SINH NHẬT THÁNH
GIOAN TẨY GIẢ
Is 49,1-6 ; Cv
13,22-26 ; Lc 1,57-66.80
SỨ MỆNH TIỀN SỨ
ĐỨC KI-TÔ
I.
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN
MỪNG: Lc 1,57-66.80
- C 57-58: Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét
sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng
giềng và thân thích đều chia vui với bà.
- C 59-60: Khi con trẻ được tám ngày, họ
đến làm phép Cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho
em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.
- C 61-63: Họ bảo bà: “Trong họ hàng của
bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. Rồi họ làm hiệu hỏi người cha,
xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì? Ông xin một tấm bảng nhỏ và
viết: “Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ.
- C 64-66: Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông
lại mở ra. Ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy
đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai
nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế
nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
- C 80: Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần
càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân
Ít-ra-en.
2. Ý
CHÍNH:
Bài Tin
mừng hôm nay tập trung vào lễ nghi Cắt bì và Đặt tên con trẻ Gioan.
Khi được chứng kiến những sự lạ lùng, nhất là sự kiện Da-ca-ri-a
được khỏi bệnh câm, mọi người đều bỡ ngỡ và thắc mắc về sứ mệnh
của em nhỏ sau này. Về sau Gio-an đã vào sống trong hoang địa cho đến
khi ra vùng sông Gio-đan thi hành sứ mệnh tiền sứ: giúp dân Ít-ra-en
chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su.
3. CHÚ
THÍCH:
+ Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm
phép Cắt bì: Cắt bì là một nghi lễ có từ lâu đời trong đạo Do thái, do
lệnh Thiên Chúa truyền (x Gs 5,2). Đây còn là một dấu chỉ hữu hình
của Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do thái mà mọi bé trai đều phải
mang trên da thịt mình (x Xh 4,26). Tuy nhiên, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a lại cho
thấy cắt bì trong tâm hồn mới là điều quan trọng (x Gr 9,24; 4,4).
Cũng như Gio-an, Đức Giê-su cũng đã chịu nghi lễ Cắt bì và được đặt
tên là Giê-su (x Lc 2,21).
+ Về
sau, trong thời Giáo hội sơ khai: Theo đề nghị của thánh Phao-lô, để các
Ki-tô hữu gốc lương dân khỏi phải chịu đựng cái ách nặng nề của
Luật Mô-sê mà họ không chu tòan được (x Gal 6,12.15), thì Công đồng
Giê-ru-sa-lem đã quyết định: không buộc lương dân mới gia nhập đạo chịu
phép Cắt bì của đạo Do thái trước khi được lãnh bí tích Rửa tội (x
CVTĐ 15,5-6.10-11.28-29), mà chỉ đòi họ có một đức tin hành động nhờ
đức ái trong Chúa Ki-tô là đủ (x Gl 5,6).
4. CÂU HỎI: 1) Tại sao bà Ê-li-sa-bét không
đồng ý đặt tên cho con trẻ là Da-ca-ri-a mà là Gio-an? 2) Hãy cho biết
những sự lạ đã xảy ra trong nghi lễ Cắt bì và Đặt tên của Gio-an
Tẩy giả? 3) Cắt bì là gì? Những ai được chịu phép Cắt bì? Mục
đích của phép Cắt bì thế nào? 4) Tại sao ngày nay khi theo đạo công
giáo, lương dân không phải chịu phép Cắt bì trước khi chịu phép Rửa
tội để gia nhập vào Hội thánh?
II. SỐNG
LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Đức Ki-tô phải nổi bật lên,
còn Thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
2. CÂU
CHUYỆN VÀ SUY NIỆM: CUỘC ĐỜI CỦA GIO-AN TIỀN SỨ:
Gio-an
là vị Tiền hô của Chúa Giê-su (x.Mt 3,3). Gio-an là con của ông Da-ca-ri-a
và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai thuộc dòng tộc tư tế. Bà Ê-li-sa-bét là
chị họ của Đức Ma-ri-a, nên Gio-an là anh bà con của Đức Giê-su. Cha
mẹ của Gio-an sống ở miền núi xứ Giu-đê (x.Lc 1,39). Từ nhỏ, Gio-an
đã sống cuộc đời ẩn tu khổ hạnh trong sa mạc. Đến năm thứ 15 thời
Hoàng đế Ti-bê-ri-a, Gio-an mới xuất hiện tại vùng hoang địa miền
Giu-đê cạnh sông Gio-đan để rao giảng và làm phép Rửa sám hối cầu ơn
tha tội (x.Mt 3,1). Phép Rửa của ông là một nghi thức thống hối kèm
theo phải xưng thú tội lỗi (x. Mt 3,6). Gio-an nhìn nhận Đức Giê-su là
Đấng Thiên Sai khi ông giới thiệu Người với các môn đệ của ông: “Đây
là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29). Có lần đức Giê-su gọi Gio-an là Ngôn sứ
Ê-li-a khác, là người lớn nhất trong Cựu ước, là tiên tri loan báo
Nước Trời (x.Mt 11,2 –19; Lc 7,18-33).
Cuộc
đời của Gio-an kết thúc bằng hình khổ bị chém đầu trong nhà tù, do
ông can đảm bênh vực cho công lý, dám lên tiếng can ngăn vua Hê-rô-đê
không được lấy bà chị dâu Hê-rô-đi-a-đê làm vợ. Do đó ông đã bị tống
giam vào ngục và sau đó còn bị bà Hê-ro-đi-a-đê âm mưu giết hại (x. Lc
9,7-9).
3. THẢO LUẬN: Chúng ta cần làm gì để noi
gương nhân đức của Gio-an như: khiêm nhường (x Ga 3,30), khó nghèo (x Mc
1,6-8), vâng phục (x Mt 3,13-15). trung tín (x Ga 1,35-37), thật thà (x Ga
1,20-23), dũng cảm (x Mt 14,3-4; Lc 3,7-9).
4. NGUYỆN
CẦU
- LẠY CHÚA GIÊSU. Thánh Gio-an đã thực hiện sứ mệnh tiền hô kèm theo những
dấu lạ, khiến mọi người phải bỡ ngỡ thán phục. Đời con chẳng có
những dấu lạ như thánh Gio-an. Cũng như bao người khác, Chúa muốn con
trở thành chứng nhân cho tình thương của Chúa. Xin cho con trở thành
dấu chỉ để người đời nhận biết Chúa qua lối sống bác ái yêu thương
tha nhân và khiêm nhường phục vụ, nhất là phục vụ những người nghèo
đoi.
- LẠY
CHÚA GIÊ-SU. Thánh Gio-an Tẩy giả đã nêu gương khiêm tốn và làm chứng
cho Chúa. Làm chứng trong cuộc sống hôm nay chính là noi gương Gio-an: Tự
làm mình lu mờ đi bằng sự ít nói về mình, không khoe khoang thành
tích, và để Chúa được lớn lên nơi tha nhân. Làm chứng cho Chúa hôm nay
cũng là: sống điều độ chừng mực, tránh xa hoa lãng phí và không chè
chén say sưa. Làm chứng cho Chúa hôm nay còn là chỉ đường giúp nhiều
người nhận biết và đi theo làm môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp chúng
con luôn biết sống đơn sơ khó nghèo, can đảm làm chứng cho sự thật và
không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn trở ngại gặp phải
trong cuộc sống hằng ngày.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
_____________
LM
ĐAN VINH