Tri Ân Và Mừng Kính Các Thánh Tổ Tiên
SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Hàng
năm cứ đến ngày này, những người con dân Việt từ khắp muôn phương cùng với Giáo
hội hoàn vũ hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại
Việt Nam. Trong hân hoan vui sướng và hãnh diện, chúng ta tôn vinh, tri ân các
ngài đồng thời hô vang : « Vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo anh hùng ».
Hôm nay chúng ta cùng nhau hướng tâm hồn lên một
cách đặc biệt để mừng kính các ngài. Nói là đặc biệt về các ngài, nên chúng ta
tạm đặt ra mấy câu hỏi cho là cơ bản, để nhờ đó chúng ta lần lượt đưa ra những
gì đã hiểu biết về các ngài, mặc dù đây chỉ là những điều nhiều người đã biết.
Trước
hết chúng ta cần xác nhận :
Hỏi : Các ngài là ai vậy?
Thưa : Các ngài là Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam,
chết vì Đạo tại Việt Nam. Ở đây, từ ngữ Đạo được hiểu theo nghĩa chặt :
Đạo Công Giáo Lamã, mà ai cũng biết rõ. Ngày nay thì Đạo Công Giáo Lamã hiện
diện khắp nơi.
Hỏi :
Các ngài là bao nhiêu?
Con số các ngài chính thức là 117 vị thánh và 1 á
thánh. Đó là những vị đã được Tòa Thánh tuyên phong rõ ràng ngày 19.6.1988. Thế nhưng, đối với chúng ta hiểu, còn có
biết bao nhiêu vị cũng đã « tử vì Đạo » tại Việt Nam mà chưa được
tuyên phong. Dù vậy, các vị cũng phải được Giáo hội Việt Nam mừng kính.
Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, có
khoảng 400.000 người bị lưu đầy và phát lưu. 130.000 người đã chết vì
đạo.
Hỏi : Các ngài thuộc những thành phần nào?
Các ngài đã là các Kitô hữu thuộc đủ mọi thành phần,
cấp bậc trong Giáo hội Công Giáo. Có 8 vị Giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân (gồm 1 chủng sinh, 16 giáo lý viên,
10 vị dòng ba Đa Minh và 1 phụ nữ) …
thuộc đủ mọi tuổi tác, hoàn cảnh sống : công chức, thương gia, công
nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v.v. Trong số đó, bao gồm cả một số nhà
truyền giáo (ngoại quốc) như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… đã đến Việt Nam truyền
Đạo và chết vì Đạo. Nói chung, cũng nhờ các vị truyền giáo này mà nhiều người
Việt Nam biết Đạo, theo Đạo, sống Đạo và chết vì Đạo nữa, lại được nhập đoàn
Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam mà chúng ta đang kính nhớ.
Nói tóm lại, đây là những chứng
nhân của Thiên Chúa, đã anh dũng hy sinh cả mạng sống tại Việt Nam để thi hành
sứ vụ Thiên Chúa trao.
Nói mạnh hơn : các ngài là
những tổ tiên anh dũng của chúng ta. Dĩ nhiên phải quả quyết : chính nhờ
các ngài mà có chúng ta và ngày nay chúng ta luôn rất hãnh diện tuyên nhận các
ngài là tổ tiên trước mặt cả thế giới.
Hôm nay, Giáo hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các ngài như
hướng về tổ tiên yêu quý. Ðọc lại tiểu sử các ngài, ta không khỏi cảm phục đức
tin kiên cường của các ngài. Vì trung thành với Chúa, các ngài đã cam chịu
thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn
ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì Đức tin.
Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan án
Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức
quyền, mất danh vọng hơn mất Đức tin. Vì Chúa, các ngài không những đã sẵn sàng
từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống.
Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia
đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với
Ðức Giêsu Kitô.
Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi
đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các ngài đã cương
quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Đức tin chân chính.
Hỏi : Tại sao các ngài chết
vì đạo ?
Thưa : Giết thì chết chứ còn sao nữa. Đây phải được coi là cơ bản của
vấn đề. Kể ra, nếu nhìn bên ngoài thôi thì đã có câu trả lời rồi : chết vì
Đạo mà ! Lúc đó một số các vua chúa ghét Đạo và cấm Đạo nên họ giết những
người có Đạo mà không chịu bỏ Đạo. Bị họ giết thì chết, dù là người Việt hay
ngoại quốc…thế nhưng, nhận xét cho đàng hoàng thì vấn đề chết vì Đạo ở đây có ý
nghĩa rất phong phú. Có thể nói tóm gọn bằng 2 từ Tin Yêu. Nhưng hai từ này bao
gồm ý nghĩa rất cao siêu mà Kitô Giáo gọi là « Thần Đức » : Đức Tin
kéo theo Đức Cậy và Đức Mến. Ba nhân đức siêu việt hơn các nhân đức khác mà ta
phải quả quyết : chỉ « người có Đạo » mới có .
Hỏi : Các ngài đã chết tử Đạo như thế
nào ?
Về các hình khổ: Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể
nghĩ ra được như:
- Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.
- Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà
đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v.
- Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức là bị chặt đầu, bị xử giảo, tức là
bị thắt cổ, hay bị thiêu sống.
- Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì, tức là phân thây ra từng
mảnh hay là xứ bá đao.
Theo loại hình phạt 79 vị bị trảm
quyết tức là bị chặt đầu. Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất. 18 vị bị
xử giảo tức là bị thắt cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị lăng trì -
tức là phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và. 1 bị bá đao.
Là người Công Giáo Việt Nam, chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào
hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp,
anh dũng của các ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các ngài : Sống
cao đẹp, chết anh dũng.
Kính lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, làm sao chúng con có thể có được cái
chết cao đẹp như các ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm Đạo, bắt Đạo, giết người
có Đạo như thời vua quan ngày xưa nữa, nên chúng con không còn hy vọng chết vì
Đạo. Xin cho chúng con biết học đòi, bắt chước các ngài trung thành với Đức tin
và sống đạo cho đến trọn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ