LINH MỤC, ĐÍCH ĐIỂM HAY KHỞI ĐIỂM ?

 

 

Câu hỏi người giáo dân thường đặt ra khi gặp tôi (nhất là lần đầu gặp gỡ) là : Thầy mấy chức rồi? Bao giờ thầy làm cha? Còn trong giới nhà tu thì có vẻ "hiểu biết vần đề" hơn nên danh từ sử dụng có khác : Thầy học năm thứ mấy triết, thần? Hoặc giả cánh nhà tu đôi khi tự nói về mình : Nếu Chúa muốn, thì tôi sẽ làm linh mục vào năm ... Những câu hỏi, những trao đổi rất chân thành đó cho chúng ta một cảm giác rằng linh mục là một đích điểm mà người ta nhắm tới. Và hệ quả là, vì đã đến đích, nên có thể dừng lại ở đó mà không cần phải cố gắng thêm nữa.

 

Thực tế cuộc sống xã hội và Giáo hội

Rõ ràng thực tế cuộc sống góp phần không nhỏ tạo nên quan niệm linh mục như là đích điểm người ta nhắm tới. Về mặt điạ vị xã hội (đặc biệt đối với xã hội đông phương), linh mục rõ ràng là một sự "thăng cấp", được sự yêu mến, kính trọng của nhiều người. Ai cũng dễ dàng chấp nhận rằng tiến tới chức linh mục là một sự thành công của một giai đoạn tu thân, tu học đầy khó khăn. Nên khi đạt tới chức linh mục thì có quyền hưởng những sự ưu đãi đặc biệt. Không ít người còn khuyên các chủng sinh rằng, hãy cố gắng chịu khó một thời gian đi...! Khuyên cố gắng tu hành thì tốt, nhưng khuyên như vừa nói có nguy cơ tạo nên một quan niệm lệch lạc về chức vụ linh mục.

Trong Giáo hội điều đó cũng mặc nhiên được xác nhận. Chúng ta đã chẳng từng xúc động nghe hát "Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng" đó sao ? Có nơi, vì thấy có điều gì đó không mấy xuôi thuận khi sánh ví linh mục với khanh tướng, trong khi linh mục là người môn đệ, người cộng tác, người theo gót Đức Kitô, mà Ngài đến "không phải là để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mt 20,28), nên đành sửa rằng "Từ bụi tro Chúa nâng con nên hàng tư tế"! Tất nhiên ngôn từ có khác nhưng cấp bậc "nâng lên" thì vẫn thế. Hơn nữa dường như khoảng cách "bụi tro" và "tư tế" có phần rõ ràng và cụ thể hơn!

Phần các tân chức, các ngài cũng ý thức được tầm quan trọng của chức linh mục, nên ngày lãnh chức linh mục đều không quên cám ơn những người đã góp công sức giúp các ngài có ngày hôm nay.

 

Tạ ơn Chúa đã cho con có ngày hôm nay

Sẽ rất hợp lí và thật tốt đẹp nếu phần tạ ơn không lấn át mất phần dự phóng cho một khởi đầu trách vụ linh mục. Tiếp theo niềm vui ngày lãnh nhận thiên chức linh mục là những lễ tạ ơn không dứt, cho chúng ta cảm giác rõ ràng hơn rằng, linh mục là đích điểm đạt được hơn là khởi điểm của một nhiệm vụ.

Sự thường trong đời sống, khi bắt đầu một công việc, một trách nhiệm, một sứ mạng, một công trình,... người ta cũng làm lễ khai trương, lễ ra quân,... để đánh dấu một vận hội mới. Tất nhiên ở đó, những hoạch định tương lai được quan tâm một cách đặc biệt. Những nhà cầm quyền các nước, đặc biệt là tổng thống hay thủ tướng của các nước phương tây, họ bắt đầu làm việc ngay sau ngày tuyên thệ nhậm chức. Nói thế để thấy rằng tùy theo ta nhìn linh mục như một khởi điểm hay đích điểm, thì chương trình hành động sẽ khác nhau.

 

Chúng ta thấy gì trong Thánh Kinh

Nhiều vị ngôn sứ cảm thấy sợ hãi trước sứ mạng nặng nề nên tìm đường thoái thác khi được kêu gọi, như trường hợp ông Mô-sê (Xh 4,10), tiên tri Giê-rê-mi-a (Gr 1,6) hay tiên tri I-sai-a (Is 6,5). Nhưng cũng có những vị mở tiệc ăn khao như trường hợp tiên tri E -li-sa (1V 19,21) hay tông đồ Mát-thêu (Mt 9,10). Đó là những bữa tiệc đáng ghi nhớ, nó đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời người được gọi : Giã từ một lối sống cũ, bắt đầu một lối sống mới, một nhiệm vụ mới, một cuộc sống mới. Tựu trung dù sợ hãi hay vui mừng, tất cả đều ý thức một điều là từ đây cuộc đời họ sẽ khác trước, sẽ bước sang một giai đoạn mới, sẽ gắn chặt với ý muốn của Đấng đã chọn gọi họ.

 

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em

Như Đức Ki-tô đã được Chúa Cha thánh hiến và sai xuống thế gian, linh mục cũng được thánh hiến và sai đi để tiếp tục sứ mạng của Đức Ki-tô trong sự cộng tác với các giám mục (cf.LG 28). Như thế linh mục luôn mang trong mình một thao thức, một hoạch định cho việc mở mang Nước Chúa, để biến muôn dân thành môn đệ Đức Ki-tô (Mt 28,19), và như vậy không thể hài lòng với thành quả đạt được trong quá khứ hay hiện tại.

Bất cứ một công việc gì cũng đòi hỏi một tìm tòi và dự tính thực hiện, nhất là đối với những việc có tính quan trọng. Sẽ không thật nghiêm túc nếu một linh mục không hoạch định cho mình một dự phóng tương lai. Phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa và nên dụng cụ đắc lực trong tay Ngài là điều tốt, nhưng thái độ an thân, thọ hưởng và ỷ lại, thì chắc chắn không phải là người tông đồ lí tưởng cho thời đại hôm nay. Vì thế chăm lo tự bồi dưỡng thường xuyên (cf.MVP 22) phải luôn là thao thức nơi người linh mục hôm nay.

Với sự hiến thánh qua bí tích Truyền chức, linh mục trở nên cộng tác viên của Đức Ki-tô, khởi đầu một trách nhiệm mới, một đời sống mới.Vinh dự đấy nhưng cũng nặng nề lắm thay. "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít" (Mt 9,37; Lc 10,2), và cùng với Đức Ki-tô thương đoàn dân tất tưởi bơ vơ như nhưng con chiên không người chăn (Mt 9,36; Mc 6,34), người linh mục lại hành lí sẵn sàng lên đường thi hành trách nhiệm chủ chăn, để cho đoàn chiên được sống và được sống dồi dào (Ga  10,10)

 

 

Nguyễn Thông Phán

Dòng Thánh Gia

4-8-2004


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà