Ngày 26 tháng 05

 

Thánh Phi-líp-phê Nê-ri Linh mục

 

Thánh Phi-líp-phê Nê-ri sinh ngày 21 tháng 07 năm 1515 tại Firenze, Toscana, Italia, và qua đời ngày 26 tháng 05 năm 1595 tại Rô-ma . Tên đầy đủ của Ngài theo tiếng Ý là Filippo Romolo Neri. Ngài là một nhân vật lỗi lạc trong phong trào cải tổ tại Rô-ma thế kỷ XVI. Đôi khi người ta gọi Ngài với tước hiệu danh dự là „Tông Đồ Thành Rô-ma“. Ngài đã sáng lập ra Dòng Ô-ra-toa, và được các tín hữu hết lòng sùng mộ.

 

1.Thời thanh thiếu niên:

 

Như đã nói trên, Thánh Phi-líp-phê Nê-ri sinh ngày 21 tháng 07 năm 1515 tại Firenze, Toscana, Italia. Cha Ngài là ông Notar Francesco Neri, và mẹ Ngài là bà Lucrezia Soldi. Ngay từ khi còn tấm bé, Ngài đã tỏ ra hết sức cảm phục đời sống của các Tu Sĩ Dòng Đa-minh tại Firenze. Và vì thế, tinh thần Đa-minh đã ảnh hưởng rất sâu đậm nơi Ngài. Và cũng vì thế, hầu như trong suốt cuộc mình, không lúc nào Ngài quên thể hiện niềm biết ơn đối với Dòng Đa-minh.

 

Khi lên 16 tuổi, Phi-líp-phê được gửi tới sống với một người anh họ của cha mình. Ông này có tên là Romolo Neri, một thương gia giầu có tại San Germano, nhưng không có con. Trước khi qua đời, vị thương gia này muốn để hết gia tài của mình lại cho Phi-líp-phê, nhưng anh đã từ chối.

 

Rời bỏ San Germano, Phi-líp-phê trẩy đi Rô-ma. Tại đó, anh trở thành gia sư trong gia đình của một người đồng hương Firenze với mình, tên là Galeotto Caccia. Và cũng tại đó, anh đã đến học tại trường của Dòng Thánh Augustinô, rồi bắt đầu những hoạt động tông đồ của mình giữa những người nghèo, các bệnh nhân, các tù nhân và những khách hành hương lâm cảnh túng quẫn. Mỗi khi đi ngang qua một nhà thờ nào, thì anh thường lưu lại đó rất lâu. Và hằng đêm, anh thường đến cầu nguyện tại các hầm mộ của nhà thờ San Sebastiano.

 

2.Thành lập Dòng Ô-ra-toa:

 

Sau khi mãn khóa học tại trường của Dòng Thánh Augustinô, Phi-lip-phê đã ghi danh để theo học tại một trong những trường đại học ở Rô-ma. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh túng quẫn của nhiều khách hành hương tới Rô-ma không nơi trú ngụ cũng như không được ai bảo vệ, Phi-líp-phê đã quyết định dừng việc học để dấn thân cho việc chăm lo những người nghèo và các bệnh nhân. Chính vì thế, vào năm 1548, anh đã thành lập nên một nhóm, và đặt tên cho nhóm ấy là Tổng Huynh Đoàn Ba Ngôi Rất Thánh chuyên phục vụ các Anh Chị Em Lữ Hành và Đau Yếu Bệnh Tật (Ss. Trinità dei Pellegrini e Convalescenti). Sau đó không lâu, Thầy Phi-lip-phê đã cho xây dựng một tòa nhà để chuyên đón tiếp những người lỡ đường cũng như những người không nơi trú ngụ, mà trong tiếng Việt, đôi khi người ta gọi đó là nhà Tế Bần. Thầy Phi-líp-phê đặt tên cho ngôi nhà của mình là Nhà Tế Bần Santissima Trinità dei Pellegrini. Bất cứ người lữ hành nào đến đó cũng đều có nơi trú ngụ và được phục vụ với tư cách là „những vị khách của Thiên Chúa“.

 

Vào năm 1551, theo lời khuyên của Cha Giải Tội, Thầy Phi-líp-phê đã lãnh nhận tác vụ Linh mục trong Huynh Đoàn San Girolamo della Carità. Sau khi lãnh nhận Thánh Chức Linh-mục, Cha Phi-líp-phê rất muốn được đi đến Ấn-độ để hoạt động truyền giáo, nhưng vì nghe theo lời khuyên của Cha Giải Tội, nên Cha vẫn tiếp tục lưu lại tại Rô-ma. Cha Giải Tội đã nói với Cha Phi-líp-phê thế này: „Ấn-độ của Cha chính là Rô-ma“.

 

Ngày nào cũng thế, Cha Phi-líp-phê thường dành gần như cả ngày để chăm sóc những người nghèo và các bệnh nhân, nhưng khi chiều đến, Ngài thường trở về với các anh em trong Huynh Đoàn, và thường gặp gỡ họ trong một căn phòng nhỏ. Rồi sau khi gặp gỡ anh em xong, Ngài luôn đi sang một căn phòng lớn hơn nằm ngay bên cạnh căn phòng vẫn thường được dùng để gặp gỡ anh em nói trên, và lưu lại đó để cầu nguyện, để hát Thánh Vịnh, đọc Kinh Thánh cũng như đọc các bản văn của các Giáo Phụ và của các Thánh. Căn phòng đó được Ngài đặt tên là Oratorium, tức „Phòng Cầu Nguyện“, giống như một nguyện đường. Và đó cũng là tên gọi sau này của Dòng do Ngài sáng lập, tức Dòng Ô-ra-toa. Sau khi kết thúc các giờ Kinh Nguyện và trước khi đi ngủ, Cha Phi-líp-phê thường dành thời gian đó để gặp gỡ riêng từng anh em một.

 

Vào năm 1564, do đề nghị của dân chúng thành Firenze, cũng như do yêu cầu của Đức Thánh Cha Pi-ô IV, Cha Phi-líp-phê đã nhận đảm trách một nhà thờ vừa mới được xây dựng nhưng mang tầm cỡ quốc gia, đó là nhà thờ San Giovanni dei Fiorentini. Nhà thờ này nằm ngay trên bờ sông Tiber, đối diện với thành phố Vatican. Mặc dù đảm trách ngôi Thánh Đường nói trên, nhưng Cha Phi-líp-phê vẫn tiếp tục tiến hành các buổi gặp gỡ với các anh em trong Dòng Ô-ra-toa của mình. Ngài khuyến khích Thầy Cesare Baronio, người thuộc nhóm Tu sĩ Ô-ra-toa tiên khởi, và sau này đã trở thành một Hồng Y, nghiên cứu về lịch sử Ki-tô giáo để trình bày cho anh em trong Dòng vào các buổi gặp gỡ ban chiều. Chính vì được khuyến khích để nghiên cứu lịch sử như thế, nên Đức Hồng Y Cesare Baronio đã trở thành người đầu tiên biên soạn cuốn Lịch Sử Giáo Hội dưới tiêu đề Annales. Trong số các môn đệ đầu tiên của Cha Phi-líp-phê còn có một loạt những nhân vật xuất chúng khác, chẳng hạn như Hồng Y Francesco Maria Tarugi, Tổng Giám Mục của Avignon, Hồng Y Paravicini, sử gia Gallonius, sử gia Ancina và sử gia Bordoni.

 

Cha Phi-líp-phê đã cho hồi phục một truyền thống mà theo đó, hằng năm, người ta sẽ dành ra một ngày để đến viếng 7 ngôi Thánh Đường liên tiếp tại Rô-ma. Lúc đó, tất cả 7 ngôi Thánh Đường Hành Hương ấy đều đã được giao cho các Tu sĩ Dòng Ô-ra-toa phụ trách. Sau này, những cuộc Hành Hương như thế đã được tổ chức rất quy mô với cả hàng trăm người tham dự cho mỗi lần.

 

Vì sự phát triển nhanh chóng của Dòng Ô-ra-toa, nên vào năm 1574, dân chúng thành Firenze đã xây cho Dòng này một Oratorium (nguyện đường) mới, nằm sát ngay bên cạnh nhà thờ San Giovanni. Kể từ đó, các cuộc gặp gỡ anh em trong Dòng vào mỗi buổi chiều đã được chuyển sang Oratorium mới ấy. Vì Oratorium vừa được sử dụng để làm phòng gặp gỡ, làm phòng họp, và cũng được sử dụng để làm Nhà Nguyện cho số người ngày càng tăng, nên Dòng Ô-ra-toa cần tới một nhà thờ riêng biệt, cũng như cần tới những phòng ốc rộng rãi hơn. Vì thế, Tòa Thánh đã trao cho Dòng mới một khu đất trong đó có một ngôi Thánh Đường nhỏ, vốn là nhà thờ xứ của Giáo xứ Santa Maria, thuộc quận Vallicella, trung tâm Rô-ma, để xây trụ sở chính. Các Tu sĩ Ô-ra-toa đã rỡ bỏ ngôi Thánh Đường cũ đó để xây lên một ngôi Thánh Đường mới lớn hơn, và cũng xây dựng luôn các tòa nhà khác cho Dòng. Vào ngày 15 tháng 07 năm 1575, Dòng Ô-ra-toa chính thức được thành lập qua một Tông Sắc của Tòa Thánh. Vào năm 1577, ngôi Thánh Đường mới của Dòng Ô-ra-toa được cung hiến. Kể từ đó, ngôi Thánh Đường này cũng được gọi tắt là Chiesa nuova, tức „Nhà thờ mới“. Tuy nhiên, mãi tới năm 1583, theo yêu cầu dứt khoát của Đức Giáo Hoàng, Cha Phi-líp-phê, với tư cách là Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Ô-ra-toa, mới chịu chuyển nơi làm việc cũ từ San Girolamo sang nơi làm việc mới.

 

Cha Phi-líp-phê rất coi trọng những giai điệu dân ca đơn âm. Với sự giúp đỡ của Cha Giải Tội Giovanni Pierluigi da Palestrina cũng như của những người khác, Ngài đã áp dụng loại nhạc đó cho Dòng Ô-ra-toa của mình, nhưng nâng chúng lên một bậc cao hơn, và bổ sung thêm phần đối âm để chúng có tính phức điệu. Dòng nhạc Ô-ra-toa đã ra đời trong bối cảnh như thế.

 

3.Những hoạt động khác của Cha Phi-líp-phê:

 

Vào năm 1593, Đức Thánh Cha Clê-men VIII đã bãi bỏ án vạ tuyệt thông cho hoàng đế Hen-ri-cô IV của Pháp. Cha Phi-líp-phê đã nói với Cha Baronius - môn đệ của chính Ngài và cũng đang là Cha Giải Tội của Đức Giáo Hoàng - rằng, hãy khuyên Đức Thánh Cha thay đổi quyết định, bằng không thì đừng giải tội cho Ngài nữa.

 

Có vô vàn những giai thoại hóm hỉnh và thậm chí còn rất kỳ quặc bao quanh cuộc đời của Thánh Phi-líp-phê Nê-ri. Sau khi Ngài qua đời, người ta đã tổ chức khám nghiệm tử thi của Ngài, và phát hiện ra rằng, Ngài có một quả tim quá khổ, cũng như có hai chiếc xương sườn bị gẫy. Điều này khiến các môn đệ của Ngài nhớ lại một kinh nghiệm thần bí mà Thánh Phi-líp-phê đã từng trải qua khi Ngài cầu nguyện trong hầm mộ San Sebastiano vào ngày Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1544.

 

Dựa vào bản tiểu sử của Thánh Phi-líp-phê Nê-ri, Hildebrand Troll đã viết rằng: „Khi Thánh Phi-líp-phê Nê-ri đắm mình trong cầu nguyện tại các hầm mộ trong nguyện đường Thánh Sebastiano ở Rô-ma, Ngài cảm thấy mình bị xâm chiếm cách mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào hết bởi Tình Yêu Thiên Chúa. Ngài tin rằng mình đã thấy một vật gì đó giống như một quả cầu lửa rực cháy từ trên trời đáp xuống trên đầu Ngài, và đã xâm chiếm toàn bộ tâm trí Ngài. Sau một hồi ngất ngây, Ngài nhận ra rằng, lồng ngực của mình đã bị phình to lên, con tim nở ra, và những chiếc xương sườn cũng giãn ra. Kể từ đó, bất cứ mọi suy nghĩ nào liên quan tới đời sống thiêng liêng, hay bất cứ lần nào nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, thì chúng cũng đều gắn liền với nhịp tim của Ngài. Và nhịp tim ấy đập mạnh đến độ mọi người đứng xung quanh đều có thể nhận ra. Rất nhiều người sống cùng thời với Ngài đã làm chứng điều ấy. Kết quả cuộc khám nghiệm tử thi sau khi Thánh Nhân qua đời cũng xác nhận và củng cố sự đáng tin của những lời chứng ấy.“

 

Người ta kể rằng, ngay khi còn sinh thời, Thánh Phi-líp-phê Nê-ri đã thực hiện vô vàn những phép lạ. Vào năm 1583, Cha Phi-líp-phê đã đưa ra sáng kiến thành lập một Chủng Viện cho các Chủng Sinh người Ba-lan. Ngày nay, Chủng Viện đó đã phát triển thành một Học Viện Giáo Hoàng dành cho người Ba-lan tại Rô-ma

 

4.Những tiên đoán về các Đức Giáo Hoàng:

 

Hildebrand Troll viết rằng, Thánh Phi-líp-phê Nê-ri đã đoán biết được hầu hết mọi kết quả của các cuộc bầu Giáo Hoàng, tức các cuộc họp của mật viện Hồng Y trong thời của Ngài. Hildebrand Troll cũng đã trích dẫn Antonio Gallonio – người viết tiểu sử sớm nhất về Thánh Phi-líp-phê Nê-ri – như sau: „Illud de beato Patre hic mirabile adjiciam, ... quod Romana Sede Pastore orbata, semper ferme, nunc dormiens, nunc vigilans, nomen illius, qui in Summum Pontificem eligendus erat, maxima voce pronuntiari audiebat: quam rem paucis admodum viris aperire consueverat – Tôi muốn bổ sung thêm một điều gây kinh ngạc sau đây về Cha Thánh: Hầu như luôn luôn, bất cứ khi nào ngai tòa Giáo Hoàng bị khuyết ngôi, thì Ngài cũng đều nghe thấy, kể cả trong lúc ngủ, lẫn trong lúc đã thức dậy, một giọng nói rất lớn, nói cho ngài biết danh tánh của vị sắp được bầu làm Giáo Hoàng; Ngài có thói quen chỉ nói điều đó ra cho rất ít người biết mà thôi“ (Acta Sanctorum, Tháng 05, cuốn VI, trang 507).

 

Hildebrand Troll cũng trích dẫn từ cuốn tiểu sử Thánh Phi-líp-phê Neri do Girolamo Branabei biên soạn, với những lời như sau: „Philippus futurorum pontificum electiones ferme omnes divinitus praevidebat – Thánh Phi-líp-phê đã thấy trước hầu như tất cả mọi cuộc bầu chọn Giáo Hoàng trong tương lai nhờ vào ơn linh hứng của Thiên Chúa“ (Acta Sanctorum, trang 599). Troll cho biết rằng, cuốn tiểu sử ấy cũng cho thấy Thánh Phi-líp-phê Nê-ri đã rất cẩn trọng trong việc tiết lộ cho người khác biết tên của vị Hồng Y sẽ được Mật Viện bầu làm Giáo Hoàng. Đôi khi, Thánh Nhân còn biết trước được cả ngày lẫn giờ một vị Hồng Y nào đó sẽ được bầu làm Giáo Hoàng. Và Troll còn lưu ý thêm rằng, những sự kiện vừa nêu cũng được nhắc tới trong suốt quá trình tiến hành vụ án phong Thánh cho Ngài (xc. Acta Sanctorum, trang 599).

 

Sau một cuộc đời được dành trọn cho việc phụng sự Thiên Chúa cũng như cho việc phục vụ những người nghèo và các bệnh nhân, Cha Phi-líp-phê Nê-ri đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 26 tháng 05 năm 1595 tại trụ sở chính của Dòng Ô-ra-toa ở Rô-ma.

 

5.Việc tôn kính:

 

Vào năm 1600, tức chỉ 5 năm sau ngày qua đời của mình, Cha Phi-líp-phê Nê-ri đã được Đức Thánh Cha Phao-lô V tôn phong lên bậc Chân Phúc. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng, mãi tới ngày 11 tháng 05 năm 1615, Ngài mới được phong Chân Phúc. Bảy năm sau, cụ thể là vào ngày 12 tháng 03 năm 1622, cùng với Chân Phúc Ignatio Loyola, Phan-xi-cô Xavie, Tê-rê-sa Avila và Isidor de Madrid, Chân Phúc Phi-líp-phê Nê-ri đã được Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô XV tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

 

Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Phi-líp-phê Nê-ri Linh mục vào ngày 26 tháng 05, tức ngày qua đời của Ngài, với bậc Lễ nhớ buộc, cụ thể là Lễ bậc III.

 

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

 


Hạnh Các Thánh