Ngày 29 tháng 07

 

THÁNH LAZARÔ THÀNH BETHANIA

 

Thánh Lazarô sinh vào khoảng năm thứ 1 tại Bethania, tức tại al - Eizariya, Palestina ngày nay. Ngài qua đời vào khoảng năm 60 tại Giê-ru-sa-lem   của   Israel.

Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết cho rằng, Ngài qua đời tại Marseille, Pháp Quốc hay tại Lárnaka, đảo Sýp. Thánh Nhân là em trai của hai Thánh Nữ Mác-ta và Maria, và cũng là bạn của Chúa Giê-su. Khi Lazarô lâm bệnh nặng, các chị của cậu đã báo tin cho Chúa Giê-su biết, nhưng Ngài nói rằng, bệnh của cậu không đến nỗi chết, và do đó, đã không chịu đến thăm ngay. Lúc Chúa Giê-su đến được Betania, tức nơi có nhà của Lazarô, thì hai người chị của cậu cho Ngài biết rằng, cậu đã chết và đã được an táng tới 4 ngày rồi. Biết được tin bạn mình đã chết, Chúa Giê-su liền khóc nức nở để tỏ lòng tiếc thương người bạn quá cố. Tuy nhiên, ngay sau đó, Lazarô đã được Ngài cho sống lại (xc. Ga 11,1-45). Khoảng một tuần trước khi Chúa Giê-su chịu khổ hình, Lazarô đã được mời đến dự một bữa tiệc tối cùng với Ngài tại một gia đình thuộc làng Bethania, tức al-Eizariya ngày nay. Biết được Lazarô có mặt trong bữa tiệc tối hôm đó, nên vì tò mò, nhiều người đã kéo đến để xem tận mắt kẻ mới sống lại từ cõi chết (xc. Ga 12,1-3).

Theo Tin Mừng Gio-an, thì việc phục sinh Lazarô từ cõi chết chính là đỉnh điểm của những dấu lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện. Và đó cũng trở thành nguyên cớ để những người lãnh đạo dân Do-thái quyết định khử trừ Chúa Giê-su (xc. Ga 11,47-53). Tuy nhiên, qua dấu lạ ấy, Chúa Giê-su cũng đã mạc khải cho biết, Ngài chính là sự sống lại và là sự sống. Và ở đây, Lazarô đã không còn xuất hiện với tư cách là một cá nhân đơn lẻ nữa, nhưng trở thành biểu trưng và là đại diện cho tất cả những ai được Chúa Giê-su thương mến (xc. Ga 11,3.5.36).

Trong một dụ ngôn nói về viên phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Chúa Giê-su đã nhắc tới một người nghèo cũng có tên là Lazarô (xc. Lc 16,19-31). Và đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất, một người được nêu tên trong một dụ ngôn. Việc nhắc tới tên của một nhân vật nào đó trong một câu chuyện, thực ra không phải là điều mới mẻ so với nền văn hóa Cận Đông, chẳng hạn như trong các câu truyện cổ tích của người Ai-cập. Dường như cả Tin Mừng Gio-an lẫn Tin Mừng Lu-ca đều đã tiếp nhận một truyền thống cổ xưa về Lazarô mà chúng ta không biết.

Một truyền thuyết xuất hiện vào đầu thời Trung Cổ cho rằng, Lazarô là con trai của một vị công tước, nhưng anh đã khước từ tất cả mọi tài sản và vinh hoa thế gian. Truyền thuyết này cũng nói rằng, người Do-thái đã tống Lazarô và chị của anh – cô Mác-ta –, cùng với hai người bạn khác là Maximinô và Cedoniô lên một chiếc thuyền không có bánh lái, không có mái chèo, và cũng chẳng có buồm gió, rồi đẩy ra biển để nó trôi tự do. Sau một thời gian dài lênh đênh trên biển, con thuyền ấy đã dạt vào bờ biển của vùng Marseille, Pháp Quốc, và mọi người trong thuyền đã lên bờ bình an. Sau đó, Lazarô được chọn làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận Marseille. Nhưng một số truyền thuyết khác cũng xuất hiện vào đầu thời Trung Cổ thì cho rằng, Lazarô vẫn được ở lại trên đất Do-thái, và qua đời bình an vào những năm 50 của thế kỷ thứ I tại Giê-ru-sa-lem dưới thời hoàng đế  Claudius (41-54). Cũng có truyền thuyết cho rằng, dưới thời hoàng đế Domitian (81-96), Lazarô đã bị bắt giam và bị ép phải tế thần nhưng ông đã từ chối. Vì thế, ông bị tra tấn rất dã man và bị nhốt trong ngục. Ở đó, Chúa Giê-su đã hiện ra để động viên ông. Cuối cùng, ông đã được phúc Tử Đạo bằng cách bị chém đầu.

Sau này, Bethania – quê hương của Thánh Lazarô – đã được gọi theo cách của người Ả-rập là al-Eizariya. Tại đó hiện đang có một ngôi mộ được cho là mộ của Thánh Lazarô. Theo một số bằng chứng đáng tin cậy thì ngôi mộ này đã hiện hữu ở đó ít là từ thế kỷ thứ IV. Người ta cho rằng, Lazarô đã được an táng trong ngôi mộ ấy 4 ngày, và hết ngày thứ tư thì ông được Chúa Giê-su cho sống lại.

Từ nhiều thế kỷ nay, cứ tới ngày thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá thì người ta đều tổ chức một đoàn rước từ Giê-ru-sa-lem tới Bethania. Các Giáo hội Đông Phương luôn cử hành ngày thứ Bảy đó là ngày Đại Lễ. Tại Pháp, Tây-ban-nha và tại Ý, ngày Lễ Kính Thánh Lazarô cũng được cử hành trước ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

Trong các bức tranh tại các khu hầm mộ của các Ki-tô hữu nguyên thủy, cũng như trên các cỗ quan tài thời Ki-tô giáo cổ đại, Thánh Lazarô thường được trình bày như là biểu tượng của sức mạnh chiến thắng sự chết.

Tuy nhiên, các Giáo Phụ thời Tông Đồ đã không nhắc gì tới Lazarô cả. Còn Thánh Irenê thành Lyon và Tertullianô thì coi Lazarô như là bằng chứng cho sự phục sinh của Chúa Ki-tô.

Trong một cuốn Ngụy Thư có tên là Tin Mừng theo Thánh Nicôđêmô, thì sự phục sinh của Lazarô được trình bày như là sự khởi đầu của cuộc chiến thắng sự chết.

Mệnh lệnh mà Chúa Giê-su đã truyền cho Lazarô sống lại từ cõi chết (xc. Ga 11,44), đã được một loạt các Giáo phụ như Clêmentê thành Alexandria, Origen, Ambrôxiô thành Mi-lan và Thánh Augustinô trình bày như một lệnh truyền đòi buộc người ta phải thống hối.

Hình ảnh vị Thiên Thần đứng bên cạnh những người hấp hối để an ủi và nâng đỡ họ, cũng như để dẫn họ vào Thiên Đàng (thường được rất nhiều nền văn hóa sử dụng), cũng được Ki-tô giáo sử dụng trong mối liên hệ đến Lazarô: Khi người nghèo qua đời, anh được các Thiên Thần đưa về lòng Abraham (xc. Lc 16,22). Trong nghi thức tiễn biệt người quá cố có một lời xướng mang tính truyền thống với nội dung như sau: Xin ca Đoàn các Thiên Thần đón nhận bạn, và cùng với Lazarô, người nghèo trước đây, xin cho bạn được nghỉ yên muôn đời. Trong thời Trung Cổ, người ta hay diễn những màn kịch về cái chết và sự sống lại của Lazarô. Màn kịch này kết thúc với việc Lazarô thuật lại những gì mà ông đã trải qua trong vương quốc tử thần.

Êusêbiô thành Cesare đã từng nhắc tới một truyền thuyết cho rằng, lúc sống lại từ cõi chết thì Lazarô đã được 30 tuổi. Và sau khi Chúa Phục Sinh thì ông rời Bethania để tới Kítion, tức Lárnaka của đảo Sýp ngày nay. Ông sống tại đó 30 năm nữa rồi mới qua đời. Khi Thánh Phao-lô và ông Bác-na-ba tới đảo Sýp, thì các Ngài đã đến gặp Lazarô, và đặt ông làm Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này. Vào năm 890, người ta tìm thấy ở đó một cỗ quan tài có ghi dòng chữ: Lazarô, Bạn Của Chúa Ki-tô. Dưới thời hoàng đế Lê-ô VI (886 – 912), một ngôi Thánh Đường đã được xây dựng ngay trên nơi được cho là có mộ của Thánh Lazarô để tôn kính Thánh Nhân. Ngày nay, ngôi Thánh Đường đó đã trở thành Nhà Thờ Chính Tòa của Lárnaka. Cỗ quan tài được cho là của Thánh Lazarô và được đặt trong nhà nguyện hầm của Ngôi Thánh Đường nêu trên, hiện đang là một cỗ quan tài trống. Bởi ngay từ năm 898, tức năm phát hiện ra cỗ quan tài trên, các xương cốt bên trong cỗ quan tài đó đã được chuyển tới Byzantin, tức Istanbul, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Ở đó, hoàng đế Lê-ô VI cũng đã cho xây dựng một ngôi Thánh Đường để tôn kính Thánh Lazarô. Trên ngôi mộ nằm trong ngôi Thánh Đường ấy đã diễn ra rất nhiều phép lạ, chẳng hạn như phép lạ trừ quỷ, phép lạ chữa lành những người tối trí và những phụ nữ bị băng huyết. Những ai bị bại tay hay bại chân cũng đều được chữa lành khi tới đó.

Vào năm 1204, khi tới Constantinopoli, các quân nhân của Đạo Binh Thánh Giá đã lấy hết các xương cốt được cho là của Thánh Lazarô trong nhà thờ nêu trên, rồi mang về Marseille, Pháp Quốc. Từ đó mới phát sinh ra truyền thuyết cho rằng Thánh Lazarô là Giám mục của Marseiile. Hiện nay, phần lớn các Thánh Tích được cho là của Thánh Lazarô, đều đang được bảo quản và tôn kính trong một ngôi Thánh Đường tại Autun, Pháp Quốc. Một số các Thánh Cốt khác của Ngài cũng đã được chuyển từ đó tới Avallon, tới Andlau cũng như tới Nhà Thờ Chính Tòa Aix-en-Provence.

Ngoài ra còn có các truyền thuyết khác cho rằng, Thánh Lazarô đã đến sống và qua đời tại Êphêsô, hay tại Alexandria.

Các Giáo hội Chính thống thường cử hành Ngày Thứ Bảy Lazarô vào thứ Bảy ngay trước Chúa Nhật Lễ Lá hằng năm. Tại Lárnaka, ngày thứ Bảy ấy còn được cử hành trong sự liên kết với Đại Lễ Mừng Cung Hiến Nhà Thờ Chính Tòa. Cũng vào ngày thứ Bảy ấy, chiếc bình được cho là có chứa hộp sọ của Thánh Lazarô sẽ được đặt lên trên một chiếc giá thấp để các tín hữu có thể đến hôn kính chiếc bình đó. Từ năm 1965 tới nay, ngày Thứ Bảy này cũng là ngày các tín hữu long trọng cung nghinh các bức ảnh thánh trên các con đường.

Ngay từ năm 370, một huynh Đoàn mang tên Thánh Lazarô đã được thành lập tại Giê-ru-sa-lem để chuyên chăm sóc cho những người mắc bệnh cùi. Vào thế kỷ XII, trong lúc diễn ra cuộc Thập Tự Chinh thứ nhất, Huynh Đoàn này đã được nâng lên thành một Dòng Tu, gọi là Dòng Hiệp Sĩ Thánh Lazarô.

Vào năm 1624, trong mối liên hệ đến dụ ngôn về viên phú hộ và người nghèo Lazarô, Thánh Vincent de Paul đã thành lập một Tu Hội mới với tên gọi là Tu Hội Truyền Giáo Lazarists, chuyên phục vụ các bệnh nhân phong cùi.

Nhiều nhà văn, chẳng hạn như Dostoevskijs hay Elisabeth Langgässer, đều đã được gợi hứng rất nhiều từ câu chuyện về Lazarô cho các tác phẩm văn học của mình.

Ngoài việc được các tín hữu tôn kính với tư cách là một vị Thánh ra, Thánh Lazarô còn được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của những người bán hàng giát, của những người hành khất, những người làm nghề mai táng, và những người phong cùi

Giáo hội Công Giáo mừng Kính Thánh Lazarô cùng với hai người Chị của Ngài là Mác-ta và Maria vào ngày 29 tháng 07 với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.

Cả Giáo hội Tin lành lẫn Giáo hội Anh giáo cũng đều mừng kính Thánh Lazarô vào ngày 29 tháng 07.

Tuy nhiên, các Giáo hội Chính thống và Armenia thì lại mừng kính Thánh Nhân vào nhiều ngày khác nhau, chẳng hạn như ngày 16 tháng 03, mồng 09 tháng 04 hay 22 tháng 05.

 

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

 


Hạnh Các Thánh