Thánh Đa-minh Ibáñez, Gia-cô-bê Kyushei Tomonaga, Laurentiô Ruiz và Các Bạn Tử Đạo Dòng Đa-minh

 

Thánh Đa-minh Ibáñez, Gia-cô-bê Kyushei Tomonaga, Laurentiô Ruiz và 13 vị Tử Đạo khác đã hình thành nên một nhóm các vị Tử Đạo tại Nagasaki, Nhật Bản, trong những năm từ 1633 tới 1637, sau khi 205 vị khác đã được phúc Tử Đạo cũng tại Nagasaki từ năm 1617 tới 1632.

205 vị Tử Đạo nêu trên đã được Đức Thánh Cha Pi-ô IX tôn phong lên bậc Chân Phúc vào năm 1867.

Còn nhóm của Thánh Đa-minh Ibáñez thì được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc Chân Phúc vào ngày 18 tháng 02 năm 1981 tại Manila. Các Ngài gồm 13 Linh mục và Tu Sĩ Dòng Đa-minh cùng với 3 Giáo dân.

Để hiểu rõ hơn tình trạng của Giáo hội tại Nhật Bản hồi đó, cần nêu ra một số phương diện:

Lịch sử của Giáo hội tại Nhật Bản được ghi đậm dấu ấn bởi ba thời điểm quan trọng: 1549, 1600 và 1640. Vào năm 1549, Thánh Phan-xi-cô Xaviê đã tới Nhật Bản. Vào năm 1600, Mạc Phủ, hay còn gọi là Đại Tướng Quân Tokugawa Yeyasu đã thiết lập nên một nền quân chủ mới, tức chế độ Mạc Phủ (Shogun - 征夷大将軍). Vào năm 1640, Nhật Bản bắt đầu tự bế quan tỏa cảng trước Phương Tây, và giữ tình trạng tự cô lập này trong suốt hai thế kỷ. Từ năm 1549 tới năm 1614, Thánh Phan-xi-cô Xaviê đã thành lập một cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên trên đất Phù Tang dưới những hoàn cảnh tương đối thuận tiện. Cộng đoàn này tiếp tục được củng cố bởi các Tu Sĩ Dòng Tên, tức những người anh em cùng Dòng của Thánh Phan-xi-cô Xaviê, và sau này bởi các Tu Sĩ Dòng Thánh Phan-xi-cô, Dòng Đa-minh và Dòng Augustinô. Vào năm 1600, tại Nhật Bản đã có hơn 300.000 Ki-tô hữu, trong đó có nhiều người thuộc tầng lớp mang nhiều ảnh hưởng xã hội. Không giống với Ki-tô giáo tại Philippine, Ky-tô giáo tại Nhật Bản đã biến mất hầu như hoàn toàn ngay trong tiền bán thế kỷ XVII do bị trấn áp bởi những cuộc bách hại tàn nhẫn.

Tôn giáo nguyên thủy của Nhật Bản là Thần Đạo. Tôn Giáo này đã xuất hiện tại Nhật Bản ngay từ thời thượng cổ. Niềm Tin của Thần Đạo dựa trên một nền văn hóa đề cao tinh thần, kết hợp chặt chẽ với những sức mạnh thiêng liêng, cũng như dựa trên việc giới thiệu Nhật Hoàng như là hậu duệ của thần mặt trời với tên gọi là Amaterasu – một biểu tượng rất rõ ràng và lâu bền. Từ thế kỷ thứ VI, khi Phật giáo và Nho giáo từ Trung Hoa du nhập tới Nhật Bản, thì hai tôn giáo này đã mau chóng bén rễ sâu vào trong đời sống xã hội của xứ Hoa Anh Đào, và vì thế vai trò của Thần Giáo và Nhật Hoàng trở nên mờ nhạt. Kết quả của việc mất uy thế này chính là chế độ phong kiến. Với chế độ này, Nhật Hoàng chỉ còn giữ được một vai trò nhỏ về luân lý và tôn giáo. Quyền lực thực tế được trao vào tay một nhà độc tài xuất thân từ hàng ngũ các chiến binh có đẳng cấp cao hơn, gọi là Shogun (Mạc Phủ - Đại Tương Quân - 征夷大将軍). Về phía mình, quyền lực của Shogun lại bị gây tổn hại bởi những vị đứng đầu khác nhau của nhà nước phong kiến, được gọi là Daimyò (lãnh chúa), cũng như bởi các ông chủ đầy chuyên chế, tức những người làm chủ những bất động sản và những khu điền trang rộng lớn, nhưng họ lại thường xuyên gây chiến với nhau. Phục vụ những ông chủ chuyên chế đó là các Samurai. Những người này được xếp đứng trên các tầng lớp xã hội khác, trên những người nghèo và những người không có quyền lợi: nông dân, thợ thủ công, thương gia và công nhân. Tình trạng này đã biểu lộ trong sự xuất hiện của Thánh Phan-xi-cô Xaviê và của các nhà truyền giáo khác một cách kỳ lạ như là lợi thế của việc loan báo Tin Mừng. Bị trục xuất khỏi làng này, các Ki-tô hữu có thể trốn sang làng khác. Trong khoảng trên hai chục năm cuối cùng của thế kỷ XVI, hai vị Shogun đã mở ra một chiến dịch để đi đến một cuộc tái thống nhất, đó là Oda Nobunga (1568-1582), một kẻ thù của Phật Giáo nhưng lại là người có cảm tình với các Ki-tô hữu, và Toyotomi Hideyoshi (1582–1598). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do tại sao Toyotomi Hideyoshi đã ra lệnh truy nã các Ki-tô hữu, cũng như đã ra lệnh hành quyết 26 vị Tử Đạo tiên khởi của Nagasaki, đó là Thánh Phao-lô Miki và các Bạn của Ngài. Sau cái chết của Shogun Toyotomi Hideyoshi, các Ki-tô hữu thường xuyên phải sống giữa niềm hy vọng và sự sợ hãi.

Sự chiến thắng Sekigahara vào năm 1600 đồng nghĩa với việc tiếp nhận thêm quyền lực cho Tokugawa Yeyasu (16001616). Ông đã tiếp quản chức Shogun rồi truyền lại cho con trai của ông ta là Hidetada (16161622), sau đó cho cháu nội của ông ta là Yemitsu (16221651), và triều đại này kéo dài mãi cho tới tận năm 1868. Yeyasu đã thành công trong việc thống nhất đất nước, và ông ta đã làm cho Nhật Bản trở thành một đất nước với cơ cấu pháp lý và hành chính vững chắc. Vì thế, nền chính trị của Tokugawa chống lại sự trung thành đối với các Daimyò (Lãnh Chúa). Thực ra những vị Lãnh Chúa này thuộc giai cấp thấp hơn, nhưng không bao giờ bị thống trị hoàn toàn, và luôn luôn là một sự ngờ vực nào đó. Sự nghi ngờ này còn tăng lên bởi sự hiện diện của các thương gia Tây-ban-nha và của giới Tu Sĩ Công Giáo. Các Tu sĩ này lại còn bị người Hòa Lan kết án là những mũi nhọn của cuộc xâm lược – điều đã không bao giờ có trong thực tế.

Vào năm 1614, Yeyasu – người đánh giá niềm tin của các thuộc hạ dựa trên nền tảng Phật Giáo, và sau đó được bao quanh với giới quan lại theo tư tưởng nho Giáo cực đoan, đã ban hành chiếu chỉ bắt đạo trên toàn quốc. Hidetada và Yemitsu còn củng cố thêm sự ác cảm đối với Ki-tô giáo – như cuộc bách hại đẫm máu cho thấy – đặc biệt trong mối liên hệ đến các vị Tử Đạo sẽ được liệt kê sau đây, và vị Thánh đầu tiên của Philippine là Thánh Laurentiô Ruiz.

Trước khi trình bày tiểu sử của các vị Tử Đạo đã bị hành quyết từ năm 1633 tới 1637, vẫn cần phải đưa ra một câu trả lời cho câu hỏi về sự chậm trễ trong việc tôn phong Chân Phúc cho các Ngài. Và để trả lời câu hỏi này là điều không khó. Các tài liệu điều tra mà chúng liên quan tới việc Tử Đạo của 9 Tu Sĩ Dòng Đa-minh trong mối liên hệ trực tiếp tới hai vụ án Phong Thánh thông thường tại Manila và Macao (1636/1637) đã bị thất lạc tới 30 năm, và rồi chỉ được tái tìm thấy vào đầu thế kỷ 20, trong các văn khố của Dòng Đa-minh tại Manila, nhưng chỉ với những bản sao. Vì việc sắp xếp vô vàn các hồ sơ liên can tới cả nhóm được thêm vào các tài liệu điều tra nói trên, nên có thể vụ án đã bị tái xếp lại. Sau đó, trong quá trình điều tra vào năm 1977 và 1978, một „Positio“ (tức một bộ hồ sơ lớn) về sự Tử Đạo của những vị Thánh trên đã được chuẩn bị. Bộ tài liệu này được công bố vào năm 1979, và được đệ trình lên Thánh Bộ Phong Thánh để thẩm tra từ ngày 30 tháng 10 năm 1979 tới ngày mồng 01 tháng 07 năm 1980.

Sự trình bày sau đây chứa đựng một số những ghi chú về từng vị Tử Đạo, và được sắp xếp theo các năm Tử Đạo của các Ngài.

 

Nhóm thứ nhất: từ tháng 08 tới tháng 10 năm 1633

 

1.Thánh Đa-minh Ibañez, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

 

Thánh Đa-minh Ibañez, với tên đầy đủ theo tiếng Tây-ban-nha là: Domingo Ibañez de Erquicia, sinh vào đầu tháng 02 năm 1589 tại Régil, Guipúzcoa, Giáo phận S. Sebastián, Tây-ban-nha. Vào năm 1604, Ngài gia nhập Dòng Đa-minh, và chỉ một năm sau, tức năm 1605, Ngài đã được khấn Dòng. Vào năm 1611, Ngài được gửi tới Philippine với phái đoàn có nhiệm vụ thành lập tỉnh Dòng Rosario tại Philippine. Sang tới Philippine, Ngài đến làm việc tại Pangasinan – một địa danh nằm tại khu vực miền Bắc đảo Luzón, và sau đó đến làm việc giữa những người Hoa tại Binondo, Manila. Ngài cũng làm giáo sư tại học viện Thánh Thomas (bây giờ là đại học) tại Manila.

Năm 1623, cùng với Cha Lu-ca Alfons Gorda và một số nhà truyền giáo khác, Cha Đa-minh Ibañez đã lên tàu để đi hoạt động truyền giáo tại Nhật Bản. Khi Ngài tới nơi thì cơn bách hại đạo đã đang diễn ra tại xứ Phù Tang rồi. Và vì cơn bách hại đạo này nên Ngài đã hoạt động bí mật trong suốt 10 năm: Ngài âm thầm dậy Giáo Lý, ban các Bí Tích, an ủi những người yếu đuối và đưa dẫn những kẻ bội giáo trở về lại với Đức Tin. Sau đó Cha đi tới Yedo, Tokyo, và lưu lại tại đó hai năm. Vào năm 1629, Cha được bầu làm Bề Trên phụ tỉnh của Phụ Tỉnh Dòng Đa-minh Nhật Bản. Và cũng ngay trong năm này, Cha đã trở về lại Nagasaki, nơi Cha đã hoạt động trước kia. Tại đây, cơn bắt hại đạo đã đạt tới tột điểm. Tuy nhiên, dù cơn bách hại đạo diễn ra vô cùng khốc liệt, Cha vẫn tiếp tục công việc tông đồ của mình. Nhưng vào năm 1632, Ngài và một số các Tu Sĩ khác đã phải trốn vào trong các hang động hay đến ẩn mình trên những ngọn núi. Nhiều người dân xứ Hoa Anh Đào đã tìm đến với Ngài. Một Ki-tô hữu sa ngã đã tiết lộ nơi ẩn náu của Ngài, và vì thế Ngài đã bị bắt giam. Do Ngài khước từ việc đoạn tuyệt với Đức Tin của mình, nên vào ngày 13 tháng 08 năm 1633, Ngài đã bị kết án tử hình với án treo cổ. Nhưng người ta đã treo chân Ngài lên một thanh gỗ, đầu lộn ngược xuống đất, và bên dưới là một hố rác. Sau 30 tiếng đồng hồ bị treo ngược như thế, Cha Đa-minh Ibañez đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14 tháng 08 năm 1633 do ngạt thở. Thi thể của Ngài bị thiêu thành tro và bị đổ xuống biển. Cùng được lãnh nhận phúc Tử Đạo với Cha Đa-minh Ibañez, còn có một số vị khác.

 

2.Thánh Phan-xi-cô Shoyemon, Tu sĩ Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Phan-xi-cô Shoyemon sinh ra tại Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ 16. Tuy nhiên, không ai biết chắc về nơi sinh cũng như về ngày tháng năm sinh của Ngài. Với tư cách là Giáo Lý Viên, Ngài đã đồng hành nhiều năm với Cha Dominique de Erquicia. Trong lúc cùng sống với nhau trong tù, với tư cách là Bề Trên Phụ Tỉnh của phụ Tỉnh Nhật Bản, Cha Dominique de Erquicia đã đón nhận Phan-xi-cô Shoyemon vào Dòng Đa-minh. Có lẽ vào năm 1633, Thầy Phan-xi-cô Shoyemon lại bị bắt giam thêm một lần nữa cùng với Cha Dominique de Erquicia. Và vào ngày 13 tháng 08 cùng năm, Thầy Phan-xi-cô Shoyemon đã bị kết án treo đầu lộn xuống đất. Thầy trút hơi thở vào ngày hôm sau. Thi thể của Thầy đã bị chặt ra làm nhiều mảnh, rồi bị thiêu thành tro.

 

 

 

3.Thánh Gia-cô-bê Kyushei Gorobioye Tomonaga, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Gia-cô-bê Kyushei Gorobioye Tomonaga sinh vào năm 1582 trong một gia đình Ki-tô giáo quý tộc tại Nhật Bản. Ngài được gửi đến học Thần Học tại cơ sở của Dòng Tên và trở thành một Giáo lý viên. Vào năm 1614, Ngài rời Nhật Bản và đi tới Philippine. Tại đó, Ngài đã gia nhập Dòng Ba Thánh Phan-xi-cô. Sau đó Ngài được nhận vào Dòng Thánh Đa-minh và được thụ phong Linh mục vào năm 1626. Sau khi thụ phong Linh mục khoảng một năm, Ngài được gửi tới Formosa, và đã làm việc tại đó ba năm.

Vào năm 1630, Ngài trở về Manila. Hai năm sau đó, tức năm 1632, cùng với 10 nhà truyền giáo khác, Ngài đã lên đường để trở về lại Nhật bản. Hình như phái đoàn này đã cập bến tại Satzuma, Kyushu của xứ Phù Tang. Ngay sau khi lên bờ, tất cả phái đoàn đều bị bắt và bị giao nộp về cho các cơ quan nhà nước. Nhưng trong lúc bị dẫn giải, tất cả các Ngài đều đã trốn thoát. Lúc đó các cuộc bách hại đang diễn ra rất gắt gao tại Nhật Bản. Tuy nhiên các Ngài vẫn âm thầm hoạt động với tư cách là những nhà mục vụ. Vào tháng 07 năm 1633, Cha Gia-cô-bê Kyushei Gorobioye Tomonaga đã bị bắt giam vì một giáo lý viên tên là Micae Kurobioye đã tiết lộ nơi ẩn trú của Ngài. Vào ngày 15 tháng 08 cùng năm, Ngài đã bị kết án tử hình, với án treo lộn đầu xuống đất. Sau hai ngày bị treo lộn ngược như thế, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Thi thể Ngài bị thiêu thành tro và bị đổ xuống biển. Bản án tử hình dành cho Ngài có ghi rằng, „Ngài là một Nam Tu Sĩ và đã phổ biến Đức Tin Ki-tô giáo“.

4.Thánh Micae Kurobioye, Giáo dân, Tử Đạo

Thánh Micae Kurobioye là người Nhật Bản, và đã làm việc trong nhiều tháng trời bên cạnh Cha Cha Gia-cô-bê Kyushei Gorobioye Tomonaga với tư cách là Giáo Lý Viên. Vào cuối tháng 06 năm 1633, Ngài đã bị bắt giam và bị tra tấn. Do không chịu đựng được các cuộc tra tấn nên Ngài đã tiết lộ nơi ẩn náu của Cha Gia-cô-bê Kyushei Gorobioye Tomonaga. Tuy nhiên, sau khi phản bội Cha Gia-cô-bê, Thánh Micae Kurobioye đã thống hối. Và vì thế, Thánh Nhân đã được phúc Tử Đạo cùng với Cha Gia-cô-bê trong một ngày.

Vào ngày 15 tháng 08 năm 1633, Ngài bị kết án tử hình với án treo lộn đầu xuống đất. Sau hai ngày bị treo ngược như thế, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng.

5.Thánh Lu-ca Alfons Gorda, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Lu-ca Alfons Gorda, với tên đầy đủ theo tiếng Tây-ban-nha là Luca Alfons Gorda, sinh vào ngày 18 tháng 10 năm 1594 tại Carracedo, Zamora, Astorga, Tây-ban-nha. Vào năm 1610, Ngài gia nhập Dòng Đa-minh, và chỉ một năm sau, cụ thể là vào ngày mồng 02 tháng 07 năm 1611, Ngài đã được khấn Dòng. Vào năm 1618, Ngài rời Tây-ban-nha và đi tới Philippine, và đến làm việc tại tỉnh Dòng Rosario tại Philippine. Trước tiên, Ngài được gửi đi làm việc với tư cách là nhà truyền giáo tại tỉnh Cagayan của Philippine. Sau đó, Ngài được mời về làm việc tại Manila và làm Giáo sư Thần Học tại Học Viện Thánh Thomas tại đó. Vào năm 1623, cùng với Cha Dominique de Erquicia và một số nhà truyền giáo khác, Ngài đã lên đường để tới Nhật Bản. Thoạt tiên, Ngài đã làm việc 10 năm với tư cách là nhà mục vụ tại nhiều nơi khác nhau trên đất nước Phù Tang. Sau đó Ngài chuyển nơi làm việc tới một khu vực thuộc miền Bắc của đảo chính, tức đảo Honshu. Vào ngày mồng 08 tháng 09 năm 1633, Ngài bị bắt giam, và sau đó bị mang tới Nagasaki. Tại đây, sau nhiều cố gắng hòng làm Ngài chối bỏ Đức Tin, nhưng cuối cùng thì người ta đành phải chịu thua trước ý chí của Ngài, và vì thế, họ đã nhốt Ngài vào trong phòng giam cùng với các Tu Sĩ Dòng Đa-minh khác cũng như với các nhà truyền giáo Dòng Tên. Vào ngày 18 tháng 10 năm 1633, Ngài đã bị kết án tử hình với án treo lộn đầu xuống đất. Tuy nhiên, khi xử án Ngài, người ta vẫn để cho Ngài mặc bộ áo Dòng Đa-minh. Vào ngày 19 tháng 10 năm 1633, tức sau một ngày bị treo lộn đầu xuống đất, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Thi thể Ngài bị người ta thiêu thành tro.

6.Thánh Mát-thêu Kohioye, Tu sĩ Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Mát-thêu Kohioye sinh vào năm 1615 tại Arima, Kyushu, Nhật bản. Lớn lên, Mát-thêu Kohioye đã gia nhập Dòng Đa-minh. Từ năm 1632, Thầy Mát-thêu Kohioye luôn đồng hành cùng Cha Lu-ca Alfons Gorda trong hoạt động truyền giáo của Ngài. Vào năm 1633, cùng với Cha Lu-ca Alfons Gorda, Thầy Mát-thêu Kohioye đã bị bắt giam tại Osaka. Cha Lu-ca Alfons Gorda muốn Thầy Mát-thêu Kohioye bỏ trốn trước khi những kẻ bách hại đạo kịp đến, nhưng Thầy đã tự nguyện quyết định chết cho Chúa Ki-tô. Trong nhà tù, Thầy Mát-thêu Kohioye thường xuyên bị quân lính cưỡng bức bắt phải thay đổi niềm tin của mình, nhưng Thầy nhất quyết không chối bỏ Đức Tin. Vì thế, Thầy đã bị đưa tới Nagasaki. Và ở đó, vào ngày 18 tháng tháng 10 năm 1633, cùng với Cha Lu-ca Alfons Gorda, Thầy Mát-thêu Kohioye đã bị kết án tử hình với án treo lộn đầu xuống đất. Thầy trút hơi thở cuối cùng ngay trong ngày hôm đó khi mới chỉ có 18 Xuân xanh.

 

Nhóm thứ II: Từ Tháng 10 tới tháng 11 năm 1634

 

1.Thánh Magdalena Nagasaki, Dòng Ba Thánh Augustinô và Dòng Ba Thánh Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Magdalena Nagasaki sinh vào năm 1610 tại Nagasaki, Nhật Bản. Cha mẹ của Thánh Nữ là một cặp vợ chồng Ki-tô hữu đạo hạnh, và cũng đã được hưởng phúc Tử Đạo. Được lôi cuốn bởi Ki-tô giáo, Thánh Nữ đã quyết định hiến thân để phụng sự Thiên Chúa. Không chỉ khấn giữ Đức Trinh Khiết, Thánh Nữ còn dấn thân để thực hiện các công việc của Đức Ái, cũng như đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện nữa. Trước tiên, Thánh Nữ đã gia nhập Dòng Ba Thánh Augustinô, nhưng sau đó, khi quen biết Cha Jordan Anselm – Linh mục Dòng Anh Em Thuyết Giáo – Thánh Nữ đã gia nhập Dòng Ba Thánh Đa-minh. Vào năm 1633, khi những cuộc bách hại trở nên vô cùng khốc liệt, cùng với một số Ki-tô hữu khác, Thánh Nữ đã rời bỏ Nagasaki và trốn lên núi. Sau khi Cha Jordan – người linh hướng của Thánh Nữ - bị bắt giam, Thánh Nữ đã tự nộp mình cho lính tráng và tuyên bố mình là một nữ Ki-tô hữu. Bị bắt vào tù, Thánh Nữ đã bị những tên cai ngục dùng tiền bạc để ve vãn. Chúng còn hứa rằng, sẽ trao cho Thánh Nữ một chức vụ trong xã hội. Tuy nhiên, Thánh Nữ vẫn trung thành với Đức Tin của mình. Vì thế, Thánh Nữ đã bị tra tấn rất dã man. Và sau cùng, vào ngày 14 tháng 10 năm 1634, Thánh Nữ đã bị kết án tử hình với án treo lộn đầu xuống đất, với phía dưới là một hố rác. Khi thi hành án, lính tráng vẫn để cho Thánh Nữ được mặc bộ áo dòng Thánh Đa-minh. Thánh Nữ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15 tháng 10 năm 1634. Thi thể của Thánh Nữ đã bị đốt thành tro.

 

 

2.Thánh Jordan Ansalone, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Jordan Ansalone sinh vào ngày mồng 01 tháng 11 năm 1598 tại S. Stefano Quisquina, Agrigent, Italia. Lớn lên, Ngài được gửi đến học tại trường của Dòng Đa-minh tại Ý, và sau đó, vào năm 1615, Ngài đã gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Được lấp đầy bởi lòng ước ao muốn trở thành một nhà truyền giáo, Ngài đã đi tới Tây-ban- nha với tư cách là một sinh viên. Tại đó, Ngài lại tiếp tục con đường học vấn của mình. Cuối cùng, Ngài đã lên tàu để đi tới Philippine. Ngài tới nơi vào năm 1626, và được cử đến làm việc hai năm tại Cagayan. Vào năm 1627, Ngài đi tới Manila và tại đó, Ngài được cử vào làm việc tại bệnh viện Thánh Gabriel Binondo. Vào năm 1632, cùng với Cha Gia-cô-bê Maria, Ngài được gửi tới Nhật Bản để truyền giáo. Giáo hội tại Nhật Bản lúc đó đang phải trải qua những cuộc bắt bớ vô cùng dữ dội. Dù vậy Ngài vẫn hoạt động mục vụ trong suốt hai năm, tức cho tới lúc bị bắt. Vào ngày mồng 04 tháng 08 năm 1634, Ngài đã bị áp giải tới Nagasaki. Tại đây, Ngài phải trải qua rất nhiều cuộc tra tấn khác nhau, nhưng Ngài đã thành công trong việc chống lại bất cứ nỗ lực nào muốn Ngài chối bỏ Đức Tin. Sau cùng, vào ngày 11 tháng 11 cùng năm, Ngài đã bị kết án tử hình. Khi thi hành án, người ta đã treo ngược đầu Ngài xuống đất với hố rác ở phía dưới. Ngài phải chịu đựng cảnh tra tấn này trong suốt năm sáu ngày. Vào ngày 17 tháng 11, Ngài trút hơi thở cuối cùng. Thi thể Ngài đã bị thiêu thành tro.

3.Thánh Tô-ma Hioji Rokuzayemon Nishi, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Tô-ma Hioji Rokuzayemon Nishi sinh tại Hirado, Nhật bản. Cha mẹ của Ngài là một cặp vợ chồng Ki-tô hữu tốt lành, và cũng được phúc Tử Đạo. Khi mới lên 12 tuổi, Ngài được gửi vào học trong Dòng Tên và trở thành một Giáo Lý Viên. Vào năm 1614, Ngài đã lên tàu để đi tới Manila, Philippine. Tại đó Ngài lại tiếp tục học Thần Học để trở thành Linh mục. Vào ngày 15 tháng 08 năm 1624, Ngài đã được mặc Tu Phục Dòng Đa-minh, và vào năm 1626, Ngài được lãnh nhận tác vụ Linh mục. Ngay sau khi chịu chức Linh mục, cùng với một số Tu Sĩ khác trong Dòng, Ngài đã được cử tới Formosa để hoạt động truyền giáo. Tại đây, Ngài đã thành lập nên một trạm truyền giáo, và đã làm việc ở đó suốt ba năm giữa những người Tây-ban-nha và dân bản xứ. Vào năm 1629, Ngài được cử trở về lại Nhật Bản để hoạt động truyền giáo. Lúc đó tại xứ Phù Tang, các cơn bách hại đạo và cấm cách đang diễn ra rất gắt gao. Ngài đã đến Nagasaki, nơi được cho là đang có sự bách hại đạo khốc liệt nhất tại xứ sở Hoa Anh Đào hồi đó. Ngài đã bị truy đuổi rất gắt gao bởi những tên bạo chúa. Sau cùng, vào ngày mồng 04 tháng 08 năm 1634, tức sau gần 5 năm hoạt động truyền giáo tại xứ Phù Tang, Ngài đã bị bắt giam. Người ta đã nhốt Ngài chung với Cha Jordan Ansalone. Vào ngày 11 tháng 11 năm 1634, Ngài bị dẫn độ tới Nishizaka. Tại đó, sau khi đã cúi xuống hôn đất và từ giã Cha Jordan Ansalone, Ngài đã bị người ta treo ngược, với đầu lộn xuống đất, hai chân giơ lên trời, bên dưới phía đầu Ngài là một hố rác. Ngài phải chịu đựng cực hình này tới gần sáu ngày. Vào ngày 17 tháng 11 cùng năm, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Thi thể Ngài đã bị thiêu thành than.

 

 

4.Thánh Marina Omura, Dòng Ba Thánh Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Marina Omura sinh vào đầu năm 1600 tại Omura, Nhật Bản. Thánh Nữ rất nổi tiếng về cuộc sống đức hạnh của mình, về đức ái đối với tha nhân, và về niềm hiếu khách đối với các nhà truyền giáo bị bách hại. Vào năm 1625, Thánh Nữ trở thành thành viên của Dòng Ba Thánh Đa-minh. Vì Đức Tin cũng như để thẩm tra các đức hạnh và sự trung thành với các lý tưởng của Thánh Nữ, nên người ta làm nhục Thánh Nữ bằng nhiều cách khác nhau, đến độ Thánh Nữ đã bị dẫn tới trước cư dân Omura trong tình trạng bị lột sạch hết quần áo. Mặc dù bị hành hạ và bị làm nhục như vậy nhưng Thánh Nữ vẫn giữ vững Đức Tin của mình. Vì thế, vào đầu tháng 11 năm 1634, Thánh Nữ đã bị kết án tử hình với bản án luận tội như sau. „Vì cô ta là một nữ Ki-tô hữu và đã cho các nhà truyền giáo đến ở trọ“. Sau đó Thánh Nữ bị dẫn giải từ Omura tới Nagasaki. Tại đây, vào ngày 11 tháng 11 năm 1634, người ta đã thi hành bản án tử hình dành cho Thánh Nữ. Người ta chất một đống củi lớn, và đặt Thánh Nữ lên trên đó, rồi châm lửa đốt để thiêu sống Thánh Nữ. Chứng kiến cảnh Thánh Marina Omura anh dũng đón nhận cái chết, các tín hữu đã vô cùng ngưỡng mộ, và đã coi Thánh Nữ như một tấm gương ngời sáng về một người „phụ nữ anh hùng“.

 

Nhóm thứ III: Tháng 09 năm 1637

 

1.Thánh An-tôn González, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh An-tôn González sinh tại León, Tây-ban-nha. Ngay từ khi còn là một cậu thiếu niên, Thánh Nhân đã gia nhập Chủng Viện tại León, và sau đó chuyển sang Dòng Đa-minh cũng tại León. Vào năm 1631, sau khi khấn Dòng, chịu chức Linh mục và hoạt động mục vụ rất tích cực tại Tây-ban-nha, Cha An-tôn đã lên tàu để đi tới Philippine. Sang tới nơi, Ngài được bổ nhiệm làm Giáo sư Thần Học tại Manila, và rồi được bầu làm giám đốc của học viện Thánh Thomas của Dòng Đa-minh tại đó. Hằng ngày, ngoài thời gian giảng dậy và nghiên cứu ra, Ngài đều dành thời gian còn lại để cầu nguyện. Vào tháng 06 năm 1636, Ngài được cử sang Nhật Bản để hoạt động truyền giáo. Thế là cùng với 3 Tu Sĩ khác và hai tín hữu Giáo dân, Ngài đã lên tàu và bí mật nhập cảnh đất Phù Tang. Tới xứ sở Hoa Anh Đào, Ngài đã âm thầm hoạt động mục vụ tại nhiều nơi. Tuy nhiên, ngay sau khi đến Okinawa thì Ngài đã bị bắt giam. Vào tháng 09 năm 1637, Ngài bị dẫn độ tới Nagasaki. Tại đây, ngài đã bị tra tấn rất nhiều lần với mức độ rất dã man. Sau nhiều trận đòn nhử tử, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24 tháng 09 cùng năm. Thi thể Ngài đã bị thiêu thành tro và bị đổ xuống biển.

2.Thánh Guy-lôm Courtet, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Guy-lôm Courtet với tên tiếng Pháp là Guillaume Courtet, sinh vào năm 1590 tại Sérignan Montpellier, Pháp Quốc. Cha mẹ Ngài được xếp đứng vào hàng quý tộc. Lớn lên, Ngài đã gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, và được lãnh Tu Phục của Dòng vào ngày 15 tháng 08 năm 1607 trong cộng đoàn tại Albi. Một năm sau đó, tức ngày 15 tháng 08 năm 1608, Ngài đã tuyên khấn lần đầu tại Dòng Đa-minh. Sau khi Khấn Dòng, Ngài được gửi đi học Thần Học tại Tolosa, và đã tốt nghiệp tại đó. Vào năm 1617, Ngài được thụ phong Linh mục. Sau đó, Ngài trở thành giáo sư Thần Học, và rồi trở thành Bề Trên của cộng đoàn tại Avignon. Khoảng năm 1628, Ngài tới Tây-ban-nha với chủ đích sẽ đi hoạt động truyền giáo tại Đông Phương. Sáu năm sau, tức vào năm 1634, Ngài đã có mặt tại Philippine. Ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Thần Học tại học viện Thánh Thomas của Dòng Đa-minh tại Manila. Vào năm 1636, cùng với Cha An-tôn González, Ngài được cử đi hoạt động truyền giáo tại Nhật Bản. Sang tới đất Phù Tang, Ngài đã âm thầm hoạt động truyền giáo tại nhiều nơi. Sau cùng, khi tới hoạt động tại Okinawa, Ngài đã bị bắt tại đó cùng với một số tín hữu khác. Người ta đã tra tấn Ngài bằng đủ cách với mục đích khiến Ngài chối bỏ Đức Tin. Nhưng bất chấp tất cả mọi nhục hình, Ngài vẫn trung kiên trong Đức Tin. Thậm chí Ngài còn giúp nhiều người giao hòa với Thiên Chúa sau khi họ đã chối bỏ Đức Tin vì yếu đuối. Cùng với vô vàn những cực hình phải chịu trước đó, vào ngày 27 tháng 09 năm 1637, Ngài đã bị kết án tử hình với bản án treo lộn đầu xuống đất. Tuy nhiên, các viên chức đã thay đổi cách thức thi hành án đối với Ngài, và do đó, vào ngày 29 tháng 09 cùng năm, Ngài đã bị xử tử với án trảm quyết. Thi thể Ngài đã bị đốt thành tro và bị đổ xuống biển.

3.Thánh Micae Aozaraza, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Micae Aozaraza sinh vào năm 1598 tại Oñate, Guipúzcoa, thuộc Giáo phận San Sebastián, Tây-ban-nha. Vào năm 1620, Ngài gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Vitoria, Alava, Tây-ban-nha. Ngài đã sống trong cộng đoàn Thánh Thomas tại Madrid 4 năm. Vào năm 1634, Ngài đã lên tàu để đi hoạt động truyền giáo tại Đông Phương. Ngài đã tới Philippine vào năm 1635. Ngay sau khi tới nơi, Ngài đã được cử tới làm việc tại vùng Bataan. Ngài hoạt động mục vụ ở đó trong vòng hai năm. Vào năm 1636, cùng với Cha An-tôn González, Ngài đã lên đường để đi hoạt động truyền giáo tại Nhật Bản. Khi tới nơi, Ngài đã âm thâm hoạt động tại nhiều nơi trên dất Phù Tang. Nhưng ngay khi vừa bước chân tới Okinawa thì Ngài liền bị bắt giữ. Người ta dẫn giải Ngài tới Nagasaki. Tại đó, người ta đã tra tấn Ngài với đủ mọi cực hình nhằm ép Ngài phải chối bỏ Đức Tin, nhưng Ngài vẫn trung kiên với nguyện ước được chết cho Chúa. Vào ngày 27 tháng 09 năm 1637, Ngài bị dẫn độ tới Nishizaka. Tại đây, người ta đã kết án tử hình Ngài với án treo lộn đầu xuống đất. Trong lúc chờ thi hành án, Ngài đã không ngừng cầu nguyện chung với các bạn đồng hành. Vào ngày 29 tháng 09 cùng năm, hội đồng xử án đã thay đổi cách thi hành án dành cho Ngài. Thế là Ngài đã được phúc Tử Đạo với án trảm quyết trong ngày hôm đó. Thi hài Ngài đã bị đốt thành tro và bị đổ xuống biển.

4.Thánh Vinh-sơn Shiwozuka Thánh Giá, Linh mục Dòng Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Vinh-sơn Shiwozuka Thánh Giá sinh ra tại Nhật Bản trong một gia đình Ki-tô giáo đạo hạnh. Tuy nhiên, thời gian và nơi sinh chính xác của Ngài thì không ai biết. Khi mới lên 9 tuổi, Ngài đã được gửi vào trong Dòng Tên tại Nagasaki để học. Sau đó Ngài đã trở thành một Giáo Lý viên tích cực. Vào năm 1614, sau khi Mạc Phủ Tokugawa Yeyasu ra chỉ dụ cấm đạo trên toàn xứ sở Hoa Anh Đào, Ngài đã trốn khỏi Nhật Bản và xuống tàu đi tới Philippine. Vào năm 1620, Ngài đã gia nhập Dòng Ba Thánh Phan-xi-cô tại Philippine. Sau đó Ngài được thụ phong Linh mục và được cử làm việc mục vụ giữa những người Nhật Bản tại Dilao, Manila. Vào năm 1636, Ngài đã quyết định quay trở lại xứ Phù Tang để hỗ trợ Giáo hội đang bị bách hại tại đó. Vì thế, cùng với Cha An-tôn González và một số các Tu Sĩ khác thuộc Dòng Đa-minh, Ngài đã lên tàu để đi tới xứ Hoa Anh Đào. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu chuyến hành trình, Ngài đã xin gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, và được lãnh Tu Phục của Dòng không lâu sau đó. Chuyến tàu chở Ngài cùng những Tu Sĩ khác đã cập bến tại Okinawa của xứ Phù Tang. Ngay sau khi lên bờ, tất cả phái đoàn đều bị bắt giữ. Trong thời gian bị giam trong tù tại Okinawa, Cha Vinh-sơn Shiwozuka đã tuyên hứa giữ các Lời Khấn của Dòng Đa-minh. Vào ngày 13 tháng 09 năm 1637, cùng với các bạn tù khác, Ngài bị áp giải đến Nagasaki. Tại đây, người ta đã dùng đủ mọi cực hình để tra tấn Ngài hầu làm cho Ngài phải chối bỏ Đức Tin, nhưng Ngài vẫn kiên trung đến cùng. Thấy những cực hình trước đó không đủ làm lung lạc ý chí của Ngài, người ta liền gia tăng các cực hình khác trên Ngài. Nhưng dù vậy, Ngài vẫn trung thành với Đức Tin. Không những thế, Ngài còn khuyên nhủ những ai đã trót chối bỏ Thiên Chúa hãy quay về làm hòa với Ngài. Vào ngày 27 tháng 09 cùng năm, tức hai tuần sau, Ngài lại phải chịu đựng thêm những cuộc tra tấn mới và bị dẫn giải tới Nishizaka. Vì Ngài vẫn trung kiên với Đức Tin cho đến cùng nên người ta đã kết án tử hình Ngài. Ban đầu người ta định thi hành bản án dành cho Ngài bằng cách treo lộn đầu xuống đất, nhưng sau đó người ta đã thay đổi cách thức thi hành án. Ngài được phúc Tử Đạo vào ngày 27 tháng 09 năm 1637 với án trảm quyết. Thi thể Ngài đã bị đốt thành tro và bị đổ xuống biển.

5.Thánh Lazarô Kyoto, Giáo dân:

Thánh Lazarô Kyoto sinh tại Kyoto, Nhật bản. Tuy nhiên, thời gian chính xác về ngày tháng năm sinh của Ngài thì không ai biết. Vì giữ gìn Đức Tin và cũng vì Ngài bị mắc bệnh phong cùi, nên vào năm 1632, cùng với khoảng 100 Ki-tô hữu mắc bệnh phong cùi khác, Ngài đã trốn khỏi xứ sở Hoa Anh Đào và vượt đại dương để tới Philippine. Vào năm 1636, Ngài đã gặp Cha An-tôn González. Biết được Cha An-tôn González đang có ý định đi hoạt động truyền giáo tại xứ Phù Tang, nên Ngài đã xin được đi cùng với tư cách là người dẫn đường và là thông dịch viên. Tuy nhiên, khi phái đoàn vừa cập bến tại xứ Phù Tang thì tất cả đều bị bắt. Sau khoảng một năm bị giam trong tù, Ngài đã bị dẫn giải tới Nagasaki. Tại đây, người ta đã dành cho Ngài đủ thứ tra tấn với hy vọng sẽ ép Ngài chối bỏ Đức Tin. Nghĩ rằng những hình thức trước đó không đủ sức khuất phục Thánh Nhân, người ta liền tăng thêm các hình thức tra tấn khác trên Ngài. Dẫu thế mặc lòng, Ngài vẫn trung trinh với Đức Tin của mình. Đã vậy, Ngài còn ra sức khuyên can những người đã trót chối bỏ Đức Tin vì yếu đuối, để họ quay về làm hòa với Thiên Chúa. Sau rất nhiều cực hình mà vẫn không làm thay đổi được ý chí sắt son của Ngài, vào ngày 27 tháng 09 năm 1637, người ta đã quyết định xử tử Ngài với án treo lộn đầu xuống đất. Sau hai ngày bị treo lộn đầu xuống đất như thế, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29 tháng 09 cùng năm. Thi thể Ngài đã bị đốt thành tro và bị đổ xuống biển ngay sau đó.

6.Thánh Laurentiô Ruiz, Huynh Đoàn Đa-minh, Tử Đạo:

Thánh Laurentiô Ruiz sinh vào năm 1600 tại Binondo, Manila, Philippine. Cha của Ngài là một người Phi gốc Hoa, còn mẹ của Ngài là người Phi. Cả hai đều là những Ki-tô hữu rất đạo hạnh. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngài đã là cậu giúp Lễ cho các Cha Đa-minh tại Manila. Ngài đã đến trường và trở thành một công chứng viên cũng như trở thành một nhà viết thư pháp có đẳng cấp. Sau đó Ngài gia nhập Huynh Đoàn Đa-minh Rất Thánh Mân Côi, rồi lập gia đình và sinh được hai người con trai và một người con gái. Vào năm 1636 Ngài bị người ta gán cho tội đã tham gia vào một vụ giết người, vì thế Ngài bị cảnh sát Tây-ban-nha truy lùng. Bị truy lùng gắt gao nên Ngài đã trốn khỏi Philippine và lên một chiếc tàu mà Cha An-tôn González và các bạn của Cha đang ở trên đó. Ngài liền quyết định đi theo Cha An-tôn González mà không hề biết đích đến của chuyến đi. Khi chuyến tàu này cập bến tại Okinawa của xứ Phù Tang, và ngay sau khi phái đoàn lên bờ, toàn bộ mọi thành viên đều bị bắt giam. Sau đó người ta đưa Ngài và các bạn tù khác tới Nagasaki để dẫn giải các Ngài ra trước tòa án vì các Ngài mang Đức Tin Ki-tô giáo. Khi phải trải qua những cực hình, và vì yếu đuối không thể chịu đựng được những cực hình ấy, nên có lúc Ngài đã nghĩ tới chuyện từ bỏ Đức Tin. Nhưng ngay sau đó Ngài đã phản tỉnh và bắt đầu quyết định: „Tôi là Ki-tô hữu, tôi phải chết cho Chúa. Giả như tôi có một ngàn cuộc sống thì tôi cũng dâng tất cả cho Ngài.“ Vì quyết định như thế, Ngài đã phải gánh chịu thêm rất nhiều cực hình. Sau cùng, vào ngày 27 tháng 09 năm 1637, khi thấy không còn cách nào có thể gây lung lạc được Thánh Nhân nữa, người ta đã kết án tử hình Ngài với án treo lộn đầu xuống đất. Ngài phải chịu đựng cảnh đầu bị treo ngược xuống đất như thế trong suốt hai ngày. Vào ngày 29 tháng 09 cùng năm, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Thi thể Ngài đã bị thiêu thành tro ngay sau đó, và bị đổ xuống biển. Với cái chết anh dũng như thế, Thánh Laurenxiô Ruiz trở thành người Philippine đầu tiên đã trao hiến mạng sống mình để làm chứng cho Đức Tin Ki-tô giáo.

Vào ngày 18 tháng 02 năm 1981, tất cả các vị Tử Đạo nêu trên đều được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc Chân Phúc. Và vào ngày 18 tháng 10 năm 1987, cũng chính Đức Gio-an Phao-lô II đã tôn phong các Ngài lên bậc Hiển Thánh.

 

Giáo hội mừng kính chung các Ngài vào ngày 28 tháng 09.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh