này đã được các tác giả Thánh Kinh trình bày với những nhận định không hoàn toàn giống nhau.

Theo Công vụ các Tông Đồ, thì sự quy tụ đó được thực hiện vào ngày lễ Hiện Xuống :

“Cư ngụ ở Giêrusalem có những người Do-thái đạo đức, từ muôn dân thiên hạ về. Thoạt tiếng ấy vang ra, thì cả đám đông cùng nhau tuôn đến và sững người ra, vì ai nấy đều nghe họ nói tiếng quê mình. Họ đứng chưng hửng và kinh ngạc mà rằng : Này, những người nói kia, hết thảy lại không phải là dân Galilê ư ? Làm sao chúng ta mỗi người lại nghe tiếng quê ta sinh ra ? (Ta là người) Parthi, Mêđi, Êlam, Lưỡng-hà-địa, Giuđê, Kappađôkia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai Cập, vùng Lybi giáp giới Kyrênê, và người Rôma thiên cư đến đây, Do Thái và tòng giáo, người Krêta và người Á Rập – ta đều nghe họ dùng tiếng của ta mà cao rao những việc lớn lao của Thiên Chúa …

Vì lời hứa được ban cho các người, và con cái các người, cùng mọi kẻ xa gần, hết mọi người, Chúa, Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2,5-11.39).

Còn Gioan lại nhận ra việc quy tụ Dân Chúa về một mối duy nhất quanh Đức Kitô được giương cao trên thập giá. Gioan ghi lại lời phán quyết của Thượng tế Caipha như một lời tiên tri về số phận của Đức và Gioan muốn lưu ý chúng ta về ý nghĩa sâu xa của cái chết của Chúa Giêsu :

“Điều ấy, ông đã nói ra, không phải tự mình,

nhưng vì là Thượng tế năm ấy,

ông đã nói tiên tri

là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho cả dân tộc ;

và không chỉ thay cho dân tộc mà thôi,

nhưng còn để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,51-52).

Ngay Đức Giêsu cũng đã công bố điều đó :

“Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32).

Từ trên thập giá, Đức Giêsu kéo mọi người đến cùng Ngài để hình thành nên một Cộng Đoàn Mới của Dân Thiên Chúa.

*

Ba chủ đề lớn trong hướng thần học của Gioan trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu : Giờ của Chúa Giêsu – Con Người được tôn vinh – báo trước việc hoàn tất chương trình cứu độ, sẽ soi sáng và giúp chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu tiến đến cái chết trên thập giá. Và tại nơi đó, Gioan sẽ cho chúng ta bắt gặp được chân lý này : đó là mạc khải tột cùng về lòng yêu thương của Chúa Cha :

“Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó,

đến nỗi đã thí ban người Con Một …” (Ga 3,16).

“Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha, …thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1).

Chính vì lẽ đó mà Gioan sẽ cho ta thấy sự tự do tuyệt đốiý thức hoàn toàn của Chúa Giêsu trong suốt cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn. Ngài thực hiện công việc cứu độ với thái độ uy nghiêm trang trọng của Đấng biết rõ ý nghĩa sâu xa của các sự kiện sẽ xảy ra và hoàn toàn tự do chấp nhận những sự kiện đó.

B.        TRÌNH THUẬT

VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

Dựa trên quy luật đồng nhất về nơi chốn, chúng ta có thể phân bài trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong hai chương XVIII và XIX của Thánh Gioan làm năm phần :

1.        Trong vườn : Đức Giêsu và các đối thủ của Người (18,1-11)

2.        Tòa án Do Thái : Đức Giêsu đối diện với Hanna (18,12-27)

3.        Tòa án Rôma : Đức Giêsu đối diện với Philatô (18,28 – 19,16a)

4.        Đường lên Núi Sọ : Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá (19,16b-37)

5.        Trong vườn : Đức Giêsu được mai táng (19,38-42).

I.

CHÚA GIÊSU TỎ MÌNH RA CHO CÁC MÔN ĐỆ

VÀ ĐÓN NHẬN CUỘC KHỔ NẠN (18,1-11)

Nhiều nhà chú giải và dịch Thánh Kinh đã đề tựa đoạn này dưới danh nghĩa “Chúa Giêsu bị bắt”. Tuy nhiên, theo phân đoạn, Gioan chỉ nói về việc Chúa Giêsu bị bắt ở câu 12 : “Cơ binh và viên quản cơ cùng với bộ hạ của người Do Thái bắt lấy Đức Giêsu và trói Ngài lại”.

Vì thế, có lẽ Gioan muốn chúng ta cùng hiện diện trong vườn bên kia khe Kêđrôn để chứng kiến việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ và việc Người đón nhận một cách tự nguyện cuộc Khổ Nạn này, bởi lẽ Người đã nói : “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao ?” (Ga 18,11).

Để thấy rõ hơn chủ ý của Gioan ở đoạn này, chúng ta hãy vắn tắt so sánh với Tin Mừng nhất lãm.

Gioan cố tình bỏ qua một số chi tiết mà nhất lãm nhắc tới :

- cảnh hấp hối của Chúa tại vườn Ghetsêmani ;

- cái hôn của Giuđa ;

- những lời Chúa nói với những kẻ đến bắt Chúa : “Như thể đi đánh cướp sao mà các ông phải mang gươm giáo, gậy gộc đến bắt tôi ?” ;

- cảnh các môn đệ chạy trốn ;

Và đặc biệt, khi nói tới vai trò của Giuđa, Gioan nói rõ : “Giuđa, kẻ nộp Ngài”. Gioan trình bày Giuđa rõ ràng thực hiện công việc này dưới tác động của Satan. Ta hãy nhớ lại, ở chương 13 câu 30, khi Giuđa rời khỏi phòng Tiệc ly, Gioan đã ghi thêm : “Và trời đã tối”. Trời tối bên ngoài, điều đó chưa quan trọng. Ở đây trời tối trong tâm hồn Giuđa. Đối với Gioan, trong hành động nộp Chúa Giêsu, Giuđa đã thật sự là hiện thân của quyền lực bóng tối, đối lại với Chúa Giêsu là sự sáng tinh tuyền.

Gioan còn cho ta thấy Đúc Giêsu nổi bật trong uy quyền của Người. chính Người đi đến trong vườn ; chính Người lên tiếng hỏi cac đối thủ của Người ; chính Người ra lệnh cho họ ; chính Người thanh thản đón nhận Chén Cha đã ban. Thật đúng như nhà chú giải Strathaman đã nhận định : “Đức Giêsu là Vị Chúa của hoàn cảnh” (Der Herr der situation). Chính Người điều hành mọi việc, chứ không phải Giuđa hay các đối thủ của Người.

Ta có thể chia đoạn này thành hai tiểu đoạn :

Giới thiệu nhân vật (18,1-3)

Chúa Giêsu tỏ mình ra (18,4-11).

1. Giới thiệu nhân vật : Chúa Giêsu và các môn đệ ; Giuđa cùng cơ binh, nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái.

Gioan mở đầu bài trình thuật bằng câu :

Nói thế rồi, Đức Giêsu ra đi với các môn đồ …”

Đây là một kiểu liên ý của Gioan giữa một việc sắp làm với một việc trước đó, đồng thời nói lên mối tương quan mật thiết giữa hai công việc trước và sau.

Ở đây, Gioan cho chúng ta thấy, cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu có một mối tương quan mật thiết với Lời nguyện tế hiến ở chuong7 17, trong đó Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha và nói :

“Lạy Cha, giờ đã đến ! xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha !” (17,1).

Với sự liên ý này, Gioan mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu mà Gioan đang kể đây như là Giờ của Chúa Giêsu : Giờ Ngài được Chúa Cha tôn vinh, để qua đó chính Ngài tôn vinh Chúa Cha.

Cũng có tác giả liên ý câu “Nói thế rồi” ở Ga 18,1 với Ga 14,31 : “… để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy. Đứng dậy, Ta đi khỏi đây !”

“Tota passio narratur sub aspectu gloriae Christi” (LOISY).

– “qua bên kia khe Kêđrôn”.

Tại sao Gioan không nói rõ đây là vườn Ghetsêmani như Mt 26,36 và Mc 14,32 ? Một số nhà chú giải như LOISY, LAGRANGE, WIKEN-HAUSER nghĩ rằng Gioan muốn ám chỉ việc Đức Giêsu và các môn đệ đến đây như thể trước khia Đavít đã đến để tránh Absalon, người con phản bội của mình (2 Sm 15,23).

Cha D. MOLLAT có ý kiến rằng : Gioan biết rất rõ khung cảnh địa lỳ Palestina, và khi Gioan gợi tới địa danh nào thì ngài đều gợi lên những điển tích biểu trưng, ví dụ : Giếng Giacob, giếng Siloam, Lithostrotos…

Ở đó có một thửa vườn”.

Trong khi Tin Mừng nhất lãm gọi đích danh là vườn Ghetsêmani thì Gioan chỉ nói nơi đó là “một thửa vườn”. Một số nhà chú giải cũng như một số giáo phụ đã đọc ra ẩn ý của Gioan muốn so sánh thửa vườn này với một thửa vườn ở St 3. Tại thửa vườn ở sách Sáng thể (Khởi nguyên), con người đã bất tuân lệnh Thiên Chúa và đã đem tội vào thế gian ; còn tại thửa vườn này, Đức Giêsu tuân phục ý Thiên Chúa và đem lại on tha tội cho con người.

“Giuđa, kẻ nộp Ngài"

Đây là từ ngữ chuyên môn của Gioan để nói về Giuđa, và đây cũng là danh hiệu mà truyền thống của Hội Thánh tiên khởi đã hiểu về bản chất của Giuđa. Giuđa thực hiện công việc nộp Chúa Giêsu là hoàn toàn do sự thúc đây của Satan.

“Giuđa dẫn theo một cơ binh"

Từ ngữ này khiến chúng ta phải đặt ra vấn đề lịch sử. Một cơ binh thời đó gồm 600 lính hoặc có khi gọi là cơ binh nhưng chỉ khoảng 200 lính. Vậy, để bắt Chúa Giêsu, có cần đến số lượng đông đảo như thế không ?  Rất có thể Gioan muốn nói đến sự hiện diện của một số lính thuộc cơ binh ở Giêrusalem. Và khi nói tới cơ binh tức là nói tới lính Rôma.

Như vậy, Gioan cho ta biết những người đến bắt Chúa Giêsu bao gồm quan lính Rôma kết hợp với nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái. Họ đã theo Giuđa.

– “cùng với đèn, đuốckhí giới

Con người phải sử dụng đèn, đuốc … chứng tỏ họ đang ở trong bóng tối ; và phải sử dụng khía giới, tức là tựa vào sức mạnh và quyền lcự thế gian.

Với những từ ngữ này, Gioan giới thiệu họ như là biểu tượng của sức mạnh thế gian và quyền lực của bóng tối.

Như vậy Gioan đã giới thiệu với chúng ta hai nhân vật tiêu biểu trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu : một bên là Đức Giêsu, sự sáng thế gian ; và bên kia là Giuđa, hiện thân của bóng tối. Hai bên gặp nhau. Sự sáng đối diện với bóng tối. và tại đây, tại thửa vườn này : “sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm không triêt được sáng” (Ga 1,5).

2. Chúa Giêsu tỏ mình ra (18,4-11)

a)

– “Đức Giêsu rõ biết mọi sự sắp xảy đến cho Ngài”.

Từ ngữ rõ biết (eidos, είδως) diễn tả một nhận thức rõ ràng, sáng suốt và đầy đủ. Khi dùng từ gnữ này, Gioan xác định một ý thức trọn vẹn của Chúa Giêsu về cuộc Khổ Nạn sắp xảy đến, hay đúng hơn, về tất cả những gì đang xảy ra cho Chúa Giêsu.

– “Các ngươi tìm ai ?”.

Với câu hỏi của Chúa Giêsu : “Các ngươi tìm ai ?”, Gioan cho thấy vai trò chủ động của Chúa Giêsu trong tất cả những gì sẽ xảy ra.

– “Giêsu Nazarét”.

Nêu rõ tên và nguyên quán Nazarét của Chúa Giêsu, điều đó nhấn mạnh đến đặc điểm Đức Giêsu là người thật và là một người có nguồn gốc ất khiêm tốn (x. Ga 1,46) : “Tự Nazarét, thì có thể xảy ra điều gì tốt được !”). Đồng thời, câu trả lời của các đối thủ của Đức Giêsu sẽ xác định rõ tội ác của họ chống lại Đức Giêsu và làm nổi bật tính tương phản với Lời mạc khải của Ngài về danh hiệu đích thực của Ngài là “Ego eimi – Chính là Ta”.

– “Chính là Ta ! Egô eimi, έγώ είμι”.

Đây là lời mạc khải uy nghiêm, trang trọng của Chúa Giêsu. Trong Cựu Ước, tại bản dịch LXX, êgô eimi chính là công thức tuyệt đối chỉ một mình Givê Thiên Chúa : “Ta có sao Ta có vậy” (Xh 3,14) ; “Cho đến tuổi già các ngươi, Ta vẫn là Ta” (Is 46,4) ; “Hãy nhớ lại những việc ban đầu xa xưa : chính Ta là Thiên Chúa. Không ai khác nữa : Thiên Chúa ! Chẳng có ai như Ta” (Is 46,9) ; “Ta, chứ chẳng còn ai khác nữa” (Is 47,8) ;  “Chính Ta, chính Ta là 9ấng an ui các ngươi” (Is 51,12).

Đối với người Cựu Ước, khi Giavê Thiên Chúa mạc khải danh tính của Ngài, tức là lúc Ngài trực tiếp can thiệp vào lịch sử để cứu giúp Dân Chúa và ban ơn cứu độ cho họ.

Như vậy, khi Chúa Giêsu công bố tước hiệu này của Ngài, Ngài tự mạc khải mình cho Dân Chúa, để Dân Chúa nhận ra Nài chính là Giavê Thiên Chúa. Chúng ta lưu ý đến việc Gioan nhấn mạnh đến 3 lần tước hiệu này của Chúa Giêsu (18,5.6.8).

– “Giuđa, kẻ nộp Ngài cũng đứng chung với họ”.

Nghe lời này, lẽ ra Giuđa phải hồi tâm. Nhưng ông vẫn đứng chung với họ, ông vẫn ở lỳ trong quyền lực của bóng tối, của sự dữ. Câu này của Gioan làm nổi bật sự lựa chọn dứt khoát của Giuđa là khước từ Đức Giêsu để ở hẳn bên phe đối thủ của Ngài.

– “Họ giật lùi đàng sau và nhào xuống đất”.

Phản ứng của các đối thủ của Chúa Giêsu trước Lời mạc khải êgô eimi. Đây là phản ứng của con người phủ phục và run sơ trước Thiên Chúa. Phản ứng này của đối thủ của Chúa Giêsu hoàn toàn tương tự như phản ứng của hạng người gian ác khi trực diện với người công chính bị bách hại mà các Thánh vịnh đã nói tới :

“Mọi kẻ thù tôi phải xấu hổ, rụng rời kinh khiếp,

trong chốc lát chúng phải xấu hổ tháo lui” (Tv 6,11).

“Cho chúng xấu hổ bẽ mặt,

những kẻ bách hại tôi,

cho chúng xéo lui then thuồng,

những kẻ mưu họa cho tôi” (Tv 35,4).

“Bấy giờ địch thù của tôi sẽ phải tháo lui” (Tv 56,10).

b) Chúa Giêsu hỏi lại lần nữa và họ cũng đáp lại như trước. Lần này, khi mạc khải tước hiệu của mình, Chúa Giêsu chỉ thị : “Vậy, nếu các ngươi tìm Ta, thì hãy để cho các kẻ này đi !”. Ngài không van xin họ, nhưng Ngài ra lệnh cho họ. có người đã nại tới câu này để biện minh cho việc chạy trốn của các môn đệ. Nhưng ở đây Chúa Giêsu không nói với các môn đệ, Ngài chỉ ra lệnh cho các đối thủ của Ngài. Và ý nghĩa của lệnh truyền này mang một tầm vóc thần học : “hầu nên trọn lời Ngài đã nói”. Như vậy, chỉ một mình Ngài đi vào cuộc Khổ Nạn và chỉ một mình Ngài phải chết mà thôi.

– “Các kẻ Cha đã ban cho Con, Con đã không để hư mất … ”.

Giải thoát các môn đệ khỏi chết phần xác, điều đó ám chỉ Đức Giêsu sẽ giải thoát họ khỏi chết về mặt thiêng liêng. Đúng như Thánh Tôma đã cắt nghĩa : Ở đây cái chết phần xác ám chỉ một mối nguy hiểm về đàng thiêng liêng đối với các môn đệ. Bởi lẽ, trong lúc này, họ chưa có đủ đức tin để chịu đựng thử thách đến chết, mà vì thế, nếu họ bị bắt, chắc chắn sẽ liên lụy đến đời sống thiêng liêng của họ. chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa câu này hơn trong việc Phêrô chối Thầy.

c)

– Simon-Phêrô rút gươm ra can thiệp và Chúa Giêsu đã ngăn cản Phêrô, bởi lẽ thái độ của Phêrô là đi ngược với ý của Chúa Cha trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Tương tự như trường hợp Phêrô trước kia đã có lần can ngăn Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó của Ngài và Chúa đã mắng Phêrô : “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan ! vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,31-33).

– “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?”.

Chúa Giêsu đón nhận cuộc Khổ Nạn như một hồng ân của Chúa Cha. Ngài không xin Cha cất chén này đi, nhưng Ngài hoàn toàn và tự nguyện đón nhận.

Và kể từ đây bắt đầu cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

II.

CHÚA GIÊSU ĐỐI DIỆN VỚI HANNA

PHÊRÔ CHỐI THẦY (18,12-27)

Thoạt nhìn qua đoạn này, chúng ta ngạc nhiên vì thiếu liên tục, duy nhất, thiếu mạch lạc :

- Đức Giêsu bị bắt và bị điệu đến Hanna ;

- kế đó, Gioan thuật lại việc Phêrô chối Thầy ;

- rồi kể tiếp về cuộc chất vấn của vị Thượng tế về môn đệ và giáo huấn của Chúa Giêsu ;

- đoạn, Hanna sai điệu Người, vẫn bị trói, đến với Thượng tế Caipha ;

- và sau cùng là chuyện Phêrô chối Thầy lần thứ hai và lần thứ ba.

Cha LÉON-DUFOUR cũng như cha I. DE LA POTTERIE cho rằng đây là chủ ý của Gioan để làm nổi bật sự tương phản giữa Đức Giêsu và môn đệ Phêrô : Phêrô chối Thầy mình trước mặt những người giúp việc, trong khi Đức Giêsu công khai tuyên bố về giáo huấn và môn đệ của Ngài trước mặt vị Thượng tế. như vậy, đoạn văn này không những có mạch lạc duy nhất, mà còn hàm chứa một chủ ý thần học theo cái nhìn của Gioan.

1. Họ điệu Chúa Giêsu đến cùng Hanna.

Phêrô đi theo Chúa Giêsu (18,12-16)

– Sau khi bắt và trói Đức Giêsu,

họ điệu Ngài đến cùng Hanna trước hết.

Hanna”. Làm thượng tế từ năm 6 đến 15 sau Công nguyên. Vì có những hành động không vừa lòng chính quyền Rôma, ông bị buộc ti hành chức vụ. Tuy nhiên, vai trò Thượng tế vẫn được hai người con trai ông tiếp tục đảm nhận. Và kể từ năm 28 đến năm 36, Cai pha được làm Thượng tế, ông này là con rể của Hanna.

Như vậy, tuy từ năm 15, Hanna không còn làm Thượng tế, nhưng ảnh hưởng và quyền lực của Hanna thời bấy giờ rất lớn.

Caipha, vị Thượng tế năm ấy”. Gioan thường nhắc đến vai trò của Caipha vào năm ấy, tức là năm xảy ra cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Hình như Gioan gợi lên yếu tố này để xác định thời điểm lịch sử về cái chết của Chúa Giêsu, đồng thời nói tới quyết định của Caipha liên quan đến cái chết này : “Cái lợi hẳn là chỉ một người chết thay cho cả dân” (18,14 ; xt. 11,50). Gioan không quy trách nhiệm cho Caipha, nên có lẽ vì thế ngài đã cố tình bỏ qua những diễn tiến của Công nghị Do thái, trong đó Đức Giêsu bị kết án và hạ nhục, như Tin Mừng nhất lãm ghi lại.

Đi theo Đức Giêsu có Simon-Phêrô và một môn đồ khác.

Một môn đồ khác” là ai ? Các giáo phụ và truyền thống trong Hội Thánh đều xem đó là Gioan. Riêng Thánh Augustinô có nghi vấn và không muốn tìm hiểu đích danh người môn đồ đó là ai, vì cũng như các Giáo phụ khác, ngài nghĩ rằng Tác gia Tin Mừng thứ tư cố tình không nêu danh tính của người môn đồ đó vì lý do khiêm tốn.

“Môn đồ này là người quen thuộc với Thượng tế”. Theo nhiều tác giả, thì thật khó tưởng tượng việc một người ngư phủ bình thường như Gioan, con ông Giêbêđê, lại là người quen thuộc với Thượng tế. tuy nhiên, Polycrates người thành Êphêsô vào thế kỷ II, trong sách Sử ký Hội Thánh của Eusebius, quyển III chương 31, mục 3, có nói rằng Gioan là tư tế, xuất thân từ một gia đình thuộc chi tộc Lêvi. Có thể đó là lý do khiến Gioan quen thuộc với vị Thượng tế chăng ! Ngoài ra, chính trong bài tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Gioan ghi lại cho chúng ta nhiều chi tiết quan trọng khác mà Tin Mừng nhất lãm không đề cập đến. điều đó có thể chứng minh thêm rằng Tác gia Tin mừng thứ tư phải là nhân chứng nhãn tiền về các sự kiện đó. Rất có thể là do mối tương quan quen thuộc với Thượng tế mà Gioan đã được diễm phúc này là : “Ông cùng vào với Đức Giêsu trong dinh Thượng tế”.

Dinh Thượng tế”. Từ hy lạp là Aulê, αΰλη ; từ la tinh là Atrium. Các từ đó có hai nghĩa : hoặc là chính biệt thự, hoặc là ở tiền đường trong khuôn viên. Ở đây có lẽ Gioan muốn nói tới sân trước biệt thự của vị Thượng tế, vì có đề cập đến cổng.

Trong khi đó Phêrô đang đứng ngoài cổng. và nhờ lời của người môn đồ quen thuộc với Thượng tế, chị giữ cổng đã để cho Phêrô cùng vào trong.

2. Phêrô chối Thầy trước mặt những người giúp việc (18,17).

Vừa trông thấy Phêrô bước vào qua lời giới thiệu của người môn đồ kia, người tớ gái giữ cổng liền nói với Phêrô : “Cả ông nữa, ông cũng thuộc nhóm môn đồ của người ấy sao ?”.

Theo nhiều nhà chú giải (LAGRANGE, WESCOTT, LOISY …), thì câu nói “Cả ông nữa” (mê kai su, μή και σύ, Numquid et tu) có ý so sánh Phêrô với người môn đồ kia mà người giữ cổng đã biết rõ là môn đệ của Đức Giêsu. Như vậy, câu hỏi đó có nghĩa là : “Cả ông nữa cũng là môn đệ của người ấy hay sao ?”, hoặc là : “Cả ông nữa cũng là môn đệ của người ấy như bao nhiêu người khác hay sao ?”. Chúng ta lưu ý thêm chủ ý của Gioan khi nhấn mạnh đến tước hiệu “môn đệ của Chúa Giêsu”. Trong những câu này, Ga 18,15-18, chúng ta gặp chữ “môn đồ” 3 lần để nói về Gioan, và 2 lần gắn liền với Phêrô. Và chính trong cuộc thẩm vấn của Hanna, Đức Giêsu cũng bị tra hỏi về môn đồ của Người.

Khi nhấn mạnh đến tước hiệu môn đệ, Gioan cho thấy ý nghĩa việc Phêrô chối Thầy : không những Phêrô phủ nhận việc mình quen biết Đức Giêsu, mà còn phủ nhận luôn tư cách môn đệ của mình.

3. Chúa Giêsu công khai tuyên bố về giáo huấn của Ngài (18,19-24).

– Theo cha Ignace DE LA POTTERIE, lời tra hỏi của Hanna và câu trả lời của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa thần học : Ngài là Đấng mạc khải và là Vị Thầy mà các môn đệ là chứng nhân của Ngài.

Cấu trúc đoạn văn này theo lối đồng tâm (a b c b’ a’) :

a      Hanna

   b      Chúa Giêsu

      c       cái vả mặt

   b’     Chúa Giêsu

a’     Hanna

Hanna tra hỏi về môn đồ và giáo huấn của Chúa Giêsu. Điều này chứng tỏ mối bận tâm của Hanna xoay quanh vấn đề số người thụ giáo, theo Đức giêsu và về giáo huấn của Ngài.

Đáp lại, Đức Giêsu đã công khai tuyên bố về giáo huấn của Ngài cũng như về các môn đồ.

Gioan đã sử dụng động từ “nói” (lalêô, λαλέω) 3 lần :

“Tôi đã công khai nói với thế gian (= mạc khải) ;

tôi hằng giảng dạy (= vị Thầy)

hoặc trong Hội đường hoặc nơi Đền thớ,

tức là những nơi mọi người Do Thái đều tụ họp,

chứ tôi có nói chùng lén gì đâu ?

Ông hỏi tôi làm gì ?

Hãy hỏi những người đã nghe xem tôi đã nói gì với họ.

Kìa, họ biết tôi đã nói (eipon) những gì”.

Theo Gioan, Đức Giêsu luôn luôn giảng dạy trong các nơi chính thức của người Do Thái : Hội đường và Đền thờ (x. Ga 6,59 ; 7,14.28 ; 8,20) và Ngài luôn nói công khai, không chùng lén. Động từ “nói” (lalêô) là động từ chuyên biệt của Gioan để diễn tả việc mạc khải của Chúa Giêsu : Ngài hiện diện trong thế gian và đem đến cho thế gian Lời mạc khải (x. Ga 12,48-50).

Cái vả mặt của một người trong nhóm bộ hạ túc trực ở đó được đặt ở giữa câu chuyện chính là thái độ trả lời một cách tàn nhẫn và phũ phàng của Do-thái-giáo đối với Lời mạc khải và giáo huấn của Chúa Giêsu. Không những họ khước từ giáo huấn của Ngài, mà họ còn sỉ nhục và vứt bỏ chính con người của Ngài.

4. Phêrô chối Thầy lần thứ hai và lần thứ ba (18,25-27).

– Trong Matthêô và Marcô thì một người tớ gái lại hỏi Phêrô và ông chối Đức Giêsu lần thứ hai, còn Gioan nói những người đứng sưởi với Phêrô đã hỏi ông : “Cả ông nữa, ông cũng thuộc nhóm môn đồ của người ấy hay sao ?”. Phêrô chối và nói : “Có đâu” (ouk eimi, ούκ είμι). Phêrô phủ nhận tư cách môn đệ của mình.

Lần thứ ba, “một người trong hàng tôi tớ của Thượng tế, bà con với người mà Phêrô đã cắt đứt tai, hỏi ông”. Chi tiết này càng làm rõ Gioan chính là nhân chứng nhãn tiền, đồng thời cũng cho ta biết Gioan thật sự quen thuộc với những người trong dinh của Thượng tế.

– Sau khi Phêrô chối lần thứ ba, Gioan ghi : “Và ngay đó thì gà gáy”. Chi tiết này gợi lại lời tiên báo trước của Chhúa Giêsu : “Ngươi sẽ thí  mạng sống ngươi vì Ta ư ? Quả thật, quả thật, Ta bao ngươi : gà sẽ không gáy, cho đến lúc ngươi đã chối Ta ba lần” (Ga 13,38).

Gioan không nói về việc Phêrô khóc lóc và ăn năn như Tin Mừng nhất lãm có ghi lại. Điều này có lẽ Gioan để dành cho 3 lần tuyên xưng sau này của Phêrô, khi Đức Kitô Phục Sinh hỏi ông : “Con có mến Thầy không ?” (Ga 21,15-17).

III.

CHÚA GIÊSU ĐỐI DIỆN VỚI PHILATÔ (18,28 – 19,16a)

Đoạn trình thuật này có thể đucợ xem như một kiệt tác của Gioan và chỉ có Gioan mới vẽ lại được bức tranh tuyệt diệu này. Cấu trúc văn chương của đoạn này giới thiệu với chúng ta những khung cảnh thật sống động tùy theo sự di chuyển của Philatô : hoặc ở ngoài phủ đường hoặc ở trong phủ đường.

Theo cái nhìn của Gioan, phiên tòa này sẽ làm nổi bật chủ đề Vương quyền của Chúa Giêsu, một Vương quyền không mang sắc thái chính trị quyền lực theo kiểu thế gian ; bởi thế, Gioan sẽ cho chúng ta thấy không có sự đối kháng giữa Philatô, người đang nắm trong tay mọi quyền lực chính trị, với Vị Vua Giêsu. Ngược lại, Philatô chỉ là nhân vật trung gian giữa Đức Giêsu Nazarét, Vua Do Thái, với những người Do Thái. Vì thế, chúng ta sẽ thấy : Đức Giêsu là Vua, nhưng không theo khía cạnh chính trị của thế gian, mà chỉ theo khía cạnh tôn giáo và siêu nhiên (= không thuôc về thế gian này).

Câu chuyện Chúa Giêsu đối diện với Philatô được Gioan vẽ lại trong 7 bức tranh sau đây :

1. Philatô và người Do Thái : họ đòi án khổ giá cho Chúa Giêsu.

2. Philatô và Chúa Giêsu : “Tôi là Vua”.

3. Philatô và người Do Thái : Giêsu hay Barabba ?

4. Chúa Giêsu nhận Vương quyền : triều thiên bằng gia, áo cẩm điều, “Kính chào Vua Do Thái”.

5. Philatô và người Do Thái : “Này, Người đó !” (Ecce homo).

6. Philatô và Chúa Giêsu : “Ông bởi đâu mà đến ?”.

7. Philatô và người Do Thái : “Này là Vua các người !” (Ecce Rex vester).

Sau cuộc tra hỏi tại dinh Hanna, Chúa Giêsu bị điệu đến với Thượng tế Caipha trong tình trạng bị trói (Ga 18,24). Gioan không ghi nhận một chi tiết nào về những gì xảy ra tại dinh Caipha, và chỉ cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu phải đối diện với Hội đồng tối cao Do Thái (Sanédrin) do Thượng tế Caipha chủ tọa.

Rồi, Người bị điệu đến Phủ đường.

Và Gioan ghi : “Trời đã sáng” (18,28).

– “Phủ đường(praitôrion, πραιτώριον, praetorium – dinh của vị Tổng trấn Rôma). Thời bấy giờ, Philatô thường ở Kaisaria ; nhưng vào dịp lễ lớn, ông lên Giêrusalem vì có tập trung đông dân chúng. Bởi thế, nơi Philatô ở tại Giêrusalem cũng được gọi là Phủ đường.

Tới nay chưa ai xác định rõ Phủ đường của Philatô tại Giêrusalem là ở chỗ nào ! Có người nói đó chính là Dinh vua Hêrôđê nằm về phía Tây thành Giêrusalem, ngay tại cổng thành mở ra hướng đi về Jaffa. Nơi đó ngày nay gọi là “Tháp Đavít (ABEL, BENOÎT). Người khác thì dựa trên những dấu tích tìm được qua những công trình của khoa khảo cổ (ví dụ : những nền đá lớn, trên đó có khắc các trò chơi của lính Rôma), thì cho rằng Phủ đường nơi Philatô ở tại Giêrusalem chính ngay trong doanh trại của lính Rôma. Nền đá này có thể phù hợp với “Lithostrotos” (Λιθόστρωτον) của Ga 19,13. Và nếu giả thuyết này đúng, thì Phủ đường nơi Đức Giêsu đối diện với Philatô chính là Tháp Antonia ở vào phía Bắc thành Giêrusalem.

– “Trời đã sáng”. Xét về thời gian theo cách tính của người Rôma, thì đó là tuần canh thứ tư, từ 3 đến 6 giờ buổi sáng. Cũng có thể cắt nghĩa câu này khi ta đối chiếu :

Giuđa lập tức đi ra. Và trời đã tối” (Ga 13,30).

Đức Giêsu đến Phủ đường. Trời đã sáng” (18,28).

 Như thế, câu “trời đã sáng” diễn tả ngày chiến thắng của Chúa Giêsu đã bắt đầu : sự sáng xuất hiện đẩy lùi bóng tối.

– “Họ không vào Phủ đường…”. Người Do Thái không vào Phủ đường của Philatô, kẻo mắc uế không ăn lễ Vượt Qua được. theo sách Mishna quy định : vào nhà một người lương dân thì mắc ô uế trong thời gian 7 ngày (x. Cv 10,28)  .

1. Phêrô và người Do Thái.

Họ đòi án khổ giá cho Chúa Giêsu (18,29-32).

Mở đầu phiên tòa, Gioan cho ta thấy án tử hình thập giá đã ló dạng đối với Chua Giêsu. Việc chấp thuận cho cơ binh Rôma đi bắt Chúa Giêsu và chút nữa đây, khi đối diện với Ngài, Philatô nêu ngay câu hỏi : “Ông mà lại là Vua dân Do Thái ?” chứng tỏ lý do Philatô quyết định bắt Đức Giêsu là vì ông được người ta cho biết Ngài là Vua dân Do Thái. Nhưng tự việc đó mà thôi thì chưa đủ để kết án tử hình ! vì vậy, Philatô đã ra ngoài gặp người Do Thái và hỏi họ : “Các ngươi tố cáo ông này về tội gì ?”, tức là về hành động tội ác nào. Người mà các ngươi vừa điệu đến Phủ đường cho ta, mà các ngươi đã cho biết đó là Vua dân Do Thái, người ấy đã phạm những tội ác nào ?

Họ đáp lại một cách mông lung, không kê ra một tội nào. Điều đó nói lên trong đầu óc của người Do Thái chỉ có một ước muốn là giết Đức Giêsu. Nhưng làm thế nào để buộc tội, họ phải “nhờ đến” Philatô :

“Nếu tên này không làm gì ác,

thì chúng tôi đã không đem nộp cho ngài”.

Với tư cách từng trải của vị Tổng trấn Rôma, Philatô nhận thấy đây chỉ là vấn đề nội bộ của người Do Thái. Ông chỉ quan tâm và chỉ muốn xét xử những người đe dọa Chính quyền Rôma.

Mà vì không thấy trong vụ án này có điều gì liên hệ đến thẩm quyền của ông, nên Philatô tuyên bố : “Các người hãy đem ông ấy đi mà xét xử chiếu theo luật pháp của các người”. Họ trả lời : “Chúng tôi không có quyền xét xử ai cả”.

Cau này diễn tả lý do vì sao mà họ chuyển Đức Giêsu từ phiên tòa Do Thái sang phiên tòa Rôma.

Vấn đề được đặt ra ở đây là luật pháp Do Thái có cho phép Hội đồng tối cao của họ quyền kết án tử hình người nào không !

Nhiều nhà nghiên cứu – như BLINGER, BENOÎT – cho rằng Hội đồng tối cao Do Thái có quyền lên án tử hình, nhưng phải trình lại thẩm quyền Rôma và phải được thẩm quyền này thông qua bản án. Chính vì lý do này mà vụ án của Chúa Giêsu mang hai tính chất, vừa tôn giáo, vừa chính trị. Một số nhà nghiên cứu khác – như LIETZMANN, WINTER và nhiều học giả Do Thái – thì cho rằng Hội đồng tối cao Do Thái có quyền lên án tử hình, và án lệnh được thi hành bằng cách ném đá, diển hình là trừng hợp Stêphanô mà Cv 6,8tt đã thuật lại.

Đối với Gioan, như vậy là Hội đồng tối cao Do Thái đã có thể thi hành án tử hình bằng cách ném đá Chúa Giêsu. Nhưng việc họ không dùng quyền của mình mà chuyển giao cho thẩm quyền Rôma là để “nên trọn lời Đức Giêsu đã ám chỉ : Ngài sẽ phải chết cái chết nào”.

Chính câu này của Gioan là chìa khóa giúp ta hiểu rõ ý nghĩa của bức tranh thứ nhất này : người Do Thái muốn Đức Giêsu phải chết, nhưng là cái chết bị đóng đinh trên thập giá, chứ không phải cái chết bằng cách ném đá. Gioan nhắc ta nhớ lại lời tiên báo của Chúa Giêsu :

“Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta”.

Ngài nói vậy để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cái chết nào (12,32-33).

2. Philatô và Chúa Giêsu : “Tôi là Vua" (18,33-38a).

Sau cuộc trao đổi với người Do Thái ở ngoài Phủ đường, Philatô đi vào trong và truyền gọi Chúa Giêsu đến. Ông hỏi :

“Ông mà lại là Vua dân Do Thái ?

Su ei ho basileus tôn Ioudaiôn (σύ εί ό βασιλεύς τών Ίουδαίων).

Trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn, đây là lần đầu tiên tước hiệu VUA được đề cập đến. Tước hiệu này đều được cả Tin Mừng nhất lãm ghi lại. điều này chứng tỏ tất cả đều bắt nguồn từ một truyền thống iên khởi. và rất có thể đây chính là lời thốt ra từ miệng Philatô.

Câu hỏi này của Philatô minh chứng ông biết từ trước điều mà người Do Thái cáo tội Đức Giêsu. Đối với Philatô cũng như trong cáo trạng mà người Do Thái đã nói với ông, thì tước hiệu “Vua Do Thái” mang ý nghĩa chính trị.

Ga 1,49 : “Vua Israel” với ý nghĩa tôn giáo ;

Ga 19,34 : “Vua dân Do Thái” mang ý nghĩa chính trị.

Đáp lại, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho Philatô : “Tự mình ông, ông nói thế, hay có ai khác đã nói với ông về tôi ?”.

Câu hỏi này của Chúa Giêsu nhằm làm rõ nghĩa câu hỏi cũng như ý nghĩ sâu xa của Philatô. Nếu Philatô trả lời là “tự mình, ông đã nghĩ thế” thì đối với vị Tổng trấn Rôma này, tước hiệu “Vua Do Thái” phải mang ý nghĩa chính trị ; còn nếu trả lời “do những người khác nói”, tức là do người Do Thái nói, thì tước hiệu “Vua Do Thái” mang ý nghĩa tôn giáo.

Đức Giêsu muốn phân biệt rõ điều này, để nếu Philatô hiểu theo ý nghĩa chính trị, thì Chúa Giêsu sẽ phủ nhận ; còn nếu ông hiểu theo nghĩa tôn giáo, tức là Vua Mêsia của dân Do Thái, thì Ngài sẽ nhận.

Philatô có vẻ tức giận, ông không muốn xen vào vấn đề của người Do Thái, tức ông không muốn hiểu tước hiệu “Vua Do Thái theo nghĩa tôn giáo : “Tôi là người Do Thái hay sao ?”. Vì thế, Philatô hỏi câu này la tự ý mình.

Vậy, “Ông đã làm gì ?” (19,35).

Chúa Giêsu nói rõ cho Philatô biết Ngài có một Nước, nhưng Nước của Ngài không thuộc về thế gian này : có nghĩa là Nước của Chúa Giêsu không bắt nguồn, không phát xuất từ những sự việc của thế gian này ; vì thế Nước này không mang sắc thái chính trị như Philatô nghĩ, không tổ chức theo cung cách các nước ở trần gian. Ta lưu ý đến từ ngữ Đức Giêsu dùng trong câu trả lời :

Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này,

thì bộ hạ của tôi đã cố chiến đấu

không để tôi bị nộp cho người Do Thái”

Bộ hạ, gia nhân (hoi hypêretai, οί ύπηρέται) : không thể là từ ngữ chỉ các thiên thần hay là môn đệ của Đức Giêsu, vì không có ai là hypêretai của Chúa. Bởi thế : “Nước tôi không thuộc chốn này”.

Tới đây, Chúa Giêsu vẫn chưa trực tiếp trả lời câu hỏi của Philatô : “Ông mà lại Vua dân Do Thái ?”. Thế nhưng, khi nghe nói tới Nước của Ngài, thì Ngài là gì ? nên Philatô hỏi lại : “Vậy thì ông là Vua sao ?”.

– “Ông nói đó : Tôi là Vua” (19,37).

su legeis oti basileus eimi (êgô) - σύ λέγεις ότι βασιλεύς είμι [έγώ]

Đây là lời khẳng định hết sức long trọng của Chúa Giêsu : “Tôi là Vua”.

Không thể có quan niệm đồng nhất về Vương quyền giữa Philatô và Chúa Giêsu : Philatô hiểu theo nghĩa chính trinh ; Chúa Giêsu hiểu theo nghĩa tôn giáo. Do đó, không nên dịch : Đúng như ông nói : “Tôi là Vua”. Làm sao đúng được ! vì từ ngữ Vua trong cách hiểu của Philatô khác hẳn Chúa Giêsu.

Ngài bắt đầu giải thích cho Philatô biết ý nghĩa của Vưởng quyền của Ngài :

“Chính vì lẽ mà tôi đã sinh ra,

và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian :

ấy là để làm chứng cho sự thật.

Phàm ai thuộc về sự thật, thì nghe được tiếng tôi”.

Bản văn Hy Lạp để chữ tôi ở đầu câu, có ý nhấn mạnh, lôi kéo sự chú ý đến chính con người của Chúa Giêsu.

Chính vì lẽ này” được nhắc tới hai lần diễn tả mục đích, sứ mạng của Chúa Giêsu ;

“sinh ra” : nói lên bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, sinh ra như mọi người ;

“đến trong thế gian” : nói lên sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế gian, gắn liền với sứ mạng của Ngài.

Lời tuyên bố này nhằm làm rõ bản chất Vua của Đức Giêsu :

Ngài sinh ra để làm Vua,

Ngài hiện diện trong thế gian với sứ mạng là Vua

và cách thức làm Vua của Ngài làm làm chứng cho sự thật.

Chứng từ mà Ngài đem đến cho thế gian là mạc khải cho thế gian biết về sự thật. Và sự thật chính là Ngài, chính là mầu nhiệm của Ngài : “Đàng và sự thật, sự sống, chính là Ta” (Ga 14,6).

Sự mạc khải này là nền tảng của Vương quyền của Chúa Giêsu. Ngài là Vua trên những ai thuộc về sự thật, tức là tin vào mầu nhiệm của Ngài. Ngài thật sự là Vua đối với những ai nghe Lời của Ngài.

Như vậy, Ngài thi hành quyền Vua của mình trên con người, không phải bằng sức mạnh của thế gian, nhưng bằng Lời của Ngài, bằng sự thật của Ngài mà chỉ có những ai thực sự là môn đệ của Ngài mới hiểu ra và mới thuộc về Ngài.

Tóm lại, với lời tuyên bố này, Chúa Giêsu xác định Vương quyền của Ngài. Ngài đến trong thế gian là để mạc khảilàm chứng về sự thật. Và sự thật mà Ngài nói tới chính là Ngài, là mầu nhiệm của Ngài, là sứ mạng của Ngài. Phàm ai đón nhận Ngài, tin vào Ngài, thì thuộc về sự thật ; bởi vì họ tin rằng Ngài là sự thật và là Đấng mạc khải. ai sống theo sự thật thì nghe Lời Ngài và trở thành môn đệ của Ngài.

Việc mạc khải và làm chứng về sự thật của Chúa Giêsu sẽ tỏ hiện hoàn toàn trong mầu nhiệm thập giá, bởi tại đó Đức Giêsu đã cho nhân loại biết :

“Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế (đó),

đến nỗi đã thí ban người Con Một,

ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi,

nhưng được có sự sống đời đời” (Ga 3,16).

Philatô nói với Ngài : “Sự thật là gì ?”.

Philatô không hỏi : sự thật đó là gì ? Điều này có lẽ có ý diễn tả Philatô không hiểu, không nắm bắt được mạc khải của Chúa Giêsu ; vì thế ông không quan tâm tới Vương quyền của Chúa Giêsu. Có thể đó là lý do cho thấy ông xét thấy Vương quyền của Chúa Giêsu không đe dọa quyền lực của Rôma, uy quyền của ong, nên ông sẽ tìm mọi cách để tha Đức Giêsu.

3. Philatô và người Do Thái : Giêsu hay Barabba (18,38b-40).

Ông ra ngoài gặp người Do Thái và tuyên bố về sự vô tội của Đức Giêsu : “Ta không tìm ra tội trạng nào nơi ông ấy”, nơi người mà các ngươi đã nộp cho ta với cáo trạng là “Vua Do Thái”.

Và để có thể tha Đức Giêsu, Philatô đã đưa ra cho người Do Thái xem một tù nhân, một tội phạm đúng nghĩa là Barabba. Nhưng họ đã kêu lên : “Không phải tên này, nhưng là Barabba”.

“Barabba là một tên cướp” (lestês, ληστής). Tên cướp, người phản loạn thuộc khuynh hướng bạo động (zélote). Chỉ có Gioan sử dụng từ ngữ này.

- Mt 27,16 : một phạm nhân khét tiếng tên là Barabba ;

- Mc 15,7 : có người tên là Barabba bị giam với quân phiến loạn ; tong một vụ dấy loạn, bọn này đã có giết người ;

- Lc 23,18 : Tên này, nhân một vụ dấy loạn xảy ra trong thành và vì đã giết người, thì đã bị tống ngục.

Sự lựa chọn này của người Do Thái thật là bi đát. Ở đây họ đã chọn Barabba. Và sau này, tại Lithostrotos, họ sẽ chọn hoàng đế Caesar. Trong cả hai lần lựa chọn, họ đã hoàn toàn phũ phàng từ chối “Vua Do Thái”.

4. Chúa Giêsu nhận Vương quyền (19,1-3).

Dựa trên cấu trúc văn chương thì đoạn này là trung tâm bài tường thuật của Gioan (a b c d c’ b’ a’) về cuộc đối diện giữa Đức Giêsu và Philatô  :

a                        Philatô và người Do Thái

   b               Philatô và Chúa Giêsu

      c                Philatô và người Do Thái

         d                         Chúa Giêsu nhận Vương quyền

      c’                        Philatô và người Do Thái

   b’               Philatô và Chúa Giêsu

a’               Philatô và người Do Thái

Và nếu trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn, bức tranh vẽ lại cảnh Đức Giêsu đối diện với Philatô đã được ta xem như một tuyệt tác, thì tầm quan trọng của phần này thật là lớn lao. Thật vậy, như đã thấy, hướng thần học của Gioan trong bài trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là : - Giờ của Chúa Giêsu ; - Con Người được tôn vinh ; - báo trước việc hoàn tất chương trình cứu độ.

Cả ba chủ đề này gặp nhau trong bức tranh diễn tả Chúa Giêsu nhận Vương quyền của Ngài qua các dấu hiệu bên ngoài dành cho giờ đăng quang của Đức Vua : - triều thiên ; - áo choàng cẩm điều ; - lời tung hô của thần dân.

Chắc chắn những người lính Rôma không nghĩ như thế ! Tuy nhiên, vì biết vụ án Đức Giêsu là vụ án về “Vua Do Thái”, nên những điều họ đã thực hiện một cách vô tình, ngay cả vì ác ý, lại được Thiên Chúa dùng để mạc khải vinh quang của Đức Giêsu trong kế hoạch cứu độ trần gian.

“Lính tráng lấy gai tết một triều thiên mà đặt trên đầu Ngài,

và khoác cho Ngài áo choàng cẩm điều,

rồi chúng tiến lại bên Ngài mà nói : "Kính chào Vua Do Thái!"

Gioan chủ ý ghi lại bức tranh này một cách trang trọng khác thường ; có lẽ vì thế mà Gioan chủ tâm bỏ qua một số chi tiết ta gặp thấy trong Tin Mừng nhất lãm : cảnh lính tráng lột áo Ngài ra, quỳ gối trước mặt Ngài mà chế giễu, khạc nhổ vào Ngài, lấy cây sậy khỏ vào đầu Ngài, cởi chiếc áo nhung đi sau khi đã diễn xong trò chơi chế giễu (x. Mt 2,27-31 ; Mc 15,16-20).

Tuy nhiên, trong bức tranh này, Gioan cho ta thấy cảnh “chúng tạt vả Ngài”. Chúng tạt vả Ngài sau khi đã đặt triều thiên gai trên đầu Ngài, khoác cho Ngài áo choàng cẩm điều và nói lời kính chào Ngài. Cái tạt vả đó là một hành vi tàn nhẫn xúc phạm đến con người Ngài. Hành vi này diễn tả sự lựa chọn của chúng là khước từ cương vị Vương quyền của Chúa Giêsu. Và đối với Gioan, đây chính là cử chỉ khước từ của những người không chấp nhận quyền Vua của Đức Giêsu.

5. Philatô và người Do Thái : “Này, Người đó” (19,4-7).

Philatô lại ra ngoài và công bố một lần nữa về sự vô tội của Chúa Giêsu : “Này, ta dẫn ông ấy ra cho các người để các người biết là ta không tìm ra tội trạng nào nơi ông ấy”.

Gioan mời gọi mọi người nhìn vào Đức Giêsu : “Ðức Yêsu ra ngoài, đội triều thiên gai, mình khoác áo cẩm điều”. Ngài ung dung, chững chạc trong tư cách Đức Vua. Khác với Tin Mừng nhất lãm, ở đây Gioan cho ta thấy Chúa Giêsu vẫn xuất hiện công khai trong tư cách “đội triều thiên gai, mình khoác áo cẩm điều”.

Và Philatô công bố một câu nổi tiếng : “Này, Người đó !” (Ecce Homo). Câu nói này không phải phát xuất từ lòng thương xót của Philatô, như có mộ số người giải thích, như thể bảo rằng Philatô muốn đánh động lòng từ tâm của người Do Thái : Này, các người nhìn coi, Người này cũng là một con người đáng thương !

Trong chủ ý của Philatô, có lẽ ông muốn trấn an người Do Thái : Này, các người nhìn cho kỹ, các người không có gì phải sợ người này !

Tuy nhiên, trong cái nhìn của Gioan, lời tuyên bố này của Philatô mang một ý nghĩa hết sức sâu xa.

BULTMANN giải thích lời tuyên bố đó là một ám chỉ về sự tự hạ thẳm sâu của Đức Giêsu. Ông xem đây như hệ quả tất yếu về màu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, khi ông so sánh lời này với bài thánh thi trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philip :

“Ngài đã hủy mình ra không

là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,

trở thành giống hẳn người ta ;

đem thân đội lốt người phàm” (Pl 2,7).

Lời giải thích trên của Bultmann cũng có giá trị đáng lưu tâm.

Cha DE LA POTTERIE mời gọi ta đặt lời tuyên bố này trong mạch văn của Gioan, và ngài cho thấy chủ đích của Gioan là làm nổi bật con người của Chúa Giêsu xuất hiện trong quyền năng siêu việt. ngài dẫn chứng :

1o Ở những đoạn trước, khi sử dụng từ ngữ “người” (anthrôpos, άνθρωπος) để nói về Đức Giêsu, thì Philatô dã dùng từ ngữ “người ấy” (anthrôpos houtos, άνθρωπος ούτος – x. Ga 18,29 so sánh với 18,17). Còn ở đây, Philatô lại công bố : “Này, Người đó !” (Idou ho anthrôpos, ίδού ό άνθρωπος – Ecce homo, Voici l’homme) không một xác định cụ thể nào khác.

2o Gioan tả Chúa Giêsu “đội triều thiên gai, mình khoác áo cẩm điều”. Với chi tiết này, Gioan cố ý nhấn mạnh – như chúng ta đã phân tích – để giới thiệu Đức Giêsu trong tư cách là Vua.

3o Ở cuối đoạn này, Gioan ghi lại tước hiệu của Chúa Giêsu mà người Do Thái nại vào đó để kết án : “…vì nó đã cho mình là Con Thiên Chúa” (19,7).

4o Dựa trên cấu trúc văn chương, chúng ta thấy có sự tương đồng giữa hai lời tuyên bố của Philatô : “Này, Người đó !” (Ecce homo, Ga 19,5) và “Này là Vua các người !” (Ecce Rex vester, 19,14).

Như vậy, chúng ta có thể kết luận về lời tuyên bố này là nhằm làm nổi bật đặc tính siêu việt của Chúa Giêsu.

Từ đó, nhiều tác giả như LOISY, LAGRANGE, BLANK… đã liên hệ từ ngữ “Này, Người đó !” với tước hiệu “Con người mà ta thường gặp trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Đn 7,13 :

“Tôi mải nhìn các thị kiến ban đêm, thì này :

Với mây, trời, như thể một Con Người đi đến.

Ngài tiến lại Đấng Cao Niên,

và người ta cho Ngài xích lại trước nhan Người.

Ngài được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều.

Tất cả các dân, các nước, các tiếng nói phải làm tôi Người.

Quyền bính của Người sẽ không bị hủy” (Đn 7,13-14).

Chính Gioan trong một số đoạn khác cũng đã sử dụng từ ngữ này : “Và Người đã ban cho Ngài quyền làm thẩm phán, vì Ngài là Con Người” (Ga 5,27) ; “Có ai giống như Con Người” (Kh 1,13).

Tóm lại,

1o vừa nói lên thân phận con người của Đức Giêsu ;

2o vừa gợi tới quyền năng siêu việtquyền thẩm phán của Đức Giêsu. Ý này sẽ được lặp lại trong lời tuyên bố sau này “Ecce Rex vester”, trong đó ta sẽ gặp được hai chủ đề quan trọng của Gioan là : - quyền vương đế của Chúa Giêsu ; và – quyền thẩm phán của Chúa Giêsu.

Gioan viết tiếp :

“Vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng bộ hạ kêu lên rằng: Ðóng đinh, đóng đinh thập giá !”.

Đây là lần đầu tiên trong bài trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Gioan cho thấy chủ tâm sâu xa của các thượng tế là muốn khai trừ Đức Giêsu bằng bản án tử hình đóng đinh vào thập giá. Và Philatô cũng nhận ra thâm ý của các thượng tế : họ muốn giao Đức Giêsu cho ông là nhằm đưa tới bản án này.

Lần trước, khi đối diện với các thượng tế, Philatô đã có ý kiến : “Các người hãy đem ông ấy đi mà xét xử chiếu theo luật pháp của các người” (18,31), và lúc đó, họ đã nói quanh là họ không có quyền xử tử ai cả !

Giờ đây, khi hiểu thâm ý của họ, Philatô tỏ vẻ bực tức và hầu như mất hết kiên nhẫn, ông nói rõ : “Thì các người hãy đem ông ấy đi mà đóng đinh! Vì ta đây, ta không tìm ra tội trạng nào cả nơi ông ấy”.

Vấn đề thật rõ ràng ! Chỉ có Philatô mới có quyền ra án tử hình đóng đinh thập giá, trong khi các thuọng tế lại nêu lên lý do để luận tội và kết án Đức Giêsu !

Lý do họ nêu ra là tội phạm thượng để buộc cho Đức Giêsu. Theo họ, Đức Giêsu đã không tuân giữ Luật Môsê :

“Kẻ lộng ngôn đến Danh Giavê, tất phải chết :

toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó.

Dù là khách ngụ cư hay là bản hương,

đã lông ngôn đến Danh, tất phải chết” (Lc 24,16).

Trong quá khứ, Đức Giêsu đã nhiều lần đụng chạm với người Do Thái và họ đã khép Ngài vào tội phạm thượng :

Sau lần chữa người bất toại ở Bêthesđa vào ngày hưu lễ, Đức Giêsu đã tranh luận với người Do Thái. Và trước lời tuyên bố của Người : “Cha Ta đến nay hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17), thánh Gioan đã kết luận :

“Bởi vậy, người Do Thái cố tìm cách giết Ngài, vì chẳng những Ngài phá ngày Hưu lễ, mà còn dám gọi Thiên Chúa là chính Cha của mình, cho mình bằng Thiên Chúa” (Ga 5,18).

Lần khác vào dịp mừng lễ Cung hiến ở Giêrusalem, khi đi lại trong Ðền thờ, nơi trụ lăng Salômôn, Đức Giêsu nói với người Do Thái : “Ta và Cha là một” (10,30) thì :

“Người Do Thái đáp lại Ngài: "Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông ; nhưng vì một lời phạm thượng ! ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa".

Ðức Giêsu đáp lại họ: "Trong Luật của các ngươi lại đã không viết sao: Ta bảo: các ngươi là thần. Nếu được gọi là thần, những kẻ có lời Thiên Chúa xảy đến cho – vả lại không thể hủy bỏ lời Kinh thánh – thì sao người đã được Cha tác thánh và sai đến trong thế gian, các ngươi lại bảo: Ông phạm thượng ! vì Ta đã nói : Ta là Con Thiên Chúa ?" …” (Ga 10,33-36).

Như vậy, lý do để các thượng tế luận tội và muốn kết án tử hình cho Đức Giêsu, chính là điều mà họ gọi là phạm thượng, vì Đức Giêsu đã xưng mình là Con Thiên Chúa.

6. Philatô và Chúa Giêsu : “Ông bởi đâu mà đến ?” (19,8-12).

Đoạn này là của riêng Gioan, không có trong Tin Mừng nhất lãm : “Nghe lời ấy” (êkousen touton logon, ήκουσεν τούτον λόγον)…

Động từ nghe với túc từ trực tiếp ở accusatif có nghĩa là nghe được lời nói nhưng không hiểu nội dung. Điều đó chứng tỏ Philatô nghe lời buộc tội của các thượng tế, tố cáo Đức Giêsu đã xưng mình là Con Thiên Chúa, nhưng ông không hiểu nội dung của lời đó, khác với sau này ở câu 13, khi ông “vừa nghe những lời ấy”, tức là : Nếu ông tha cho tên ấy là ông thất nghĩa với Hoàng đế ! Ai xưng mình là Vua, tất làm thoán nghịch cùng Hoàng đế ! Trong câu này, Gioan ghi đông từ nghe với túc từ trực tiếp ở génitif, có nghĩa là : Philatô nghe và hiểu rõ nội dung lời buộc tội của các thượng tế : Ai xưng mình là Vua, tất làm thoán  nghịch cùng Hoàng đế !

Như vậy, khi nghe các thượng tế nêu rõ Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa, dầu không hiểu được nội dung này, nhưng phản ứng của Philatô là “thêm kinh sợ hơn”. Đây là nỗi sợ hãi của con người đối diện với vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, đối diện với Đáng Thần Linh. Và điều này sẽ bộc lộ qua câu hỏi của ông với Chúa Giêsu, sau khi ông đã đem Chúa Giêsu trở vào trong Phủ đường : “Ông bởi đâu đến ?”.

Câu hỏi này không phải là lời hỏi cung, mà là một lời hỏi tổng quát, mơ hồ. Ông nhận ra Đức Giêsu quả là con người đầy bí ẩn và ông muốn biết gốc gác bí ẩn của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không ban lời đáp lại, bởi lẽ Philatô không thể hiểu được nguồn gốc sâu xa của Nười, cũng như ttrước kia ông đã không thể lĩnh hội được lời mạc khải về sự thật.

Sự im lặng của Chúa Giêsu khiến Philatô kinh ngạc và ông đã dùng quyền để buộc Chúa Giêsu trả lời : “Ông không nói với ta sao ?”. cha Nguyễn Thế Thuấn dịch rất chỉnh chữ “ta” ở đây, vì trong nguyên bản, chúng ta có : “Với ta, ông không nói sao ? Đối diện với ta là người có quyền tối cao trong vùng này mà ông không nói sao ?”.

Rõ ràng Philatô sốt ruột. Ông cố tìm mọi lý do và cơ hội để tha Chúa Giêsu.

“Ông không có quyền gì trên tôi,

nếu từ trên không ban xuống cho”

Lời nói của Chúa Giêsu xác định rõ cho Philatô thấy giới hạn của ông trong điều mà ông nói là ông có quyền tha hoặc đóng đinh Chúa Giêsu. Có thể quảng diễn câu nói của Chúa Giêsu như sau : “Thưa ngài Philatô, điều mà ngài gọi là quyền tha hoặc dóng đinh tôi, thật ra điều đó đã đượng ấn định bởi thánh ý của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài ; bởi Thiên Chúa muôn tôi phải chết cái chết đóng đinh trên thập giá, nên tôi mới bị các thuọng tế Do Thái nộp cho Thẩm quyền Rôma. Bởi nếu tôi bị Tòa án Do Thái xử, thì tôi sẽ bị ném đá ; còn bị Tòa án Rôma xử, mà ngài là đại diện, thì tôi sẽ bị đóng đinh thập giá. Tất cả điều đó nằm trong ý định của Thiên Chúa. Bởi thế, nếu ngài có quyền gì để quyết định về số mạng của tôi, th2 đều do Thiên Chúa đã ấn định rồi. tuy nhiên, trong vụ án này, người bị trách nhiệm chính là kẻ nộp tôi cho ngài”.

Kẻ nộp Chúa Giêsu chính là Giuđa, và tiếp nối công việc cả Giuđa là các thượng tế và người Do Thái.

Philatô lại tìm cách tha Chúa Giêsu. Ông nghĩ rằng ông có quyền tối cao để làm việc này, nhưng thực tế cho thấy ông bị ràng buộc, giằng co bởi hai mối sợ :

- mối sợ đối với Chúa Giêsu, bởi ông nhận ra hình như Người là con người có nguồn gốc bí ẩn, sâu xa ;

- mối sợ đối với người Do Thái.

Và chính lúc này, Philatô phải trực diện với một áp lực lớn lao liên hệ đến chính mạng sống của ông :

“Nếu ông tha cho tên ấy là ông thất nghĩa với Hoàng đế !

Vì ai xưng mình là Vua, tất làm thoán nghịch cùng Hoàng đế !”.

Tước hiệu “thiết nghĩa với Hoàng đế” là một tước hiệu danh dự dành cho vị Tổng trấn. vì thế, họ đe dọa Philatô : “Nếu ông tha cho kẻ thoán nghịch cùng Hoàng đế, thì chính ông sẽ không còn là kẻ thiết nghĩa của Hoàng đế, nghĩa là sẽ không còn ghế Tổng trấn nữa, mà sẽ bị liệt vào hàng kẻ đôi thủ của Hoàng đế !”.

7. Philatô và người Do Thái : “Này là Vua các người” (19,13-15)

Đây là bức tranh cuối cùng, đồng thời là bức tranh vĩ đại nhất diễn tả cuộc diện kiến giữa Chúa Giêsu và Philatô.

Đứng về phương diện chú giải, từ ngữ then chốt định hướng cho nội dung bức tranh này là động từ ekathisen (έκάθισεν) mà cha Nguyễn thế Thuấn dịch là “đặt ngồi”. Philatô “đặt Ngài ngồi trên tòa ở nơi gọi là Nền Ðá (Lithostrotos), tiếng Hipri là Gabatha”.

Thật vậy, tùy theo cách hiểu tiếng ekathisen, nội dung của bức tranh sẽ thay đổi.

Xét về nguyên tự, động từ kathizein (κάθισειν) có hai nghĩa : - ngồi (sens intransitif) ; - đặt ngồi (sens transitif). Từ ngữ la tinh dịch là “sedere” cũng có thể hiểu theo hai nghĩa : ngồi hay đặt ngồi.

Khá nhiều bản dịch ngoại ngữ cũng như Việt ngữ dịch là Philatô ngồi trên tòa. Nhưng cũng có một số học giả phân tích kỹ động từ này, kết hợp với toàn văn mạch và ngữ pháp của đoạn văn, đã dịch : Philatô đặt Ngài ngồi trên tòa …

- TOB : Pilate fit mener Jésus à l’extérieur et l’installa sur une tribune à la place qu’on appelle Lithostrotos.

- E. OSTY : Pilate fit mener Jésus dehors et le fit asseoir au tribunal, en un lieu appellé Lithostrotos.

- BIBLE JERUSALEM : Pilate fit mener Jésus dehors et s’assit à son tribunal, en un lieu appellé Lithostrotos.

[Bible OSTY, TOB dịch là đặt ngồi ; Bible de JERUSALEM dịch là ngồi, nhiều bản dịch Anh, Ý, Đức … đều hiểu theo hướng này].

Tiếp theo phân tích của HARNAK, LOISY, CORSEN DIBELIUS, SMITH, BONSIRVEN, v.v…, cha DE LA POTTERIE đã quảng diễn một cách sâu xa ý nghĩa tác động (sens transitif) của động từ kathizein ở đoạn văn này (cf. I. de la Potterie, Biblica 41 -1960-, p. 217-247).

Các ý kiến của các học giả thiên về ý nghĩa tác động của từ ekathisen có thể tóm lại như sau :

1o hiểu rằng Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa mới phù hợp với lời tuyên bố của ông : “Này là Vua các người !” ;

2o theo truyền thồng cựu trào, thời Thánh Justinô hay trong “Phúc âm của Phêrô” thì động từ ekathisen được hiểu theo nghĩa tác động ;

3o nếu Philatô ngồi trên tòa, thì ông phải công bố lời phán quyết về bản án, và như thế ông đã phải kết án Chúa Giêsu ; nhưng ở đây, khôgn thấy có lời tuyên án của Philatô ;

4o nếu Philatô ngồi trên tòa, thì không thể hiểu được sự trang trọng khác thường mà Gioan mô tả lại ở 19,13-14.

Cha I. DE LA POTTERIE nêu ra 3 lý do xét về phương diện ngữ học để chứng minh động từ ekathisen ở đây phải hiểu theo nghĩa tác động, tức là : “Philatô đặt Ngài ngồi trên tòa” :

1o Tiếng “ở nơi” eis topon chỉ định hướng về nơi chốn và có nghĩa chuyển động. Vì thế, không thể dịch là “in loco” (ở nơi), nhưng phải dịch là “ad locum” (đến nơi) bởi vì giới từ eis chỉ phương hướng (ad quem). Do đó, đứng về phương diện văn phạm, phải hiểu từ “đến nơi” hợp với động từ chuyển động là “điệu ra ngoài” :

“Philatô cho điệu Đức Giêsu ra ngoài …

đến nơi gọi là Nền Đá …”

2o Hai động từ đặt liền nhau và được nối kết bằng liên từ “và” (kai) thì nếu động từ trước đã có túc từ trực tiếp, động từ sau không cần phải lặp lại túc từ đó. Như vậy, ở đây ta có : “Philatô cho điệu Đức Giêsu ra ngoài và đặt Ngài ngồi trên tòa…”.

cho dẫn ngoài (êgagen exô, ήγαγεν έξω)

đặt ngồi (kai ekathisen, και έκάθισεν)

Trong toàn bộ Tin Mừng thứ tư, chúng ta gặp được 17 trường hợp Gioan sử dụng động từ liền nhau được nối kết bằng liên từ “và” như thế : x. Ga 5,21 ; 6,11 ; 10,12 ; 12,47 ; 18,31 ; 19,6.19 v.v…

3o Một chi tiết khác hết sức tinh tế mà cha I. de la Potterie phân tích, đó là việc Gioan không sử dụng mạo từ (article) cho danh từ “tòa” : epi bêmatos (έπι βήματος, pro tribunali). Qua phân tích tỉ mỉ, chúng ta biết :

Tiếng bêma (βήμα, Tòa) có mạo từ, chỉ một nơi cố định ; và nơi đó là nơi chính thức, tức là tòa án. Còn tiếng bêma không có mạo từ – như trường hợp ở đây – thì không chỉ một nơi cụ thể, nhưng chỉ gợi lên tính chất, đặc điểm của việc xét xử của nơi ấy. Do đó, epi bêmatos phải địch là “pro tribunali” để xét xử, hay dịch trổng như cha Thuấn là “trên tòa”.

“Philatô đặt Ngài ngồi trên tòa” có nghĩa là “đặt Ngài ngồi trong cương vị người xét xử”.

Kết hợp tiếng epi bêmatos với ekathisen, chúng ta có :

- kathizein + bêma có mạo từ, có nghĩa là vị thẩm phán ngồi ở một nơi cụ thể, nơi chính thức để làm phận sự của mình, tức là xét xử và ra phán quyết ;

- kathizein + bêma không có mạo từ, thì có nghĩa là vị thẩm phán ngồi trên tòa, ngồi tòa ; vị đó ngồi trong cương vịThẩm phán.

Như vậy, nếu động từ kathizein với nghĩa instransitif thì phải hiểu là Philatô gnồi thi hành phận sự xử án” ; còn nếu hiểu theo nghĩa transitif thì : Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi làm Thẩm phán”.

Tóm lại, chính vì không có mạo từ trước danh từ bêma mà chúng ta hiểu là không phải chính Philatô ngồi tòa để xử án – và đó là lý do cho thấy tại sao ông không tuyên án Đức Giêsu – nhưng theo cái nhìn của Gioan, Đức Giêsu đã được đặt ngồi trên tòa và như thế Ngài đã công khai xuất hiện như là Vị Thẩm Phán ngay trong cuộc Khổ Nạn của Ngài.

Gioan xác định cho ta biết nơi chốnthời gian diễn ra biến cố trọng đại này : tại Lithostrotos, tiếng Hipri là Gabbatha, vào ngày dọn lễ Vượt Qua, lối giờ thứ sáu.

Lithostrotos, Λιθόστρωτου (tiếng Hy Lạp), Nền Đá. Theo cha VINCENT, có lẽ hiện nay ở dưới Tu viện “Đức Bà Sion” tại Giêrusalem, nơi trước kia là trại lính Antonia.

Gabbatha (tiếng Hipri), Nơi cao. Cha MOLLAT đã nói : “TẠi nơi cao này, Philatô đã công bố vương quyền Chúa Chúa Giêsu”.

Ngày dọn lễ Vượt Qua, tức ngày áp lễ Vượt Qua. Lễ này luôn luôn được cử hành nhằm ngày 15 tháng Nisan. Vào năm Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Lễ Vượt Qua nhằm vào ngày Hưu lễ.

Giờ thứ sáu, theo cách tính của người Do Thái. Giờ thứ sáu là khoảng trưa, tức khoảng 12 giờ trưa. Từ trưa ngày dọn lễ Vượt Qua, mọi gia đình Do Thái phải vứt bỏ mọi thứ có men ra khỏi nhà, bắt đầu đi vào nghi lễ Vượt Qua.

Tại nơi đó, vào giờ đó của Ngày dọn lễ Vượt Qua, Phialtô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa trước mặt người Do Thái, và ông công bố : “Này là Vua các người !” (Ecce Rex vester).

Khi làm hành vi và công bố lời này, có lẽ chủ ý của Philatô là thử lần cuối cùng để cố gỡ vụ án Đức Giêsu, hầu có thể tha Ngài : “Này là Vua mà các người muốn kết án, ta thấy Ngài không có gì khiến các ngươi phải lo sợ đâu !”.

Trong khi đó, đối với Gioan, lời tuyên bố này của Philatô thật là quan trọng, bởi Gioan nhận ra ở đây một ý nghĩa biểu trưng, đầy tính thần học rất sâu xa. Đối với Gioan, những lời tuyên bố này của Philatô là cao điểm của chủ đề về Vương quyền của Chúa Giêsu. Chủ đề này như bao trùm toàn bộ cuộc diện kiến giữa Chúa Giêsu và Philatô (18,28 – 19,16a) :

Từ câu hỏi : “Ông mà lại là Vua Do Thái” (18,33) cho đến lời khẳn định của Chúa Giêsu : “Tôi là Vua” (18,37) ;

Từ cảnh hành hạ của những người lính mà Gioan cố tình giữ lại những chi tiết cốt yếu nói lên đặc điểm Vua của Chúa Giêsu, như : triều thiên gai, áo choàng cẩm điều, lời “Kính chào Vua Do Thái” (19,2-3), đến lời tuyên bố của Philatô : Này, Người đó !” (19,5),

Gioan đưa ta đồi diện với Đức Giêsu trong lời trọng đại : “Này là Vua các người !” (19,14). Chủ ý của Gioan thật hết sức rõ ràng.

Lời tuyên bố này của Philatô quả là một lời tiên tri – dầu ông không ý thức – như thể lời phán quyết trước kia của Caipha về cái chết của Đức Giêsu.

Đứng trước Vua Giêsu, người Do Thái đã bộc lộ sự lựa chọn dứt khoát của mình : “Lôi đi ! Lôi đi ! Ðóng đinh nó đi !”. Philatô cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu Đức Giêsu : “Ta lại đóng đinh Vua các người sao ?”.

Lần này, các thượng tế nói lên lập trường dứt khoát của họ : “Chúng tôi không có Vua nào cả, ngoài đức Hoàng đế !”.

Lời tuyên bố này chính là sự lựa chọn phũ phàng của những nngười đứng đầu Dân riêng của Chúa : họ hoàn toàn đừng về phía thế gian, và khai trừ Vương quyền của Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ !!!

“Bấy giờ ông phó nộp Ngài cho họ đóng đinh”.

Nhiều học giả xem câu này như là lời tuyên bố của Philatô phê chuẩn bản án tử hình mà người Do Thái đòi Chúa Giêsu phải chịu. tuy nhiên, không hiểu vì sao Gioan không ghi rõ biến cố này. Có lẽ đối với Gioan, không ai có thể ra một bản án cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chịu chết vì Ngài đã đón nhận điều đó theo Thánh Ý của Chúa Cha ; Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá, vì Ngài đã tiên báo Ngài phải chết cái chết nào ! Họ chỉ có thể hoặc chọn Ngài hoặc khước từ Ngài mà thôi. Chọn Ngài thì sẽ có Ngài là Vua trong đời sống của mình ; khước từ Ngài thì sẽ mãi mãi phải đối diện với Ngài là Vị Thẩm Phán. Và đứng trước sự lựa chọn dứt khoát của họ, Philatô sau cùng đã nhượng bộ và quyết định chiều theo ý họ, tức là “phó nộp Ngài cho họ đóng đinh”.

IV.

CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ (Ga 19,16b-30)

“Vậy họ đem Đức Giêsu đi”.

Họ ở đây là ai ? Thoạt nhìn qua, chúng ta có thể hiểu là người Do Thái. Nhưng tại câu 23 sau này, Gioan nói rõ : “lính tráng đã đóng đinh Ðức Yêsu rồi, thì họ…”, nên có lẽ phải hiểu những người đem Đức Giêsu đi đóng đinh phải là những người lính Rôma.

“Tự mình vác lấy khổ giá cho mình”.

Thao Gioan, Chúa Giêsu tự mình vác lấy khổ giá. Ông không nói tới vai trò của Simon người Kyrênê vác đỡ thập giá với Chúa. Yếu tố này có mâu thuẫn với Tin Mừng nhất lãm không ? Nhìn kỹ vào các bản văn trong nhất lãm, chúng ta thấy ông Simon người Kyrênê từ ngoài đồng về và bị binh lính bắt vác đỡ thập giá với Chúa Giêsu ; vì thế, giai đoạn đầu từ Phủ đường ra ngoài thành, chác chắn là chỉ có một mình Chúa Giêsu tự mình vác lấy khổ giá. Như thế, tưởng cũng không khác biệt với Tin Mừng nhất lãm.

 

Ta lưu ý thêm về điều Gioan ghi ở đây : “… vác lấy khổ giá cho mình”. Khổ giá là khí cụ gắn liền với việc chúc dữ, là đồ chúc dữ và gắn liền với cái chết (Gl 3,13 ; Đnl 21,23) ; thế nhưng “cho Đức Giêsu”, “đối với Đức Giêsu”, khi khổ giá gắn liền với Đức Giêsu và được Ngài đón nhận, thì khổ giá sẽ trở nên khí cụ chiến thắng và là biểu trưng của sự sống (x. Gl 3,14).

Từ ý nghĩ này, các Giáo Phụ và Truyền thống của Hội Thánh đã nhận ra nơi thập giá của Đức giêsu là khí cụ chiến thằng. ngoài ra, nhiều Giáo Phụ đã giải thích sự kiện này liên hệ tới việc Isaac vác bó củi theo cha là Abrham tiến lên núi để tế lễ và thờ phượng Thiên Chúa (St 22,6).

Tại nơi gọi là Gò Sọ (Calvaria, Kranos, Κρανίου) tiếng Hipri gọi là Golgotha, Đức giêsu bị đóng đinh ở giữa hai người khác nữa. Gioan không cho thêm chi tiết nào về hai người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Gioan chỉ nói Đức giêsu ở giữa để càng làm nổi bật thập giá của Chúa Giêsu. Nhìn vào khung cảnh này, LOISY đã thốt lên : “Thập giá của Đức Kitô trở nên một cái ngai” (La croix du Christ devient un trône).

1. Tấm biển đặt trên khổ giá (19,19-22)

Philatô cho viết tấm biển và đặt trên khổ giá. Tấm biển này kê tội danh và người tử tội phải mang trên mình từ nơi xử án đến nơi thi hành án.

Vậy, tội danh của Đức Giêsu là : “Giêsu Nazaret, Vua Do Thái”  “Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum”.

Cả 4 Phúc Âm đều nói tới tấm biển này :

Mt 27,37 : “Tên này là Giêsu, Vua Do Thái”

Mc 15,26 : “Vua dân Do Thái”

Lc 23,38 : “Tên này là Vua dân Do Thái”.

Như vậy, chỉ trong Tin Mừng Gioan có thêm chữ Nazaret kèm theo tên của Đức Giêsu. Nhìn lại Tin Mừng thứ tư, chúng ta thấy Gioan nhấn mạnh nhiều đến nguyên quán Nazaret của Đức Giêsu :

Ga 1,45-46 : “Tự Nazareth thì có thể xảy ra gì tốt được !”

Ga 7,42.45  : “Không có một tiên tri nào chỗi dậy từ Galilê cả !”

Ga 18,5.7 : “Giêsu Nazaret”.

Đối với người Do Thái, khi nói tới một người nào có gốc gác ở Galilê hay Nazaret, tức là có ý khinh bỉ, chế giễu.

Cha D. MOLLAT cho rằng việc Gioan nhấn mạnh đến gốc gác Nazaret của Chúa Giêsu là nhằm làm nổi bật mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, xem như cớ vấp phạm đối với con người. Và từ đó, chúng ta sẽ nhận ra ý thần học của Gioan ngay từ trong bài Lời Tựa nổi tiếng của Tin Mừng thứ tư :

Đức Giêsu là Lời à xác phàm

       Đấng Mêsia à quê ở Nazaret.

Và như vậy, dưới hình dáng con người (xác phàm – quê ở Nazaret), Đức Giêsu bị khinh bỉ ; còn dưới hình dáng Thiên Chúa (Ngôi Lời – Đấng Mêsia), Đức Giêsu chính là Ơn Cứu Độ.

“Tấm biển ấy, nhiều người Do Thái đã đọc…”

Tại sao Gioan ghi lại chi tiiết này ? Tại sao nhiều người Do Thái đã đọc tấm biển ấy ? – Có lẽ Gioan muốn nói lên sự bi đát mà cái chết của Chúa Giêsu đem lại và luôn ám ảnh người Do Thái ! Họ muốn giết Đức Giêsu. Nhưng khi ý định của họ đã được thỏa mãn thì họ phải luôn nhìn vào Đức Giêsu Nazaret bị treo trên thập giá dưới danh hiệu là Vua Do Thái. Ngài thật là Vua của họ mà họ đã khước từ và đóng đinh. Nhưng đối với họ, Ngài mãi mãi là Vua Do Thái !

Tấm biển được viết bằng ba thứ tiếng : 1/ Hipri là ngôn ngữ của Dân ; 2/ Latinh là ngôn ngữ của Rôma, ngôn ngữ của quyền lực thế gian thời bấy giờ ; 3/ Hy Lạp là ngôn ngữ của nền văn hóa thời bấy giờ.

Tấm biển viết bằng 3 thứ tiếng chính là lời công bố trọng thể về Vường quyền của Chúa Giêsu. Ngài không những là Vua theo nghĩa tôn giáo, mà còn là Vua theo nghĩa hành chính và văn hóa, tức là Vua của vũ hoàn.

Các thượng tế thấy tấm biển này không đúng ý họ. Mà đúng làm sao được khi họ là đại diện và là những người đứng đầu của Dân Do Thái, lại đã can dự vào cái chết của Vua Do Thái ! Vì thế, họ xin Philatô thay những chữ đề trên tấm biển : “Xin ngài đừng viết : Vua Do thái. Nhưng là : Tên này đã xưng mình : Ta là Vua Do Thái”.

Tại Lithostrotos, họ đã khước từ Đức Giêsu là Vua của họ ; tại Gò Sọ, họ đã xin thay tấm biển trên thập giá.

Ở đây, lạ lùng làm sao ! Philatô không tỏ ra nhu nhược như trước kia : “Ðiều ta đã viết, là đã viết !”. Do đó, tước hiệu này vĩnh viễn gắn liền với Đấng bị treo trên thập giá : “Giêsu Nazaret, Vua Do Thái”. Và cũng chính tại đây, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá rõ ràng là dấu chỉ Người được giương cao, được tôn vinh.

2. Cảnh chia áo Chúa Giêsu : “Ta dừng xé ra” (19,23-24)

Trong cảnh chia áo Chúa Giêsu, Gioan nhấn mạnh đến chiếc áo chùng không có đường khâu của Người. Chiếc áo này từ trên xuống dưới dệt liền một tấm. Việc những người lính Rôma quyết định : “Ta đừng xé ra” đã được Gioan hiểu dưới ánh sáng của Thánh Kinh :

“Chúng chia nhau áo xống tôi,

và áo chùng của tôi, chúng đã bỏ thăm”.

Động từ “xé ra” (schizô, σχιξω) cho ta một danh từ là schisma, σχισμα có nghĩa là “phân rẽ”. Người Do Thái đã phân rẽ nhau về vấn đề Chúa Giêsu (x. Ga 7,43 ; 9,16 ; 10,19). Trong câu chuyện về mẻ cá lạ lùng ở hồ Tibêria sau khi Chúa sống lại, Gioan ghi : “Tuy nhiều ngần ấy cá, lưới cũng không bị rách” (21,11).

Như vậy, việc chiếc áo chùng của Chúa Giêsu không bị xé ra, đối với Gioan, chính là biểu trưng cho sự duy nhất của Dân Chúa, một sự duy nhất mà cái chết của Chúa Giêsu đem lại, như chính Caipha đã nói tiên tri và đã được Gioan nhắc đến (x. Ga 11,52).

3. “Này là Mẹ con” (19,25-27)

Thánh Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại sự hiện diện của Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu, ở bên thập giá của Người. Và khi nghiên cứu cặn kẽ toàn bộ tác phẩm của Gioan, chúng ta sẽ thấy một sự tương đồng khá nổi bật giữa câu chuyện tiệc cưới ở Cana (2,1-11) và câu chuyện dưới chân thập giá ở Gò Sọ (19,25-27).

Tại tiệc cưới Cana cũng như ở Gò Sọ, khi bviết về Đức Maria, Thánh Gioan cho ta thấy có 3 yếu tố đặc biệt này :

Ở Cana

tại tiệc cưới Cana :

Mẹ Đức Giêsu (Mater Jesu)

Này Bà (Milier)

Giờ của tôi (Hora mea)

Ở Gò Sọ

đứng bên khổ giá Đức Giêsu,

Mẹ Ngài (Mater ejus)

Này Bà (Mulier)

Từ giờ đó (Hora) …

Như thế, câu chuyện Đức Maria hiện diện dưới chân thập giá rất có thể có liên hệ mật thiết với câu chuyện Đức Maria hiện diện ở tiệc cưới Cana. Và theo cung cách trình thuật của Gioan, ta có thể xem : câu chuyện ở Cana là dấu chỉ, câu chuyện ở Gò Sọ là hiện thực điều mà dấu chỉ đã báo trước.

Ngoài ra, một chi tiết khác không kém quan trọng giúp ta xác định vai trò của đoạn này trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, đó là ở Ga 19,28, Thánh Gioan viết : “Sau đó, Đức Giêsu biết rằng mọi sự đã hoàn tất…”, có nghĩa là : Sau việc đó.

Như vậy, từ ngữ “sau đó” diễn tả mối tương quan mật thiết giữa một việc sắp xảy ra với một việc vừa xảy ra. Và việc sắp xảy ra lại là lời tuyên bố của Chúa Giêsu : “Đã hoàn tất”.

Từ đó, ta phải hiểu rằng lời trối của Đức Giêsu trong đoạn này chính là hành vi cuối cùng của Chúa, và là hành vi có ý nghĩa trong công cuộc cứu thế của Người. hành vi cuối cùng này Người đã thực hiện trong Giờ của Người.

“Ðứng bên khổ giá Ðức Yêsu,

có Mẹ Ngài, và người chị em của Mẹ Ngài,

Maria (vợ) của Klôpa,

và Maria người Magđala”.

Việc ghi thêm tên Chúa Giêsu sau chữ “bên khổ giá” có ý nhấn mạnh : Đây là khổ giá của Chúa Giêsu ! Điều này cho ta thấy không những thân mẫu của Ngài và những người phụ nữ kia đứng bên cạnh khổ giá (nghĩa là về nơi chôn), mà còn kết hợp, tham dự vào khổ giá của Ngài (nghĩa tinh thần).

Một vấn đề khác được các nhà chú giải quan tâm là có mấy người đứng bên khổ giá của Chúa : 3 hay 4 người nữ ?

Một số tác giả và ngay cả bản dịch Vulgata thì cắt nghĩa là có 3 người : Mẹ Ngài, người chị em của mẹ Ngài (có tên là) Maria (vợ) của Klôpa, và Maria Magđala.

Thế nhưng, hiện nay hầu như tất cả đều hiểu là có 4 người : Mẹ Ngài, người chị em của mẹ Ngài, Maria (vợ) của Klôpas, Maria người Magđala, vì hai người sau được nêu đích danh và được xác định rõ ràng.

Vậy Ðức Yêsu thấy Mẹ Ngài,

và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh,

thì Ngài nói với Mẹ : “Hỡi bà, này là con bà !”.

Ðoạn lại nói với môn đồ : “Này là Mẹ con !”.

Căn cứ trên cấu trúc của đoạn văn, ta có thể phân tích như sau :

1o Cả hai lời trối được đặt song song với nhau. Nếu chỉ là lời trối có tính chất ký thác, giao phó Mẹ lại cho người môn đệ chăm sóc (chữ hiếu), thì chỉ cần nói với môn đệ là đủ : “Này là Mẹ con !”. Nhưng ở đây lại có thêm lời trối thân mẫu của Ngài, thì chắc hản không phải là lời ký thác, nhưng phải mang một ý nghĩa nào nữa.

2o Trong lời trối này, Đức Giêsu đã nói với Thân mẫu Ngài trước, điều đó cho thấy chủ ý của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mạng quan trọng mà Thân mẫu Ngài sẽ phải đảm nhận, khác với sứ mạng của người môn đệ.

3o Hướng về Thân mẫu Ngài, Đức Giêsu đã nêu lên một danh hiệu : “Hỡi bà”, “Thưa bà” (gynar, γύναι, Mulier). Và đây là một danh hiệu rất trang trọng (x. St 3,20.23 : gynê, γύνη).

4o Thánh Gioan viết : Mẹ Ngài đứng bên khổ giá Đức Giêsu, còn người môn đệ lại đứng bênh cạnh Thân mẫu của Ngài. Như thế, Đức Maria có mối tương quan trực tiếp với khổ giá Đức Giêsu, còn người môn đệ thì có tương quan với Đức Maria ; Đức Maria đứng dưới bóng khổ giá, còn người môn đệ đứng dưới bóng Đức Mria !

5o Mạch văn đoạn này của Gioan hoàn toàn là một sơ đồ văn chương diễn tả sự mạc khải :

- khởi đầu bằng động từ “thấy

- tiếp theo là động từ “nói” kèm theo công thức : “Này là… Này …”

- sau cùng là xác định cụ thể con người và sứ mạng phải đảm nhận : “con của Bà !Mẹ của con !

Đây là công thức mạc khải mà Thánh Kinh thường sử dụng : x. Is 49,18 ; 60,4 ; Br 4,36 ; 5,5 ; Ed 1,4 ; 37,8 ; Đn 2,31.

Trong Tin Mừng thứ tư, chúng ta còn gặp thấy các ví dụ tương tự :

- trường hợp Gioan Tẩy Giả :

1,29 : “Hôm sau, ông thấy Đức Giêsu đến với ông, thì ông nói : Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng khử tội của thế gian …”

1,36 : “Ông ngó về phía Đức Giêsu đang ngang qua, mà nói : Này là Chiên của Thiên Chúa”.

- trường hợp của Chúa Giêsu :

1,47 : “Đức Giêsu thấy Nathanael đến với Ngài, thì Ngài nói về ông : Này đây đích thật một người Israel, trong mình không có gian dối”.

Phân tích các bản văn này cho thấy cả Gioan Tẩy Giả cũng như Chúa Giêsu đã mạc khải cho mọi người biết một điều từ trước đến nay vẫn chưa ai thấu hiểu được : a) Gioan thấy Đức Giêsu thì mạc khải cho mọi người biết Ngài là Đấng Mêsia, tức là Chiên của Thiên Chúa ; b) Đức Giêsu thấy Nathanael thì mạc khải cho mọi người biết con người đích thật của ông.

Trở lại đoạn văn Ga 19,25-27 này, chúng ta có : Đức Giêsu từ trên khổ giá thấy Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài yêu dấu đứng bên cạnh, thì Ngài đã mạc khải cho mọi người biết sứ mạng của mỗi người, sứ mạng mà từ trước tới này chưa ai thấu hiểu được. Đức Giêsu mạc khải cho biết vai trò của Đức Maria kể từ lúc này là Mẹ đối với người môn đệ, và người môn đệ kể từ lúc này là con đối với Đức Maria.

Như thế, ta không nên giải thích lời trối của Đức Giêsu ở đây như là một cử chỉ hiếu thảo của một người con sắp lìa trần đối với mẹ ruột của mình !

6o Công thức “môn đồ Ngài yêu mến”. như đã có dịp phân tích, căn cứ theo truyền thồng, người môn đệ này chính là Gioan, tác giả Tin Mừng thứ tư.

Nhưng công thức này còn có thể cho ta hiểu thêm nội dung nào nữa không ? – Tác giả Tin Mừng thứ tư có khuynh hướng khi đề cập đến nhưng con người mà không nêu đích danh là nhằm trình bày “những mẫu người”, những con người tiêu biểu của từng giới hoặc từng hạng người. Từ đó, Gioan không có ý nói người môn đệ Chúa yêu mến để nhằm chỉ một người nhất định, nhưng để chỉ bất cứ ai được hưởng tình yêu của Ngài, được trở nên đối tượng tình yêu của Ngài. Vì thế, người môn đệ này chính là mẫu của mọi người môn đệ Chúa Giêsu.

Từ nay, Chúa Giêsu trao phó người môn đệ cho Đức Maria chăm sóc và Đức Maria trở nên người mẹ mới của người môn đệ. Tình mẫu tử mới này sẽ là tình mẫu tử thiêng liêng dựa trên căn bản của lời trối của Chúa Giêsu trên thập giá. Vì thế, nền tảng của mối quan hệ mẫu tử mới giữa Đức Maria người môn đệ Chúa yêu phải được xây dựng trên sự từ bỏ. Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng ssống mình để hoàn thành công việc cứu độ và lời trối này là hành vi cuối cùng của Đức Giêsu. Đức Maria cũng sắp từ bỏ người Con theo huyết nhục của mình, vì người Con này sắp tắt thở. Chữ “Hỡi Bà” như kéo Đức Maria ra khỏi sự đau đớn theo nghĩa xác phàm, khác nào lưỡi gươm đâm vào trái tim huyết nhục của Người. Người được mời gọi phải thông phần với Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng sống mình mà về cùng Cha, để từ này Người không còn sống trong huyết nhục nữa. Rõ ràng là Đức Maria phải chết đi, phải từ bỏ tư cách là Mẹ theo nghĩa huyết nhục. Do đó, tình mẫu tử mới được thực hiện bằng sự từ bỏ, bằng việc chết đi cho con người cũ của mình.

Cũng thế, người môn đệ Chúa yêu đón nhận lời trối này cũng phải sống trong sự từ bỏ, mà việc từ bỏ cái tên cũ của mình có thể là một dấu chỉ. Gioan, con của bà Zêbêđê đã một lần từ bỏ người mẹ ruột của mình khi muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu. Do đó, tại đây, ở bên khổ giá của Chúa Giêsu, không lý gì mà Chúa không muốn cho Gioan có thêm một người mẹ theo nghĩa thông thường nữa, như thể kéo Gioan trở lại sống mối tương quan mẹ–con như trước khi đi theo Chúa Giêsu ! Vì thế, người môn đệ Chúa yêu, nhờ hành vi từ bỏ này, àm được trở nên con người mới, con người được tái sinh nhờ sự từ bỏ mạng sống mình của Chúa Giêsu, nhờ cái chết của Chúa Giêsu.

Những phân tích trên làm nổi bật tính chất hết sức thiêng liêng của lời trối. Đức Maria từ này trở nên Mẹ và là Mẹ thiêng liêng của người môn đệ Chúa yêu, Mẹ của các thế hệ môn đệ của Chúa Giêsu ; vì bất cứ ai tin và đi theo Chúa Giêsu đều trở nên người môn đệ Chúa yêu. Và người môn đệ Chúa yêu được diễm phúc gọi Đức Maria là Mẹ của mình.

Tóm lại, lời trối này của Chúa Giêsu có một ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cứu thế của Ngài. Từ thập giá, từ cái chết của mình, Chúa Giêsu thiết lập và trao ban sự sống mới mà Đức Maria được diễm phúc trở nên “Bà”, trở nên Mẹ của tình mẫu tử mới, tình mẫu tử thiêng liêng. Tất cả môn đệ của Chúa Giêsu – tức là những ai tiin và đi theo Chúa Giêsu – kể từ nay được đặt làm con của Đức Maria, con không theo nghĩa huyết nhục, nhưng là con thiêng liêng. Và đó chính là hành vi cao cả bộc lộ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho người môn đệ : Ngài đã yêu thương họ và yêu thương cho đến cùng (Ga 13,1).

Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, nhờ lời trối này, đã trở nên Mẹ của các tín hữu ; và người môn đệ Chúa yêu chính là khuôn mặt của người môn đệ lý tưởng, người tín hữu lý tưởng của mọi thế hệ kitô-hữu.

“Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình” (19,27b)

Đứng trước thập giá của Chúa Giêsu, chúng kiến cái chết của Người và hiểu được lời trối thiêng liêng đó, người môn đệ đã lãnh lấy Đức Maria, người Mẹ thiêng liêng của mình mà Chúa Giêsu vừa mạc khải cho biết, để Mẹ Maria trở nên thực sự là của mình, là Đấng không thể thiếu được trong đời sống của mình ; bởi vì, trong đời sống mới, thiêng liêng, Người là Mẹ của những ai mang danh là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.

4. “Đã hoàn tất” (19,28-30)

Tin Mừng nhất lãm ghi lại nhiều chi tiết từ khi thập giá Đức Giêsu được dựng lên cho đến khi Chúa tắt thở, như cảnh nhữn người qua lại mắng nhiếc, các thượng tế chế giễu, những kẻ cùng bị đóng đinh cũng mắng nhiếc Người, cảnh tối tăm bao trùm cõi đất, lời Chúa kêu lớn tiếng : “Eloi, Eloi, lama sabakthani” cũng như hiện tượng Chúa ra một tiếng lớn trước khi tắt thở (x. Mc 15,29-37). Tất cả những chi tiết này Gioan không ghi lại cho chúng ta. Ngược lại, Gioan mô tả cảnh Chúa Giêsu chết hết sức bình thản và trình bày cái chết của Người hoàn toàn như một sự chấp nhận thánh ý của Chúa Cha. BULTMANN và WIKENHAUSER nhận định rằng Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng không phải như tư cách của một tội nhân quằn quại trong đau đớn, nhưng như một vị vua băng hà !

Thánh Gioan ghi lại lời trối của Chúa Giêsu như hành vi cuối cùng trong cuộc Khổ Nạn của Ngài. và sau khi thực hiện lời trối đó, Đức Giêsu biết rằng sứ mạng của Ngài đã hoàn tất, đã đạt tới mục đích, và để lời Kinh Thánh được nên trọn, thì Ngài nói : “Ta khát”.

Ý nghĩa của lời “Ta khát” gắn liền với việc “để Kinh Thánh được nên trọn”. Lời Kinh Thánh có thể hiểu là Lời các Tiên tri trong Cựu Ước loan báo về sứ mạng cứu thế của Đấng Mêsia ; Lời Kinh Thánh còn có thể hiểu là chính công việc cứu thế của Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu biết rằng sứ mạng cứu thế của Ngài đã được thi hành trọn vẹn và đầy đủ, và kễ từ lúc này bắt đầu giai đoạn mới của Lịch sử Cứu độ, giai đoạn mà con người sẽ lãnh nhận được những hiệu quả do cuộc Khổ Nạn của Ngài đem lại, thì Ngài nói : “Ta khát”.

Hiện tượng khát nước là sự kiện hết sức bình thường của một người tử tội bị đóng đinh thập giá, do việc người ấy bị mất qua nhiều máu trong người. nhưng ở đây, chắc chắn Gioan không có ý nói tới điều đó, vì như đã phân tích, lời “Ta khát” gắn liền với công việc cứu thế của Chúa Giêsu, nên phải hiểu lời “Ta khát” của Chúa Giêsu theo nghĩa thiêng liêng : Đức Giêsu khát khao thông truyền hiệu quả của cuộc Khổ Nạn của Ngài là ơn cứu độ cho tất cả mọi người ; và như thế thì lời Kinh Thánh mới được nên trọn.

Trong Tin Mừng thứ tư, từ ngữ “khát” thường chỉ nguyện vọng sâu xa của con người khát mong những hồng ân của Thiên Chúa vào thời Đấng Mêsia :

“Phàm ai uống nước này, sẽ còn khát lại ;

nhưng kẻ nào một lần uống nước Ta ban,

thì đời đời sẽ không khát nữa ;

nhưng nước Ta sẽ ban cho nó

sẽ nên mạch suối trong nó,

có nước vọt đến sự sống đời đời” (4,13t).

“Ai đến với Ta sẽ không hề đói,

và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (6,35).

“Ai khát thì hãy đến với Ta,

và hãy uống, kẻ tin vào Ta !

như Kinh Thánh đã nói :

Tự lòng Ngài có những dòng sông tuôn chảy nước sinh sống”

(7,37t)

Như vậy, chúng ta hiểu lời “Ta khát” của Chúa Giêsu chính là nguyện vọng sâu thẳm của Ngài muốn mọi người lãnh nhận được ơn cứu độ mà cuộc Khổ Nạn của Ngài đem lại cho thế gian.

Và đến đây, Chúa Giêsu công bố : “Đã hoàn tất”.

Công cuộc cứu độ trần gian đã được thể hiện. Đây là lời Ngài trình lại với Chúa Cha và đây cũng chính là lời loan báo sự chiến thắng của Ngài. Quyền lực bóng tối đã giết được thân xác của Ngài, vị Vua Mêsia. Nhưng qua cái chết này, ơn cứu độ được trao ban cho mọi người và giải thoát con người khỏi vòng cương tỏa của bóng tối, tội lỗi, Satan. Đúng như Thánh Gioan đã suy niệm : “Sự sáng đã rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sáng” (1,5).

“Đoạn gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần Khí” (19,30).

Thông thường, một người chết phải thở hơi cuối cùng rồi mới gục đầu xuống. Ở đây, Gioan lại cho ta thấy : Đức Giêsu trong khi gục đầu xuống, thì thở hơi cuối cùng (et inclinant la tête, il remit l’esprit).

Thánh Tôma xem việc Ngài gục đầu xuống như thái độ vâng phục, chấp nhận hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa, và từ cái chết này ngài trao ban Thánh Thần cho Hội Thánh. “Điều ấy, Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thánh Thần chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,37-39).

Bản dịch TOB cũng giải thích theo ý nghĩa tương tự : Encore qu’il situe le don de l’Esprit à l’Eglise au cours de l’apparition pascale (20,22), Jean a peut-être voulu suggérer que c’est par sa mort que Jésus peut transmettre l’Esprit au monde (7,39 ; 16,5-7).

5. Cạnh sườn khai mở : máu và nước chảy ra (19,31-37).

Đoạn trình thuật này là tư liệu riêng của Gioan. Đức Giêsu đã chết, nhưng Ngài đã yêu thương các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu thương họ đến cùng (13,1). Từ cái chết của Chúa Giêsu, Gioan đã hiểu và gặp được tình yêu đến cùng này của Chúa Giêsu. Đoạn trình thuật này của Gioan minh chứng điều đó và Gioan cho biết hiệu quả phong phú của ơn cứu độ mà cái chết của Chúa Giêsu đã đem lại cho mọi tín hữu. Từ cạnh sườn khai mở của Chúa Giêsu trên thập giá, nguồn ân sủng dồi dào được trao ban cho Hội Thánh và trao ban liên tục “cho đến cùng”.

Gioan nhắc lại thời điểm Chúa Giêsu bị chết : vào ngày Dọn Lễ, tức là ngáy áp lễ Vượt Qua, khi mà mọi người Do Thái bắt đầu thi hành các nghi thức liên hệ đến ngày Đại Lễ : loại bỏ khỏi nhà tất cả những gì đã lên men, để nhường chỗ cho bánh không men ; đem chiên vượt qua lên đền thờ để cho các tư tế giết vào khoảng giờ thứ 9, và sau đó đem về nhà sửa soạn Bữa ăn Vượt qua chiều hôm ấy. Chính trong bầu khí chuẩn bị Lễ như thế, đã diễn ra cảnh cạnh sườn của Đức Giêsu bị đâm thâu qua : máu và nước từ cạnh sườn đó đã chảy ra !

Căn cứ trên luật Do Thái, được ghi trong sách Đệ nhị luật 21,22-23, thì không được phép để xác chết bêu trên cây, mà phải hạ xuống và chôn cất ngay, vì “kẻ đã bị treo là đồ chúc dữ của Thiên Chúa”. Vì thế, người Do Thái đã xin Philatô cho họ được sớm hạ các xác tử tội xuống và chôn cất những người bị đóng đinh, để họ có thể mừng Lễ Vượt Qua.

Philatô chấp nhận lời thỉnh cầu của người Do Thái.

Thật mỉa mai thay ! Thi thể của Đức Giêsu lại bị coi là đồ chúc dữ của Thiên Chúa và là sự nhơ uế cho đất thánh !

Về sau, khi suy niệm về việc này, Thánh Phaolô sẽ nói : “Đức Kitô đã chuộc ta khỏi án chúc dữ của Lề Luật, khi chính Người đã trở nên đồ chúc dữ vì ta, bởi có Lời rằng : Hễ ai bị treo trên cây gỗ đều là đồ chúc dữ” (Gl 3,13).

“Vậy lính đến đập bể ống chân người thứ nhất và cả người kia cùng chịu đóng đinh làm một với Ngài” (19,32).

Việc đập bể ống chân có mục đích làm cho người tử tội chóng chết, và như vậy mời có thể đem chôn được.

“Ðến bên Ðức Yêsu, họ thấy Ngài đã chết, thì không đập bể ông chân Ngài, nhưng một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra” (19,33-34).

Không hiểu vì lý do gì mà anh lính đã làm như thế ! Kiểm chứng đã chết thật, hay là đùa nghịch ? Có một điều là anh đã đâm rất mạnh, khiến máu và nước chảy ra.

Đối với người môn đệ của Chúa Giêsu, ông đã trông thấy và đã hiểu. Ông đã hiểu gì ? - Ông đã thấy Đức Giêsu gục đầu xuống và Người phó thác Thần Khí ; - ông đã thấy Máu và Nước từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra : Máu là dấu chỉ Đức Giêsu đã chết thật, Nước là bảo chứng về giá trị và hiệu quả của cái chết của Đức Giêsu.

Cái chết của Chúa Giêsu (Máu) chính là của lễ hiến tế đem lại hiệu quả thiêng liêng có khả năng thánh hóa người môn đệ (Nước). Và Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu trong Kinh nguyện tế hiến : “Và vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (17,19).

Và cái chết của Chúa Giêsu (Máu) đã thật sự đem lại lợi ích dồi dào cho người môn đệ, đó là hồng ân cứu độ (Nước) : “Ta nói thật với các ngươi : Ta ra đi thì ích lợi hơn cho các ngươi ; vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa không đến với các ngươi, còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi” (16,7).

Đấng Bầu Chữa mà Chúa Giêsu gửi đến chính là Thánh Thần, Đấng thánh hóa người môn đệ. Các Giáo Phụ đã đón nhận chứng từ của gioan và đã giải thích sự kiện này một cách sâu sắc : “Nhờ Máu đó, chúng ta đã có được Nước Thánh Thần” (thánh Hippôlytô) ; “Nhờ Máu đó, Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (thánh Irênê).

Truyền thống của Hội Thánh đã nhận ra nơi MáuNước từ cạnh sườn Chúa Giêsu là nguồn ban các bí tích cho Hội Thánh : - Thánh tẩy bởi Nước Thánh Thần ; - Thánh Thể bởi Máu, bởi sự sống của Chúa Giêsu.

Thánh Gioan quả tinh tế khi nhận ra hiệu quả phong phú mà cái chết của Chúa Giêsu đã đem lại, và hiệu quả này mãi mãi tồn tại qua các bí tích trong Hội Thánh.

Tới đây, Gioan dừng lại việc tường thuật của mình để long trọng tuyên bố : “Người trông thấy đã làm chứng – và chứng của người là chứng xác thực, và người biết là đã nói thật – ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin” (19,35).

Chủ đề làm chứng của Gioan gắn liền với chủ đề mạc khải, vì đối tượng mà Gioan làm chứng chính là đối tượng mà Gioan muốn mạc khải, tỏ bày cho mọi người biết ; bởi lẽ, đối với Gioan, ý nghĩa sâu xa của cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu phải trở nên đối tượng đức tin của chúng ta.

Và Gioan quả quyết điều ông đã thấy, đã hiểu và đã tin là chính xác, là hết sức trọng đại. Gioan đã nại tới Chúa Giêsu và xin Người chứng thực rằng điều Gioan quả quyết và làm chứng là thật. Vì thế, lời chứng của Gioan trở nên một lời thề linh thiêng nhất – nại tới Chúa Giêsu, Đấng bị treo trên thập giá – và mục đích của lời chứng đó là đưa tới đức tin cho Hội Thánh.

Gioan giải thích lời chứng của mình không những dựa trên uy tín của Chúa Giêsu, mà còn dựa trên uy tín của các Lời Kinh Thánh : “Không một xương nào của Người sẽ bị giập” (19,36) và “Chúng sẽ trông lên người chúng đã đâm” (19,37).

Đức Giêsu quả thật là Chiên Vượt Qua đích thực của Giao Ước mới đã được hiến tế vì phần rỗi của Dân Chúa (Kh 5,6) và niềm tin vào Chúa Giêsu bị đóng đinh sẽ trở nên nguồn ơn cứu độ cho mọi người.

V.

CHÚA GIÊSU ĐƯỢC MAI TÁNG TRONG MỒ (19,38-42)

Bài trình thuật của Gioan về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, theo đúng nghĩa, đã chấm dứt với Lời chứng tuyệt vời của Gioan, Lời chứng của người môn đệ đã tin và nhận ra giá trị của ơn cứu độ qua cuộc Khổ Nạn của Thầy mình. Và Gioan đã long trọng công bố Lời chứng đó cho Hội Thánh để mọi người cũng tin vào Chúa Giêsu và cũng được đón nhận ơn cứu độ như Gioan.

Gioan mở đầu câu chuyện mai táng Chúa bằng chữ “Sau đó” (meta tauta, Μετά ταύτα), có nghĩa là sau những việc đó. Lời dẫn nhập này khiến ta nhận ra khoảng cách giữa sự kiện máu và nước từ cạnh sườn Người chảy ra và việc mai táng có một khoảng cách, và giữa khoảng cách đó đã xảy ra nhiều sự kiện khác. Những sự kiện này Gioan không ghi lại.

Trong việc mai táng Chúa, Gioan nêu tên hai người vị vọng thời bấy giờ, là : “Giuse quê tại Arimathia… (và) Nicôđêmô”.

Theo một số tài liệu, thì ông Giuse cũng thuộc Hội đồng tối cao Do Thái. Không biết ông đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu từ lúc nào, chỉ biết rắng ông là người môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng vẫn giữ kín cho tới lúc này, vì sợ người Do Thái. Nhiều đoạn trong Tin Mừng thứ tư cũng có đề cập đến hạng môn đệ này :

7,13 : “Không ai dám công khai nói về Ngài, bởi sợ người Do Thái”.

9,22 : “Cha mẹ nó nói thế vì sợ người Do Thái”.

12,42 : “Có nhiều người thuộc hàng đầu mục đã tin vào Ngài, nhưng vì người biệt phái mà họ không dám xưng ra, kẻo bị khai trừ khỏi Hội đường”.

Nhưng khi Chúa Giêsu đã chết thì Giuse đã rời khỏi hàng ngũ người môn đệ âm thầm, để công khai và đích thân đến Philatô, tự nhận là người thân của Chúa Giêsu và xin được cất xác của Người. Philatô ban phép và ông Giuse đã chu toàn nghĩa vụ của người môn đệ đối với Thầy mình.

Cùng với sự xuất hiện của Giuse, Gioan nêu thêm sự xuất hiện của Nicôđêmô. Chắc hẳn câu chuyện đêm nào giữa ông và Chúa Giêsu đã khiến ông suy nghĩ. Ngay từ đầu, khi tìm đến với Chúa Giêsu, lòng ông đã chớm nở một niềm tin vào Ngài :

Ông này đến gặp Ngài ban đêm, và thưa Ngài : “Rabbi, chúng tôi biết Ngài tự Thiên Chúa mà đến như một tôn sư: vì không ai làm được các dấu lạ Ngài làm, trừ phi là có Thiên Chúa ở với người ấy” (3,2).

Rồi qua cuộc đàm thoại với Chúa, Nicôđêmô làm sao quên được lời này :

“Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng sẽ bị giương cao như vậy,

ngõ hầu kẻ nào tin thì nhờ Ngài

mà được sự sống đời đời.

Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế (đó),

đến đỗi đã thí ban Người Con Một,

ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi,

nhưng được có sự sống đời đời” (3,14-16).

Vì thế, khi chứng kiến việc Chúa Giêsu được giương cao trên thập giá, Nicôđêmô đã xuất hiện công khai. Ông không còn đến với Chúa ban đêm nữa, vì lòng ông đã tin vào Chúa Giêsu. Ông rời khỏi hàng ngũ đầu mục Do Thái, để trở nên người môn đệ công khai của Chúa Giêsu. Việc ông đem theo chừngmột trăm cân mộc dược trộn với trầm hương để tẩm liệm xác Chúa, chứng tỏ ông đã nhận Người là Vua của mình. Bởi ông đã mai táng Chúa theo cung cách dành cho bậc Vương đế, trong tục lệ Do Thái.

Nhận định về hành động này, LOISY đã nói : “Đức Giêsu được mai táng theo cung cách dành cho bậc vĩ nhân của thế giới này và do những người vị vọng thực hiện. Đó là cách thức để chỉ Vương quyền của Chúa Kitô”.

Với sự xuất hiện của hai người môn đệ này, Gioan cho ta thấy quyền lực của thế gian, của bóng tối đã bị đầy lùi và bị đánh bại bởi cái chết của Chúa Giêsu. Bóng tối và sức mạnh thế gian không còn trói buộc, khống chế những ai muốn đến với Chúa Giêsu. Con đường đức tin đã mờ rộng thênh thang và Gioan mời gọi mọi người hãy đi vào con đường đó : “Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng : Ðức Yêsu chính là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa ; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ Danh Ngài” (20,31).

Việc Đức Giêsu bắt đầu cuộc Khổ Nạn trong thửa vườn và việc Người được mai táng trong mộ thửa vườn khiến ta liên tưởng đến thửa vườn năm xưa trong Khởi nguyên.

Tại thửa vườn của Khởi nguyên, con người đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, đem tội lỗi vào thế gian, kéo theo sự chết cho con người.

Tại thửa vườn này, Đức Giêsu đã đón nhận cuộc Khổ Nạn như một hồng ân của Thiên Chúa và Người đi tới cái chết để bày tỏ lòng vâng phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa. Chính sự vâng phục này đã đem lại ơn tha tội, khai mở sự sống mới cho con người, để những ai tin vào Chúa Giêsu, sẽ đón nhận được sự sống đời đời mà cái chết của Chúa Giêsu đã đem lại cho họ.

 


Trang Kinh Thanh