Như đã trình bày trong bài viết: “Tác
giả, nơi biên soạn, độc giả, niên biểu và tài liệu biên soạn Tin Mừng Mác-cô
(Tin Mừng thứ hai)”, một trong những đặc điểm của Tin Mừng Mác-cô là có nhiều từ gốc La Tinh.
Bài viết này sẽ liệt kê một số từ ngữ La Tinh xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô.
Những từ này được tác giả sách Tin Mừng chuyển âm sang tiếng Hy Lạp, vì Tin
Mừng Mác-cô được viết bằng tiếng Hy Lạp (xem C. FOCANT, L’évangile selon Marc, (CB.NT 2), Paris, Le Cerf, 2004, n. 2,
p. 35-36).
Có thể xếp những “từ gốc La tinh” và “từ
ngữ dịch từ La Tinh sang Hy Lạp” trong Tin Mừng Mác-cô thành bốn loại:
1) Chuyển âm các từ ngữ La Tinh sang Hy Lạp.
2) Dịch tiếng La Tinh sang tiếng Hy Lạp.
3) Dùng một số kiểu nói La Tinh.
4) Giải thích bằng tiếng La Tinh.
1. Chuyển âm từ La Tinh phổ thông sang Hy
Lạp
Trong Tin Mừng Mác-cô, có nhiều từ La Tinh
được tác giả sách Tin Mừng chuyển âm sang tiếng Hy Lạp. Chẳng hạn, từ “chõng”
(krabattos) trong trình thuật Đức
Giê-su tha tội và chữa lành người bại liệt (Mc
2,1-12). Đức Giê-su nói với người bại liệt ở Mc 2,11-12: “‘11Ta bảo
con, hãy đứng dậy, hãy vác lấy chõng (ton krabatton) của con và hãy đi về nhà
của con.’ 12Anh ta
trỗi dậy và lập tức vác chõng (ton krabatton) đi ra trước mặt mọi người, khiến
mọi người sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói rằng: ‘Chúng ta chưa bao giờ
thấy như thế’.” (Xem
bản dịch Tin Mừng Mác-cô Hy
Lạp – Việt). Trong đoạn văn Mc 2,1-12, xuất hiện 4 lần từ “chõng” (krabattos) ở
2,4.9.11.12. Từ Hy Lạp: “krabattos” được chuyển âm từ tiếng La Tinh “grabatus”.
Trong câu chuyện Đức Giê-su giải thoát người bị quỷ
ám ở Ghê-ra-sa(Mc 5,1-20), xuất hiện 2 lần từ “đạo binh” (legiôn) ở Mc
5,9.15. Đức Giê-su hỏi người bị thần ô uế nhập: “Tên ngươi là gì?”, nó nói với
Người: “Tên tôi là đạo binh (legiôn), vì chúng tôi đông lắm” (Mc 5,9).“Đạo
binh” là một đơn vị khoảng 6.000 lính Rô Ma. Từ “đạo binh” tiếng La Tinh:
“legio”, chuyển âm sang tiếng Hy Lạp: “legiôn”.
Bảng dưới đây liệt kê một số từ La Tinh
được chuyển âm sang tiếng Hy Lạp trong Tin Mừng Mác-cô. Những từ có dấu * trong các bảng cho
biết các từ này chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô mà thôi, không xuất hiện
trong các sách Tin Mừng khác.
2. Dịch các từ La Tinh sang
Hy Lạp
Loại thứ hai là dịch từ tiếng La Tinh sang Hy Lạp. Chẳng hạn từ
“họp bàn” xuất hiện 2 lần trong Tin Mừng Mác-cô ở 3,6; 15,1. “Họp bàn” tiếng La
Tinh là “consilium” được dịch sang tiếng Hy Lạp: sumboulion.
Từ Hy Lạp “pugmê”, có nghĩa “nắm tay”, “quả đấm” (fist) ở Mc
7,3, có thể hiểu nhiều cách khác nhau. Cụm từ “pugmê vipsôntai tas kheiras” (Mc
7,3) được dịch:
1) NPD/CGKPV,
TOB, NAB: “Rửa tay cẩn thận”
(se laver soigneusement les mains, carefully washing their hands).
2) JB, NJB: “Rửa tay cho đến cùi chỏ” (se laver
les bras jusqu'au coude, washing their arms as far as the elbow).
3) NIV: “Rửa tay theo nghi thức” (give their
hands a ceremonial washing).
4) NJK: “Rửa tay của họ theo cách thức riêng” (they wash their hands in a special way)…
Chúng tôi tạm dịch từ “pugmê” là “cẩn thận”. Từ La Tinh tương
ứng với “pugmê” là “pugno” hay “pugillo”.
3. Chuyển “kiểu nói La Tinh” sang tiếng Hy Lạp
Loại thứ ba là dịch những kiểu nói La Tinh sang Hy Lạp. Kiểu
dịch “từng chữ” (mot à mot) La Tinh sang Hy Lạp này làm cho câu văn không phải
là kiểu hành văn theo văn chương Hy Lạp.
4. Giải thích bằng tiếng La Tinh (chuyển âm
Hy Lạp)
Trong Tin Mừng Mác-cô, có hai chỗ (12,42;
15,16) tác giả giải thích bằng tiếng La Tinh chuyển âm Hy Lạp:
“Tiền kẽm” (La Tinh: leptes, Hy Lạp: lepta)
chuyển thành tiền Rô Ma là “đồng xu” (La Tinh: quadrans, chuyển âm Hy Lạp: kodrantês).
Giải thích này giúp độc giả thời đó (độc giả của sách Tin Mừng Mác-cô) hiểu trị
giá số tiền bà goá bỏ vào thùng dâng cúng.
Từ Hy Lạp “sân dinh” (aulê) được giải thích
bằng tiếng La Tinh:proetorium (dinh
tổng trấn), chuyển tự Hy Lạp “praitôrion”.
Không tìm thấy trường hợp ngược lại trong
Tin Mừng Mác-cô: Dịch nghĩa một từ La Tinh sang Hy Lạp. Điều này cho thấy độc
giả quen thuộc với tiếng La Tinh.
Tóm lại, tuy bản văn Tin Mừng Mác-cô được
viết bằng tiếng Hy Lạp, nhưng có thể nhận ra trong bản văn dấu ấn
của tiếng La Tinh. Ảnh hưởng tiếng La Tinh trong Tin Mừng Mác-cô có thể được
xếp thành bốn loại: (1) Nhiều từ La Tinh được chuyển âm sang Hy Lạp. (2) Dịch
từ tiếng La Tinh sang tiếng Hy Lạp. (3) Chuyển các kiểu nói La Tinh sang tiếng
Hy Lạp. (4) Giải thích trong bản văn bằng tiếng La Tinh chuyển âm sang Hy Lạp.
Đặc điểm văn chương này cho phép nghĩ rằng Tin Mừng Mác-cô được viết trong môi
trường văn hoá Hy Lạp và La Tinh. Tác giả và độc giả sách Tin Mừng Mác-cô quen
thuộc với tiếng La Tinh nên xuất hiện nhiều từ ngữ gốc La Tinh trong Tin Mừng
thứ hai này./.
Ngày 26 tháng 02 năm 2012.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2012/02/tieng-la-tinh-trong-tin-mung-mac-co-hy.html
Email: josleminhthong@gmail.com