Ngày
3 tháng 6
THÁNH CARLORO VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
Chúa Giêsu đã tiên báo trước số phận của
các môn đệ: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ
anh em” (Ga 15,20). Lời nói này của Chúa Giêsu cũng đã nên ứng nghiệm nơi thánh
Carloro và các bạn tử đạo. Được nung nấu bởi tình yêu Chúa và khát vọng mang
Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người, các ngài đã chấp nhận hy sinh tất cả, tựa
như hạt lúa gieo vào lòng đất, phải thối đi để sinh nhiều bông hạt khác.
Chúng ta có thể tóm lược bối cảnh rao giảng
Tin Mừng và cái chết vì đức tin của các ngài bằng những điểm sau:
·
Thực Trạng Đất Nước Uganda
Vào thế kỷ 19, Uganda (thuộc Trung Phi)
là một đất nước còn lạc hậu và mê tín. Họ thời lạy bụt thần, coi các vật “Lạ”
chung quanh là thần thánh và các sự kiện lạ trong thiên nhiên là hành động của
thần minh. Họ sẵn sàng chém giết và ăn thịt lẫn nhau. Trẻ em thì bị bỏ rơi. Phụ
nữ bị xem như thú vật, như một vật sở hữu, nên họ phải làm việc cực nhọc và bị
tàn sát theo ý muốn của đàn ông.
·
Sự Ghen Ghét Của Các Phù Thủy
Với lối sống hoang dã và mê tín, thì đất
nước Uganda là mãnh đất tốt cho các phù thủy và buôn người lợi dụng để trục lợi.
Do đó, sự hiện diện của các vị thừa sai đã làm cho họ ghen tức, vì bị mất quyền
lợi và ảnh hưởng. Họ tố nhà vua là những người theo đạo Thiên Chúa mưu phản để
chiếm ngai vàng. Trong lúc nhà vua đang bực tức vì những người có đạo lên án lối
sống buông thả của ông ta. Cho nên, nhà vua đã ra lệnh bắt thánh Carloro và các
vị thừa sai khác nhằm “xóa sổ” các vị thừa sai và người công giáo khỏi đất nước
Uganda.
·
Các Chứng Nhân Kiên Cường
Khi thánh Carloro và các vị thừa sai bắt
đầu rao giảng Tin Mừng thì nhà vua vui mừng và sẵn sàng ủng hộ các ngài. Tuy
nhiên, các phù thủy và những kẻ buôn người Ả Rập lại sinh lòng ghen ghét, đã
xúi dục nhà vua bắt đạo. Nhà vua đã nghe theo lời của họ và ra lệnh bắt giết
các thừa sai và những ai tin vào Chúa.
Giữa những khó khăn do cuộc bách hại đạo
gây nên, các ngài vẫn can đảm làm chứng cho Chúa, dù biết rằng niềm tin của các
vị có nguy cơ đánh đổi bằng giá máu của mình. Khi bị bắt và đem đi thiêu sống,
Giuse đã mạnh mẽ tuyên bố: “Một Kitô hữu không sợ chết đâu”. Nhiều vị chứng
nhân khác bị kìm kẹp bởi gông cùm, đặt trên củi để thiêu sống. Người ta đốt
chân các ngài, trong khi các ngài vẫn hằng cầu nguyện. Một phù thủy nói với các
ngài: “Thiên Chúa sẽ không cứu các ngươi đâu”. Bruno trả lời: “Ông không đốt
cháy linh hồn chúng tôi được đâu, nhưng nó sẽ bay lên Thiên đàng”.
Nhà vua, các phù thủy và kẻ buôn người
nghĩ rằng cái chết của các ngài sẽ làm cho người khác khiếp sợ và bỏ đạo; nhưng
họ đã nhầm. Cái chết anh dũng của các vị thừa sai đã mở ra một kỷ nguyên mới
cho đất nước Uganda, cũng như cho Châu Phi: Kỷ nguyên tái sinh về tôn giáo cũng
như xã hội. Chân phước giáo hoàng Phaolo VI đã nói lên điều này trong dịp phong
thánh cho các ngài: Cái chết bi thảm của các ngài đã giúp kiến tạo một dân mới
về lòng đạo đức, xây dựng một truyền thống tinh thần mới, khả dĩ mang lại sự tiến
bộ cho dân tộc.
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Carloro
và các bạn tử đạo hôm này được can trường làm chứng cho Tin Mừng giữa bao cơn
thử thách và bách hại. Xin cho chúng con biết can đảm làm chứng cho Tin Mừng của
Chúa giữa lòng nhân thế hôm nay, để trong mọi hoàn cảnh và ở mọi nơi Thiên Chúa
được tôn vinh. Amen.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist