Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran

Ngày 9 tháng 11

Vào tiền bán thế kỷ thứ IV, sau khi gia nhập Giáo hội Công giáo, hoàng đế Constantin đã xây dựng một Đại Thánh Đường để tặng Giáo hội. Ngôi Đại Thánh Đường này được Đức Giáo Hoàng Silvester I cung hiến vào ngày mồng 09 tháng 11 năm 324, trước tiên dành để tôn kính Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ - Salvator. Sau đó, ngôi Đại Thánh Đường này được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Gio-an Tẩy Giả. Vì thế, ngày nay ngôi Đại Thánh Đường này được gọi là Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran. Ngay từ khi được Cung Hiến, Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran đã trở thành Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Phận Rô-ma.

Ngày nay, cùng với ba Đại Vương Cung Thánh Đường khác, gồm Đền Thờ Thánh Phê-rô tại Vatican, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành, và Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran được xếp vào trong số 4 Đại Vương Cung Thánh Đường của Rô-ma trực thuộc Đức Giáo Hoàng. Trước đây, tại Bàn Thờ trong Vương Cung thánh Đường này, nơi được dành riêng để các Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ, có đặt hai hộp sọ của Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ. Tuy nhiên, vào năm 1370, Đức Thánh Cha Urban V đã chuyển hai hộp sọ trên vào Bàn Thờ Chính của Vương Cung Thánh Đường, dưới một Ciborium (lọng che) do chính Ngài kiến thiết. Theo tương truyền, trong Đại Vương Cung Thánh Đường này có một bức I-côn Đấng Cứu Chuộc không phải do bàn tay con người tạo ra. Các Đức Thánh Cha thường đeo trên người bức I-côn này mỗi khi chủ sự các đoàn rước. Vào năm 1870, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã cử hành một Thánh Lễ tại đây với tư cách là vị Hoàng Đế cuối cùng của Nhà Nước Giáo Hội cũ, trước khi Nhà Nước này bị chiếm đóng và bị sáp nhập vào nước Ý.

Vào năm 312, sau khi chiến thắng người anh rể và cũng là đối thủ của mình, tức Maxentius, hoàng đế Constantin đã ra lệnh kiến thiết một Ngôi Đại Thánh Đường tại đồi Lateran để tặng Giáo hội Công giáo. Ông cũng ra lệnh xây dựng một Giếng Rửa Tội ngay ở đó. Với việc xây dựng này, ông cũng đã thành công trong việc dẹp bỏ đài tưởng niệm của Maxentius đã được xây ở đó từ trước. Cùng lúc, bà Fausta, vợ của Constantin và là em gái của Maxentius, đã dâng cho Đức Giám Mục Miltiades chính ngôi nhà của bà cùng với khu đất chung quanh ngôi nhà y tại Lateran, để Ngài tổ chức các Công Đồng. Kể từ đó, trụ sở chính của Đức Giám Mục Rô-ma được chuyển về đó, và được gọi theo tên của những người chủ s hữu nguyên thủy là Gia Đình Laterani. Cung điện của gia đình này đã bị hoàng đế Nê-rô tịch thu vào năm 65, vì toàn bộ gia đình đã trở lại Ki-tô giáo.

Vương Cung Thánh Đường Lateran là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của Ki-tô giáo trong hình thức một Thánh Đường với năm hàng cột chạy dài, cánh ngang và một điểm cận viễn nhật. được kiến thiết như thế nhằm mục đích biến Ki-tô giáo thành trung tâm của thành phố Rô-ma, trong khi trước đó, Ki-tô giáo chỉ hiện diện một cách chính thức và rõ rệt tại vùng ngoại ô của thành phố này, vì mộ của hai vị Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô nằm rất xa bên ngoài thành phố.

Cho tới năm 1309, tức cho tới bắt đầu cuộc lưu vong tại Avignon, Pháp, các Đức Giáo Hoàng vẫn đóng đô tại dinh thự Lateran. Vào năm 1377, sau khi Đức Giáo Hoàng trở về từ cuộc lưu vong tại Avignon, dinh thự Lateran đã rơi vào tình trạng rất tồi tệ, vì thế, Vatican đã trở thành trụ sở chính của các Đức Giáo Hoàng. Vào năm 1586, dinh thự Lateran được tái thiết để làm nơi nghỉ hè của các Đức Giáo Hoàng. Năm Công Đồng chung của Giáo hội Công giáo đã diễn ra tại dinh thự Lateran, Rô-ma. Cả năm Công Đồng này đều được gọi là Công Đồng Lateran, nhưng theo thứ tự từ I tới V. Vào năm 1929, Hiệp Ước Lateran đã được ký kết giữa nhà nước Ý do Mussolinis đứng đầu, với Tòa Thánh Vatican. Hiệp ước này đã bảo đảm tính đặc quyền về ngoại giao cho Lateran, Vatican và dinh thực mùa hè Castel Gandolfo của các Đức Giáo Hoàng. Ngày nay, Vương Cung Thánh Đường Lateran vẫn là nhà thờ chính tòa của các Đức Giáo Hoàng. Tại đây, các Đức Thánh Cha sẽ thực thi chức năng của mình với tính cách là Giám mục của Giáo phận Rô-ma. Các Đức Thánh Cha vẫn luôn cử hành Phụng Vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Vương Cung Thánh Đường này.

Giáo hội Công giáo ban ơn Đại Xá cho bất cứ tín hữu nào đến viếng một trong bốn Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng tại Rô-ma. Nhưng, để lãnh nhận ơn Đại Xá này, ngoài những điều kiện thông thường như xưng tội, rước lễ, đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, còn phải có điều kiện sau đây:

Cuộc viếng nhà thờ phải diễn ra:

1.Vào ngày Đại Lễ mừng tước hiệu của Vương Cung Thánh Đường tương ứng;

2.Vào bất cứ Đại Lễ nào của Giáo hội;

3.Và thêm một lần trong năm, vào bất cứ ngày nào.

Giáo hội Công giáo cử hành Lễ Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran với bậc Lễ Kính, tức Lễ bậc II.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 

 


Hạnh Các Thánh