Đại Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
Đại Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên
Trời (đúng ra phải gọi là: „Đại Lễ Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Đức Maria Về
Thiên Đàng“, bởi trong tiếng Latinh, Đại Lễ này được gọi là: Assumptio
Beatae Mariae Virginis) là một trong những đại Lễ Kính Đức Maria cổ xưa nhất của
Giáo hội. Theo truyền thống, cả Giáo hội Công giáo lẫn Giáo hội Chính thống đều
cử hành Đại Lễ này vào ngày 15 tháng 08 hằng năm. Những chứng nhân đầu tiên cho
Đại Lễ này của Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc từ giữa thế kỷ thứ V.
1.Tín Điều về việc Đức Maria
Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên Đàng (Đức
Maria Hồn Xác Lên Trời):
Vào ngày mồng 01 tháng 11 năm 1950, trong Tông Hiến "Munificentissimus Deus", Đức Thánh
Cha Pi-ô XII đã công bố Tín Điều Đức
Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên Đàng (mà gọi theo kiểu bình
dân là: Tín Điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời), và qua đó chứng thực Đại Lễ đã được
cử hành suốt từ xa xưa:
„Trong năng quyền của Chúa
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, của hai vị Tông Đồ rất thánh, Phê-rô và Phao-lô,
và nhờ vào năng quyền riêng, Ta tuyên bố, khẳng định và xác nhận rằng: Việc Đức
Maria trọn đời Đồng Trinh, Đấng sinh hạ Thiên Chúa vô tì vết, đã được đón nhận
vào vinh quang Thiên Đàng cả hồn lẫn xác, sau khi Mẹ đã hoàn tất quá trình cuộc
sống dương thế, đó là một tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa.“
Trước khi công bố Tín Điều Đức Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn
Xác Vào Thiên Đàng (Đức Maria Hồn Xác Lên Trời), Đức Pi-ô XII đã bàn bạc về việc
công bố này với tất cả các Đức Giám Mục trên toàn thế giới. Trong cuộc trưng cầu
dân ý đó, Tín Điều về việc Đức Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên
Đàng (Đức Maria Hồn Xác Lên Trời) đã nhận được một sự đồng thuận rất lớn: Chỉ
có 22 vị Giám mục trong số 1181 vị chống lại việc công bố Tín Điều này mà thôi.
2.Những bản văn Kinh Thánh
gián tiếp ủng hộ Tín Điều này:
-Tv 131,8: „Lạy Chúa, xin
đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi.“ (Hòm
bia Giao Ước được làm bằng gỗ chính là hình ảnh tiên trưng về thân xác không hề
bị hủy hoại của Đức Maria).
-Dc 8,5: „Kìa ai đang tiến
lên từ sa mạc, nép mình vào người yêu?“
-Kh 12,1: Người Nữ mặc áo mặt trời.
-St 3,15: „Ta sẽ gây mối
thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống
đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (Đoạn văn này vẫn được
truyền thống gọi là Tiền Tin Mừng).
-Lc 1,28: „Mừng vui lên hỡi
Đấng Đầy Ân Sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.“ Sự Đầy Ân Sủng chính là một minh chứng
về việc Đức Maria được đón vào Thiên Đàng cả hồn lẫn xác, cũng như là một minh
chứng cho sự tôn vinh Đức Maria.
-Kh 11,19: „Đền Thờ Thiên
Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh
chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn.“
3.Những luận chứng nền tảng của
Tín Điều:
Vì Đức Maria được hoàn toàn thanh thoát trước mọi tội lỗi, và vì
sự tan rã của thân xác chính là một hậu quả của tội lỗi, nên có thể kết luận rằng,
thân xác của Mẹ được miễn trừ khỏi số phận chung của sự tan rã. Và vì tư cách
làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cũng như sự đồng trinh trọn đời của Mẹ, nên người
ta cũng có thể suy ra rằng, thân xác của Đức Maria không bị sa vào sự hủy hoại.
4.Những bằng chứng từ Kinh
Thánh và Truyền Thống:
Cả ngày qua đời lẫn năm qua đời của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đều
không được ai biết tới. Người ta có thể đoán rằng, giả như Đức Maria có qua đời,
thì năm qua đời của Mẹ đã diễn ra vào khoảng từ năm thứ 13 tới năm thứ 15 sau
cuộc Thăng Thiên của Chúa Ki-tô. Nơi Đức Maria từ giã cõi đời có thể là một
trong hai thành phố: Giê-ru-sa-lem và Ê-phê-sô. Từ thế kỷ thứ V, người ta cho rằng,
có một ngôi mộ của Đức Maria tại Giê-ru-sa-lem. Nói chung việc Đức Maria qua đời
tại Giê-ru-sa-lem là điều dễ thuyết phục hơn. Tuy nhiên, cũng có một số bằng chứng
cho thấy rằng, Đức Maria đã rời bỏ cõi thế tại Ê-phê-sô.
Còn về việc Đức Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên
Đàng (tức việc Đức Maria Hồn Xác Lên Trời) thì không có những công bố trực tiếp
từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, một đoạn trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu đã gợi ý
tới sự kiện này: „Mồ mả bật tung, và xác
của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra
khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người“ (Mt 27,52-53).
Ngay từ sớm, đoạn văn Kinh Thánh trên đã được giải thích rằng, trong
sự phục sinh của các Thánh được hiểu là có một sự phục sinh và có một sự biến
hình chung cuộc – vì điều này chính là một chỉ dấu cho tính hiệu quả nơi công
việc của Chúa Ki-tô. Nhưng vì những Người Công Chính của Cựu Ước đã đạt tới được
ơn cứu độ hoàn toàn một cách trực tiếp ngay sau khi công cuộc cứu độ của Chúa
Ki-tô được hoàn tất, nên việc cứu độ hoàn toàn ấy cũng được trao tặng cho Thân
Mẫu Thiên Chúa là điều có thể xảy ra. Trong Đức Maria, Thiên Chúa đã đặt nguyên
mẫu của con người được cứu độ trước mắt nhân loại. Ngay từ đầu con đường của
Giáo hội xuyên qua mọi thời, Mẹ đã lãnh nhận hoàn toàn điều mà phần Giáo hội
còn lại sẽ chỉ lãnh nhận vào lúc cuối cùng. Việc Đức Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn
Lẫn Xác Vào Thiên Đàng, trước hết chỉ được chứng thực thông qua các tác phẩm ngụy
thư của thế kỷ thứ V và VI, mà thực ra, những thông tin từ những tác phẩm này
chỉ có một giá trị rất nhỏ xét về khía cạnh lịch sử, nhưng chúng lại diễn tả một
ý tưởng Thần Học mà hồi đó đã rất phổ biến.
Thánh Grê-gô-ri-ô thành Tours (+594) cũng đã nói tới việc Đức
Maria được nghênh đón cả hồn lẫn xác vào Thiên Đàng. Những bài giảng về Đại Lễ
Đức Maria về Trời đã được thu thập và truyền lại bởi Theoteknos thành Livias
(550/560), bởi Pseudo Modestus thành Giê-ru-sa-lem (khoảng năm 700) và bởi
Germanus thành Constantinopoli (+733) và bởi nhiều vị khác.
Thánh Gio-an Damacus (+749) đã trình bày về truyền thống của
Giáo hội tại Giê-ru-sa-lem như sau: „Khi
vợ chồng hoàng đế Markian và Pulcheria muốn sở hữu hài cốt của Đức Mẹ, thì tại
Công Đồng Chalcedonia, Thánh Juvenal, Giám mục Giê-ru-sa-lem, đã công bố cho họ
biết rằng, Đức Maria đã lìa trần trước sự hiện diện của tất cả các Tông Đồ, trừ
Thánh Thomas. Sau đó Mẹ đã được an táng trong mộ. Nhưng khi Thánh Thomas về tới
nơi, Ngài đã yêu cầu mọi người phải mở huyệt mộ của Mẹ ra để Ngài được nhìn xem
và từ giã Mẹ lần cuối. Và khi mộ của Mẹ được mở ra, thì đó là một ngôi mộ trống.
Vì thế, các Tông Đồ đã khẳng định rằng, thân xác của Mẹ đã được rước vào trong
vinh quang Thiên Đàng.“
5.Mầu Nhiệm Đại Lễ Đức Maria
Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên Đàng:
Kinh Tiền Tụng của Đại Lễ Đức Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn
Xác Vào Thiên Đàng đã tóm tắt mầu nhiệm của Đại Lễ này với những lời sau đây:
„Lạy Chúa là Cha chí thánh
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật
là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa
chúng con. Hôm nay, Ðức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên
mãn là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế.
Chúa không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Chúa
yêu quý, là Ðấng ban sự sống cho mọi loài. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và
các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Chúa và tung hô rằng.“
6.Lịch sử Đại Lễ Đức Maria Được
Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên Đàng:
Những gốc tích cổ xưa nhất về ngày Đại Lễ này không rõ ràng. Có
lẽ, trước tiên nó là một Đại Lễ cung hiến một ngôi Thánh Đường được coi như là
ngày kính nhớ sự qua đời của Đức Mẹ. Người ta chỉ có thể giả định rằng, Đại Lễ
này mới chỉ xuất hiện vào thời Công Đồng Ê-phê-sô, hay có thể do Thánh Damasus
thành Rô-ma thiết lập.
Tại Đất Thánh, Đại Lễ này đã được cử hành trước năm 500, dưới thời
Thánh Theodosius, và người ta đoán chừng rằng, nó được cử hành vào tháng 08. Tại
Ai-cập và tại vùng Ả-rập, Đại Lễ này cũng đã được cử hành ngang với thời điểm tại
Đất Thánh, nhưng được cử hành vào tháng Giêng. Và vì các Đan Sĩ của vùng
Gallien (Pháp) muốn tiếp nhận nhiều truyền thống và tục lệ của các Đan Sĩ Ai-cập,
nên từ thế kỷ thứ VI, Đại Lễ này đã được cử hành tại Pháp vào tháng Giêng
[mediante mense undecimo (Greg. Turon., De gloria mart., I, ix)]. Và Đại Lễ này
vẫn được cử hành vào tháng Giêng hàng năm tại Pháp cho tới khi Nghi Thức Rô-ma
được thiết lập.
Tại Hy-lạp, trước tiên Đại Lễ này được cử hành vào hai ngày
trong năm: một ngày trong tháng Giêng và một ngày trong tháng 08. Việc Đại Lễ
này được cử hành vào tháng Giêng hàng năm có lẽ là theo truyền thống của các
Đan Sĩ Ai-cập. Còn việc Đại Lễ này được cử hành vào tháng 08 hàng năm, có lẽ là
theo truyền thống của Đất Thánh. Vì thế, theo cuốn "Liber
Pontificalis" (tiểu sử về các Đức Giáo Hoàng) thì Hoàng Đế Mauritius (+
603) đã ấn định một ngày duy nhất cho Giáo hội Đông Phương, đó là ngày 15 tháng
08 hàng năm, để cử hành Đại Lễ này.
Muộn nhất là từ thế kỷ thứ VI tại Đông Phương, và từ cuối thế kỷ
thứ VII tại Rô-ma, Giáo hội đã cử hành Đại Lễ Kính Mừng việc Đức Maria Đi Vào
Giấc Ngủ Ngàn Thu (tiếng La-tinh gọi là: Dormitio; và tiếng Hy-lạp là:
Koimesis). Nhưng sau đó không lâu, bên cạnh việc nhấn mạnh tới sự từ trần, thì
Giáo hội cũng nhấn mạnh tới việc thân xác không thể bị hư nát của Đức Mẹ, cũng
như nhấn mạnh tới việc Đức Mẹ được rước lên Trời cả hồn lẫn xác. Và do đó Đại Lễ
mừng kính Đức Mẹ Đi Vào Giấc Ngủ Ngàn Thu (Dormitio) được đổi thành Đại Lễ Đức
Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên Đàng (Assumptio Beatae Mariae
Virginis). Việc nghinh đón (Assumptio) dành cho Đức Maria chính là một sự mô phỏng
về cuộc Thăng Thiên (Ascensio) của Chúa Ki-tô. Trong các bản văn Phụng Vụ của
thế kỷ thứ VIII và XIX, ý tưởng về việc Thân Xác Đức Maria được nghênh đón vào
Thiên Đàng đã được chứng thực một cách rõ ràng.
Vào ngày mồng 01 tháng 11 năm 1950, khi Đức Thánh Cha Pi-ô XII
công bố Tín Điều Đức Maria Được Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Vào Thiên Đàng (Đức
Maria Hồn Xác Lên Trời) trong Tông Hiến "Munificentissimus Deus", thì
Ngài cũng đã ấn định ngày 15 tháng 08 là ngày cử hành Đại Lễ này, tức ngày đã
được cử hành suốt từ xa xưa.
Giá trị đặc biệt của Đại Lễ Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác Đức Maria
Vào Thiên Đàng (mà trong tiếng Việt người ta quen gọi là: Đại Lễ Đức Mẹ Hồn Xác
Lên Trời) được xác định ở chỗ là, Đức Maria không thể phục sinh từ cõi chết
cũng như không thể lên Trời nhờ vào khả năng riêng của Mẹ. Chúa Ki-tô đã nghênh
đón Mẹ vào Thiên Đàng! Vì thế, việc đặt tên cho „Đại Lễ Nghênh Đón Cả Hồn Lẫn Xác
Đức Maria Về Thiên Đàng“ là „Đại Lễ Đức Mẹ Thăng Thiên“ hay „Đại Lễ
Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời“ theo cách mà giới đạo đức bình dân vẫn gọi, đó
là điều rất dễ gây hiểu lầm.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist