ÐẾN BÀN ĂN CỦA THẦY

(SUPER MENSAM MEAM)

 

 

Khi người tín hữu bắt đầu suy nghĩ, thì luôn luôn có một nguy hiểm tiềm ẩn đang chờ đợi họ : đó là thường xem mầu nhiệm như một bài toán, và đối tượng của niềm tin là một đạo lý. Vì đối tượng của niềm tin còn hơn là một đạo lý, nó là một thực tại, và mầu nhiệm còn hơn là một bài toán, nó là một điều làm ta vui thích hân hoan. Một đạo lý chỉ đòi ta hiểu rõ là đủ ; một bài toán chỉ cần có một giải đáp là xong. Sau khi đã tìm giải đáp dược rồi, ta có thể làm một bài tập khác. Nhưng một thực tại, một sự vật, không bao giờ nói tiếng nói cuối cùng của nó ; và một mầu nhiệm thì không bao giờ hiểu được cách thấu triệt : vì nó là một nguồn gợi cảm triền miên.

Và để mầu nhiệm không biến thành một bài toán đơn thuần ; để Thiên Chúa phải là cái gì khác hơn một đấng bí ẩn đề ra những điều khó hiểu, thì nhất thiết Mặc khải với ý nghĩa bao la của nó, không bao giờ được hoàn toàn giam giữ trong những công thức nghèo nàn của chúng ta : quia major omni laude, vì Người luôn luôn lớn hơn mọi lời ngợi khen của chúng ta.

Lạy Chúa, hôm nay con đã gặp trong Tin Mừng của Chúa câu này làm chúng con rất ngạc nhiên, Chúa mô tả cho chúng con biết về thiên đàng mà mọi người chúng con đều ao ước, và suy nghĩ của chúng con đã thử tìm hiểu trước phần nào. Người ta thường nhắc lại nhiều lần tiên đề cũ kỹ không mấy chỉnh này “ignoti nulla cupido” : điều gì người ta không biết thì người ta không ao ước có bao giờ, để rồi chúng con kéo ra kết luận đẹp đẻ này : người ta càng biết thì người ta càng ao ước được điều đó, và rồi chúng con đã ra sức đi sâu vào mầu nhiệm của thiên đàng để kích thích hơn nữa lòng ao ước của chúng con được vào đó. Rồi chúng con xây dựng những lý thuyết rất hay. Chúng con giải thích và chứng mình rằng niềm vui trên thiên đàng là một phúc kiến, có kèm theo một ánh sáng vinh hiển ; và đối tượng của phúc kiến ấy chính là bản thể của Chúa, được nhìn thấy Chúa mà không qua một hình ảnh trung gian nào. Người ta còn thêm rằng trong bản thể vĩnh hằng của Chúa, chúng con còn có thể chiêm ngắm những vật “khả dĩ” (là những vật có thể có mà chưa hiện hữu) ; và cảnh tượng ấy sẽ có thể làm chúng con ngây ngất trong cuộc sống muôn đời muôn kiếp này.

Quả là những lý thuyết được giàn dựng rất chắc chắn, và thực ra, rất chính xác. Nhưng tại sao những lý thuyết ấy làm con vẫn thấy lạnh lùng đối với nó ? Quả thật con khó lòng sửa chữa cái tật xấu đáng ghét này, vì chỉ một lý do là cái cố gắng ấy sẽ cho phép con chiêm ngắm hằng hà sa số những vật “khả dĩ” suốt cả đời đời. Theo con, hình như còn thiếu một cái gì trong các chứng minh này. Có lẽ nó chỉ đúng thôi : đúng theo kiểu như câu trả lời chính xác của đài thiên văn thông báo mặt trời mọc vào 5 giờ 57 sáng. Ðiều thiên văn thông báo thì rất đúng, nhưng một rạng đông thì có cái gì hơn một công thức thiên văn vô cùng.

Ấy chính khi con nghĩ đến những sự vật sơ đẳng này mà con đã gặp trong sách Tin Mừng một câu của Chúa làm con rất ngạc nhiên. Chúa nói với chúng con rằng thiên đàng như một bàn ăn vĩ đại, và chúng con tất cả đều được ngồi vào với Chúa, được thưởng thức ruợu do Chúa Cha khoản đãi, và chúng con chuyện trò với nhau như những bạn thân tình. Lạy Chúa, cảnh này quả là thơ mộng ; mà nó không có nghĩa là điều tưởng tượng. Ðây là một công thức không nói ngược lại những kết luận cao xa của thần học chúng con ; nhưng nó vượt quá xa những công thức trên. Cuộc đoàn tụ chung quanh bàn tiệc thiên quốc mà tất cả chúng con là những khách được mời ; và lúc ấy là thời điểm chung cục. Mặc kệ những đầu óc tự tin mình rất khôn ngoan mà tuyên bố rằng cách nói kia là những tưởng tượng của người bình dân và một bàn tiệc, với những thực khách ngồi chung quanh, không phù hợp với những yêu cầu của tư tưởng triết học.

Nhưng Chúa Thánh Thần, vào ngày con được chịu phép rửa, đã đặt trong tâm hồn con đức tin mà con chưa ý thức được, đã cho phép con ngây ngất với mặc khải của Chúa như nghe một bản nhạc, và làm con buông hồn theo vẻ huy hoàng vĩ đại mà mầu nhiệm của Chúa chất chứa. Bởi vì lời của Chúa thật sự rất rõ ràng, khi Chúa nói rằng niềm vui trên thiên đàng giống như niềm vui của một gia đình ngồi chung quanh bàn ăn. Vậy con phải để tư tưởng con hòa nhịp với những lời này, thay vì thu hẹp nó vào những lý luận trừu tượng nghèo nàn của chúng con.

Bàn ăn của gia đình ! Con không phải tìm kiếm đâu xa để nó gợi lên những kỷ niệm đẹp đẽ nhất đời con. Bàn dọn những bữa ăn chung thì con gặp lại nó hằng ngày. nó có thể cho con được nếm trước niềm vui của những bữa tiệc thiên quốc. Lúc ấy Chúa sẽ không ngồi trên một ngai đặt ở đằng xa. Chẳng lẽ ở giữa những kẻ được chọn, Chúa còn cần bày tỏ những sự lộng lẫy của cảnh đơn độc sao ? Chẳng phải trong tiệc Thánh Thể, tại bàn hiệp thông này, mà Chúa đang ở trong tầm tay của chúng con, và hầu như còn hoàn toàn phụ thuộc vào chúng con sao ? Và phải chăng bữa tiệc Thánh Thể, như chính Chúa đã nói, là điều báo trước bữa tiệc trên Thiên quốc sao ? Chính trong quan điểm này mà con muốn nhìn ngắm Chúa. Chúng con đều đồng ý. Thiên đàng của Chúa không chỉ là một rạp hát lớn ; mà là một phòng ăn. Trong một rạp hát, người ta không chú ý đến những người ngồi bên cạnh mình, và những ghế trống không làm ai khó chịu. Vì những người có mặt tại đó không phải thuộc cùng một đoàn thể, và nói chuyện tại đó, là điều không chấp nhận được. Trái lại, tại bàn ăn, người ta đưa mắt nhìn nhau, người ta trao đổi những câu hỏi và lời bông đùa. niềm vui của mỗi người là chung cho cả mọi người, và niềm vui chung của mọi người là của mỗi người. Thiên đàng của Chúa là một nơi tiếp đón niềm nỡ ân cần ; thiên đàng là một lễ hội. Mặc kệ cho chúng ta, nếu chúng ta không đặt được mầu nhiệm về sự đơn sơ của Thiên Chúa thành những công thức triết học. Lý trí không bao giờ hiểu rõ lễ hội là gì. Nó diễn đạt các lễ hội bằng những nghi thức chỉnh tề, nhưng cách diễn đạt này đã để niềm vui ra bên ngoài, mà niềm vui lại là linh hồn của lễ hội. Con thích nét thi thơ trong lời của Chúa ; con thích cái bàn mà Ðức Nữ Trinh ngồi với con, và con thấy lại thánh Phêrô già nua, và thánh Phanxicô Assisi còn giữ được nét tươi cười của ngài ; cái bàn mà đôi mắt nhân từ của Chúa đã quy tụ tất cả các bạn hữu của Chúa, và là nơi mà mỏi mệt và chán ngán không đến gieo bóng tối của nó : sabbati sine vespera (những ngày sabát không biết chiều hôm).

Loài người đã cảm trước được mầu nhiệm của bữa tiệc. Ðược ngồi chung với nhau tại bàn ăn, đối với họ, luôn có ý nghĩa một thứ giao ước nhiệm mầu ; và những người được mời dự không còn có thể xem mình như là những khách lạ. Con mong muốn cái bàn, đối với suy tư lông bông của con, không còn làm con sao nhãng, nhưng nhắc cho con nhớ lời Chúa hứa. Những kitô hữu như chúng con, thường cầu nguyện chung với nhau trước khi ngồi vào bàn... Bàn, một phần nào, là một đồ vật dùng cho việc thờ phượng ; và con đã thấy trong ánh mắt của những người nghèo khó, những giọt nước mắt biết ơn và hân hoan, vì con đã sẵn sàng chấp nhận ngồi vào bàn của họ, và tự xem mình như một người trong gia đình của họ. Người ta trân trọng lẫn nhau mà mời và đáp lại lời mời của nhau. Bàn tiệc trên thiên quốc của Chúa, với tất cả thực khách chung quanh bàn, là niềm vinh dự của Chúa. Cả tạo thành này chỉ là sự chuẩn bị đầy công phu cho niềm vinh dự ấy. Và đối với những kẻ được tuyển chọn, niềm vinh dự muôn đời của họ là được mời vào bàn tiệc của Con Chiên (ad regias agni dapes) ; và để biết rằng khi được vào nhà Chúa ở muôn đời, thì họ mới thật sự là ở chính nhà họ.

Từ Cana, rồi từ nhà Simôn người phong cùi, rồi từ Bêthania, và rồi từ phòng Tiệc ly cho đến nhà trọ tại Emmau, Chúa đã gia tăng những dấu hiệu, và tất cả những nơi ấy báo cho con biết, cái bàn không gì khác hơn là biểu tượng về Thiên Ðàng.

 

La Prière de toutes les choses (trang 72-76)

Cầu nguyện từ mọi sự vật

Pierre Charles, sj

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà