Thánh Mechthilđê, Nữ Đan Sĩ

Thánh Mechthilđê Nữ Đan Sĩ hay còn gọi là Thánh Mechthilđê Hackeborn, sinh năm 1241 (có tài liệu nói năm 1242) trong một lâu đài tại Halberstadt, Thüringen, Đức Quốc. Vì là người Đức, nên Thánh Nữ có tên theo tiếng Đức là Mechthild von Hakeborn. Tên gọi Mechthild của Thánh Nữ có nghĩa là Nữ Chiến Binh Đầy Sức Mạnh. Vào năm lên bảy tuổi, Mechthilđê đã theo mẹ mình đến thăm người chị ruột của cô là Thánh Nữ Giéc-tru-đê lúc ấy đang là một Nữ Đan Sĩ trong Nữ Đan Viện Xi-tô tại Rodersdorf.

Khi đến Đan Viện nêu trên, Mechthilđê đã bị lôi cuốn bởi bầu khí Đan Tu tại đó, nên đã thầm ước ao trở thành thành viên của Đan Viện này. Nhưng trước tiên, cô còn phải tới trường. Và rồi, cô được đào tạo ngay trong trường học của Nữ Đan Viện Rodersdorf. Sau đó, vào năm 1258, khi đã hoàn tất các chương trình học vấn, và sau khi đã trải qua các thời kỳ huấn luyện tại Thỉnh Viện và Tập Viện, Mechthilđê đã được khấn Dòng và chính thức trở thành Nữ Đan Sĩ. Lúc Sơ Mechthilđê trở thành Đan Sĩ cũng là lúc Đan Viện của Sơ được chuyển từ Rodersdorf tới Helfta, cụ thể là tới trang trại của gia đình Sơ tại Hackeborn. Sơ nổi bật lên nhờ vào sự khiêm nhượng, lòng nhiệt thành, sự đáng mến, sự thuần khiết, sự trinh trong, cũng như nhờ vào sự thân mật và chiều sâu, mà với  chúng Sơ đã sống mối tương quan với Thiên Chúa, với Đức Trinh Nữ Maria và với các Thánh. Sơ được trang bị với những phẩm chất cả về tự nhiên lẫn tinh thần: “Sự hiểu biết, trí thông minh, kiến thức về ngôn ngữ và văn chương, một giọng nói tuyệt vời trìu mến: trong số tất cả những điều kiện tiên quyết, sơ đã có thể trở thành kho tàng đích thực của Đan Viện trong bất cứ mối liên hệ nào” (Mechthild von Hackeborn, Liber specialis gratiae – Sách về hồng ân thiêng liêng -, Lời mở). Và vì thế “Họa Mi của Thiên Chúa” – như Sơ được gọi – đã đồng lúc trở thành hiệu trưởng của trường học do Đan Viện Sơ quản trị, Ca Trưởng và Giáo tập khi Sơ còn rất trẻ. Sơ đã thực hiện những sứ vụ đó với tài năng to lớn và với lòng nhiệt thành không biết mệt mỏi, không chỉ vì niềm hạnh phúc của các Nữ Đan Sĩ, nhưng còn vì niềm hạnh phúc của tất cả những người muốn đến kín múc sự khôn ngoan và sự tốt lành từ Sơ.

Được chiếu sáng bởi ơn thần bí của Thiên Chúa, Thánh Mechtilđê đã biên soạn vô vàn những lời kinh và lời nguyện. Thánh Nữ là một Nữ Giáo Viên luôn trung thành với Giáo Huấn của Giáo hội qua sự khiêm nhượng thẳm sâu. Thánh Nữ là một chuyên viên tư vấn, là một người ủi an, và là người giúp đưa ra những quyết định. Về Thánh Nữ, người ta có thể đọc được những lời sau đây: “Thánh Nữ phân phối những lời chỉ dậy trong sự viên mãn mà có thể nói được rằng, người ta chưa bao giờ thấy điều đó trong Đan Viện, và thật tiếc – chúng ta sợ thế - cũng sẽ không bao giờ được thấy nữa. Các Nữ Tu đã quây quần lại chung quanh Thánh Nữ, để lắng nghe Lời Chúa, như xúm lại chung quanh một vị giảng thuyết. Thánh Nữ trở thành nơi nương tựa cũng như là niềm an ủi đối với tất cả, và nhờ ơn Thiên Chúa, Thánh Nữ thủ đắc một hồng ân đặc biệt trong việc giải thích một cách rõ ràng những điều bí nhiệm của một tâm hồn. Nhiều người – không chỉ trong Đan Viện, nhưng còn cả những Tu Sĩ và những Giáo dân khác, có cả những người đến từ rất xa – làm chứng rằng, vị Thánh Trinh Nữ này đã giải thoát họ khỏi những nỗi cùng khốn của họ, và họ không bao giờ cảm thấy có được một niềm an ủi ở bất cứ nơi nào khác giống như khi họ ở bên Thánh Nữ. Ngoài ra, Thánh Nữ còn biên soạn và dậy cho người khác biết rất nhiều lời Kinh. Người ta muốn tóm tắt tất cả những lời Kinh ấy khi nói rằng, chúng còn nhiều hơn cả cuốn Thánh Vịnh” (Liber specialis gratiae, VI,1).

Vào năm 1261, một cô bé mới lên năm tên là Giê-tru-đê bước vào Đan Viện của Thánh Nữ. Thánh Mechthilđê lúc đó chưa tròn 20 tuổi, đã được trao nhiệm vụ để trông nom cô bé ấy. Thánh Nữ đã giáo dục cũng như đã hướng dẫn cô bé ấy trong đời sống thiêng liêng, và sau cùng, không chỉ biến cô bé ấy thành một nữ sinh xuất chúng, nhưng Thánh Nữ còn làm cho cô ấy trở thành người tín cậy của mình nữa. Vào khoảng năm 1271, Mechthilđê Magdeburg cũng gia nhập Đan Viện. Và như thế, Nữ Đan Viện đã đón nhận bốn người phụ nữ tuyệt vời, hai vị mang tên là Giê-tru-đê và hai vị mang tên là Mechthilđê. Đây quả là một đại vinh dự cho đời sống Đan Tu tại Đức. Trong suốt cuộc đời mà Thánh Nữ đã trải qua nơi Đan Viện, Thánh Mechthilđê đã bị tấn công thường xuyên bởi những nỗi đau khổ to lớn. Nhưng Thánh Nữ đã bổ sung những nỗi đau khổ ấy vào với sự hy sinh hãm mình nghiêm khắc mà Thánh Nữ đã thực hiện nhằm cầu cho các tội nhân được ơn hoán cải. Với cách thức đó, Thánh Nữ đã tham dự vào nỗi khổ đau của Chúa Giê-su cho tới khi kết thúc cuộc đời (Liber specialis gratiae, VI,2).

Đời sống cầu nguyện và chiêm niệm chính là “môi trường” sống quan trọng đối với cuộc hiện sinh của Thánh Nữ: Những mạc khải, những Giáo huấn và sự phục vụ tha nhân cũng như con đường của Thánh Nữ trong Đức Tin và trong Đức Ái, tất cả đều có gốc rễ và môi trường sống của chúng ở đó. Trong cuốn đầu tiên của tác phẩm Liber specialis gratiae (Sách về hồng ân thiêng liêng), các nữ soạn giả đã tóm tắt lại điều mà Thánh Mechthilđê đã ủy thác cho họ, được sắp xếp theo các ngày Lễ kính Chúa, kính các Thánh và đặc biệt là kính Đức Trinh Nữ Maria. Khả năng của Thánh Mechthilđê trong việc sống những phần khác nhau của Phụng Vụ, ngay cả nơi những phần đơn giản nhất, và việc hiểu về Ngài trong đời sống Đan Viện thường ngày, thật là ấn tượng. Một số những hình ảnh, những cách diễn tả và những cách vận dụng mà Thánh Nữ đã sử dụng, có thể khá xa lạ đối với quan điểm của chúng ta, nhưng nếu người ta lưu tâm một cách nghiêm túc tới đời sống Đan Viện cũng như tới sứ mạng của Thánh Nữ với tư cách là Nữ Giáo Tập và Nữ Ca Trưởng, thì người ta sẽ ngay lập tức nhận ra tài năng có một không hai của Thánh Nữ với tư cách là một nhà Giáo dục, một nữ giáo viên, mà nhờ tài năng đó Thánh Nữ đã giúp những người chị em trong Đan Viện của mình chìm đắm trong đời sống Phụng Vụ thuộc bất cứ khoảnh khắc nào của đời sống Đan Viện.

Trong khi thực hành đời sống Phụng Vụ, Thánh Mechthilđê rất đề cao Kinh Nhật Tụng, kể cả việc cử hành các Thánh Lễ, và đặc biệt là việc Rước Lễ. Và khi thực hành đời sống Phụng Vụ, Thánh Nữ thường tỏ ra ngất ngây trong sự gần gũi thân mật với Thiên Chúa, trong con tim bừng cháy vày đầy ắp tình mến đối với Ngài, trong một cuộc đàm đạo tuyệt vời mà trong đó Thánh Nữ đã cầu xin cho được ơn soi sáng nội tâm cũng như dâng lên những lời nguyện giúp cầu thay đặc biệt cho cộng đoàn và cho những chị em của mình. Đứng ở nơi trung tâm điểm luôn là các mầu nhiệm về Chúa Ki-tô mà Đức Trinh Nữ Maria thường xuyên chỉ dẫn cho Thánh Nữ để Thánh Nữ bước đi trên con đường thánh thiện: “Nếu con ước ao nên thánh thực sự, thì con hãy lưu lại bên Con của Mẹ; chính Ngài là sự thánh thiện, mà sự thánh thiện ấy có khả năng thánh hóa tất cả” (Liber specialis gratiae, I,40). Toàn bộ thế giới, lẫn Giáo hội, cả những người tốt lẫn các tội nhân đều được bao hàm trong sự gần gũi thân mật nội tâm của Thánh Nữ đối với Thiên Chúa.

Các thị kiến, các Giáo huấn và những biến cố trong đời sống Thánh Nữ đều được mô tả bằng những cách diễn tả mà chúng có những âm hưởng trong Phụng Vụ và Kinh Thánh. Nhờ thế, người ta hiểu được kiến thức sâu xa của Thánh Nữ về Kinh Thánh, vì Kinh Thánh chính là lương thực hằng ngày của Thánh Nữ. Thánh Nữ thường xuyên liên hệ tới điều đó trong lúc Thánh Nữ đề cao những bản văn Kinh Thánh được đọc trong Phụng Vụ, và rút ra từ những bản văn ấy những biểu tượng, những thuật ngữ, những phong cảnh, những hình ảnh và những con người. Thánh Nữ yêu mến Tin Mừng cách đặc biệt: “Đối với Thánh Nữ, những lời trong Tin Mừng là một món ăn tuyệt vời, và khơi lên trong lòng Thánh Nữ những cảm xúc ngọt ngào, đến độ Thánh Nữ thường xuyên không thể dứt ra khỏi niềm say mê trước việc đọc Tin Mừng… Thánh Nữ đã đọc những lời này một cách hết lòng hết dạ, đến độ trong tất cả mọi giờ chầu, Thánh Nữ đều đọc hết. Ngay cả trong lúc hát kinh tại Ca Tòa, Thánh Nữ cũng hoàn toàn chìm đắm trong Thiên Chúa, và bị xâm chiếm hoàn toàn bởi sự tận hiến đó, đến mức đôi khi Thánh Nữ đã diễn tả những cảm xúc của mình qua các cử chỉ và hành động… Rất nhiều lần trong các giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh Nữ trở nên ngất ngây đến nỗi Thánh Nữ đã không nhận ra được việc người ta gọi hay đụng tới Thánh Nữ, và người ta phải đụng rất mạnh vào Thánh Nữ thì Thánh Nữ mới lấy lại được sự nhận thức đối với thế giới bên ngoài” (Liber specialis gratiae, VI,1). Trong một thị kiến, chính Chúa Giê-su đã khuyên Thánh Nữ hãy đọc Tin Mừng; Ngài mở vết thương nơi Thánh Tâm đầy yêu thương của Ngài ra và nói với Thánh Nữ: “Con thử nghĩ xem, Tình Yêu của Ta lớn lao biết chừng nào: nếu con muốn học biết Tình Yêu ấy, con sẽ không thấy nó được diễn tả ở bất cứ nơi đâu khác tốt cho bằng trong Tin Mừng. Không có bất cứ nơi nào có thể nghe thấy được những lời mạnh mẽ và đầy tình mến cho bằng những lời này: ´Như Chúa Cha đã yêu thương Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu thương anh em như thế`(Ga 15,9)” (Liber specialis gratiae, I,22).

Những kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Mechthilđê Hackeborn có gốc rễ từ những giờ nguyện cầu mang tính cá nhân cũng như Phụng Vụ, đặc biệt là từ các giờ Kinh Nhật Tụng và Thánh Lễ. Trong khi Thánh Nữ để cho mình được dẫn dắt bởi Lời Chúa và bởi Bí Tích Thánh Thể, Thánh Nữ đã đi trên con đường hiệp nhất nội tâm với Thiên Chúa, luôn luôn trong sự trung tín hoàn toàn với Giáo hội. Đó cũng là một lời mời gọi tha thiết dành cho chúng ta để đào sâu thêm tình bằng hữu đối với Thiên Chúa, đặc biệt là qua kinh nguyện hằng ngày và qua sự tham dự Thánh Lễ cách chu đáo, trung tín và sống động.

Phụng Vụ chính là ngôi trường lớn về đời sống thiêng liêng. Điều này được thể hiện qua sự mô tả đầy ấn tượng của Thánh Giê-tru-đê – Nữ môn đệ của Thánh Mechthilđê  - về những khoảnh khắc sau cùng trong đời sống của Thánh Nữ. Thánh Nữ rất khắt khe, nhưng được soi sáng bởi sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, bởi chính Chúa Giê-su, bởi Đức Trinh Nữ Maria, bởi tất cả các Thánh, và bởi người chị ruột là Thánh Giê-tru-đê Viện Mẫu. Khi đến giờ Thiên Chúa muốn đón Thánh Nữ về với mình, Thánh Nữ đã xin Ngài cho phép được tiếp tục sống trong sự đau khổ vì ơn cứu độ của các Linh hồn, và Chúa Giê-su đã tỏ ra rất vui vì dấu chỉ cuối cùng này của đức mến.

Thánh Mechthilđê đã qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 1299, lúc 58 tuổi đời. Giai đoạn cuối cùng trên con đường của Thánh Nữ được đánh dấu bởi tám năm mang trọng bệnh. Các tác phẩm và danh thơm thánh thiện của Thánh Nữ đã nhanh chóng được phổ biến khắp nơi. Khi giờ của Thánh Nữ đến, “Thiên Chúa quyền năng, Đấng là niềm an ủi duy nhất đối với tâm hồn yêu mến Ngài, đã nói với Thánh Nữ rằng: ›Venite vos, benedicti Patris mei… Hỡi kẻ được Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Nước Trời`, và đón Thánh Nữ vào trong vinh quang của Ngài” (Liber specialis gratiae, VI,8).

Thánh Mechthilđê đã trao phó chúng ta cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su cũng như cho Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Nữ mời gọi chúng ta hãy ngợi khen Chúa Con thông qua con tim của Đức Mẹ, và ngợi khen Đức Maria thông qua trái tim của Chúa Con: “Con xin kính chào Chúa Giê-su và Mẹ, ôi lạy Đức Trinh Nữ đáng kính, trong hạt sương mai lan rộng từ con tim của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sang Chúa và Mẹ; con xin kính chào Chúa Giê-su và Mẹ trong vinh quang và trong niềm vui, mà giờ đây Mẹ và Chúa Giê-su đang sống sự vĩnh cửu tại đó. Chúa Giê-su và Mẹ đã được tuyển chọn trước muôn vàn các thụ tạo khác, của cả trái đất lẫn Thiên Đàng, trước cả khi tạo dựng thế giới! Amen” (Liber specialis gratiae, I,45).

Không lâu sau khi qua đời, Thánh Mechthilđê  đã được tôn kính với tư cách là một vị Thánh. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói về vụ án Phong Thánh của Thánh Mechthilđê Hackeborn, nên không biết Thánh Nữ được chính thức phong Thánh vào ngày tháng năm nào. Dẫu vậy, danh tính của Thánh Nữ đã được ghi trong Martyrologium Romanum, tức Danh Mục các Thánh của Giáo hội Rô-ma. Vào ngày 29 tháng 09 năm 1010, qua Bài Giáo Lý nhân buổi tiếp kiến chung vào mỗi sáng thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã trình bày cách đặc biệt về Thánh Nữ Mechthilđê Hackeborn. Bài viết này được trình bày dựa trên bài Giáo Lý vừa nêu của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI. Giáo hội Công giáo kính nhớ Thánh Nữ Mechthilđê Hackeborn vào ngày 19 tháng 11, tức ngày qua đời của Thánh Nữ, với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc VI.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh