Sự Vắng Mặt - Lời Kêu Gọi Sự Hiện Diện Của Tình Yêu

Ba điểm về Cải cách chức Linh mục trong Thời Đại dịch

 CHA GIOAN NEPIL (*)

 

“Có những khoảnh khắc bạn phải tự lánh mặt đi để học biết ý nghĩa của một điều gì đó hoặc của một ai đó đang tồn tại một mình”. 1

Những ngày đầu tiên của đại dịch hiện đã trôi qua nhiều tuần, và có thể không lâu nữa nó sẽ thành nhiều tháng. Cùng với những ngày tháng đó, một loạt các biện pháp được các nhà chức trách chính trị và giáo hội đưa ra. Những biện pháp này, mặc dù phù hợp, đã tái hiện tình trạng cuộc sống của Kitô hữu theo một kiểu hoàn toàn chưa từng có. Theo đó, các linh mục thấy mình bị mất chỗ đứng, bị tách khỏi nương tử của Chúa Kitô. Người ta cảm thấy không thể tiếp cận được dân Chúa, thậm chí dân Chúa vắng mặt, mặc dù có vẻ như vẫn còn đó các mối tương quan thông qua công nghệ. Cùng với việc các nhà xứ bị cách ly kiểm dịch, các khó khăn về tài chính sắp xẩy tới, và sự thất vọng của một đoàn ngũ giáo dân thiếu bí tích, không có gì ngạc nhiên khi nhiều linh mục ngày nay cảm thấy ngày càng chóng mặt trong ơn gọi thiêng liêng của mình.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra, giống như nhân vật Florentino trong tác phẩm Tình yêu thời ôn dịch của nhà văn Gabriel García-Márquez, phải chăng có một điều gì sâu sắc hơn cần được bộc lộ từ sự nhớ thương của vị linh mục dành cho đoàn dân Chúa đã lạc mất? Điều gì sẽ xảy ra nếu chức linh mục trong thời đại coronavirus có thể được sống như một sức mạnh thúc đẩy đổi mới? Sự thiếu vắng hoàn toàn của thừa tác vụ linh mục đã tạo ra một cơ hội nghịch lý và quan trọng nhất để suy tư sâu sắc hơn về bản chất, đặc điểm và văn hóa của chức linh mục trong thời đại chúng ta. Sự vắng mặt, trong nhãn quan Kitô giáo về cuộc sống, không bao giờ là trống không, không bao giờ là một chỗ trống; đó là một khả thể - hay như Erasmo Leiva-Merikakis đã gọi nó, là một lời yêu cầu sự hiện diện của Tình yêu.

Đại dịch hiện nay đã tạm dừng sinh hoạt giáo phận và giáo xứ. Với sự tạm dừng này là một thách thức - gạt bỏ hoạt động của chúng ta sang một bên và suy ngẫm sâu sắc hơn về bản chất của đời sống Kitô hữu. Thế thì sự cám dỗ ngược lại đó là lấp đầy những ngày này bằng một thứ chủ trương duy hoạt động mới mẻ mang tính kỹ thuật số, một chủ trương thay thế bí tích bằng công nghệ. Mặc dù thực sự có những yêu cầu mục vụ cần phải sử dụng công nghệ, nhưng nhiệm vụ của linh mục trước hết là biện phân các loại tinh thần. Và linh mục phải tự hỏi bản thân xem liệu anima techca vacua[1] có tác dụng trong giáo xứ mới được số hóa của linh mục đó hay không. Điều mà việc tạm dừng thừa tác vụ này thực sự đòi hỏi là một sự dè dặt khiêm tốn, một sự dè dặt mà một khi đã thừa nhận sự vắng mặt của đoàn dân Chúa, phát xuất từ một hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm hôn nhân nằm ở trung tâm của Giáo hội.

Sự vắng mặt tự nó có sức mạnh. Bất cứ ai cố gắng cầu nguyện sẽ sớm nhận ra điều này. Nó cũng mang ý nghĩa sống còn đối với việc cải tổ sứ vụ linh mục. Nếu nỗi sợ hãi tự phê bình đưa đẩy chúng ta vào thói mải mê làm việc, thì sức mạnh của sự vắng mặt có thể là liều thuốc giải độc. Nói cách khác, sự vắng mặt hiện tại của dân Chúa có thể là một ân huệ, chỉ cần chúng ta nhận ra đâu là không gian chúng ta thực sự cần có để tự suy ngẫm, và đâu là khoảng cách chúng ta thực sự cần có để đạt tới sự tự do đích thực. Nói tóm lại, cơ hội phụ thuộc vào khả năng chúng ta có nhận ra nhu cầu thay đổi của chúng ta hay không.

Bài viết dưới đây đưa ra ba điểm tựa: một về linh mục, một về giáo xứ, và một về chức tư tế. Những điểm tựa đó là những thành phần cốt lõi của môn thần học phê bình hy vọng một ngày nào đó sẽ được gieo trồng trong các lĩnh vực của mục vụ giáo xứ. Hiện tại, mong cho chúng không gì hơn là một thứ cỏ khô cho ngọn lửa suy tư về chính mình và cho sự tự cải tổ của các linh mục.

 

Tính thực dụng của chủ trương duy chức năng

Trong những năm sau Công đồng Vatican II, thần học về chức tư tế trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Từ chối cách hiểu biết mang tính bản thể học truyền thống, việc nghĩ chức tư tế chỉ đơn thuần là một chức năng, hoặc một loạt các hành động phục vụ Dân Chúa đã trở nên thời thượng. Một thế hệ linh mục, được thấm nhuần bởi chủ nghĩa duy chức năng này, đã diễn giải lại đời sống linh mục của họ chỉ dựa theo hành động chứ không phải dựa trên hiện hữu. Tất cả mọi thứ đã được xem xét lại theo cách này, từ trang phục của linh mục cho đến sự hiện diện phụng vụ. Nó dẫn đến một sự phi thánh hóa triệt để đời sống và chức vụ linh mục, những ảnh hưởng của nó chúng ta vẫn đang trải nghiệm.

Trong thời đại của chúng ta, theo lý thuyết, dường như hầu hết các giám mục và linh mục từ bỏ tầm nhìn thần học về chức tư tế . Nhưng điều đập vào mắt nhất lại là cách thức chủ nghĩa duy chức năng vẫn tồn tại và tồn tại tốt đẹp như thế nào, trong thực tế. Mặc dù nhiều giám mục và linh mục tốt lành và trung tín vẫn hiểu bản thân mình phải phù hợp với Chúa Kitô theo nghĩa bản thể học, nhưng tâm thế cơ bản trong việc các linh mục và các giáo phận của chúng ta ra quyết định vẫn chủ yếu mang tính duy chức năng. Nói cách khác, chúng ta nói với các linh mục rằng các ngài là linh thánh, nhưng sau đó chúng ta giảm trừ các ngài xuống chỉ còn là các chức năng.

Hành vi đầu tiên của chủ nghĩa duy chức năng là xác định căn tính của linh mục về mặt giáo hội học chứ không phải về mặt Kitô học. 2 Xét về mặt thực tế, điều này có nghĩa là linh mục hiểu mình trước hết trong tương quan với giáo xứ, chứ không phải trong tương quan với Chúa Kitô. Một lần nữa, sự thực dụng của chủ nghĩa duy chức năng sẽ coi nhẹ cách nhìn truyền thống về chức linh mục mà lại chủ yếu đòi hỏi quan tâm đến giáo xứ. Điều cần phải được xác nhận lại một cách thực tế, đó là tính hơn hẳn của linh mục như một thực tại Kitô học. Phẩm giá và giá trị của linh mục không nằm ở những gì linh mục làm, nhưng ở những gì linh mục là – đó là một thực tại mang tính bí tích được đặt nền tảng trong một cấu hình bản thể học. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được một linh đạo linh mục đích thực nếu bản thể luận này về sự thánh hiến và về sứ vụ không được tái khẳng định một cách mạnh mẽ trong thực hành thừa tác vụ nơi giáo xứ.

Khi một linh mục được cởi trói khỏi nền tảng siêu hình của mình, các chiều kích cá nhân, tương quan và chiêm nghiệm trong cuộc sống của linh mục bắt đầu biến mất. Và từ điều này dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng “cuộc sống của chúng ta trở nên ngập đầy những thứ  hoạt động đơn thuần, những chuyện giải quyết các vấn đề xã hội và con người, với cái giá phải trả là quên mất diakonia[2] độc nhất mà, với tư cách là các tư tế của Chúa Kitô, chỉ một mình chúng ta mới có thể cống hiến, vì hạnh phúc siêu nhiên, hạnh phúc cuối cùng của con người”. 3

Đưa bản thể học bí tích quay trở lại với sự thực hành thừa tác vụ linh mục là công việc tái đào tạo. Nếu, như Yves Congar đã nói, một môi trường luôn mang tính giáo dục, thì một môi trường linh mục đích thực chính là đáp trả phù hợp nhất đối với cơ chế lỗi thời của những ai chủ trương duy chức năng. Bởi vì môi trường này “hình thành một tinh thần nhất định trong chúng ta, hay đúng hơn nó hình thành nên chúng ta, bắt đầu từ những phản ứng cơ bản nhất của chúng ta, và hướng dẫn chúng ta theo một hướng xác định.” 4 Vì môi trường mang tính đào luyện ở mức độ hữu thể, cho nên hành động của hữu thể chỉ ở mức độ thứ hai. Do đó, một môi trường có tính bản thể học, tập trung vào mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, là chìa khoá để điều chỉnh lại các thực hành thừa tác cho bản thân linh mục.

 

Giáo xứ mang tính hướng tâm

Hans Urs von Balthasar đã phân biệt Giáo Hội với giáo đường Do Thái bằng cách mượn hai từ của Ngài Isaac Newton. “Giáo hội,” ông viết, “về cơ bản là một cộng đoàn ly tâm (tách rời nhau, như nó vốn có, chính xác trong những gì hợp nhất Giáo hội, theo lời mời gọi truyền giáo của Chúa Kitô), trái ngược với hội đường, nơi luôn luôn như ngày nay (ở Israel). là một cộng đồng hướng tâm và chỉ là người truyền giáo per accidens[3]”5. Đối với ông, bản chất của cả hai bắt nguồn từ chuyển động độc đáo của chính, xét về mặt thần học, được coi là sứ vụ. Hội đường Do thái, đang trong thời kỳ mong chờ, có tính chất hướng tâm và về cơ bản là quay vào bên trong. Giáo hội, được thiết lập hoàn toàn bởi sứ vụ của Chúa Kitô, có tính ly tâm, liên tục rời xa chính mình và đi vào thế giới.

Tương tự, chúng ta có thể áp dụng sự khác biệt này cho giáo xứ ở Mỹ. Như hầu hết các linh mục có thể chứng thực, các giáo xứ luôn vận động. Câu hỏi đặt ra là chúng thuộc loại chuyển động nào - hướng tâm hay ly tâm. Chúng được tạo ra để ly tâm nhưng thường lại là hướng tâm, ít quan tâm đến sứ vụ và tự cho mình là trung tâm. Chủ nghĩa tiêu dùng của người Mỹ, khi khoác trang phục tôn giáo, tìm kiếm giáo xứ hướng tâm. Và các khía cạnh của điều này đã được thể hiện qua các biện pháp đại dịch gần đây. Nếu kinh nghiệm của người Công giáo về đức tin là “lãnh nhận các bí tích”, thì Giáo hội “hiện đang ngừng kinh doanh”. Với tâm thế này, chúng ta có thể kết luận rằng khi hướng tâm, giáo xứ không chỉ mất đi sứ vụ, mà còn mất đi căn tính thật của mình. Chắc chắn, một giai đoạn không có bí tích là một tình trạng nghiêm trọng và phi tự nhiên, vì cũng như Giáo hội làm nên Bí tích Thánh Thể thế nào, thì Bí tích Thánh Thể cũng làm nên Giáo hội như vậy. Nhưng Giáo hội tồn tại trong nhân loại, không phải trong các tòa nhà. Và Giáo Hội tồn tại không phải cho bản thân, mà là cho thế giới.

Giáo xứ hướng tâm là phá hoại cuộc đời của một linh mục. Nếu tất cả các lực đều hướng vào trong, thì bản thân linh mục đứng ở tâm của một lực trọng trường ồ ạt. Càng ngày, những yêu cầu càng chồng chất lên linh mục và chỉ riêng linh mục - theo thời gian, trở thành một hố đen thừa tác. Và khi linh mục càng tìm cách phân bổ lại trọng lực này bằng cách thuê thêm nhân viên, lực hấp dẫn đó lại càng đổ ập xuống linh mục. Có lẽ sự vắng mặt thể lý của linh mục gây ra một sự tan vỡ ảo tưởng về sự cứu rỗi, của cả linh mục và giáo dân; điều đó cùng với việc nhận ra sự không cần thiết của cá nhân linh mục, chúng ta bắt gặp lại sự cần thiết phải có chức tư tế của Chúa Kitô sống động tại trung tâm của Giáo hội. Đại dịch coronavirus có thể là thứ lôi kéo cả linh mục và giáo dân ra khỏi sức mạnh hướng tâm của giáo xứ để đi vào sự ly tâm thực sự trong sứ vụ của Chúa. 6

Quần đảo các linh mục.

Không ai là một hòn đảo - ngoại trừ vị linh mục đương thời của giáo phận. Linh mục ấy sẽ trở thành một hòn đảo, đồng thời có thể tự cung tự cấp và tự phát triển. Sau một cuộc sống huynh đệ bền chặt trong chủng viện, linh mục được gửi đến giáo xứ mình như đến một hòn đảo, để phục vụ mà không có những thứ cần thiết cơ bản của con người. Những hòn đảo này, là một phần của cảnh quan giáo phận rộng lớn, tạo nên một quần đảo các tư tế - một tập hợp các vùng đất độc lập của giáo xứ giữa vùng biển của công nghệ trần tục không tưởng của chúng ta. Mặc dù nhiều linh mục vẫn sống sót cùng với sự tồn tại của thứ quần đảo này (một số thậm chí còn phát triển mạnh), nhưng có nhiều người cảm thấy điều đó không chỉ là không đáng mong muốn mà còn là không thể sống nổi.

Nếu cuộc sống đại dịch tăng cường trải nghiệm phi nhân tính về quần đảo linh mục, thì chúng ta có thể bắt đầu hình dung lại xã hội linh mục của mình trên cơ sở nào? Một cách tiếp cận được tìm thấy trong tiên đề triết học của Jacques Maritain: "Cá nhân là vì xã hội, nhưng xã hội là vì con người." 7 Một chuyển động ba lần, câu hỏi của cá nhân được trả lời trong xã hội, cũng như câu hỏi của xã hội được trả lời nơi con người. Ở đây, tư tưởng của Maritain đưa chúng ta đến bờ vực của thần học Kitô giáo, một lần nữa thể hiện vị trí trung tâm của cá vị được tạo ra dành riêng cho sự hiệp thông. Với sự tinh tế theo kiểu vừa cái này- vừa cái kia của người Công giáo, Maritain không đánh mất con người đối với xã hội, cũng như xã hội đối với cá nhân.

Logic này áp dụng cho chức linh mục như sau: cá nhân linh mục tồn tại cho xã hội linh mục, và xã hội linh mục tồn tại cho con người linh mục. Nếu đời sống linh mục của chúng ta không được sống như một cuộc đào sâu về nhân tính và cá vị, thì chất văn hóa linh mục của chúng ta bị cắt xén và dị dạng. Nếu không có bộ khung của Maritain, đời sống giáo phận chỉ có thể được trải nghiệm theo một trong hai cách: như một thứ chủ trương duy cá nhân phi cá vị hoặc một chủ trương duy tập thể phi cá nhân . 8 Đó là chủ trương biệt lập các quần đảo hoặc là chủ trương nghiệp đoàn của các kiến ​​trúc thượng tầng của giáo phận. Phản ứng đích thực đối với mọi tai tiếng, mọi tầm thường hoặc mọi bất ổn khác của giáo sĩ luôn được kết nối với một chủ trương cá nhân hóa linh mục được đổi mới. Đồng thời vừa là Ba ngôi và vừa là Kitô học, cách tiếp cận theo cách cá nhân hóa này phải đi trước và chi phối tất cả các đòi buộc mang tính hành chính (và vâng, thậm chí là các đòi buộc mang tính thừa tác vụ nữa!). Vì nếu khái niệm về con người là một ân huệ đặc biệt của sự mặc khải Kitô giáo, thì hơn nữa, tính cá vị linh mục phải được sống cùng với “phẩm giá của. . . một tia sáng phát ra từ thần học Ba Ngôi và Kitô học.” 9

Nhưng tái cấu trúc một quần đảo xã hội chỉ là một nửa công việc. Trước đó, đòi hỏi phải có một điều gì đó gian nan hơn: đó là mỗi linh mục phải chính mình giao phó (và thậm chí chịu mất đi) cá tính linh mục riêng mình vì linh mục đoàn. Ý chúng tôi muốn nói ở đây không phải là đánh mất đi cá vị, mà là tước bỏ tính cá nhân - một nhiệm vụ chỉ có thể hoàn thành thông qua các lời khuyên Phúc âm. Đơn thuần phàn nàn rằng cung cách sống của linh mục đang phi cá nhân hóa thì không bao giờ ích lợi gì; chúng ta phải từ bỏ quyền tự chủ tự tôn của mình và đón nhận ân huệ sâu sắc hơn về bản thân trong sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Sự mất mát tính cá nhân linh mục cần đi trước sự sụp đổ của quần đảo linh mục; và chỉ khi cùng làm với nhau, chúng ta mới có thể nuôi dưỡng một cung cách sống thực sự dành cho con người cá vị linh mục.

 

Kết luận: Siêu hình học về Cải tổ chức Linh mục

Ý nghĩa của sự vắng mặt tìm thấy vị trí thần học nguyên thủy của nó trong sự Nhập thể cứu chuộc của Thiên Chúa làm người. Chỉ một mình Chúa Giêsu mặc khải bản chất tương quan thực sự của tình yêu, một bản chất tồn tại trong sự cân bằng vĩnh cửu giữa tính gần gũi và sự cách biệt trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Hoàn hảo trong sự đơn nhất và không thể tổn thương nơi chính mình, nhưng Thiên Chúa lại hạ mình tự hủy bước xuống cõi thụ tạo, đó là một sự hạ mình bước xuống và đi vào trong cảnh giới của sự khuất mặt. Con người, được tạo ra với tư cách là một người có tương quan, lại đánh mất đi cảm thức quân bình, cảm thức về cân bằng giữa tính gần gũi và sự cách biệt. Đối với con người, tình yêu chỉ là sự dữ dội của cảm xúc, mối tương quan mang tính cảm xúc, căn tính đầy vị kỷ.

Sự quân bình của con người được phục hồi trong tình yêu của Chúa Kitô, như một điều gì đó trong tương quan Ba Ngôi của Ngài, đến chống đỡ cho kinh nghiệm khuất mặt của con người. Đối với sự cân bằng giữa tính gần gũi và sự cách biệt của con người, chúng không chỉ được phục hồi, mà còn được mở rộng; vì trọng tâm của đời sống Kitô hữu nằm trong sự mở rộng triệt để của tình yêu trong ân sủng. Chân lý này được chắt lọc thích hợp trong điều răn không thể tưởng tượng được của Chúa Giê-su, đó là yêu thương kẻ thù của mình. Như Erasmo Leiva-Merikakis nhận xét:

Đổ tình cảm vào hố đen có nghĩa gì? Không phải là bám víu vào thứ tình yêu không được đáp lại - hay tệ hơn nữa là thứ tình yêu làm tổn thương chúng ta - là đặc quyền của kẻ điên đó sao? Tình yêu thương của con người tự bao bọc trong một hệ thống gọn gàng “bảo toàn năng lượng”, nơi không có gì mất đi vì không có gì thu được. Yêu theo kiểu này là chấp nhận theo quan điểm thận trọng, quan điểm của khán giả về các mối tương quan của con người, trong đó thành công phụ thuộc vào việc sao cho tránh được rủi ro nhiều nhất có thể. . . . Tình yêu, giống như mưa rơi và ánh nắng, phát xuất từ một hạt nhân có độ đậm đặc tối đa đến những vùng tối tăm và khô cằn. Sự khuất mặt là một lời kêu gọi sự hiện diện và thăm hỏi của Tình yêu. 10

Đại dịch mang đến một cơ hội duy nhất để các linh mục tự suy tư về bản thân một cách siêu hình. Như Dermot Power đã từng lưu ý, “Sự vắng mặt của tính thực dụng. . . cho phép chúng ta đối mặt với mức độ hiện hữu của linh mục với tư cách là một con người”.11 Nói cách khác, các câu hỏi siêu hình sẽ nảy sinh khi không còn các mối quan tâm đến thực dụng nữa. Việc thực hành chủ trương duy chức năng, giáo xứ hướng tâm và quần đảo linh mục chỉ là ba ví dụ về những điều này. Có nhiều ví dụ khác, giống như những ví dụ này, đã được cảm nghiệm, đó là sự thiếu thốn, sự thử thách, và thậm chí đôi khi, là việc lực bất tòng tâm. Nhưng có thể còn nhiều hơn thế. Những điều ấy có thể được coi như là sự khuất mặt, và theo nghĩa đó, được coi như lời kêu gọi mới mẻ sự hiện diện của Tình yêu.

 

Ghi chú:

1. A. Bloom, Bắt đầu cầu nguyện, Paulist Press, New York 1970, 12.

2. T. McGovern, Bản sắc tư tế: Nghiên cứu thần học về chức tư tế, Wipf và Nhà xuất bản chứng khoán, Eugene 2010, 11.

3. McGovern, Nhân dạng linh mục , 95.

4. Y. Congar, Ý nghĩa của Truyền thống, Nhà xuất bản Ignatius, San Francisco 2004, 24.

5. HU von Balthasar, Những khám phá trong thần học, Quyển II: Người phối ngẫu của Lời, Nhà xuất bản Ignatius, San Francisco 1991, 141.

6. Về vấn đề này, một dòng được cho là của Thánh Gioan Vianney có tính hướng dẫn: “Ne cherchez pas à plaire à tout le monde. Ne cherchez pas à plaire à quelques-uns. Cherchez à plaire à Dieu, aux Anges, aux Saints. Voilà votre public (Đừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy cố gắng làm hài lòng Chúa, các thiên thần và các vị thánh. Họ là công chúng của bạn). 

7. Bản tóm tắt của J. Maritain, Con người và Công ích , Chương 4: Con người và Xã hội, của HU von Balthasar, “Về khái niệm con người,” trong Khám phá trong Thần học, Quyển 5: Con người được Tạo ra , Nhà xuất bản Ignatius, San Francisco 2014, 114.

8. Cf. Von Balthasar, Explorations V, 123: “Lịch sử hiện nay cung cấp bằng chứng đủ rõ ràng rằng bất cứ ai từ chối Kitô giáo này, hoặc ít nhất là Kinh thánh, tầm nhìn (trong thần học hoặc triết học), hoặc là chủ nghĩa tập thể phi nhân tính hoặc chủ nghĩa cá nhân phi nhân bản như nhau ( cuối cùng cả hai có xu hướng hội  tụ). ”

9. Von Balthasar, Khám phá V, 115-116.

10. E. Leiva-Merikakis, Ngọn lửa của lòng thương xót, Trái tim của Lời: Suy niệm về Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, Tập 1 (Chương 1-11), Ignatius Press, San Francisco 1996, 240.

11. D. Quyền lực, “Chức Tư Tế và Các Cố Vấn Tin Mừng, trong Communio (1996) XXIII, 700.

Về Cha Gioan Nepil



(*) Cha Gioan Nepil là một linh mục của giáo phận Denver, Colorado và là thành viên của hiệp hội linh mục Đồng hành của Chúa Kitô. Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ thần học tín lý tại Đại học Giáo hoàng Santa Croce ở Rôma, ngài hiện là thành viên của khoa đào tạo và học thuật của Chủng viện Thần học Thánh Gioan Vianney ở Denver.

https://www.hprweb.com/2020/04/absence-the-appeal-for-loves-presence/

 

Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.



[1] ND: tinh thần kỹ thuật trống không.

[2] ND: chức năng phục vụ

[3] ND: tình cờ


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung