Ngày 1 tháng 11

Lễ Các Thánh Nam Nữ

Giặt áo mình trong Máu Chiên Con (Kh 7,2-4.9-14; 1Yn 3,1-3; Mt 5,1-12a)

 

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

Suy Niệm:

Ngày 1 Tháng 11 Lễ Các Thánh Nam Nữ

(Kh 7,2-4.9-14; 1Yn 3,1-3; Mt 5,1-12a)

Việc dùng một ngày để kính nhớ chung mọi thánh đã khởi sự từ thế kỷ IV. Dĩ nhiên thời đó người ta mới chỉ nói đến các thánh tử đạo. Thoạt đầu người ta mừng vào ngày Chúa nhật đầu tiên sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, coi đó là kết quả của việc các Tông đồ được sai đi giảng đạo. Ở Rôma ngày lễ ấy lúc đầu được cử hành vào ngày 13/5 - ngày cung hiến điện Pantheon, tức là điện chư thần của dân ngoại, thành một vương cung thánh đường - Thay vào chỗ các tượng thần của các dân tộc mà đoàn quân chiến thắng Lamã đã đem về Rôma, người ta kiệu xương các Tử đạo về đó để tôn kính. Ðiện Pantheon, trở thành nhà thờ các Tử đạo và ngày thay đổi ấy trở thành ngày lễ các Tử đạo. Về sau vì lý do hành hương muốn tạo điều kiện dễ dàng cho các khách ở xa, Rôma đã dời lễ đó vào ngày 1 tháng 11. Và thay vì kính riêng các Tử đạo, người ta mừng chung tất cả các thánh nam nữ.

Dù sao, ngày nay mừng lễ này vào khoảng cuối năm Phụng vụ cũng là điều hợp lý: các thánh không phải là kết quả của Lịch sử ơn cứu độ sao? Kế hoạch của Thiên Chúa khởi sự từ mùa Vọng phải đưa chúng ta tới thiên cung đầy các thánh, để chúng ta tham dự Tiệc cưới của Chiên Con... Và như vậy, việc chọn sách Khải huyền làm bài đọc I hôm nay cũng là điều dễ hiểu.

A. Thế Giới Của Các Thánh

Yoan được thị kiến. Ông thấy trời mở ra. Và này ông thấy bốn thần sứ đang ở tứ phương giữa bốn luồng gió lại; chờ lệnh thả ra quét sạch mặt đất. Nhưng rồi lại có một thần sứ khác hiện ra ở phương Ðông, tay cầm ấn ngọc của Thiên Chúa, bảo bốn thần sứ kia rằng: không được thả gió ra cho tới khi người đóng ấn xong vào trán các kẻ được chọn.

Bằng những lời mạc khải trên, Yoan ngụ ý muốn nói rằng: mặt đất này có ngày sẽ bị quét sạch. Nhưng trước khi ngày ấy xảy đến, thần sứ của Chúa sẽ làm việc để chọn những người được cứu độ. Người sẽ ghi ấn tích của Thiên Chúa trên trán họ như ngày xưa người ta quen đóng ấn trên trán những người nô lệ. Và như thế, những người được chọn chính là những người tôi tớ của Thiên Chúa. Còn ấn tín kia, chúng ta có thể hiểu là ấn tín của phép Rửa làm cho người ta thuộc về Thiên Chúa và trở nên Dân Thánh của Người. Thế nên, cho đến ngày chung thẩm, lịch sử loài người chỉ có một nhiệm vụ: đào tạo những tôi tớ Thiên Chúa, tập họp những kẻ được chọn hoàn thành số các thánh nam nữ ở trên trời.

Theo Yoan, con số này lớn lắm, nên phải là con số "tròn", con số lý tưởng. Ông tựa vào số 12 chi tộc Israel ngày mới thành lập nơi sa mạc. Ông nhân con số đó với 1,000 để bảo mỗi chi tộc kia phải lớn thêm mãi hầu phủ đầy mặt đất. 12 chi tộc phát triển như vậy để làm thành Dân Chúa, đến nỗi vào ngày chung thẩm, ngày có Tiệc cưới Chiên Con, không ai còn có sức đếm được nữa. Khi ấy sẽ đủ mọi dân tộc, đủ mọi tiếng nói, đủ mọi nền văn minh. Thế giới các thánh thật đông đúc, thật phong phú, thật ngoạn mục! Tất cả đều mặc áo trắng dài, áo của thầy tư tế, chứng tỏ toàn Dân Thánh của Chúa là dân tư tế, dân linh mục. Tay họ cầm cành vạn tuế. Có lẽ không phải là cành lá chiến thắng và tử đạo đâu; nhưng là cành lá của dân Do Thái khi dự lễ "Trại".

Chúng ta biết dân Israel vẫn cử hành lễ "Trại" vào mùa thu, khi gặt hái xong. Thoạt đầu đó là một lễ nông nghiệp. Người ta đóng trại bằng những cành cây ở ngoài đồng nho khi nho chín để canh giữ và làm việc. Ðời sống bất thường ấy, ở giữa một khung cảnh thiên nhiên và trong niềm hân hoan hái trái nho chính, làm cho người ta sung sướng như trong ngày lễ. Về sau, gán cho ngày ấy một ý nghĩa tôn giáo và cử hành trong đền thờ, người ta nhớ tới thời Dân Chúa đã "cắm trại" nơi sa mạc... Và thế là lễ ấy trở thành "lễ tập họp Dân"; Dân cầm lá đến, tung hô hát xướng khi kiệu nước từ suối Siloam lên đổ trên tế vật đặt trên bàn thờ. Chính Ðức Yêsu đã tham dự lễ này. Và Người tuyên bố mình có nước hằng sống của Thánh Thần để ban cho kẻ tin Người. Và câu chúc tụng trong bài Khải huyền hôm nay cũng lấy lại lời tung hô trong lễ Trại. Như vậy rõ ràng thánh Yoan muốn dùng hình ảnh lễ này để gợi lên cộng đoàn phụng vụ các thánh ở trên trời.

Các người là Dân đông đảo của Thiên Chúa. Là dân toàn thiện, phát xuất từ 12 chi tộc Israel nhưng sẽ bao trùm toàn thể mọi dân tộc. Ðó là Dân đã được đóng ấn bằng phép Rửa, và là Dân tư tế. Cộng đồng Dân thánh ấy được triệu tập đến trước tòa Chúa có Chiên Con đứng đàng trước, để cử hành phụng vụ tạ ơn, tung hô các công cuộc kỳ diệu của Thiên Chúa và của Chiên Con.

Lập tức các thiên thần, các trưởng lão và bốn con vật đã đứng sẵn ở chung quanh ngai tòa Thiên Chúa, liền sấp mình thờ lạy. Thánh Yoan không muốn nói dài về các chi tiết này. Người ta có thể đưa ra những ý kiến khác nhau về các nhân vật kia. Nhưng tất cả đều đồng ý rằng ở đây thánh Yoan chỉ muốn nói đến thụ tạo, tức là thế giới tạo vật có thiên thần, loài người và động vật. Và ý của người là: tuy tạo vật vẫn thờ phượng Chúa, nhưng phải chờ đến khi có phụng vụ của các thánh và của Dân thánh Chúa, thì những lời tung hô thờ lạy của tạo vật mới được hoàn toàn. Tạo vật đang chờ đợi ngày xuất hiện của con cái Thiên Chúa để niềm hân hoan của chúng được trọn vẹn. "Phụng vụ tự nhiên" phải chờ đợi phụng vụ của các thánh để được phong phú. Thế giới các thánh sẽ hoàn thành thế giới tạo vật vậy.

Nhưng làm thế nào để có thế giới các thánh đó? Các thánh đó được đào tạo từ đâu? Các người từ đâu đến? Thưa họ đều đến từ đau khổ lớn lao, từ mặt đất nhiều thử thách. Họ đã giặt áo cho trắng ở trong Máu Chiên, tức là đã phải đi qua mầu nhiệm thập giá Ðức Kitô để có áo ân sủng và tư tế. Chính cuộc sống kết hợp với Ðức Kitô đã tôi luyện họ thành những tâm hồn trong trắng thánh thiện. Và như vậy họ thật là các Tử đạo và là các thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Phụng vụ không thể dùng đoạn Thánh Kinh nào thích hợp hơn để giúp chúng ta hiểu về thế giới các thánh. Nhưng khi dừng lại ở điểm nói về nguồn gốc của các ngài, phụng vụ lại muốn đưa chúng ta trở về thế giới ở mặt đất này, để xem chúng ta phải làm gì hầu mai ngày đạt tới quê hương các thánh.

B. Tin Mừng Cho Những Người Muốn Vào Nước Trời

Chúng ta không gặp khó khăn nào khi muốn biết con đường dẫn đến thế giới các thánh. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Ðức Yêsu đang dạy dỗ những ai muốn vào Nước Trời. Người trèo lên núi để có thể đứng trên nơi cao nói với tất cả các dân tộc và các thời đại. Các môn đồ ngồi ở gần Người để cho mọi người thấy phải trở thành môn đệ. Người lên tiếng một cách trịnh trọng khi dùng lối văn khôn ngoan của thời bấy giờ, bắt đầu bằng hai chữ "phúc thay" hay "phúc cho", để nói rằng ai muốn được hạnh phúc trường cửu phải nghe theo lời Người.

Rồi theo thánh Matthêô, Người kể ra tám hạng người hạnh phúc, vì câu hạnh phúc thứ chín cũng chỉ nói về hạng người bị bắt bớ như câu thứ tám, nhưng ở thể văn cụ thể và trực tiếp hơn. Ðứng đầu tám hạng người được phúc là những người nghèo khó, mà Matthêô gọi là những người có lòng nghèo khó hoặc nghèo khó thật ở trong lòng hoặc có tinh thần nghèo khó. Người muốn chúng ta hiểu rằng: đây không phải là vấn đề nghèo khó về của cải, nhưng là nghèo khó tại lòng mình và nơi tâm hồn, thấy mình cô thế cô phương, không biết cậy dựa vào đâu trong cuộc đời đầy những thiếu thốn bất lực và hiểm nguy về mọi mặt, đến nỗi chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa cứu độ. Chính họ là những người khao khát Thiên Chúa hơn hết, vì họ thấy mình nghèo nàn, hèn mọn hoàn toàn. Họ không có gì để tựa hoặc không thấy gì đáng tựa trong cuộc đời đầy phấn đấu nên đặt tất cả tin tưởng vào Chúa. Họ là những người nghèo khó ở trước mặt Chúa. Họ là "dân nghèo của Yavê" như từ ngữ Kinh Thánh thường nói.

Tổ phụ của họ là Abraham, một người đã từ bỏ tất cả những sự đáng cậy dựa ở đời này để trở thành con người vô gia cư, vô địa táng, lang thang hết nơi này qua nơi khác, gặp rất nhiều khó khăn phấn đấu, nhưng đặt tất cả niềm tin vào Lời Chúa và sống từng ngày, từng phút tựa vào sự quan phòng của Chúa. Chính ông đã được hứa ban có đất làm gia nghiệp, có xứ sở làm quê hương, thì những người nghèo khó của Yavê cũng sẽ được Nước Trời làm sản nghiệp.

Chúng ta tưởng danh từ Nước Trời không cụ thể như hứa địa đã được dành cho Abraham. Nhưng nếu chúng ta biết rằng quan niệm Nước Trời đã bắt nguồn từ quan niệm Hứa địa và đã được các thế hệ tiên tri làm thêm phong phú, thì chúng ta phải hiểu rằng trong quan niệm Nước Trời có tất cả mọi lời hứa dành cho Abraham và cho tất cả Dân Chúa trải qua mọi thời đại. Nước Trời là danh từ tổng quát gồm hết thảy mọi sự lành mà Thiên Chúa có thể ban cho loài người và cuối cùng là chính sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa. Nếu thế thì phúc thật thứ I này đã bao hàm 7 mối phúc thật sau, khiến chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản như thế này:

* Con người hiền lành ở phúc thứ II là con người khó nghèo bình tĩnh trước lối sống phù vân của người khác vì vẫn tin tưởng vào Chúa. Họ nghèo nhưng vẫn êm ái đang khi kẻ giàu lại hay nổi nóng. Họ được hứa sẽ có đất làm cơ nghiệp. Như vậy họ thật là người nghèo khó.

* Con người ưu phiền khóc lóc cũng vậy. Họ được hứa sẽ được an ủi, khiến chúng ta phải khẳng định họ là thành phần những người đang chờ đợi sự "an ủi của Israel". Ðó là những người nghèo bị bóc lột trong dân, những người thấp cổ bé họng bị oan ức, là toàn Dân Chúa trong cảnh lưu đày, là những người đang trông chờ ơn cứu độ. Nói tắt họ cũng là những người nghèo của Ðức Yavê.

* Con người đói khát mà Ðức Yêsu bảo sẽ được no đầy, thoạt tiên là con người thiếu ăn thiếu mặc. Họ sẽ được no đầy ở trong bàn tiệc Nước Trời. Và như vậy họ cũng là những con người nghèo khó. Nhưng khi thánh Matthêô viết bản Phúc Âm này, người thấy Chúa Yêsu đã mở tiệc trong Hội Thánh rồi. Kẻ muốn được no đầy trong bàn tiệc của Chúa phải có sự thánh thiện, công chính. Do đó thánh Matthêô đã thêm hai chữ "công chính" vào sau chữ "đói khát" để hàm ý rằng người nghèo của Ðức Yavê là người phải lấy việc đói khát sự công chính thánh thiện làm cơ sở. Nhưng dù đói khát thứ gì người ta cũng là thành phần nghèo khó.

* Và khi có kinh nghiệm về nếp sống khó nghèo, người ta mới dễ có lòng thương xót; và có xót thương kẻ khác người ta mới được Chúa xót thương. Phúc thật thứ V vì thế cũng chỉ dành cho người có căn bản nghèo khó.

* Chúng ta biết Do thái giáo ngày xưa chú trọng nhiều đến vấn đề sạch và không sạch. Nhưng ai chú trọng đến vấn đề ấy, nếu không phải là hạng giàu sang, trưởng giả; như tục ngữ viết: phú quý sinh lễ nghĩa. Các tiên tri cực lực phản đối thứ lễ nghĩa này và hô hào phải có sự trong sạch đạo đức trong lòng mới được xem thấy Chúa, tức là được vào Ðền thờ để xem thấy Người, tức là được vào Nước Chúa vậy. Do đó câu phúc thật thứ VI cũng phản đối kẻ giàu sang, và đề cao kẻ khó nghèo.

* Người nghèo khó lại là người hay bị bóc lội, bắt bớ; nên phúc thật thứ VIII cũng dành cho họ. Thánh Matthêô trong cả bài Tin Mừng hôm nay muốn nhấn mạnh đến tính cách tinh thần đạo đức của người nghèo khó, nên ở đây người cũng nói đến kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, tức là vì Chúa, vì Ðức Kitô và giáo lý của Người. Nhưng ai bị bóc lột một cách bất công mà không phải là nạn nhân của sức mạnh thù địch với Thiên Chúa là Ðấng công chính? Họ trở nên nghèo khó; và như vậy họ được hứa ban Nước Trời.

C. Nối Liền Ðất Với Trời

Chúng ta hết thảy đều là những thành phần nghèo khó. Chúa Yêsu đã rao giảng Tin Mừng của Người cho chúng ta. Người hứa ban các phúc thật cho chúng ta. Chúng ta cứ ngồi yên như thế này rồi sẽ được hạnh phúc sao?

Chắc chắn không thể như vậy! Thế nên thánh Matthêô đã muốn giúp đỡ các tín hữu là những thành phần khó nghèo biết sống thân phận của mình thế nào cho được phúc. Người thêm chữ "tinh thần" vào câu "phúc cho người nghèo khó" và viết: "phúc cho người có tinh thần (hay có lòng) nghèo khó" để nhấn mạnh rằng người ta phải có tinh thần những người nghèo của Ðức Yavê. Ðó là tinh thần của những người thiếu thốn, đau khổ, bị bắt bớ mà vẫn không mất niềm tin, không trở nên gây hấn, không bớt tình người. Ngược lại, vì tin tưởng ở Chúa và tuân giữ Lời Người, họ luôn hòa dịu, xót thương và gieo rắc bình an. Thái độ nhân đạo hoàn toàn của họ tựa vào niềm tin đạo đức sâu xa. Nó đòi hỏi một nhân cách mạnh mẽ. Và vì thế nó cũng chỉ có thể gặp được ở nơi những tâm hồn cương nghị, không bao giờ chịu khuất phục trước bất công bóc lột.

Cứ xem các tiên tri của Chúa thì rõ. Các ngài thuộc thành phần những người nghèo của Ðức Yavê hơn ai hết. Nhưng ai mạnh mẽ chống bất công bóc lột bằng các ngài. Ngay lúc chết, và chính cái chết của các ngài cũng còn nói lên tinh thần ấy. Và đó là tinh thần của những người nghèo của Ðức Yavê, tinh thần của những người đã thấm đầy Thần trí của Thiên Chúa. Cương quyết tiêu diệt sự dữ cho đến cùng, mặc dầu biết mình yếu đuối nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, đó là tinh thần nghèo khó Phúc Âm. Ði vào con đường ấy là giặt áo mình trong Máu Chiên Con, tức là phó sự sống mình trong mầu nhiệm phấn đấu của Chúa Kitô, và như vậy sẽ đạt tới thế giới các thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay.

Sống cuộc đời như chúng ta vừa nói có thể không xuất sắc. Nhưng lời thư Yoan hôm nay viết khi nào đến lúc tỏ hiện thì bấy giờ mới rõ được hết nếp sống của con cái Chúa. Bấy giờ mới thấy hàng ngũ những người nghèo của Ðức Yavê như là hàng ngũ những chiến sĩ vô danh. Hôm nay Hội Thánh tưởng niệm họ và kêu gọi chúng ta hãy nối liền đất với trời bằng nếp sống theo tinh thần nghèo khó Phúc Âm.

Chúng ta hãy tham dự thánh lễ này như được vây quanh bởi hàng ngũ đông đảo các thánh. Các ngài không những hiện diện với chúng ta hôm nay ở nơi bàn thờ này, nhưng còn muốn ở bên chúng ta hầu thôi thúc chúng ta hãy cùng với các ngài tham dự vào Tiệc của Chiên Con. Các ngài đã giặt áo mình trong Máu Chiên Con, tức là đã đi vào đường lối của Ðức Kitô tử nạn - phục sinh, thể hiện hình ảnh người tôi tớ khó nghèo của Thiên Chúa. Các ngài khuyến khích chúng ta luôn giữ tinh thần nghèo khó nhưng phải phấn đấu không ngừng chống sự dữ nơi đời sống của mình. Có như vậy áo của chúng ta mới được giặt trong Máu Chiên Con và trở nên trắng sạch hầu được nhập đoàn cùng các thánh nam nữ trong Nước Trời vinh phúc.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Mục Lục