Thánh Sê-phê-ri-nô Giáo Hoàng Tử Đạo
Thánh Sê-phê-ri-nô Giáo Hoàng Tử Đạo (tên gọi của Ngài
theo tiếng La-tinh là: Zepherinus hay Zephyrus – có nghĩa là Gió Tây) sinh tại thành phố
Rô-ma khoảng giữa thế kỷ thứ II. Ngài lên ngôi Giáo hoàng vào năm 198 (có tài
liệu nói Ngài lên ngôi Giáo hoàng vào năm 202), và cai quản Giáo hội với tư
cách là Giáo Hoàng cho tới năm 218 (có tài liệu nói là 217). Ngài là người kế vị
của Đức Thánh Giáo Hoàng Victor I – một đại chiến sĩ trong việc bảo vệ sự thuần
khiết của Giáo hội.
Thánh Sê-phê-ri-nô không chỉ thể hiện sự đáng kính của
mình nhờ vào sự hiểu biết sâu rộng về khoa học, nhưng còn nhờ vào một lối sống
thánh thiện cũng như thông qua việc thực hành tất cả mọi công việc của Đức Ái.
Dưới thời Đức Sê-phê-ri-nô, hoàng đế Severus đã phát động
một cuộc bách hại tàn nhẫn nhắm vào các Ki-tô hữu. Vì thế, thánh Sê-phê-ri-nô tự
cảm thấy mình có một trách nhiệm rất nặng nề trong việc bảo vệ các tín hữu cũng
như trong việc động viên an ủi họ. Và Ngài đã hoàn thành trách nhiệm nặng nề
này với Tình Yêu của một người cha cùng chịu đựng những đau khổ với con cái
mình thông qua sự cảm thông sâu xa. Vị mục tử tối cao của Giáo hội lúc ấy không
chỉ phải bảo vệ đoàn chiên yêu quý của mình trước lưỡi gươm đẫm máu của cuộc
bách hại, nhưng Ngài cũng còn phải bảo vệ họ trước độc tố có khả năng sát hại của
các học thuyết sai lạc nữa.
Vào thời ấy tại Rô-ma có hai lạc thuyết hết sức nguy
hiểm, đó là lạc thuyết của Asclepides và lạc thuyết của Theodotus. Cả hai đều
nhận là học trò của một Gerber Theodotus nào đó. Lạc thuyết này cho rằng, người
ta sẽ nhận được ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần thông qua những giấc mơ. Ngoài
ra cũng còn có một lạc thuyết khác khá phổ biến lúc bấy giờ, đó là lạc thuyết
Ebion. Lạc thuyết này cho rằng, mặc dù Chúa Ki-tô là một vị Ngôn Sứ, nhưng Ngài
cũng chỉ là một con người thuần túy.
Và hồi ấy tại Rô-ma cũng có một Linh mục tên là
Natalius. Vì Tình Yêu đối với Chúa Ki-tô, ông đã phải chịu đựng rất nhiều những
cuộc tra tấn do muốn bảo vệ Đức Tin đến cùng. Tuy nhiên, điều bất hạnh của ông
nằm ở chỗ là, ông đã bị mê hoặc bởi hai lạc thuyết Asclepides và Theodotus.
Nhưng Thiên Chúa, Đấng mà ông đã phải gánh chịu rất nhiều nỗi khổ đau vì Ngài,
đã tỏ lòng thương xót đối với ông, và đã cảnh cáo ông thông qua những khuôn mặt
khác nhau để ông từ bỏ hai lạc thuyết nêu trên, mà vì sự hám tiền và hám danh,
ông đã bị giữ lại trong những chiếc dây thòng lọng của hai lạc thuyệt ấy. Trước
hết, khi Natalius bị một Thiên Thần hành hạ bằng cách đánh đòn trong suốt một
đêm, thì ông đã khoác trên mình một bộ đồ thống hối và dành ra một ngày để than
khóc cũng như để thống hối, sau đó chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Thánh
Cha Sê-phê-ri-nô để xin Ngài tha thứ cho những lầm lỗi mà ông đã phạm, cũng như
xin Ngài tái đón nhận ông vào lại cộng đoàn Giáo hội. Nhưng Đức Sê-phê-ri-nô tỏ
ra do dự trước việc đón nhận ông vì nghĩ rằng ông chưa thật sự hối cải. Thế rồi,
một lần kia Natalius lại đến với Đức Thánh Cha và chỉ ra cho Ngài thấy những vết
roi vẫn còn hằn trên cơ thể ông, cũng như chứng tỏ cho Đức Thánh Cha thấy một sự
thống hối đặc biệt của ông, thì ông liền được Đức Sê-phê-ri-nô tái đón nhận vào
trong cộng đoàn Giáo hội.
Đức Sê-phê-ri-nô đã không ngừng chiến đấu cho sự tinh
tuyền của học thuyết Giáo hội cho tới hơi thở cuối cùng. Người ta không biết rõ
về cái chết của Ngài, nghĩa là không biết Ngài đã phải chết theo cách nào,
nhưng Ngài đã nhận được danh hiệu Tử Đạo nhờ vào những nỗi khổ đau mà Ngài đã
phải liên lụy tới trong cuộc bách hại đạo. Nhiều tài liệu cho rằng, Ngài qua đời
vào ngày 20 tháng 12 năm 218 (hoặc 217). Vì thế trước đây, cả Giáo hội Công
giáo lẫn Giáo hội Chính thống đều cử hành Lễ kính Ngài vào ngày 20 tháng 12.
Tuy nhiên, kể từ ngày cải tổ Lịch Phụng Vụ vào năm 1969, Giáo hội Công giáo đã
chuyển ngày mừng kính Thánh Sê-phê-ri-nô sang ngày 26 tháng 08 với Lễ bậc 4, tức
Lễ nhớ không buộc. Còn Giáo hội Chính Thống vẫn giữ ngày 20 tháng 12.
Sau đây là Lời Tổng Nguyện trong Lễ Kính Thánh
Sê-phê-ri-nô Giáo Hoàng Tử Đạo:
Lạy Chúa là Thiên
Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ vào công nghiệp con một Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô
Chúa chúng con, và nhờ vào công ơn của tôi tớ Chúa là Thánh Sê-phê-ri-nô Giáo
Hoàng Tử Đạo, xin Chúa ban cho chúng con một tinh thần thống hối đích thực để
chúng con có thể thoát khỏi cơn thịnh nộ của Chúa giáng xuống trên chúng con.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Con Chúa, là Thiên Chúa hằng sống và hiển
trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist