Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời
Hiệp thông với cộng đồng các
tín hữu Chúa
(Ys 25,6-9; 1C 15,51-67; Yn
6,51-59)
Phúc Âm: Yn 6, 51-59
"Thịt
Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn
bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế
gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao
ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu
nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con
Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn
thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại
ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt
Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng
hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ
sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn
manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Suy Niệm:
Ngày 2
Tháng 11 Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời
(Ys
25,6-9; 1C 15,51-67; Yn 6,51-59)
Là việc rất hợp
lý, khi chúng ta mừng lễ các thánh ở trên trời ngày hôm qua, thì ngày hôm nay
chúng ta lại kính nhớ các linh hồn ở trong luyện ngục. Ðó có thể nói chỉ là hai
mặt của một mầu nhiệm, mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Chúng ta tin rằng
tất cả những ai đã an nghỉ trong Chúa vẫn còn hiệp thông với cộng đồng các tín
hữu Chúa đang sống ở đời này. Hết thảy mọi người còn liên kết với Ðức Yêsu, thì
cho dù họ chết hay họ sống, họ vẫn ở trong Thân Thể mầu nhiệm của Người. Và vì
thế họ vẫn liên hệ với nhau như các tế bào và bộ phận trong cùng một thân thể.
Mầu nhiệm hiệp
thông này, cộng đồng Dân Chúa không bao giờ muốn quên. Ðặc biệt mỗi khi họp
nhau cử hành phụng vụ, những người sống vẫn nhớ đến những anh em đã ra đi trước
về đời sau. Trong số những người này, theo quan niệm thông thường, một phần giờ
đây đang ở trên Thiên quốc, tức là đã xứng đáng ở trước mặt Chúa, diện đối
diện; phần còn lại đang chờ được tinh luyện thêm để đáng được chiêm ngưỡng
Thánh Nhan Chúa mà không phải hổ ngươi.
Người ta phân chia
ra như vậy căn cứ vào lòng tin đánh giá rất cao sự thánh thiện của Thiên Chúa
và sự yếu đuối của con người trong cuộc sống ở trần gian này. Nhưng chẳng ai có
thể biết tỷ lệ giữa hai thành phần như thế nào. Chỉ biết đang khi Lời Chúa mạc
khải về số các thánh trên trời thì nhiều không thể đếm được, chẳng có mạc khải
nào về số các tín hữu ở trong luyện ngục. Ðó có thể là một điều phấn khởi cho
chúng ta mỗi khi nghĩ đến số phận anh em đã ra đi trước chúng ta về đời sau. Hơn
nữa, chúng ta còn có những bài sách Thánh như Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay
cho phép chúng ta nghĩ về thế giới các linh hồn với lòng đầy tin tưởng.
A. Chúa Sẽ
Tế Ðộ
Thật vậy, ngay
Isaia cũng đã rao giảng cho Dân Chúa một niềm tin vô cùng phấn khởi. Có lẽ bấy
giờ ông chỉ thấy Yêrusalem tiêu điều tang tóc vì bị quân thù tàn phá. Ông đã
nói lên những lời tiên tri của Chúa để Dân đang khóc lóc tin tưởng vào Ðấng có
thể tế độ. Ông nhìn thấy Chúa sẽ thết muôn dân một tiệc linh đình trên núi
Sion. Các nước sẽ đổ về. Tiệc đầy cao lương. Rượu hãm từ lâu. Không còn thấy ưu
sầu tang tóc nữa. Mọi người được lau sạch nước mắt. Dân Người hết mọi tủi nhục.
Và đặc biệt nhất chính tử thần cũng bị vùi đi.
Như đã nói, có lẽ
lúc đầu Isaia chỉ muốn đem lại cho con cái Yêrusalem một niềm tin vào sự thay
đổi vận mạng trong một tương lai gần. Nhưng Thánh Thần đã đưa tâm trí ông đi
thật xa và đã hướng dẫn tư tưởng ông về thời cánh chung, ông không nói riêng về
vận mạng Yêrusalem nữa; nhưng đã nhìn thấy tương lai cuối cùng của moị dân tộc.
Chúa sẽ ngự xuống trên Núi Thánh của Người để tế độ mọi dân nước. Người làm như
một hoàng đế lớn mở tiệc đãi muôn dân thiên hạ, vì chính Người đã giơ tay gỡ đi
cái khăn liệm phủ khắp muôn dân và cái màn sô đan khắp các nước, đã từng che
mắt con người khi còn sống và phủ lên thân thể họ khi đã chết. Người sẽ vùi dập
tử thần, là kẻ thù cuối cùng của con người. Người sẽ ban lại cho nhân loại nhục
nhã và khóc lóc vì tội lỗi, vẻ mặt hân hoan sáng sủa của dân được cứu độ.
Viễn tượng ấy thật
là táo bạo. Người ta không thể nghĩ ra được. Ðó thật là mạc khải của Chúa. Người
cho chúng ta thấy lòng thương bao la của Người. Và cả quyền năng cao cả của
Người nữa, vì không oai hùng và kỳ diệu sau khi vùi dập được tử thần, nhấc được
khăn tang che khắp mặt đất, làm cho nhân loại khóc than, tủi hổ được hân hoan
tươi sáng? Chắc chắn Isaia có thể tin như vậy là vì ông biết Chúa là Ðấng tín
thành sẽ giữ mọi lời giao ước. Ngay từ ngày gọi Abraham, Người đã chẳng hứa sẽ
chúc phúc cho dòng dõi của ông và muôn dân thiên hạ sao? Quang cảnh thời cánh
chung mà Isaia mô tả trong bài sách hôm nay đã tựa vào Lời Chúa và vào chính
Người. Thế nên ông đã kết thúc bằng những câu:
"Trong ngày
ấy, người ta sẽ nói: này đây Thiên Chúa của ta; chính nơi Người, ta trông
cậy... Ta hãy hân hoan sung sướng trong ơn tế độ của Người".
Tuy nhiên, đối với
chúng ta hiện nay, niềm tin vào hạnh phúc mai ngày còn có những cơ sở rõ ràng
và chắc chắn hơn nữa, mà bài Tin Mừng hôm nay là một. Chúng ta hãy nghe Lời
Chúa theo tác giả Yoan.
B. Người
Ta Sẽ Ðược Sống Ðời Ðời
Theo mạch văn, hôm
ấy Ðức Yêsu đang nói với người Do Thái về Bánh hằng sống... Họ đã đến tìm Người
vì hôm trước thấy phép lạ Người nuôi mấy ngàn dân với 5 cái bánh và 2 con cá. Người
bảo họ hãy tìm kiếm Bánh hằng sống chứ đừng chỉ lo có bánh ăn vào rồi lại đói. Họ
xin Người giới thiệu thứ Bánh ban sự sống muôn đời đó. Và Người đã làm cho họ
hiểu: Bánh đó là chính Người đã được Chúa Cha sai đến trần gian. Người đã nói
lời hằng sống cho họ. Họ hãy tin và giữ Lời Người để được sống muôn đời.
Nhưng Bánh hằng
sống cũng còn là chính Người nơi mầu nhiệm Thịt và Máu Người... Ðó là điều
Người muốn tuyên bố trong đoạn Tin Mừng Yoan hôm nay.
Ðối với chúng ta
đã có đức tin, những lời này thật là sáng sủa. Nhưng đối với người Do Thái thời
bấy giờ và người chưa có đức tin ngày nay, đó là những lời rất sống sượng. Ai
mà chấp nhận được? Trước hết, ai có thể lấy thịt máu mình cho người khác ăn? Họa
chăng chỉ có nơi những bộ lạc man rợ ăn thịt người. Và cho dù có như vậy đi
nữa, thì kết quả cũng chẳng thể nào có sự sống đời đời.
Thế nên, ở đây Ðức
Yêsu đã không nói theo nghĩa đen. Chẳng bao giờ Người nghĩ đến chuyện có thể
đem máu thịt trong thân thể hữu hình của Người cho người ta làm của ăn và của
uống. Tuy nhiên khi nói như vậy, Người đã chắc chắn sẽ ban Thịt Máu của Người
cho người ta. Và Người đã làm điều đó trong cuộc tử nạn. Người đã nộp mình và
đổ máu ra vì phần rỗi của mọi người.
Cụ thể, việc ấy đã
xảy ra một lần trong lịch sử, bởi vì Ðức Yêsu chỉ có một thân thể hữu hình
thôi. Thân thể thịt máu ấy, Người đã ban cho nhân loại khi chấp nhận chịu nộp
trong tay lý hình để chúng làm cho Người phải đổ máu ra cho đến giọt cuối cùng.
Nhưng vì là Thiên Chúa, Người còn làm được việc mà chẳng con người nào có khả
năng làm. Người có thể làm cho việc ban Thịt và Máu cho loài người vượt ra khỏi
khuôn khổ thời gian và không gian.
Quả vậy, chiều tối
trước ngày chịu nạn, Người đã ngồi bàn ăn với môn đệ. Và trong bữa ăn này Người
đã cầm lấy bánh rượu đưa cho môn đệ và bảo họ hãy cầm lấy mà ăn mà uống vì đó
là Mình và Máu Người sẽ bị nộp và sẽ đổ ra vì phần rỗi của loài người. Lúc ấy,
Lời Người nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay mới rõ ràng. Người ta mới thấy làm
sao Người có thể ban Thịt và Máu Người làm của ăn của uống. Và bí tích Thánh
Thể này ban sự sống, vì Mình Máu Chúa ban nơi đây là để chịu nộp và đổ ra trong
mầu nhiệm Thánh giá vì phần rỗi của loài người.
Chúng ta tin như vậy và không cần giải
thích thêm. Chúng ta chỉ cần lưu ý một điểm: Chúa đã ban Thịt Máu Người không
những cho người ta được sống, sống sự sống Thiên Chúa, mà còn cho được sống đời
đời, là sống mãi mãi; không phải sống sự sống trần gian nhưng là sự sống vĩnh
cửu của Thiên Chúa. Chính tư cách trường sinh này làm cho "Bánh hằng
sống" của Chúa ban khác với mọi lương thực khác, kể cả manna mà người Do
Thái đã được ăn nơi sa mạc, vì những kẻ ăn manna cũng đã chết; nhưng những
người ăn Bánh của Chúa sẽ được sống muôn đời. Và để khẳng định rõ hơn, Người đã
nói: Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết; nghĩa là Mình-Máu Chúa không
giữ người ta trong sự sống ở đời này, mà chỉ đảm bảo sự sống đời đời của họ.
Hiện nay sự sống ấy còn bị che giấu trong thân xác của họ, nhưng khi xác đất
vật hèn này đã bỏ sự hư nát đi, sự sống ấy sẽ tỏ hiện và tồn tại muôn đời.
Ðó là niềm tin của
chúng ta. Nó củng cố và giải thích niềm tin của Isaia cũng như của mọi người
công chính. Ai ai cũng muốn sự sống đời đời và hạnh phúc trường sinh. Nhưng
phải đợi Chúa Yêsu đến đem lại bảo chứng cho lòng trông đợi của người ta. Người
thí mạng sống mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết. Việc phục sinh của Người
làm chứng Thiên Chúa đã vùi dập tử thần và cất nhắc chiếc khăn tang trùm trên
các nước. Người ban Thịt Máu Người cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể để chúng
ta được sự sống đời đời ngay từ bây giờ. Chúng ta hãy đón nhận, giữ lấy và phát
triển cho đến ngày đi vào cõi trường sinh. Bao giờ và thế nào?
Chúng ta hãy nghe
lời thư Phaolô.
C. Anh Em
Hãy Ở Kiên Vững
Các người Corinthô
nói riêng và mọi tín hữu thời thánh Tông đồ nói chung đã có niềm tin như chúng
ta. Họ tin rằng Lời Chúa hứa ban sự sống đời đời cho mọi kẻ ăn Thịt và uống Máu
Người. Nhưng nhiều tín hữu của Chúa đã qua đời. Những người đang sống cũng sẽ
chết nếu Chúa không mau trở lại vùi dập tử thần đang đe dọa đời sống con người.
Phải hiểu Lời Chúa hứa làm sao?
Thú thật, thánh
Phaolô bấy giờ cũng có lúc tưởng Ngày Chúa đến không còn xa. Về sau ngài không
nghĩ như vậy nữa. Nhưng ngay từ đầu, ngài đã khẳng định không ai có thể đi vào
sự sống đời đời với cái thân xác hư nát hiện nay. Nó phải biến đổi. Thân xác
những anh em tín hữu đã qua đời đang biến đổi rồi. Thân xác những người đang
sống mà gặp Ngày Chúa đến cũng sẽ biến đổi. Nó phải bỏ sự hư hoại để mặc lấy sự
bất tử. Chúng ta không hiểu được sự biến đổi này thế nào. Nhưng chắc chắn sẽ có
sự trường sinh, vì "nọc của sự chết là tội, mãnh lực của tội là Lề
luật"; thế mà tạ ơn Thiên Chúa, Người đã ban cho chúng ta toàn thắng tất
cả nhờ Ðức Yêsu Kitô. Chính Người đã giải thoát chúng ta khỏi Luật pháp, cứu
chuộc ta khỏi tội lỗi, và toàn thắng sự chết cho chúng ta trong mầu nhiệm tử
nạn - phục sinh. Thế nên ở nơi Người, chúng ta có sự sống đời đời - Người thông
ban cho chúng ta nơi Bí tích Mình Máu Người. Chúng ta hãy kiên vững!
Lời khuyên này an
ủi chúng ta ngày hôm nay khi nhớ đến các tín hữu đã qua đời. Chúng ta không
chắc chắn về số phận cụ thể của họ bây giờ như thế nào. Nhiều người lại là thân
bằng quyến thuộc của chúng ta. Nhưng chúng ta có niềm tin. Chúng ta tin vào Lời
Chúa hứa ngay từ thời các tổ phụ Dothái, mà bài sách Isaia hôm nay còn nhắc
lại. Ðặc biệt chúng ta tin vào Lời Chúa Yêsu Kitô. Các anh em tín hữu của chúng
ta đã tin theo Chúa và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể là Bánh ban sự sống đời đời,
thì chúng ta tin họ đang chờ ngày sống lại, trong ngày sau hết. Và khi tin như
vậy, chúng ta thấy rõ nghĩa vụ hiện nay của mình; vừa phải năng chịu lấy Mình
Máu Thánh Chúa cho mình, vừa phải cậy trông Bí tích tử nạn - phục sinh có sức
tế độ các linh hồn đã qua đời. Nhất là chúng ta phải chứng tỏ sức mạnh của Lời
Chúa và của Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận bằng nếp sống phù hợp
hơn với mầu nhiệm thánh giá cứu độ của Chúa Yêsu Kitô. Chính khi có nếp sống
như vậy mà nghĩ đến các tín hữu đã qua đời để dâng lễ và cầu nguyện cho họ, thì
chúng ta chắc chắn Chúa sẽ cất khăn tang đang phủ trên họ và lau sạch nước mắt
cho họ để họ được mừng rỡ trong ánh sáng của sự sống trường sinh.
Với những tâm tình
như vậy, chúng ta hôm nay hãy dâng lễ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,
đặc biệt cho bà con quyến thuộc và bằng hữu của chúng ta.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)